Phát hiện xác đôi sư tử 12.000 năm còn nguyên vẹn
Dưới lớp băng nghìn năm của Siberia, xác đôi sư tử hang động con vẫn nguyên vẹn như khi còn sống với đầy đủ lông, da và cơ quan nội tạng.
Sư tử hang động con vẫn giữ nguyên lớp lông bao phủ bên ngoài
sau 12.000 năm nằm dưới lớp băng. Ảnh: Siberian Times.
Fox News đưa tin, các nhà khoa học công bố xác hai sư tử hang động con nguyên vẹn ở Nga hôm 17/11. Chúng được phát hiện dưới lớp băng ở Yakutia vào cuối mùa hè. Đây là lần đầu tiên con người nhìn thấy loài vật tuyệt chủng này trong hơn 10.000 năm.
To bằng những con mèo nuôi trong nhà, đôi sư tử hang động con có tên Uyan và Dina, đặt theo nơi tìm thấy ở khu vực sông Uyandina. Mô mềm của hai con vật được bảo quản tốt tới mức các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Nga tin rằng việc nhân bản hoàn toàn khả thi. Họ đang tập trung xem xét cơ quan nội tạng và AND thuộc sư tử con nhằm tìm hiểu nguồn gốc của chúng.
Theo các nhà nghiên cứu, mẹ của đôi sư tử con đặt chúng vào trong hố nhằm mục đích bảo vệ, nhưng một vụ sạt lở đất đã che phủ miệng hố. Khu vực vẫn giữ nguyên hiện trạng từ sau đó, cho đến khi sông Uyandina đột ngột vận động, hé lộ những vết nứt ở lớp băng. Một người dân địa phương tên Yakov Androsov bắt gặp thấu kính băng chứa hai con sư tử.
"Thông thường, tất cả những gì chúng tôi tìm thấy là bộ xương, nếu may mắn chúng vẫn còn lưu lại chút collagen. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng tìm thấy phân thú, nhưng việc phát hiện xác động vật tuyệt chủng suốt 12.000 năm với bộ da và cơ quan nội tạng còn nguyên vẹn thật khó tin", Julie Meachen, chuyên gia xử lý hóa thạch tại Đại học Des Moines, Mỹ, chia sẻ.
Sư tử hang động được nhận dạng lần đầu tiên năm 1810. Chúng sống cách đây khoảng 10.000 - 300.000 năm. Các nhà khoa học chưa biết rõ số lượng của loài này cũng như chúng có thuộc giống hổ châu Phi hay không. Với phát hiện này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể khám phá những bí ẩn về sư tử hang động và kỷ Băng hà.
Phương Hoa