VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Lễ Tủ cải của người Dao Đầu Bằng

    sad nguyet
    sad nguyet
    Moderator
    Moderator


    Tổng số bài gửi : 101
    Join date : 15/06/2012

    Lễ Tủ cải của người Dao Đầu Bằng Empty Lễ Tủ cải của người Dao Đầu Bằng

    Bài gửi by sad nguyet Tue Oct 02, 2012 6:15 am

    Người Dao Đầu Bằng làm lễ Tủ cải để đặt tên mới cho con trai khi đã trưởng thành. Cái tên thứ hai này chỉ để “giao tiếp” với tổ tiên. Trong lễ Tủ cải, thầy cúng qua lời khấn của mình, khuyên răn chàng trai làm điều thiện.

    Hầu như dân tộc nào cũng có những nghi lễ đời người như lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang, chứa đựng những yếu tố văn hoá đặc trưng. Trong tộc đời của người Dao Đầu Bằng có một nghi lễ vô cùng quan trọng, đó là lễ Tủ cải, còn gọi là Lễ Phong sắc hay là Lễ đặt tên. Nó đánh dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời người đàn ông.

    Người Dao Đầu Bằng sở dĩ có tên gọi này là dựa vào đặc điểm của trang phục. Họ đội mũ có chỏm mũ bằng, sát đỉnh đầu. Đây là nhóm địa phương của người Dao Làn Tiẻn. Nhóm Dao Đầu Bằng có khoảng 35 ngàn người, cư trú ở 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang với những tên gọi địa phương khác nhau. Ở Lai Châu, nhóm này được gọi là Dao Đầu Bằng, sống chủ yếu trên những triền dốc thoai thoải thuộc cao nguyên Phong Thổ - Tam Đường.

    Mỗi ngành, mỗi nhóm Dao lại có cách gọi tên lễ cấp sắc khác nhau. Người Dao Tiền ở Hoa Bình và người Dao Họ ở Lào Cai gọi Lễ Cấp sắc là Lễ lập tĩnh, Lập tịch hay Lập tính, nghĩa là làm cho trong sạch. Bởi trong nghi lễ này, người ta thắp đèn hay hương có tẩm dầu thơm để soi sáng người thụ lễ. Họ cho rằng nó sẽ làm tiêu tan các chất bẩn, tội lỗi trong con người được thụ lễ. Còn người Dao Đầu Bằng làm lễ Tủ cải để đặt tên mới cho con trai khi đã trưởng thành. Cái tên thứ hai hay còn gọi là tên “âm”, chỉ để “giao tiếp” với tổ tiên. Sau này, khi người đàn ông ấy “hai mươi năm” sẽ lấy cái tên thứ hai này để xưng với tổ tiên.

    Anh Tẩn Văn Đẩu, ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: “Tôi được làm lễ Tủ cải năm tôi mới 13 tuổi. Con trai từ 10 tuổi trở lên, gia đình nào có điều kiện làm cấp sắc đặt tên thứ hai. Cái tên thứ hai là tên âm. Lễ hội gì, đến khi cúng tổ tiên là toàn dùng cái tên thứ hai. Dù khó khăn bao nhiêu chúng tôi cũng phải làm một cái lễ, nhỏ lớn cũng phải làm một cái lễ để đặt tên. Qua xã hội thì chúng tôi chủ yếu dùng cái tên thứ nhất”.

    Hai mươi tuổi, anh Đẩu được đi làm thầy, làm lễ Tủ cải cho người khác. Để được làm thầy, theo anh Đẩu: “Phải là người có uy tín cao, nhận thức được lễ phép tôn ti trật tự, phải có đoàn kết tốt, có sự uy tín trong làng bản, người ta mới mời. Nếu giỏi bao nhiêu thì giỏi mà không được uy tín của làng bản thì người ta không mời làm thầy đâu”.

    Anh Nguyễn Chiến Hữu, Trung tâm văn hoá tỉnh Lai Châu cho biết: “Người Dao Đầu Bằng khi được cấp sắc thì mới là một người đã trưởng thành và có tiếng nói trong làng trong bản và trong xã hội. Anh có thể tham gia mọi hoạt động của xã hội như một người lớn. Nếu không được làm lễ cấp sắc, người đó đã trưởng thành nhưng ý kiến của họ không có trọng lượng bằng những người đã được cấp sắc. Người Dao quan niệm: được phong sắc thì có thể học hành thông minh hơn, và có thể làm được mọi việc hơn người”.

    Chỉ khi được cấp sắc thì người đàn ông mới được cộng đồng dân bản và tổ tiên chấp nhận, được bàn bạc công to việc lớn trong dòng họ và làng bản. Con trai dù lớn tuổi mà chưa được phong sắc coi như chưa trưởng thành, vẫn còn là trẻ con... Phụ nữ nào lấy chồng chưa qua lễ cấp sắc thì chẳng khác nào lấy trẻ con.

    Thường thì con trai dân tộc Dao từ 10 tuổi trở lên đều có quyền được phong sắc. Tuy nhiên ở một vài nhóm Dao, người ta làm lễ Cấp sắc khi chàng trai đã có vợ. Còn như đối với nhóm Dao Đầu Bằng, theo lời anh Đẩu: “Nếu anh nào qua 18 tuổi gia đình hoàn cảnh khó khăn mà không làm lễ cấp sắc thì nói chuyện không có trọng lượng, việc lấy vợ hơi khó khăn một tí. Người ta có thể bảo rằng: Gia đình này không có điều kiện, con hư hay là bố mẹ không quan tâm?”.

    Mở đầu cuộc lễ, thầy cúng đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ. Nội dung của nghi lễ này đề cập đến lịch sử của người Dao, về cái lý của việc làm lễ Tủ cải và những người sẽ thụ lễ lần này. Thầy cả tay phải cầm chuông vừa đi vừa lắc,, tay trái cầm gậy có cắm tù và, miệng luôn cầu trời đất phù hộ cho người được cấp sắc, cầu thần để phù hộ cho các gia đình để con cái lớn lên không có bệnh tật, mùa màng cấy đâu được đấy, vạn sự theo ý muốn, làm ăn phát đạt. Người được cấp sắc làm mọi việc theo chỉ dẫn của ông thầy, khấn lạy, nhảy múa theo nhịp trống chiêng.

    Cho dù nhiều phong tục tập quán của người Dao đã có phần mai một nhưng lễ Tủ cải đến nay vẫn được tổ chức trong các làng bản Dao cũng bởi nó có những lễ thức mang ý nghĩa giáo huấn. Ấy là khi thầy cúng qua lời khấn của mình khuyên răn chàng trai làm điều thiện. Ông Lý A Pao ở xã Hồ Thầu cho biết: “Trong lễ cấp sắc có nhiều bài khấn mang tính chất giáo huấn, giáo dục cho con, để con không được làm điều nọ điều kia. Cái điều xấu thì không nên làm. Ví dụ sách này giáo dục cho con cháu không được nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, không được mắng bố mẹ”.

    Người Dao ví những ngọn nến trong lễ phong sắc là những ngọn đèn trời soi sáng, là ngọn đèn tiên chói lọi ý chí của người được phong sắc, làm cho đầu óc thông minh, sáng suốt, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, thực hiện được nhiều điều hay lẽ phải, xây dựng cộng đồng ngày càng phát đạt. Chính vì thế, đồng bào Dao cho rằng, những người con trai qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức, biết phân biệt phải trái, mới có đủ tư cách làm các công việc trong lễ cúng Bàn Vương, lễ cúng tổ tiên vào các dịp Tết lễ. Và trên thực tế, những người đã được làm Tủ cải bao giờ cũng tự điều chỉnh mình sống tốt đẹp hơn với cộng đồng. Và điều quan trọng theo quan niệm của họ là có làm lễ cấp sắc thì sau khi chết hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên ở thế giới bên kia.

    Sau cuộc lễ, dân bản tổ chức hát múa, liên hoan chúc cho sự trưởng thành của các chàng trai và như muốn thay lời các chàng trai thể hiện ý chí cùng nhau chung sức chung lòng đoàn kết gia đình và dòng tộc để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

    Lễ Tủ cải của người Dao Đầu Bằng góp phần điều chỉnh quan hệ xã hội, lưu giữ những bản sắc văn hoá và củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Trước đây lễ hội Tủ cải thường kéo dài tới 7 ngày. Ngày nay, lễ Tủ cải được rút ngắn chỉ thực hiện trong 3 ngày 2 đêm./.

      Hôm nay: Thu May 02, 2024 5:26 pm