Chuyện tù cải tạo nhiều người muốn biết
Tác Giả: Trần Văn
LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI VIẾT:
Hơn 38 năm đối với đời người quả thật dài. Những vui buồn của ngày tháng cũ trong ký ức theo thời gian dài phải bị xóa nhòa, nhưng, đối với những người chiến sĩ QLVNCH bị gác súng tức tưởi mà kẻ thù chụp cho cái mũ có nhiều “nợ máu với nhân dân và cách mạng”, chúng trả thù và hành hạ thật ác độc, đê hèn, làm sao quên được?
Tháng 6 năm 1976, Ban Quân Quản Sài Gòn ra lệnh gom hết những người gọi là có nhiều nợ máu vào đợt “học tập cải tạo” đầu tiên, sĩ quan cao cấp từ tá đến tướng. Bên chính quyền với những vị công cử đầu não cùng với các vị dân cử trong Quốc Hội, Hội Đồng Tỉnh; các giới chức lãnh đạo các đảng phái chính trị và các tu sĩ có thành tích chống cộng…Sau đó chúng lùa hết quân cán chính VNCH vào rọ. Trại tù cải tạo được thiết lập trên khắp lãnh thổ từ miền cuối Việt Cà Mau đến tận vùng cực bắc Lào Cai, Sơn La..., và cả nước là một nhà tù khổng lồ. Đây quả là một giai đọan lịch sử bi thảm nhất trong hơn 4 ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Chuyện Tù Cải Tạo Nhiều Người Muốn Biết mà tôi đang viết sẽ phát hành vào năm tới, nhằm phơi bày và vạch trần tội ác của chế độc cộng sản Việt Nam đối với quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị “ngã ngựa” kể từ ngày 30.4.1975. Dưới đây, tóm lược bối cảnh các trại tù mà Trần Văn đã từng trải qua: Thành Ông Năm (Hóc Môn), Suối Máu (Biên Hòa), Sơn La (Bắc Việt), Hồng Ca - Yên Bái (Bắc Việt), Tân Lập - Vĩnh Phú (các trại gọi là K - 2 - 1 - 4 - 3 - Bắc Việt), Z30D - Hàm Tân (Bình Tuy - Rừng Lá - Miền Nam VN)).
Nhân Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tổ chức ở Dallas – Texas từ 3 đến 5 tháng 10 năm 2008. Cá nhân tôi và trên 4 - 5000 người ở khắp nơi Hoa Kỳ & Canada hội tụ vê đây cùng tham dự 3 ngày đại hội do Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ tổ chức. Đây là đại hội cựu tù nhân quy tụ đông đảo nhất cựu tù ở hải ngoại, đánh dấu sự thành công to lớn dù có người hô hào chống đối tẩy chay.
Xin mời quý độc giả đọc và suy gẫm, thế hệ chúng tôi phải làm gì để quên quá khứ bi thảm nhất trong cuộc đời của mình…?
NHỮNG NGÀY ĐẦU VÀO TÙ: TRƯỜNG TRUNG HỌC PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Theo thông báo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam từ ngày 30.4.75, theo lời cộng sản nói, những thành phần "có nhiều nợ máu" phải trình diện 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6 năm 1975 (tôi có thể nhớ sai ngày dương lịch), nhưng, chắc chắn là trong 3 ngày trình diện đó có ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão, vợ chồng chúng tôi trình diện vào buổi chiều ngày này.
Cư ngụ ở quận 8 nên chúng tôi trình diện một lúc với các anh em khác cùng cấp bậc Thiếu tá ở các quận 6, 7 (hình như có thêm quận 9 mới thành lập không lâu ở bên kia sông Sài Gòn - Thủ Thiêm) tại trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở đại lộ Cộng Hòa (VC gọi trường này là Lê Hồng Phong). Còn những qúy vị khác tùy theo cấp chức trình diện ở các địa điểm khác, hầu hết là các trường học. Thông cáo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam nói rõ là chúng tôi phải mang theo tư trang (đồ dùng cả nhân) và đóng đủ tiền ăn 1 tháng, khoảng trên 13 ngàn mấy trăm (bằng 1/3 lương của một Thiếu tá. Sau đó, trình diện đi tù đợt 2: sĩ quan từ Đại úy trở xuống đóng tiền ăn 10 ngày…).
Sĩ quan cấp Thiếu tá trình diện ở trường Trung học Pétrus Ký ít hơn các nơi khác, trên dưới 100 người, vì các quận 6,7,8… nằm ở ven đô - Thủ Đô Sài Gòn. Người nữ quân nhân duy nhất tại điểm tập trung này, Thiếu tá Trần Thị Bích Nga, Chỉ Huy Trưởng Trường Xã Hội Quân Đội (trường nằm trong Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Đô). Thật đúng là hoa lạc giữa rừng gươm tua tủa của hai phía ta và địch.
Ngày đầu tiên trình diện, chúng tôi được “cách mạng” cho thưởng thức cách trị bệnh thần sầu quỷ khốc, nằm dài trên ghế học trò, được nhỏ nước tỏi tươi nồng nặc vào hai lỗ mũi. Ngày sau, truớc khi có “lệnh hành quân” chuyển đến trại tù chính , chúng tôi được nhà hàng sang trọng Ngọc Lan Đình ở Chợ Lớn đưa bàn ghế tới, cứ 10 người một bàn như “nhập đại tiệc”, có đến 7 món ăn mà chúng ta thường gặp trong các tiệc cưới… Khi nhân viên nhà hàng thân quen Ngọc Lan Đình đến “thết đải”, tự dưng tôi chảy nước mắt vì tháng 2 năm 1962, khi tôi được các giáo sư và nhà trường Phước Kiến (266 Đại lộ Khổng Tử, sau đổi tên là trường Phước Đức.Vụ Tết Mậu Thân, trực thăng xạ kích lầm nơi này làm chết và bị thương nhiều sĩ quan cấp tá) tổ chức một bữa tiệc linh đình để tiển đưa tôi nhập ngũ khoá 13 Thủ Đức tại nhà hàng Ngọc Lan Đình. Lúc bấy giờ tôi là Giám học trường trung học này [kể cả học sinh trung tiểu học có (3000 hay 5000 em?), học 2 thứ tiếng Việt và Tàu mà tôi làm Giám học đặc trách về các môn học Việt ngữ, Tiến sĩ Tăng Kim Đông làm Hiệu trưởng, sau TS Đông làm Tổng Trưởng Giáo dục thời Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc]. Tôi được TS Tăng Kim Đông mời phát biểu lời từ giã, sau vài lời cám ơn giáo sư và nhà trường, tôi sực nhớ đến 4 câu thơ xưa của Tàu và lên giọng to:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc vấn
Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi.
Tự nhiên tôi chảy nước mắt và khi đó có một giáo sư người Hoa rất qúy mến tôi, anh cảm kích đọc lại bài thơ này bằng tiếng Hoa (Quan Thoại), cả thực khách đến mấy trăm người dự tiệc như lắng đọng, cảm kích chia xẻ với tôi “cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi”. Đó cũng là dấu ấn khó quên trong đời đi dạy học của tôi từ tiểu học đến trung học. Sau hơn 13 năm đi lính, nay cũng chính nhà hàng Ngọc Lan Đình đãi tiển chúng tôi vào một ngày mai mờ mịt…nên tôi xúc động thật sự. Bài thơ tứ tuyệt ấy lại đến với tôi và câu cuối cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi, 13 năm trước cho đến ngày vào tù, tôi vẫn sống và thăng quan tiến chức. Tôi như thầy bói suy luận, biết đâu câu thơ này sẽ vận vào cuộc đời ở tù của tôi từ đây…
Trình diện “học tập cải tạo”, một danh xưng bịp của bọn CSBV mà chúng tôi tự ý đưa thân nạp mạng cho loài quỷ dữ, đúng ngày Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5 năm Ất Mão (1975).
Hai vợ chồng đèo trên 1 chiếc xe đạp, người tài xế trung thành của bà xã tôi, từ Hóc Môn đạp xe xuống để tiển đưa. Khi chúng tôi mang ba lô vào cổng trường Pétrus Ký, chú Nhuận tên người tài xế thân thương trung thành đó, một tay lái xe, một tay cố kềm đưa chiếc xe đạp thứ hai về nhà. Chúng tôi ở khu lao động, dốc cẫu Chữ Y, đường Hưng Phú - đường đi đến lò heo Chánh Hưng,. Bốn đứa con nhỏ của chúng tôi, từ 3 đến 9 tuổi, được cha mẹ chúng để lại chiếc xe đạp làm phương tiện và là một tài sản sau cuộc đổi đời này.
Viết đến đây, ký ức của tôi bỗng nhiên như thấy cảnh tượng hoang mang, lo sợ, giao động của hơn 38 năm trước như hiện rõ.
Khi Thủ Đô Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thời mạt vận của chánh thể VNCH đã ập đến nhanh quá. Nỗi nhục nhã ê chề của những người lính từng cầm súng chống quân xâm lược cộng sản Bắc Việt, nay đến thời điểm lâm vào cảnh cá chậu chim lồng. Tất cả chiến sĩ anh hùng của QLVNCH phải buông súng và sống trong cảnh phập phồng. Chúng tôi chờ đợi kẻ thù công bố chính sách đối xử với tù hàng binh mà CSBV rêu rao ra rả hàng ngày trên các hệ thống truyền thông suốt 2 tháng 5 và 6.1975. Sự phập phồng, lo âu như cảnh tượng quân Khơ Me đỏ sau những ngày tiến chiếm Thủ Đô Pnom Penh (Nam Vang) nhốt và giết sạch kẻ thù của chúng. Ý nghĩ này đã xâm nhập vào tâm tư tình cảm của mọi người, một tương lai mờ mịt u buồn, thê lương tràn ngập trong suy nghĩ của từng người từng gia đình mà gia đình chúng tôi cả hai vợ chồng đều là lính, bốn đứa con nhỏ dại sẽ nương tựa vào đâu để sống?.
THÀNH ÔNG NĂM – LIÊN ĐOÀN 5 CÔNG BINH KIẾN TẠO
Một trăm thiếu tá trình diện ở trường Pétrus Ký, khi chuyển đến thành Ông Năm ở Hóc Môn (bản doanh của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo) được chia thành 2 đội 34 và 35. Tôi ở đội 34, đội 35 có 5 Y sĩ Thiếu tá. Bà Thiếu tá Bích Nga nhập cùng với quý chị cấp tá khác ở đội nữ, cách đội 34, 35 chỉ một con đường và gần sát hàng rào kẽm gai. Hàng ngày, chúng tôi có thể trông thấy nhau dùng ánh mắt chia xẻ sự lo âu sâu xa về tương lai của 4 đứa con nhỏ dại…
Những ngày đầu, nhiều chuyện quan trọng đã xảy ra tại lán của đội 34 và 35 ở trại tù Thành Ông Năm – Hóc Môn:
Chuyện khó tin, nhưng có thật, một tên cán bộ y tá, mặt rỗ khá rõ đến lán đội 34 và 35, tập hợp 5 ông thiếu tá bác sĩ Quân Y, dẫn ra khỏi lán bảo đứng nghiêm, 5 ông là bậc thầy của chúng, nghe tên cán ngố này giảng về vệ sinh phòng bệnh… Hắn dẫn 5 ông bác sĩ tội nghiệp của chúng ta phải đi xem “thanh sát” các đường mương, nhà cầu, cách làm sạch các chỗ này. Chưa hết cán ngố còn chỉ bảo cách chửa bệnh nữa cơ làm 5 ông bác sĩ phe ta cứ ngẫng mặt mà nhìn chịu trận, nín thở qua sông. Về lán, anh bác sĩ Tôn Thất Thận (lớn tuổi nhất trong 5 ông BS) nằm gần tôi, kể lại cho chúng tôi nghe mà cùng nhau cười ngất.
Chuyện mà tôi cũng khó quên, anh Hoàng Xuân Định (hiện ở San Jose), Thiếu tá Quân Cụ, anh em thúc bá với Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, nguyên Tư Lệnh QĐ1 & QK1, đứng ra nhận lãnh chức Trưởng Ban Văn Nghệ của trại tù Thành Ông Năm (Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo do Đại tá Dương Công Liêm làm Liên Đoàn Trưởng). Không biết ai giới thiệu với anh Định, chọn tôi vào ban văn nghệ, xung vào thành phần đóng kịch vì hát xướng, giọng vịt đực của tôi bù trất. Sở dĩ, tôi chấp nhận sự chọn lựa này vì hoàn cảnh bi đát của tôi, vợ chồng đều bị đi tù, ở gần nhau mà chẳng nói được lời nào với nhau. Tôi luôn bị ám ảnh tình cảnh 4 đứa con nhỏ dại làm sao mà sống với bà mẹ vợ già cả và thường bị nhiều thứ bệnh. Hơn nữa, trước khi đi tù, có tin, nhà đang ở của gia đình sẽ có một tiểu đội bộ đội CSBV “xin” được đến đóng chốt, làm sao mẹ vợ của tôi từ chối, các con chúng tôi sẽ chịu cảnh ở chật chội, mất tự do. Tôi cần phải làm cái gì để tạm quên sự lo âu dằn vặt đang ăn sâu vào tâm trí, tôi vào đội văn nghệ để giết thì giờ.
Suýt chút nữa, ban văn nghệ của anh Hoàng Xuân Định được cách mạng “chiếu cố” cho vào cùm. Với vỡ hài kịch mà anh Định viết nói về những ngô nghê, ngu dốt của đám khỉ từ rừng mới về Sài Gòn hoa lệ làm cuộc đổi đời, dân chúng từ sung túc xuống bần cùng. Dù anh Định viết rất khéo, nhưng đến buổi phúc khảo, có người trong phe ta làm ăng-ten lập công (nghe anh em kể lại) phân tích tỉ mỉ cái ý nghĩa của vỡ hài kịch “trình” với cán bộ “răng đen mã tấu” ngu dốt “đì” chúng tôi. Nhưng, lúc đó cán bộ cộng sản còn “nới tay” vì mới chiếm Sài Gòn, lòng dân còn nhiều hoang mang và người “tù cải tạo” vừa đóng tiền nhập trại tù chưa lâu nên toán văn nghệ chúng tôi thoát hiểm “trong đường tơ kẽ tóc” chỉ bị cảnh cáo dằn mặt và đuổi về đội.
Chính đội 35 “nổi tiếng” vì có hai chiến sĩ can đảm anh hùng nhất của chúng ta lúc bấy giờ. Ai bị nhốt ở Thành Ông Năm thời điểm đó đều nghe danh 2 Thiếu tá của QLVNCH là anh Quách Hồng Quang, cư ngụ ở vùng cầu Nhị Thiên Đường, Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân ( tôi không nhớ rõ: TĐ 42 hay TĐ 44, có tên là Cọp Xám hay Cọp Ba Đầu Rằn, 2 tiểu đoàn vang danh anh dũng của vùng đồng bằng sông Cửu Long-V4CT, cộng quân khiếp sợ). Người thứ hai là Thiếu tá Phạm Hữu Thịnh, đơn vi cuối thuộc Ban Liên Hợp 4 Bên ở Sài Gòn, anh gốc là An Ninh Quân Đội, cư ngụ ở Dạ Nam Cầu Chữ Y. Cả hai chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã can đảm “trốn trại” đầu tiên, tìm đường vượt thoát khỏi cảnh tù đày nhục nhã vào một đêm có gần nửa vành trăng trên bầu trời. Đây là vụ trốn trại đầu tiên khi CSBV lùa quân cán chính VNCH vào rọ tù của chúng, có thể nói là vô tiền khoáng hậu mà tôi chứng kiến.
Tôi chơi rất thân với hai anh Quang, Thịnh, vốn tôi quen biết anh Quang từ miền Tây, lúc ấy tôi là sĩ quan báo chí của QĐ4 từng theo ông Tướng Tư Lệnh QĐ4 đến thăm viếng đơn vị khi anh Quang còn là Trung đội trưởng. Anh Thịnh ở phía bên kia cầu Chữ Y, gia đình tôi ở phía bên này cầu Chữ Y, cả hai anh đều nhỏ hơn tôi 5-6 tuổi và tốt nghiệp trường Sĩ Quan Thủ Đức sau tôi nhiều khóa. Hai anh Thiếu tá trẻ này xem tôi là niên trưởng, năm 1975, tôi đã qua tuổi 40.
Trước khi thực hiện chuyện phi thường, liều lĩnh, anh Quang bị đau liên tiếp nhiều ngày, tôi có tặng nhiều viên thuốc cảm và trị sốt rét mà anh Quang cần. Còn anh Thịnh, hàng ngày mải mê tập thể dục, anh Thịnh còn tự chế một cái tạ để tập, hai tay của anh cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Một lần, tôi hỏi, anh Thịnh nói tôi tập tạ nhằm luyện cho thật khỏe 2 tay để có ngày sử dụng và ngày ấy là ngày N, giờ G, giờ định mạng của cả hai anh Quang và Thịnh?.
Khoảng từ 12 giờ khuya đến 2 giờ sáng của một đêm có mưa lất phất, trên nền trời và cảnh vật, ánh trăng sáng lờ mờ, hai anh Thịnh và Quang đi ra hướng cầu tiêu ở gần hàng rào kẽm gai, chọn thời điểm thích hợp này thực hiện cuộc vượt thoát. Nhiều tiếng súng nổ vang trong đêm khuya vắng lặng và tiếng kẻng báo động vang dội khắp nơi xa gần, đánh thức mọi người. Tôi choàng ngồi dậy bước ra cửa coi xem có chuyện gì xảy ra, lính tráng đơn vị canh gác trại tù này, rầm rập chạy với súng cầm tay la hét om sòm, bảo phải tắt đèn và mọi người ở trong lán không được đi ra ngoài…
Sáng hôm sau, cán bộ quản giáo cho biết có 2 anh trốn trại thuộc đội 35, một anh bị bắn chết tại vòng rào trại, một anh bị thương và bị bắt đang nằm ở y xá. Trong những ngày kế tiếp, chuyện trốn trại của 2 anh Quang, Thịnh đã được sáng rõ thêm. Khi quản giáo hỏi đội 34 và 35 có anh nào đem thức ăn cho anh Thịnh đang bị thương, không ai lên tiếng. Tôi tình nguyện mang thức ăn chánh thức của trại đến tiếp tế cho anh Phạm Hữu Thịnh. Sau khi mỗ lấy viên đạn còn ghim trong người ra, nay hồi tĩnh, anh Thịnh lại bị nhốt trong 1 connex, để gần chòi gác, còn bi thảm hơn, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm khuya lạnh lẽo đến tận xương tủy. Mỗi lần đưa thức ăn đến anh Thịnh, trong đầu, tôi xếp sẵn những câu hỏi, phải thật nhanh và ngắn gọn vì lính gác trên chòi canh lúc nào cũng nhìn theo dõi tôi khi mang thức ăn đến connex. Nhờ vậy, tôi biết được khá nhiều về gia cảnh Thịnh, anh còn bà mẹ già, vợ anh gốc người Hoa. Anh Thịnh còn cho biết sở dĩ anh bị bắn trọng thương vì anh quay lại cứu bạn mình, anh Quang, quần áo đang bị vướng dây kẽm gai mà anh gỡ ra còn nhùng nhằng. Lính gác trên chòi canh phát hiện bắn anh Quang nhiều phát đạn, anh bị thương và nằm dán chặt vào hàng rào. Trong khi anh Thịnh đã chạy đến cây mít (chúng tôi thường thấy các chị ở Sài Gòn lên kiếm thăm chồng? đứng lấp ló ở khu cây mít này), cách hàng rào trại chừng trăm mét. Vừa tới hàng rào dây kẽm gai, anh Thịnh nghe tiếng súng nổ liên hồi vội quay lưng chạy và một viên đạn cấm vào lưng anh, té qụy. Theo lời anh Thịnh kể vắn tắt, anh Quang chỉ bị thương còn sống và cái áo của anh còn dính với mấy móc kẽm gai, đám cán độ trại đến nả bồi thêm vài tràng đạn nữa, kết liễu đời oanh liệt của một chiến sĩ BĐQ ưu tú can trường QLVNCH, Quách Hồng Quang, lúc nào 2 chữ sát cộng cũng đến với binh chủng anh dũng này.
Nếu gia đình chị Thịnh may mắn được sang định cư ở Hoa Kỳ, xin liên lạc, tôi kể lại những ngày cuối cùng của anh Thịnh từ Thành Ông Năm ở Hóc Môn cho đến trước 1 ngày anh Thịnh bị xử bắn tại trại Suối Máu - Biên Hòa mà tôi “làm gan” trò chuyện với anh đang ngồi hớt tóc. Anh Thịnh linh cảm sẽ khó sống vì đám cán bộ chấp cung thường tỏ vẽ muốn giết anh để dằn mặt đám tù còn lại. Anh Thịnh còn nhân mạnh với tôi, CSBV tàn ác lắm, chúng muốn giết anh, khi mỗ lấy đạn không có thuốc tê, thuốc mê gì cả. Anh đau đớn quá chết ngất không còn biết gì nữa, chúng muốn làm gì thì làm, may mà anh còn sống đến ngày bị xử bắn.
Thành Ông Năm ở quận Hóc Môn, trại tù đầu tiên đã nhốt chúng tôi, nhưng trại này chỉ là trại trung chuyển, sau mấy tháng lại chuyển tất cả bò tứ, bò ngũ (thiếu tá, trung tá) về Suối Máu. Đây là doanh trại của Trung tâm giam giữ tù phiến cộng của Quân Khu 3 để trao trả với phía bên kia.
Cũng chính trại tù Thành Ông Năm, sau ngày ra tù, một bác sĩ Quân Y/QLVNCH, Y sĩ thiếu tá Trần Đông A, đã làm cho nhà cầm quyền cộng sản khiếp phục vì tài mổ 1 cặp song sinh dính lại mà nhiều nước, lúc bây giờ, thập niên 80 không dám mỗ tách ra. BS Trần Đông A nhờ đào tạo dưới chánh thể VNCH đã tiến hành ca mỗ thành công và đến nay BS Trần Đông A vẫn là một trong những bác sĩ giỏi và nổi tiếng nhất của Việt Nam.