VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình

    avatar
    Khách viếng thăm
    Khách viếng thăm


    Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình Empty Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình

    Bài gửi by Khách viếng thăm Wed Oct 14, 2015 3:49 am

    Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình


    Lời nguyền phải bảo vệ hai bãi “cua trinh nữ”, không sẽ bị báo oán chỉ là lời răn dạy của các cụ đối với con cháu để bảo vệ loài cua độc nhất vô nhị này.


    Khi nào bắt đủ bữa ăn, họ phải quay về, nếu tham lam sẽ gặp tai họa. Nhiều người nơi khác lân la đến thuê người làng câu “cua trinh nữ” để mua với giá cao nhưng không ai dám vượt qua “lời nguyền” đó.


    Loài cua độc nhất vô nhị


    Người làng Vâng (xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Lạc Sơn, Hòa Bình) ai cũng khẳng định giống cua kỳ lạ chỉ sống ở làng mình. “Tôi đố anh tìm được nơi nào trên dải đất hình chữ S này có loài cua mà mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa, thậm chí khi đun sôi cũng không biến sắc như cua làng Vâng”, một lão nông trong làng tự hào nói.


    Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình 5ez8ko

    Loài cua độc nhất vô nhị chỉ xuất hiện ở xã Ngọc Sơn.


    Tìm đến xã Ngọc Sơn, hỏi thăm về loại cua đặc biệt này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng kể tường tận về “lịch sử” của loài “cua trinh nữ”. Theo người dân làng Vâng, thường thì trong một năm, tháng Ba, tháng Tư mới là thời cơ “vàng” để những người tò mò mục sở thị cua lạ.


    Thoáng chút thất vọng, nhưng theo chỉ dẫn của một số người dân Ngọc Sơn, chúng tôi vẫn tìm đến nhà anh Bùi Văn Mao (SN 1967, ở xóm Cha, xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn), người được mệnh danh “cần thủ” số một của vùng đất xứ Mường này. Do suốt ngày lặn lội chốn thâm u, người dân nơi đây còn gọi anh với cái tên “người rừng”.


    Giải bí ẩn ''cua trinh nữ'' báo oán ở Hòa Bình Giai-bi-an-cua-trinh-nu-bao-oan-o-hoa-binh-hinh-2

    “Người rừng” khoe con cua trinh nữ mà anh đã câu được.


    Ở mảnh đất Lạc Sơn, khi hỏi đến cái tên Mao, người dân biết ngay đến tài nghệ câu cua điệu nghệ. Hơn 40 tuổi, nhưng tay nghề bắt cua của anh khiến ngay cả những người quanh năm suốt tháng làm bạn với chiếc chum, vó phải thán phục.

    Ngôi nhà sàn của gia đình anh Mao nằm trên một ngọn đồi. Phải rất vất vả, chúng tôi mới đến được chỗ ở của người đàn ông này.

    Gặp phóng viên, anh niềm nở đón tiếp và nói về loại cua “độc nhất vô nhị” trên quê hương mình. Anh Mao cho biết: “Đối với loài cua này, mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa. Chính vì thế, người ta gọi là “cua trinh nữ”.


    Ở Ngọc Sơn, chỉ có ba nơi “cua trinh nữ” xuất hiện đó là rừng Bẩy Mý, rừng Bà Già và Bãi Nhạ. Còn lại, quanh nơi dân cư sinh sống thỉnh thoảng cũng xuất hiện, nhưng số lượng không nhiều”.


    Cũng theo người đàn ông này, “cua trinh nữ” sống tập trung ở những nơi khô cằn, không hề có sông suối hay gần nguồn nước. Nơi ở của chúng là những cái hang to, có thể luồn cả cánh tay vào được, thường thì những hang này sâu 1 - 2m, nhưng có hang sâu đến 3 - 4m.

    Vào tháng Ba hoặc tháng Tư, người dân mới rầm rộ đi bắt chúng. Bởi thời điểm này, cua chui ra khỏi hang rất nhiều. Khác với cua bình thường, muốn bắt “cua trinh nữ" phải dùng biện pháp câu. Thông thường, con to nhất cũng chỉ nặng chừng một lạng.


    Anh Mao cho biết thêm, việc câu “cua trinh nữ” khá đơn giản, chỉ cần một cành cây để nhử chúng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa tin tưởng, anh Mao lập tức ngỏ ý sẵn sàng dẫn phóng viên đi mục sở thị tài bắt cua của mình.


    Trước khi đi, anh Mao cười nói với chúng tôi rằng, mùa này tháng Tám nắng nóng nên bắt cua không dễ như hồi tháng Ba. Nói rồi, anh Mao thay bộ quần áo màu xanh, dẫn chúng tôi ra Bãi Nhạ, nơi mà người đàn ông này khẳng định có rất nhiều loại cua đặc biệt sinh sống.


    Trên đường đi, anh Mao giải thích: “Chỉ cần phát hiện ra hang là có thể bắt được loại cua lạ này. Đứng trước hang, mình sẽ dùng cành cây để câu chúng. Nghĩa là, nhìn cành cây rung rung, “cua trinh nữ” sẽ tưởng có con vật khác xâm phạm lãnh thổ của mình. Ngay lập tức, chúng bò ra khiêu chiến. Khi đó mình chỉ cần thò tay ra là bắt được ngay. Một điều lý thú ở loài cua này là khi nó đã ra khỏi hang thì mình dụ nó đến đâu, nó sẽ bò theo đến đó”.


    Theo chân “người rừng” vào chốn thâm sơn


    Theo chân anh Mao, chúng tôi đến cuối rừng Bà Già, nơi được coi là một trong những vựa “cua trinh nữ” của xã Ngọc Sơn. Vừa ra đến nơi, anh đã chỉ cho chúng tôi từng khu vực có nhiều cua trú ngụ. Ở đây có bao nhiêu hang, hốc, anh Mao đều nhớ rõ.


    Đi vào được một đoạn, khi đến gần một cửa hang nhỏ bằng cổ tay, sâu hun hút, anh Mao quay lại nói với PV: “Giống cua này vốn sợ người nên các chú cứ đứng ở đây, đến gần quá, tiếng bước chân động là nó sợ, không ra đâu”. Nghe anh nói vậy, chúng tôi lặng lẽ đứng từ xa quan sát. Cách hang “cua trinh nữ” khoảng 10m, người viết vẫn có thể tận mắt chứng kiến tài nghệ bắt cua của “người rừng”.


    Tiếp đó, anh Mao cầm trên tay cành cây làm mồi nhử, nhẹ nhàng bước đến cửa hang, nơi ẩn náu của “cua trinh nữ”. Tay anh cầm cành cây, liên tục đưa đi đưa lại trên miệng hang. Khoảng 5 phút sau, chúng tôi mới thấy một chú cua bò ra. Anh Mao tiếp tục nhử cua ra khỏi hang, vừa ra khỏi hang cách chừng 10cm, anh nhanh tay vồ lấy con cua đang cố chạy trốn.


    Chúng tôi thắc mắc, nếu không có nước thì làm sao mà cua có thể sống được, anh Mao giải thích: “Theo tôi đoán thì loài cua này đào hang sâu đến tận nơi có mạch nước ngầm. “Cua trinh nữ” ăn tạp lắm. Từ giun, dế, côn trùng và cả rong rêu nữa”. Tận mắt nhìn thấy anh Mao bắt “cua trinh nữ”, bao hoài nghi của chúng tôi trước đó đã được giải đáp.


    Anh Mao tiếp tục rón rén vén những luồng cây rậm rạp để tìm những chiếc hang cua mà từ lâu anh đã định vị được trong đầu. Bình thường, anh chỉ mất khoảng 5 phút để có thể bắt được một con cua, nhưng có hang phải nhử đến 15 – 20 phút, cua mới chịu ra.

    Anh Mao bật mí, nếu muốn câu được nhiều cua trinh nữ, người dân địa phương thường chọn những hôm trời mưa, hang bị ngập nước. Khi đó, cua ngộp thở nên bò lên kiếm ăn rất nhiều.


    Mùa hè, chúng thường ít ra ngoài, còn mùa đông, chúng lấp miệng hang ngủ nên không ai đi câu cả. Thời điểm thích hợp nhất là vào mùa xuân. Nói rồi anh Mao lại tiếp tục thể hiện tài nghệ của mình. Thấy trời nắng to, chúng tôi đánh ý nói với anh ra về. Anh Mao đi lại một lúc, bắt thêm được vài con nữa rồi mới chịu về. Vừa về đến nhà, anh cười lớn bảo: “Với số cua hôm nay bắt được, tôi sẽ cho nhà báo thưởng thức vài món ra trò”.


    Được biết, gần đây liên tục xuất hiện tin đồn có người ăn “cua trinh nữ” bị ngộ độc đến tử vong. Chính vì thế, người đi bắt loài cua lạ giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ai biết cái tin đồn quái ác kia xuất phát từ đâu nhưng nó khiến người dân trong vùng cũng ngại.


    Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Dương, nguyên Chủ tịch xã Ngọc Sơn cho biết, việc ăn cua bị ngộ độc chết người chỉ là những lời đồn đoán không có cơ sở. Loại cua trắng ở đây hoàn toàn không có độc. Thực tế, người dân ở đây thỉnh thoảng vẫn bắt cua về ăn và chưa thấy ai có biểu hiện ngộ độc cả. Loại cua trắng hay còn gọi là “cua trinh nữ”, nó gần như cua đồng.


    Ngày trước, loại cua này nhiều lắm. Bây giờ, một phần do người bắt nhiều, phần nữa do ô nhiễm nên chúng ít dần. Ngoài loại “cua trinh nữ”, ở vùng đất Ngọc Sơn này còn có cua đá sống trên núi.


    Cũng theo ông Dương, câu chuyện về cua “báo oán” chỉ là lời răn dạy của các cụ đối với con cháu. Do nhiều người đánh bắt quá nhiều để đem đi bán nên họ mới đưa ra câu chuyện đó để bảo tồn loài cua “độc nhất vô nhị này”.


    Phải cùng nhau bảo tồn cua quý hiếm


    Ông Bùi Văn Dương cũng cho biết thêm, trước đây, người dân trong xã Ngọc Sơn đi bắt cua ồ ạt khiến số lượng chúng suy giảm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền với bà con rằng, loại cua này rất đặc biệt, không phải vùng đất nào cũng có. Nó là “đặc sản” nơi đây nên người dân phải cùng nhau bảo tồn.



    PV (Người Đưa Tin)/Theo Khỏe & Đẹp

      Hôm nay: Fri Nov 15, 2024 1:44 pm