VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Trăng nước Chương Dương

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Trăng nước Chương Dương Empty Trăng nước Chương Dương

    Bài gửi by ThaoMy Fri Dec 06, 2013 4:21 pm

    Trăng nước Chương Dương

    Tác giả: Hà Ân

    Chương 1





    Chương Dương cướp giáo giặc,
    Hàm Tử bắt quân thù.
    Thái bình nên gắng sức,
    Non nước vẫn nghìn thu.
    (Trần Quang Khải)
    Khi Trần Quốc Tuấn từ vùng đầm lầy Màn Trò ra đến cái bãi sa bồi bên bờ Thiên Mạc, trời đã sang nửa đêm về sáng. Bên kia con sông rộng mênh mang, lửa quân ta đốt thuyền giặc còn bùng lên nhuốm đỏ mây trời. Gió đêm đầu mùa hạ thổi mạnh, phả mùi phù sa màu mỡ tanh lạnh xộc lên mũi vị tướng già và đoàn tùy tùng im lặng. Trần Quốc Tuấn tụt đôi hài cỏ xách lên tay, giẫm chân không lên cát ẩm. Một cảm giác rợn mát làm cho ông rên một tiếng thầm trong lòng. Thiên nhiên sau mấy ngày rét quái nàng Bân bây giờ trở lại rõ ràng tiết trời mùa hạ.
    Đêm sâu thẳm, mây chì ẩm ướt phủ kín bầu trời và gió nồm thổi lộng lên. Trần Quốc Tuấn chỉ nhìn thấy sông đêm hun hút và lấp lánh đôi nếp sóng gợn phản chiếu lửa Chương Dương. Vị tướng già nhìn về phía bắc, về phía Thăng Long. Nhưng ông chỉ thấy bóng đêm thăm thẳm. Lửa hiệu truyền tin của giặc nhấp nháy trong những chòi cao đặt rải rác cả một vùng rộng lớn bên ngoài kinh thành. Trần Quốc tuấn cười gằn, mắng thầm:
    -Hà... bây giờ thì chúng mày truyền đi những tin gì?... ra những lệnh gì nhỉ?...
    Ông quẳng đôi hài cỏ xuống đất, xỏ chân vào. Ông ngoảnh nhìn: Dã Tượng và quân tướng tùy tùng vẫn im lặng chờ lệnh. Trần Quốc Tuấn vui vẻ nói:
    -Trước hết là tắm cái đã. Nhà ngươi cắt canh này, phái người chắp mối với quân giữ đất này, rồi cũng cho lính tắm đi.
    Bãi sông xao động tiếng lệnh, tiếng vó ngựa, tiếng binh khí chạm nhau. Trần Quốc Tuấn cởi quần áo, lội xuống làn nước mát lạnh, mát đến nỗi ông phải thít lên, xuýt xoa sung sướng. Thế là đã bảy hôm nay ông mới được tắm một lần vui thú thế này. Ngay từ sau trận Hàm Tử, khi các chiến sĩ trong đạo quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn đang lùng bắt tàn binh giặc ở ven sông Thiên Mạc thì Trần Quốc Tuấn đã chuyển hành doanh từ phía nam đồng bằng vào vùng bãi lầy Màn Trò để chỉ huy sát sao hơn cuộc tiến quân diệt địch ở vùng chiến trường trọng yếu ngoài chân thành Thăng Long. Trong bãi Màn Trò bùn lầy nước đọng, Trần Quốc Tuấn không tắm giặt và ông cũng nghiêm cấm binh tướng dưới quyền tắm giặt bằng thứ nước ấy. Mùa này phấn cỏ, phấn hoa lau càng làm cho người ta ngứa ngáy, nhất là lúc mồ hôi râm rấp trong người. Khi lệnh đánh thủy trại giặc đã ban, Trần Quốc Tuấn lại chuyển ngay hành doanh ra sát chiến trường.
    Trên đường, tin tức chiến thắng ông nhận được thật giòn giã. Quân ta đánh rất mạnh vào thủy trại Chương Dương, đốt gần hết đội chu sư của giặc và đánh tan cả cánh quân giặc từ Thăng Long ra cứu viện. Ông tướng chỉ huy trận đánh tài tình ấy chính là Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, người đã tặng ông tập thơ Lạc Đạo buổi ông xuất sư cách đây hơn bốn tháng. Những người trong đoàn tùy tùng cũng đã xuống tắm, trừ những giáp sĩ tỏa đi canh phòng. Trần Quốc Tuấn sải tay bơi ra dòng nước chảy. Ông lộn người, trăn trở, áp mái đầu xuống nước và hụp hẳn xuống cho nước lạnh ngấm vào da đầu...
    Sau một hồi lâu vùng vẫy dưới nước, Trần Quốc Tuấn lên bờ. Dã Tượng đã soạn hầu ông bộ áo chiến mới, sạch sẽ. Ông gỡ tóc, búi gọn và chít lên đầu chiếc khăn lượt thâm, cài thêm một chiếc trâm ngà cho chặt. Sau khi đã thay hài cỏ bằng đôi hia nỉ cho ấm chân, Trần Quốc Tuấn gọi Dã Tượng đến, ra lệnh:
    -Hành doanh sẽ đặt ở đầu bãi này ngay trên con đường về làng Xuân Đình. Nhà ngươi cho cắm lều trận của ta, cho đặt hiệu lửa, hiệu cờ và cho đòi cánh quân chiến thắng Chương Dương nạp bản khai công.
    Dã Tượng chắp tay tuân lệnh, nhưng viên gia tướng chưa đi ngay và hình như bối rối muốn nói thêm điều gì vậy. Trần Quốc Tuấn ngạc nhiên nhìn Dã Tượng, cố tìm trong thứ ánh sáng ít ỏi của trăng mờ xem vẻ mặt viên gia tướng thế nào. Ông hỏi:
    -Sao thế?
    -Bẩm Quốc công, con cho cắm lều trận cả ở đây chứ ạ?
    Trần Quốc Tuấn muốn cười phá lên:
    -Rồi đốt lửa nấu cơm nữa chứ gì? Thôi được, nhà ngươi cứ cho đốt lửa đun nước, nấu cơm. Còn lều trận thì... chậc... ta...
    Ông muốn nói rằng lều trận thì không cần. Ông bước lại gần viên gia tướng. Ông đã là người cao lớn, nhưng không sao so được tầm vóc với viên tướng đội voi trận mới được cất nhắc lên hành doanh chỉ huy đoàn tùy tùng. Trần Quốc Tuấn hiểu nỗi băn khoăn của Dã Tượng. Anh ta lo lắng cho sức khỏe của ông. Vài ngày nay, trời đổi tiết từ xuân sang hạ, chợt ẩm, chợt khô, chợt mát, chợt lạnh, dễ làm người già yếu phải cảm. Nhưng cũng chính mấy ngày rày, thế chiến trường làm cho người ta vui khoẻ ra. Thoạt đầu là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật bất chợt hành quân mau lẹ từ bãi lầy Màn Trò ra, chặn đoàn thuyền chiến của Toa Đô ở cửa Hàm Tử. Đạo quân giặc này sau những ngày xông xáo ở biên giới Việt
    -Chiêm cố chiếm một thế uy hiếp mặt lưng quân ta nhưng đã bị chặn đứng lại, bị đánh mòn. Toa Đô được lệnh đại nguyên soái Thoát Hoan dẫn quân về vùng Thăng Long để hai đạo quân Thoát Hoan, Toa Đô ghé tựa vào nhau, bởi vì lúc đó chính đạo quân của Thoát Hoan cũng đang bị sa lầy trong một thế trận trùng điệp mà mỗi chuyến tải lương, mỗi đêm đóng đồn có thể bị dân binh ta đánh úp. Toa Đô ra bằng đường sông. Đoàn chiến thuyền của nguyên soái Toa Đô đến cửa Hàm Tử thì bị đánh hết sức thần tốc và tan rã ngay trước mắt tướng tá giặc đứng ở các chòi nhìn ra trong thủy trại Chương Dương. Toa Đô bị đẩy xuống mé hạ lưu sông Thiên Mạc. Hai cánh quân giặc thế là không ghé gẩm nương tựa được vào nhau. Kế sách chọn đạo quân Toa Đô diệt trước quả là sáng suốt. Trần Quốc Tuấn còn nhớ như in, khi được tin Toa Đô từ biển vào cửa sông, các tướng muốn đánh ngay, nên bồn chồn chờ đợi lệnh ra quân chẹn giặc, nhưng ông đã bình tĩnh suy nghĩ và chọn chiến trường công kích là vùng sông bãi mênh mang này. Đánh ở đây có lợi là diệt xong quân Toa Đô, ta quay sang công kích ngay quân Thoát Hoan. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải hết sức tâm đắc với ông. Khi Trần Quốc Tuấn nói ý định chọn chiến trường ở Hàm Tử thì Thượng tướng quân xin nhận sẽ là người chỉ huy ở Chương Dương. Quả hai người đã thực sự hiểu nhau. Bây giờ Hàm Tử đã trở thành một chiến thắng cực lớn. Chương Dương cũng đã xong, chỉ còn chờ bản khai công của Chiêu Minh vương để định việc thưởng công những tướng binh xuất sắc. Chiến thắng! Con người hưng phấn hẳn lên.
    -Cứ đốt lửa lên! Mấy ngày rày đốt lửa là đuổi giặc chứ không phải là gọi giặc đến đâu. Chỉ cần cuộn ngọn cờ tiết chế cất đi và phái các dũng sĩ viễn thám đi tuần bằng ngựa xa ra là được.
    Dã Tượng vâng một tiếng vui vẻ và chạy đi. Một lát sau, tiếng vó ngựa của lính viễn thám đã gõ lộp bộp trên mặt đất và nhiều đống lửa được đốt lên trên bãi cát sa bồi soi tỏ một khoảng không gian nhỏ trong thiên nhiên sâu rộng. Những người lính trong đoàn tùy tùng của Trần Quốc Tuấn cười nói vui vẻ. Họ bắc bếp, người hầm cháo, người thổi cơm, người đun nước sôi pha trà. Một vài chiến sĩ dùng những cán giáo gãy bỏ rải rác trên bãi, nhanh chóng buộc thành một cái bàn nhỏ dùng làm bàn trà đặt trước mặt Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn trìu mến nhìn những người lính của mình. Ông biết Dã Tượng và họ lưu tâm chăm sóc ông, nhưng đêm nay ông không muốn ngồi trong lều trận. Ông muốn được đắm mình vào không gian mênh mông dưới một vòm trời chiến thắng hơn là dưới một mái lều.
    Mé dưới kia là cửa Hàm Tử chiến trường của một võ công mà nghìn đời sau sẽ còn nhắc đến; một chiến thắng cách đây chưa quá một tuần trăng, còn để lại dấu vết trong những mảnh ván thuyền, những chiếc khiên mây, khiên da, những mẩu cán giáo gãy... và cả xác quân thù kết thành bè trong nước quẩn vụng sông. Bên kia là bến Chương Dương, lại một chiến trường chắc cũng sẽ ghi vào bia đá bia miệng vạn cổ không mòn. Mảnh đất ông đang đứng kỳ lạ biết bao. Hà tất phải dùng một mái lều trận thay vòm trời ngời ngợi chiến công này. Không cần dựng lều nhưng Trần Quốc Tuấn không từ chối binh lính hầu trà được. Vị tướng già điềm đạm ngắm những người dưới quyền. Họ và ông đã lăn lộn khắp các chiến trường. Chỉ vài tháng thôi, nhưng cái nghĩa cùng sống cùng chết đã gắn bó họ với ông.
    Hành doanh của Trần Quốc Tuấn vẫn gồm hai đoàn tướng sĩ. Một đoàn đông hơn, gồm các tướng coi về từ lệnh, về sổ sách lương tiền, về bốc thuốc, về cung cấp khí giới, về ấn tín binh phù, về tin tức do thám... Một đoàn khác, quen gọi là đoàn tùy tùng, ít người hơn. Một đô lính viễn thám bảy, tám chục nghĩa sĩ cưỡi những con ngựa cực nhanh đóng yên nhỏ, nhẹ; những người lính viễn thám mang toàn vũ khí ngắn, cung đơn, họ cưỡi ngựa tuyệt giỏi và chèo thuyền nan cũng tuyệt giỏi, chuyên việc dò tìm tin tức địch và việc thông hiệu với các cánh quân. Một ngũ lính hộ vệ gồm năm tay kiếm Siêu quần chọn trong đội quân gia nô hương Vạn Kiếp. Vài người lính hỏa đầu coi việc cơm rượu hầu Quốc công. Vài người lính khác coi việc áo quần, thuốc men. Ngoài ra còn mấy thư nhi theo Trương Hán Siêu giữ việc sao, thảo sớ tấu, mệnh lệnh của Quốc công và của hành doanh. Toàn bộ đoàn tùy tùng đặt dưới quyền coi quản của Dã Tượng. Đó là một toán quân gồm những người thân cận nhất, cần thiết nhất với việc di động để xem xét mặt trận và chỉ huy tác chiến của Trần Quốc Tuấn.
    Lần này đoàn tuỳ tùng của Trần Quốc Tuấn còn có thêm một ông quan chép sử trong Quốc sử viện đi theo. Ông quan chép sử này được Trần Quốc Tuấn rất quý nể và không bị liệt vào đoàn tùy tùng. Vị tướng già coi ông như khách của hành doanh. Người ấy là sử gia Lê Văn Hưu. Sử gia họ Lê năm xưa tiến triều sau một khoa thi tiến sĩ. Ông Lê đỗ thứ hai, đỗ bảng nhỡn, đúng cái năm Tiên đế định lệ đặt tên đầu tiên cho ba ông đỗ đầu tiến sĩ là trạng nguyên, bảng nhỡn, thám hoa. Bây giờ, cụ bảng nhỡn sử gia ấy ngồi bên, trên một khúc củi rều. Ông cụ cũng vừa tắm xong, đã mặc áo sạch, mặc thêm áo phòng lạnh và đang nhấm một cánh hoa hồi cho nóng cổ, nóng ngực. Ông cụ thực ra đã được nhà vua cho về di dưỡng tuổi già mấy năm nay ở vùng ấp phong quê nhà, nhưng khi có giặc xâm lược, ông cụ thấy việc chép sử thật quan trọng biết bao nhiêu khi các sự kiện tày đình xảy ra trên đất nước. Vì vậy, ông cụ lại dâng sớ xin Quan gia cho mình được trở lại làm việc trong Quốc sử viện. Quan gia đã cho sứ giả về quê ông cụ, triệu ông cụ về kinh. Nhưng chính lúc Lê Văn Hưu về kinh, cũng là lúc giặc phạm bờ cõi và tình thế thay đổi rất nhanh. Giặc phá vỡ cửa quan Anh Nhi, giặc tràn qua sông Nguyệt Đức, sông Thiên Đức. Quân cưỡi ngựa của chúng tung hoành cả một miền Đông Ngàn, Lạng Giang, rồi chúng chiếm cả kinh thành Thăng Long. Triều đình bỏ kinh thành. Thượng hoàng và Quan gia được Trần Quốc Tuấn phò đi lánh nạn. Lê Văn Hưu cũng chống gậy theo vua về Thiên Trường, trong khi các sử quan khác dưới quyền ông cụ được chia đi các lộ, các cánh quân lớn để ghi chép lại cho thật đúng các sự việc đã xảy ra.
    Lê Văn Hưu sau đó luôn luôn đi theo hành doanh của Quốc công Tiết chế. Mấy tháng đầu của chiến tranh, giặc đang thế mạnh. Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho các tướng chia quân về các lộ, các hương, giấu quân trong rừng, trong vùng đầm lầy... tránh chọi sức với giặc. Nguyên soái Thoát Hoan hung hăng sai tên tướng Ô Mã Nhi đem khinh binh đuổi bắt vua ta. Trần Quốc Tuấn phải lập một đoàn tùy tùng nhanh, gọn nhưng sắc sảo tuyệt vời, phò vua tránh giặc, ra Hải Đông, vào Yên Tử, lúc chạy bộ, lúc xuống thuyền, long đong suốt hai tháng trọng xuân, quý xuân. Trong những ngày gian nan ấy, Lê Văn Hưu vẫn ở trong đoàn tùy tùng của Quốc công Tiết chế. Trần Quốc Tuấn chú ý chăm nom ông cụ một cách hết sức kín đáo kể từ cách xếp chỗ ngủ cho ông cụ những đêm mưa phăn đến cách cử những tay kiếm giỏi đi kèm để bảo vệ ông cụ. Về sau, việc tránh nạn càng gặp khó khăn, Trần Quốc Tuấn phái người mang gạo, mang lương khô cho ông cụ, nhưng ông già chép sử nhất định không chịu để cho ai mó tay vào cái níp chứa những thẻ tre và mấy cuốn sách bìa cậy. Xuống thuyền, Lê Văn Hưu ôm cái níp khư khư; đêm ngủ, ông cụ gối đầu lên níp. Bây giờ ông cụ ngồi kia, trên một khúc củi rều. Trần Quốc Tuấn nheo mắt. Kín đáo ngắm ông già chép sử. Năm Trần Quốc Tuấn mới mười bảy tuổi, ông già chép sử kia đang độ tráng niên. Hoàng thân Hưng Đạo đã đứng trên thềm điện Thiên An, chứng kiến Lê Văn Hưu lạy tạ ơn vua cho đỗ bảng nhỡn. Năm ấy là năm Thiên ân Chính Bình thứ mười sáu (1247). Ông nghè trẻ được vua ban ân cho vinh quá về quê chơi rồi trở về kinh làm việc trong Quốc sử viện. Trần Quốc Tuấn làm quen với nhà sử học. Mỗi lần ông từ Vạn Kiếp về kinh đều đến thăm Lê Văn Hưu, trước là tỏ lòng tôn trọng người hiền, nhưng chính là để hỏi nhà sử học này về phép trị nước của các đời trước, về việc lễ, tế trong triều, về phong tục của trăm họ từ thuở hỗn mang đến giờ...
    Có một điều kỳ lạ là ông già chép sử rất ít nói mà Trần Quốc Tuấn vẫn rất hợp chuyện. Ông già chép sử có một cách ngồi im lặng rất chững, đôi mắt ông đăm đắm xa xôi làm cho Trần Quốc Tuấn sau mỗi lần đàm đạo thường thấy mình trầm lắng xuống. Ông già bàn chuyện thời xưa mà tưởng đâu như chuyện quanh mình vậy. Người ta có cảm giác mọi việc của các bậc đế vương, của công hầu, của sĩ dân đều đã được khối óc kia nghiền ngẫm kỹ lưỡng quá rồi. Nhưng còn nghiền ngẫm được thêm nữa thì ông cứ làm trước khi chép vào sách sử một dòng nào đấy kể lại một việc có dính líu đến sự hưng phế của xã tắc, đến sự còn mất của một triều vua, đến sự thịnh suy của một dòng họ, đến danh thơm tiếng xấu nghìn đời của một con người.
    Sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn thường tự hỏi mình xem đã thực hiểu chưa về phép tắc xét đoán trời, xét đoán người của ông già chép sử. Trần Quốc Tuấn liệt Lê Văn Hưu vào loại người ít ỏi của mỗi thời, thậm chí của nhiều thời. Ông già thật là một bậc quốc sĩ mà những người đọc sách hễ được gặp là phải kính, phải nể. Đêm nay, trong lửa ấm trú quân, Trần Quốc Tuấn lại một lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, và hầu trà hai người là một tay kiếm hộ vệ giỏi. Vị tướng già dùng cán giáo gạt mặt cát cho phẳng. Ông muốn nhân lúc nghỉ này nói cho ông già chép sử hiểu diễn biến của chiến trường. Lửa rừng rực soi tỏ gương mặt vũ dũng quắc thước của vị tướng già. Ông bẻ một mẩu que vẽ trên nền cát cho Lê Văn Hưu xem thế đất vùng Thiên Mạc... Mẩu que cày cát ẩm chợt hất lộ ra một vật vuông vắn. Trần Quốc Tuấn kinh ngạc cầm vật đó lên, dùng ống tay áo lau sạch đi và nhận ra đó là một mảnh hộ tâm phiến bằng đồng thau. Ông tò mò ngắm vân mây khắc chìm trên hộ tâm phiến và hiểu rằng vật này đã từng được đính trên ngực áo chiến của một người lính túc vệ thượng đô nào đó trong quân Thánh dực. Đột nhiên, một niềm bi tráng dâng lên trong lòng ông, dâng mãi lên, và vị tướng già bồi hồi thuật lại cho nhà chép sử nghe trận đánh kỳ lạ bên bờ Thiên Mạc của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
    * * *
    Người dẫn đường trong đội quân viễn thám của Trần Quốc Tuấn là chú bé nô tì Hoàng Đỗ, chú bé chăn ngựa trong đạo quân của Trần Bình Trọng. Bây giờ thì chú không còn là nô tì nữa. Chú được nhiều ông tướng quý mến sau khi chú mang trọn vẹn một bản mật lệnh tối quan trọng của Trần Quốc Tuấn gửi tới tay Chiêu Minh vương Trần Quang Khải khi ấy đóng ở mặt nam. Gần đây, chú là người dẫn đường cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đi qua bãi lầy Màn Trò để đánh trận Hàm Tử lừng lẫy. Chiêu Văn vương muốn giữ rịt chú trong đạo quân riêng của mình mà cuối cùng phải nhả chú ta ra khi hành doanh cho tùy tướng cầm một thẻ phù Hưng Đạo xuống. Hành doanh truyền lệnh tiểu tướng quân Hoàng Đỗ phải có mặt nội trong hai trống canh để đưa Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đến quân doanh chỉ huy trận đánh tiêu diệt đoàn chiến thuyền giặc ở bến Chương Dương. Hoài Văn hầu còn mê chú ta hơn nữa. Hoài Văn đã cầm tay cậu bé dẫn đi thăm trại quân cắm đầy lều trận màu đỏ của sáu trăm gã thiếu niên hào kiệt rất trẻ, rất nhộn nhạo, rồi thủ thỉ với cậu bé một buổi sương chiều buông nhanh trên đầm lầy:
    - Này hiền đệ! (Hoài Văn ít khi kiểu cách thế.) Hay là hiền đệ về đây làm phó tướng cho ta nhá.
    Nhưng cậu bé mủm mỉm cười nhìn thẳng vào đáy mắt hầu tước trẻ tuổi. Chả lẽ có bao nhiêu thiếu niên anh kiệt đất Việt đều ở cả trong đội quân kéo lá cờ đề sáu chữ này. Mà từ chối Trần Quốc Toản thì không nỡ, Hoàng Đỗ tặng Trần Quốc Toản sáu gang gấm Chiêm Thành làm thắt lưng đeo kiếm cho duyên dáng và nói:
    -Thưa hầu gia, được về cùng một đội quân với hầu gia hẳn tôi sung sướng lắm, nhưng còn mệnh lệnh quân ngũ thì sao? Mà lính viễn thám chúng tôi xưa nay lại chưa hề sai lệnh.
    Bây giờ Hoàng Đỗ về hành doanh của Trần Quốc Tuấn làm người dẫn đường và là tì tướng chỉ huy đô viễn thám tùy tùng của Quốc công Tiết chế. Đêm nay, cậu ta được lệnh ra đón người của quân doanh Chương Dương mang về bản khai công. Khi đã được lệnh đốt lửa trên bãi sa bồi, Hoàng Đỗ thấy nhói lòng trước cảnh sông bãi quen thuộc. Cậu bé bồi hồi đi rất chậm về phía bóng tối của bãi sông. Ngày tháng trôi đi sao nhanh thế. Mới đó mà đã gần ba tháng rồi. Nhớ lại cái buổi sáng mùa xuân ấy, Hoàng Đỗ được gặp lại cha mình sau mấy năm ròng cậu bị đem bán làm nô tì. Cuộc gặp gỡ trong hai ngày sôi động ngắn ngủi như một giấc mơ. Một trận đánh đã diễn ra trên bãi sông này. Cha cậu, ông già Màn Trò, đã chết ở đây trong trận đánh mà Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cũng đã đem tính mạng của mình đền nợ nước và tạ lại ơn vua tri ngộ. Hoàng Đỗ đứng im lặng trên bãi sông, hai tay tỳ trên chiếc khiên mây dựng thẳng. Chỉ chưa đầy ba tháng, Hoàng Đỗ đã đường bệ làm sao trong bộ áo chiến quân viễn thám. Cổ cậu đeo chuỗi răng cá sấu chín mươi chín chiếc, chiếc thứ một trăm không phải một chiếc răng, lại là một chiếc khóa bạc nhỏ xíu thường đeo ở cổ chân trẻ con để lấy khước mà Trần Quốc Tuấn đã giao cho cậu. Đây là chuỗi răng ông già họ Hoàng đã tặng Trần Bình Trọng. Bảo Nghĩa vương cho cậu khi trả lại danh vị người tự do cho cậu và nhận cậu là em nuôi, trước khi ông và ông già Màn Trò bước vào trận đánh quyết tử và cùng oanh liệt tử tiết trên bãi sông này. Hoàng Đỗ thầm thì như muốn nhờ gió trời kỳ diệu đưa những lời khấn khứa tới người cha thân yêu ở tận đâu đó trong thế giới bên kia:
    -Cha ơi! Hãy về nghe con nói! Đêm nay, quân ta đốt thuyền chúng nó bên Chương Dương kia kìa. Chúng nó đốt làng Xuân Đình, chúng nó đốt làng ta, đốt bao nhiêu là làng mạc khác. Chúng nó... chúng nó đốt cả cây cối, bây giờ thì quân ta đốt lại chúng nó...
    Bên kia sông, lửa thù đốt thủy trại Chương Dương lại bùng lên, chắc là lửa bén vào kho sơn hay kho thuốc pháo hiệu chi đó. Lửa bùng lên, nhưng mãi tiếng nổ bụp mới chuyền đến bên này sông. ánh mắt Hoàng Đỗ long lanh ánh lửa. Mây trời đêm nay thấp, vần vụ màu bồ quân. Hoàng Đỗ đằm trong những cảm xúc trái ngược. Cậu hả dạ vì những trận thắng lớn vừa diễn ra; cậu bâng khuâng vì những kỉ niệm xưa trở về, bảng lảng ở quanh mình; cậu lại háo hức vì cuộc chiến đấu trước mắt sẽ đầy bất ngờ. Hoàng Đỗ chậm rãi đi sát xuống lới nước. Bước chân cậu in dấu hài cỏ lên mặt cát phù sa ẩm. Trên bãi sa bồi rộng mênh mang này, Trần Bình Trọng và ông già Màn Trò đã bày thế trận tử chiến ở chỗ nào? Những người lính Thánh dực, bạn của Đỗ, đã lập chiến lđá bằng khiên mây theo hướng nào? Những ai đã nằm xuống ở chỗ này?...
    Hoàng Đỗ như thấy những người thân thiết xưa ở quanh quất đâu đây, họ muốn nhắn gì với cậu. Có lúc, Đỗ nghe tiếng họ cười nói bên tai khiến cậu phải ngoảnh đầu nhìn... nhưng không phải, đó chỉ là tiếng gió, tiếng nước chảy... Sông đêm thăm thẳm, đất lở ì ùm đâu đây... Hoàng Đỗ cảm thấy bên mình như có Trần Bình Trọng, có cha cậu, có những người lính Thánh dực, bạn cậu. Những người ấy cùng với Hoàng Đỗ, nhẹ nhàng, im lặng, nhanh nhẹn bày trận, đánh trận đánh kỳ diệu bên bờ Thiên Mạc, trận đánh mà quân đôi bên tham chiến chưa đầy ba nghìn người, nhưng mai sau những bậc tướng kỳ tài sẽ mãi mãi ngẫm ngợi về giá trị của nó. Đột nhiên như một người mê ngủ lúc tỉnh lại tỉnh rất nhanh nếu có cái gì quật mạnh vào lý trí, Hoàng Đỗ nhận ra trên sông đêm có mấy đốm lửa đuốc. Hoàng Đỗ nhìn chăm chú. Đó là lửa của những bó đuốc thuyền ai đang từ bên kia sông sang ngang. Một thuyền, hai thuyền... ba thuyền. Những con thuyền dần dần rõ hình. Bóng người ngồi thuyền cũng rõ dần, rồi một giọng hát thật khỏe, thật trẻ vời vợi cất lên: Bồng ới ơ... ơ chở lửa Chương Dương Lửa lồng bóng nước ơ... ơ... nước lồng bóng trăng Bồng ới ơ... ơ... tôi treo ngọn giáo vàng Chở ông hoàng bảy sang ngang bến này ơ... ờ... ờ... Chà, cái anh nào hát hay thế! Hoàng Đỗ giơ hai tay làm loa miệng gọi to:
    - Ạ... Ô... Ô... Thuyền ai đấy? ... Ô...
    Đó là cách gọi hỏi của quân ta trên các triền sông Bạch Đằng, Thiên Đức, Thiên Mạc... Từ thuyền xa, tiếng người vừa hát đáp lại:
    - Ạ... Ô... Thuyền ông hoàng bảy đây!
    À, thuyền của Trung Thành vương, ông hoàng chỉ huy vùng ven thành Thăng Long. Hoàng Đỗ gọi to:
    -Cặp bến này!
    Mấy con thuyền thuận dòng xuôi rất nhanh vào bến. Khi gần tới bến, một người từ mũi chiếc thuyền đi đầu chống sào ghìm con thuyền gằm mũi đứng sững lại như một kỵ sĩ tài giỏi ghìm ngựa vậy. Cách cắm sào ấy làm cho Hoàng Đỗ phải khen thầm. Cậu tò mò ngắm người trên thuyền. Nom cách ăn mặc, Hoàng Đỗ hiểu những người trên thuyền có người là dân binh, có người là lính trạo nhi, đi hầu một vị tướng mặc áo chiến may bằng vóc tía. Hoàng Đỗ chắp tay vái:
    -Bẩm đức ông, Quốc công chờ đức ông đã lâu.
    -Ta biết, ta biết. Lệnh đến, ta sang ngay nhưng quãng sông này rộng quá. Quốc công đang ở kia phải không?
    Vị tướng chỉ về phía những đống lửa đốt trên bờ sông Thiên Mạc rồi ngoảnh bảo tả hữu:
    -Bắn lửa hiệu báo về Chương Dương là ta đã sang sông rồi.
    Nói xong, vị tướng dẫn những người dưới quyền đi về phía lửa trại.
    Còn một người ở lại. Hoàng Đỗ tò mò ngắm anh ta dưới ánh lửa bó đuốc được cắm xuống bãi cát. Cũng là một cậu bé, trạc mười sáu tuổi, vạm vỡ, lùn, nét mặt nghịch ngợm, bướng bỉnh ở cái trán dô, cái mũi hếch, cái miệng rộng có những chiếc răng to khỏe, trắng bong. Cậu ta mặc bộ áo chiến lính trạo nhi, tay áo xắn đến khuỷu, ống quần bện lên khỏi gối, vai đeo một cánh cung sơn vạch đỏ vạch đen, ngang sườn giắt một lưỡi dao găm dài và một cái... dùi sắt. à, té ra đây là một anh lính trong đội trạo nhi chuyên ngụp lặn đục trộm thuyền giặc, đánh chìm không biết bao nhiêu chiếc rồi. Té ra một anh lính của Yết Kiêu là thế này đây! Chú lính trạo nhi lấy một chiếc tên trong bao. Đầu chiếc tên quấn giẻ tẩm nhựa. Chú ta châm đầu tên vào bó đuốc và hạ cung nạp tên... Vệt tên lửa xẹt lên trời như một vệt tinh cầu màu đỏ nhạt. Từ bên trời Chương Dương, một vệt lửa khác cũng kẻ một đường trên nền mây bồ quân. Anh lính trạo nhi khoác cung vào vai, ngoảnh bảo Hoàng Đỗ:
    -Chào chú bé! Đưa anh đến ông tướng coi quan trung doanh.
    Hừ, cái anh chàng hỗn xược tệ. Hoàng Đỗ cười thầm và cũng hơi bực. Hoàng Đỗ dẫn anh lính trạo nhi đi về phía lửa trại. Đỗ liếc nhìn anh ta và hỏi:
    -Tên là gì?
    -Là Hùng. Là Hoa Xuân Hùng.
    Anh ta cũng nhìn lại Đỗ và ghẹo:
    -Biên vào gấu áo ấy.
    - Biên thế để làm gì?
    -Để mà nhớ. Hễ sau này có gặp thì tránh đi.
    Anh ta cười. Cái anh Hùng này không hỗn đâu, chỉ nghịch thôi, nghịch lắm thì phải. Hoa Xuân Hùng hất hàm hỏi Hoàng Đỗ:
    -Vào lính viễn thám lâu chưa?
    -Ba tháng.
    -Đạo quân nào?
    - Ởhành trung doanh.
    Thế là đến lượt Hoa Xuân Hùng ngợp. Lính viễn thám hành trung doanh nổi tiếng như cồn. Họ có một ông đội trưởng em nuôi Bảo Nghĩa vương, đã từng sóng ngựa với Quốc công Hưng Đạo vương, với Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, đã từng đứng trên cùng một mũi thuyền với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trong trận Hàm Tử và chao ôi, kỳ quái biết bao nhiêu, đã từ chối khéo không nhận làm phó tướng của hầu tước Hoài Văn. Hoa Xuân Hùng tò mò ngắm chú lính viễn thám quắt nhỏ, rắn như cái đinh. Hùng nhìn thấy chuỗi răng cá sấu trên cổ anh lính viễn thám... Hùng dừng lại, giơ tay gỡ chiếc răng sấu giơ xem. Hoàng Đỗ cười, hai mắt nheo lại:
    -Răng cá sấu đấy. Chỉ là răng cá sấu thôi.
    Hoa Xuân Hùng lại nhìn Hoàng Đỗ. Chẳng có lẽ thế. Nhưng mà vào lính viễn thám đã ba tháng rồi. Thứ lính này mới được đặt ra cũng mới ba tháng thôi chứ bao nhiêu.
    -Làm lính dùi thuyền lâu chưa?-Hoàng Đỗ hỏi
    -Mới. Cũng ba tháng.
    Hoàng Đỗ nắn bắp tay anh lính trạo nhi. Khá thật! Hoàng Đỗ dẫn anh ta đến trước Dã Tượng. Anh ta nộp bản khai công của hành doanh Chương Dương. Sau đó, anh ta kể cho Dã Tượng nghe trận đánh thủy trại giặc, chiến công của đội đục thuyền Yết Kiêu...
    * * *
    Bằng một giọng trầm buồn, Trần Quốc Tuấn đã kể xong đêm tuẫn tiết của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cho Lê Văn Hưu nghe. Đôi mắt mệt mỏi của ông già chép sử đăm đăm ngắm màu lửa than trong ổ lửa quây bằng cả mấy súc gỗ lớn. Trần Quốc Tuấn nói:
    -Thiên Mạc là một trận ta mất một vị tướng tài giỏi, trung dũng, mất một đội quân thiện chiến, nhưng xét về toàn cục, đó là một chiến thắng cực lớn.
    Trần Quốc Tuấn đứng dậy, nhìn cảnh đêm thăm thẳm bốn bề. Ông nói chậm rãi:
    -Không có Thiên Mạc, sao có được Hàm Tử, Chương Dương. Trong một cuộc binh đao, các trận đánh dù to dù nhỏ đều có cân lượng của chúng. Những trận đánh ấy kết liền nhau, những cái này là mầm của những cái kia, những cái sau là hoa là quả của những cái trước.
    Trần Quốc Tuấn giơ miếng hộ tâm phiến lên ngắm kỹ một lần nữa. Trên mảnh đồng thau dày nặng ấy có những vệt xước rất sâu không phải là vân chạm chìm trên đó. Những vết gì vậy? Vết đinh trên khiên giặc xiết vào? Vết tên? Vết kiếm?...
    -Bẩm Quốc công, tướng quân Bảo Nghĩa được phong vương chính hôm người tử tiết?
    -Phải.
    Trần Quốc Tuấn nghiêm nghị nhìn chăm chú gương mặt trang trọng của Lê Văn Hưu. Đằng sau vầng trán đầy những nếp nhăn kia, những ý nghĩ gì đang kết tinh lại? Trần Quốc Tuấn hỏi khẽ:
    -Tiên Sinh xét trận Thiên Mạc thế nào?
    Lê Văn Hưu im lặng thêm một lúc nữa trước khi đáp lại:
    -Bẩm Quốc công, tôi chưa dám định giá từng trận.- Ông già trầm ngâm giờ lâu rồi tiếp:
    -Có lẽ phải qua mươi năm nữa. Còn bây giờ, trước hết là chép đúng sự việc đã xảy ra. Có lẽ phải chép đến một dòng.
    Trần Quốc Tuấn nghiêng mái đầu. Ông với tay cầm một thanh đóm cháy châm mồi thuốc lào. Chiếc điếu cày bằng trúc kêu rít lên vui vẻ. Trần Quốc Tuấn phà khói, mắt lim dim, rồi thình lình ông sững người quắc cặp mắt sáng, nhìn chằm chằm ông già chép sử:
    -Một dòng... một dòng à?
    Quả là Trần Quốc Tuấn sửng sốt, nhưng Lê Văn Hưu lại nghĩ rằng vị tướng già không hài lòng. Ông già chép sử điềm đạm:
    -Bẩm vâng. Gương tử tiết ấy phải chép đến một dòng.
    Có lẽ mấy cành củi chụm bếp có cành là gỗ xoan đào nên cứ nổ lách tách. Tàn lửa bắn lên, có cánh rơi vào vạt áo của ông già chép sử. Nhưng ỷ vải áo dày nhuộm vỏ dà, Lê Văn Hưu vẫn ngồi yên lặng, Trần Quốc Tuấn ngắm dáng ngồi chững chạc của Lê Văn Hưu và ông thấu hiểu sức chứa đựng của mỗi chữ ghi trong quốc sử. Chính vào lúc đó, Lê Văn Hưu, bằng lối kể rất ngắn gọn, thuật lại những điều mà chính ông đã hỏi được và đã ghi lại về trận đánh trên bãi sông Thiên Mạc:
    -Bẩm Quốc công, tôi được biết trận đánh trên đất này có một nghĩa sĩ tử tiết không phải là người trong quân ngũ mà là một lão nông bản thổ.
    Trần Quốc Tuấn bằng lòng về cách làm việc tỉ mỉ của Lê Văn Hưu, nhưng ông không khen ra lời. Ông không quen và không thích khen như vậy, ông chỉ im lặng và cũng điềm đạm chờ xem ông già chép sử nói gì thêm nữa. Cũng đã lâu lắm rồi, mặc dù Lê Văn Hưu luôn luôn có mặt ở hành trung doanh, nhưng vì Trần Quốc Tuấn bận rất nhiều việc, nên bữa nay Lê Văn Hưu mới được Quốc công cho ngồi hầu chuyện tay đôi. Tuy vậy, Lê Văn Hưu vẫn không vội vã. Ông già chép sử trầm lặng suy nghĩ. Ông nghĩ... và cặp mắt già nua thâm thúy lim dim.
    -Bẩm Quốc công, gương tử tiết của lão nông bản địa này có nên chép lại không?
    Trần Quốc Tuấn lưỡng lự. Ông muốn trả lời rằng chép vào sử hay không chép vào sử một sự kiện gì đó là công việc của nhà chép sử. Nhưng một khi... Không nên phụ lòng kỳ vọng của người khác.
    -Phải chép!
    Hai người cùng ngồi im lặng và đằm vào mối suy nghĩ sâu đọng riêng...
    Trên đoạn đường ngắn vài chục bước chân, Hoa Xuân Hùng kể cho Hoàng Đỗ nghe chiến công của anh em Yết Kiêu. Hùng kể rằng Chương Dương là trại quân thủy rất lớn của giặc. Có thể nói phần lớn thuyền chiến của giặc đóng ở đó. Giặc canh phòng và bày thế trận phòng ngự thủy trại này rất chu đáo. Chúng dàn một loạt đồn quân bộ dọc một bờ sông. Các đồn hình thành một mạng lưới vừa có chiều dài, vừa có bề dày. Dưới sông, chúng dùng những thuyền vận tải lớn thả thành ba mặt lđá. Thuyền nào cũng thả ba neo rất chắc chắn. Từng cụm cọc đóng sâu xuống lòng sông để giăng lưới sắt. Mỗi một lđá, chúng mở ba cửa để thuyền bè ra vào; cửa lđá mở, đóng bằng bốn dây xích sắt. Trong trại, thuyền chiến giặc đậu san sát, mũi hướng sẵn về phía các cửa thủy trại. Hoa Xuân Hùng chợt cười hì hì:
    -Trên bộ thì chúng nó phi ngựa nhặng xị đồn nọ sang đồn kia, thế mà dưới nước thì chúng nó đậu thuyền như bè gỗ. Cứ ỳ ra.
    Hoàng Đỗ lé mắt nhìn Hùng. Anh lính đội quân thủy toét mồm cười:
    -Chúng nó say sóng. Mật xanh mật vàng tung tóe sạp thuyền, mui thuyền.
    -Sao lại mật xanh, mật vàng?
    -Nôn. Nôn mà.-Hoa Xuân Hùng phá lên cười.- ít nhất cứ ba thằng phải có một thằng nôn.
    -Nghe nói chúng nó cũng nhiều đứa thạo nghề sông biển kia mà?
    -Cũng có, nhưng đâu mà nhiều. Thằng nào thạo nghề buồm lái thì ở A Lỗ tất cả rồi.
    - A Lỗ! A Lỗ!...
    Hoàng Đỗ nghiêng đầu nghĩ ngợi. Cái tên A Lỗ nghe quen quen.
    -Là cái kho lương, kho cỏ của chúng nó ấy mà.
    A Lỗ đúng là kho lương, kho cỏ của giặc, nhưng không phải chỉ có thế. A Lỗ là một đồn lớn của giặc nằm trên đường huyết mạch vận tải lương, cỏ, khí giới, thuốc men của giặc từ bên nước chúng đến vùng hành binh của Đại nguyên soái Thoát Hoan. Giặc giao cho một tên tướng mưu mẹo quỷ Quyệt là Lưu Thế Anh chỉ huy A Lỗ đồng thời chỉ huy cả việc vận chuyển thủy, bộ. Như vậy A Lỗ chính là quả tim điều động máu nuôi quân, nuôi ngựa của cả đạo quân xâm lược. Những tên lính thạo nghề sông biển của quân Nguyên không được dùng vào việc đánh nhau nữa. Chúng phải đưa về A Lỗ để Lưu Thế Anh sai phái trong việc vận tải kể từ khi quân giặc bị dân binh các lộ đánh chặn tứ tung.
    - À!
    -Đấy đấy, thế là lũ giặc ở Chương Dương say sóng. Đức ông Chiêu Minh chí tâm đánh tan đoàn thuyền chiến giặc ở đấy. Nhiều thuyền lắm, cơ man là thuyền.
    -Hay, lính thạo thì đưa đi, thế mà thuyền thì để lại.
    -Thuyền này là thuyền chiến mà lại. Có đem đi cũng chẳng chở được bao nhiêu.
    Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại, làm điệu bộ cho Hoàng Đỗ xem.
    -Cơ man là thuyền, nhảy vào đốt thuyền này rồi nhảy sang đốt thuyền kia. Cứ thế nhảy mãi mà không thấy hết. Lửa thì cứ đùng đùng cháy. Táp cả tóc đây này.
    Hoa Xuân Hùng trật khăn cho Hoàng Đỗ xem. Tóc anh lính đánh thủy trụi cả một mảng lớn và da đầu cũng bị bỏng. Hoa Xuân Hùng, bằng những câu cóc nhảy như thế, thuật lại cho người bạn mới nghe trận đánh kỳ thú của anh em Yết Kiêu. Những người lính trạo nhi đã sắp sửa thuyền bè và chiến cụ từ chiều. Các cánh cung và cánh nỏ đều được thay dây mới. Những lưỡi kiếm được mài kỹ lưỡng sắc như nước. Những lưỡi kiếm được tra lại cán, chêm chốt chắc chắn. Anh em trạo nhi thách đố nhau, hứa hẹn với nhau sẽ lập công lớn. Cuối canh ba, Yết Kiêu ra lệnh cho binh lính xuống thuyền. Tất cả đều giữ miệng. Đầu canh tư, những con thuyền nhỏ đưa các chiến sĩ cảm tử xuống gần tới thủy trại Chương Dương. Họ bỏ thuyền trườn xuống nước, lặn vào các cửa thủy trại giặc, nhẹ nhàng trèo lên thuyền, dùng vũ thuật giết gọn những tên quân canh của giặc đang ngủ gật. Rồi nấp chờ hiệu lệnh. Hồi hộp! Đến giữa canh tư, từ chân trời phía tây Chương Dương xẹt lên ba vệt pháo hiệu.
    Các chiến sĩ cảm tử lập tức nổi lửa châm vào những vật dễ bắt cháy xếp sẵn trong những chiếc thuyền kề các cửa thủy trại. Lửa bốc lên rất nhanh và các cửa thủy trại bị những con thuyền bốc cháy bịt kín. Bên ngoài sông, những chiếc thuyền thoi nhanh nhẹ lướt như bay dọc chiều dài của thủy trại. Những mũi tên đầu quấn giẻ tẩm nhựa châm lửa bắn vào dãy thuyền giặc. Tên bay như mưa lửa. Tiếng mõ, tiếng lệnh hô rồi tiếng trống đồng đánh điệu xung trận rần rần. Những nghĩa sĩ cảm tử, sau khi đã đốt thuyền bịt cửa thủy trại giặc, trở nên xông xáo hơn. Họ châm đuốc nhựa, rồi một tay đuốc, một tay mã tấu nhảy chuyền vào các thuyền giặc mé trong. Họ nhảy qua đâu, lửa lại bốc lên ở đấy. Một bên tiếng quân ta reo hò, một bên tướng giặc la ó thất thanh. Giặc hoàn toàn trở tay không kịp, nhưng dù không quen nghề sông nước, chúng vẫn tỏ ra là những tên lính quen chiến trận. Bọn tì tướng giặc sau một lát hoảng hốt đã dần dần lấy lại bình tĩnh. Một vài tên tướng giặc, mình xoay trần trùng trục vì trời nóng, không kịp mặc áo giáp đã xông lên mui những chiếc thuyền lầu. Tiếng chúng nó ra lệnh gằn lại, giận dữ và nhuốm phần lo lắng.
    Bọn giặc được lệnh chặt neo những chiếc thuyền đã bắt cháy, đẩy trôi xuôi cho khỏi lan sang những chiếc còn lành lặn. Bọn cung thủ dàn sau những tấm ván chắn tên, bắn ra từng loạt. Tướng giặc cho kéo lên cột buồm thuyền tướng một quả đèn lồng múi lợp lụa màu hỏa hoàng. Chắc là lệnh cố thủ, và mệnh lệnh này đã làm cho lũ giặc hung hãn xiết lại thế trận vững hơn nữa. Trận đánh diễn ra gần một trống canh, các thuyền giặc chưa bén lửa vẫn còn được đến hai phần ba. Chúng té nước lên những chỗ dễ bắt cháy như mui, buồm, rèm che cửa. Chính vào lúc đó, một đoàn thủy thủ đưa đức ông Chiêu Minh xẹt thuyền bên ngoài trại giặc để quan sát. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nhanh chóng ra những mệnh lệnh khẩn cấp. Một mặt, các thuyền thoi dựng phên che tên lên, lượn bên ngoài thủy trại giặc, mưa tên vào. Quân ta bắn cả tên mang lửa, cả tên mũi bằng đá mài, cả tên mũi đồng mũi sắt và cả tên tẩm thuốc độc bằng nhựa cây sui và củ nâu trắng. Từng trận mưa tên buộc giặc chúi đầu xuống và gieo rắc sợ hãi trong lòng binh tướng giặc. Một mặt, mười chiếc thuyền vận tải lớn chứa đầy chất dẫn lửa và thuốc pháo đã chuẩn bị sẵn từ lâu, rời chỗ đậu kín trong một vụng sông ở bãi Tự Nhiên. Đoàn thuyền này do Yết Kiêu và một lão dân binh chỉ huy, một người quá nửa đời người sống trên sông nước. Đoàn thuyền im lặng, không một đốm lửa, di chuyển trong đêm, tiến vào mé trên của thủy trại giặc. Khi đoàn thuyền vào đến cửa thủy trại còn đang cháy to, giặc mới nhìn thấy. Chúng hốt hoảng ra lệnh cho nhau bắn ra nhưng không kịp nữa rồi; đoàn thuyền đột nhiên bùng cháy lên và cứ thế, như mười quả tinh cầu lửa, xé nước sông, xuyên vào đám thuyền giặc đang đậu chụm lại. Đến đó, sự tan tác của thế trận giặc trở nên hoàn toàn, quân ta reo to lên, lừa những kẽ hở xông vào, đốt, chém, đốt, bắn, đốt, thét hàng... Khi bình minh, toàn thể đoàn thuyền chiến giặc chỉ còn là những mảnh lửa rần rật, từng đám từng bè cháy rải rác cả mấy chục dặm sông. Những tên lính Nguyên bám vào những mảnh ván, những đoạn cột buồm, mặt chúng nhọ nhem, tiếng kêu ngợp nước. Quân ta lướt thoi đi, dùng câu liêm móc chúng lên, tát cho mỗi đứa một cái cho chóng tỉnh rồi ném cho mỗi đứa một nắm cơm với con cá mắm...
    Kể đến đấy, vẻ mặt Hoa Xuân Hùng đột nhiên khác đi và giọng nói trầm hẳn xuống:
    -Thật là một trận thắng to quá, hả dạ quá, giá mà...
    Im lặng. Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại. ánh lửa từ mấy đống củi xa xa soi mơ hồ vầng trán bướng bỉnh và đôi mắt sáng lạnh lùng. Vẻ mặt Hoa Xuân Hùng u uẩn. Hơi thở chìm hơn, dài hơn. Hoàng Đỗ tuy còn ít tuổi nhưng cũng hiểu lúc này phải tôn trọng sự im lặng của người bạn mới... Một miếng đất lở xuống sông. Hoa Xuân Hùng bàng hoàng nhìn Hoàng Đỗ:
    -Không! Sao lại thế được? Tạo sao lại không còn con người ấy.
    Hoa Xuân Hùng buồn rầu ngồi kể cho Hoàng Đỗ nghe thêm về trận đánh. Tới sáng, quân ta được lệnh hồi. Điểm người, đội quân đục thuyền mất tích một chiến sĩ. Mất có một chiến sĩ, nhưng chính lại là lão dân binh chỉ huy đội thuyền cảm tử đã lập công lớn trong trận nổi lửa. Lão dân binh này xưa nay vẫn được tất cả lính đục thuyền, kể cả Yết Kiêu, coi là thầy.
    * * *
    Trung Thành vương tháo dây đeo kiếm, trao kiếm cho một người lính hầu rồi cung kính vái Trần Quốc Tuấn. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương bước tới, chìa hai tay nâng Trung Thành vương đứng thẳng lên:
    -Vương đệ bình thân.
    Trong khi đó Lê Văn Hưu nghiêm trang vái Trung Thành vương hai vái. Trung Thành vương cũng vội bước lại ngăn ông già chép sử thi lễ:
    -Tiên Sinh quá giữ lễ. Đây là chiến trường, có phải ở vương phủ đâu.
    - Bẩm đức ông, lễ mà buông lơi thì phong tục mất thuần hậu.
    -Được! Thế là được rồi.
    Trần Quốc Tuấn chỉ một khúc gỗ cho phép Trung Thành vương ngồi. Ông già chép sử giữ ý, xin phép cáo lui nhưng Quốc công Tiết chế giữ lại:
    -Tiên Sinh ngồi lại! Lúc này chính là lúc cần đến bàn tay chép sử của tiên sinh.
    Trần Quốc Tuấn ngừng một lát rồi mỉm cười nói tiếp:
    -Và cần cả một sự xét đoán khác cách xét đoán của chúng ta.
    Trần Quốc Tuấn chỉ vào ngực rồi lại chỉ vào Trung Thành vương. Lê Văn Hưu tuân lệnh ngồi xuống. Ông già tò mò ngắm nghía kín đáo hai vị tướng. Ông biết rất rõ mối thù giữa hai con người này. Nếu như hiềm khích giữa Chiêu Minh vương với Hưng Đạo vương bắt nguồn từ sự tranh giành giữa hai chi trong một dòng họ thì mối hận thù giữa Trung Thành vương với Hưng Đạo vương hoàn toàn chỉ là thù riêng của hai người, từ thuở đôi bên đang còn trẻ, cái tuổi mà con người ta ít chịu suy nghĩ sâu xa. Chuyện đó xảy ra cách đây trên ba chục năm trường dằng dặc. Về sau, hai người đã đôi ba lần vì lệnh vua, vì việc triều chính, ngồi bàn bạc với nhau, hoặc cùng dẫn quân đi tuần thú, đi dẹp giặc yên dân ở các miền biên giới xa xôi. Họ cũng đã vài lần về hội thề đền Đồng Cổ, đứng xướng lời thề cùng sướng cùng khổ vì vua vì nước với nhau. Rồi những lần dự yến vua ban, những lần xem thi bơi chải, những lần cưỡi ngựa đánh quả phết trên sân điện Thiên An và một lần hai người đã cho gia nô mang tặng nhau quà quý, tuy mấy món quà đó đã làm cho những kẻ đa sự xì xào bàn tán. Bởi vì quà tặng của Trần Quốc Tuấn là một bộ Vạn Kiếp bí truyền thư chép tay có lời đề tặng rất trang trọng và quà tặng của Trung Thành vương là một gốc tùng già hùng vĩ-tượng trưng cho đức độ quân tử-trồng trong một chậu gốm men ngọc Đông Thanh.
    Đã một lần Lê Văn Hưu vào yết kiến Hưng Đạo vương ở phủ đệ kinh thành được Trần Quốc Tuấn tiếp trên gác Ngoạn Hoa. Ông già chép sử đã được nhìn thấy gốc tùng ấy bày thật tôn quý trên văn kỷ đọc sách của Quốc công Tiết chế. Cây tùng rất xanh, rất gọn thế, kể từ cành trực, cành hoành, chứng tỏ nó được chủ nhân chăm sóc kỹ lưỡng. Có thể mối thù riêng từ thời trẻ ấy đã nguội lâu rồi, nhưng Lê Văn Hưu vẫn thấy một chút gì xa cách giữa hai vị tướng già trong đêm tiếp kiến này. Sự vồn vã của Trần Quốc Tuấn, sự tôn kính của Trung Thành vương có cố ý và quá mức chăng? Nhưng hai vị tướng già không nhận ra sự chăm chú của Lê Văn Hưu. Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho lính hầu bày rượu. Lính hỏa đầu nhanh chóng mang thịt nai khô đến. Họ chẻ những thanh tre tươi làm cặp nướng thịt trên đám than hồng rừng rực cời từ đống lửa ra. Họ chẻ hành sống thành hoa muống. Họ đâm muối ớt trong những cái đọi da lươn. Họ bày mâm bồng trước ba ông già và rượu thơm được rót vào những chiếc chén óa trắng nạm vàng. Trong khi đó, mấy người lính hỏa đầu khác bắc bếp ở mé xa. Họ sắp các món ăn khác nếu Quốc công cho đòi. Bày rượu chỉ là cớ để cuộc luận bàn thêm thân thiết, giảm bớt không khí việc công. Trần Quốc Tuấn nâng chén mời Trung Thành vương và ông già chép sử:
    -Cạn chén đi. Để tạ ơn tổ tông sinh thành ra ta.
    Trung Thành vương dùng ngón cái và ngón giữa của bàn tay trái nâng chén rượu một cách cầu kỳ và ngửa cổ uống cạn không nói một lời. Đức ông hoàng bảy xưa nay nổi tiếng là người lịch sự kinh kỳ, lịch sự đến mức đặt cạnh ông, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc chỉ còn là một kẻ hợm của.
    -Bẩm Quốc công, bọn phản bội đã được tướng giặc hộ tống về nước Nguyên.
    Trần Quốc Tuấn hà một tiếng dài. Nghe nói đến bọn phản bội, ông cảm thấy một chút gì ngượng ngùng với ông già chép sử. Bọn này toàn những kẻ xưa nay được sủng ái và là người máu mủ trong hoàng tộc: trước hết phải kể Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, rồi đến Chương Hiến thượng vị hầu áo tía Trần Kiện, rồi Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng... một lũ một lĩ những kẻ lúc bình thời mũ cao áo dài, chuộng danh vọng hơn lễ nghĩa, ỷ quyền thế coi thường nhân cách; đến khi thế nước nguy nan, chúng cam tâm bỏ nước bỏ dân, phụ ơn vua, lạy giặc xin hàng. Bây giờ, quân thế ta hưng phấn lên, vây đánh bọn giặc xâm lược khắp nơi. Cả hai đạo quân của giặc đều bị giáng những đòn chí tử, hai đòn đánh mà theo cách nói của ông quan thái y đi theo hành trung doanh là đổ sâm cũng không lại. Tướng giặc đưa-phải nói áp giải mới đúng-bọn Trần Ích Tắc về bên nước chúng. Đây là một sự việc chứa đựng nhiều uẩn khúc. Chúng quý gì bọn này? Chúng thương gì bọn này, cái bọn không kéo được cày, không canh được nhà, không gáy gọi sáng được? Nhưng nghĩ đến việc giặc đưa bọn phản bội về nước chúng, Trần Quốc Tuấn hiểu rằng những uẩn khúc bên trong cần phải nghiền ngẫm để hiểu đến tận đáy sâu cùng lòng dạ đen tối của binh tướng giặc... Đúng như ý định của Trần Quốc Tuấn, chén rượu nhanh chóng đem đến sự hồ hởi giữa mấy người. Ông bảo Lê Văn Hưu:
    -Uống đi! uống nữa đi! Nam nhi phải ăn như hùm vồ cọp cắn. Đấy là lời Tiên đế dạy Quan gia đấy.
    Khi binh lính bưng nửa con lợn quay đến, Trần Quốc Tuấn dùng dao nhỏ xẻ thành từng miếng lớn. Ông chìa tay mời. Lê Văn Hưu kinh dị nhìn Trung Thành vương, con người cầm trịch về lịch sự ở kinh kỳ, cầm cái chân giò trong tay trái, chén rượu trong tay phải, vừa ăn uống vừa nói cười ha hả. Một chén rượu, mặt Trung Thành vương hơi tái đi, chén thứ hai, mắt ông long lanh bốc sáng. Trên giữa ngực áo chiến vóc tía của ông già lịch sự, chiếc phù chạm hình mặt hổ bằng vàng ngời lên như nói lại chiến công ở chiến trường kinh thành của ông tướng lưu thủ. Trung Thành vương kể như kể chuyện vui về trận đánh của Chiêu Minh vương Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Thật là một trận đánh tài tình, mưu mẹo thâm trầm. Nó không phải chỉ là trận đánh đốt đoàn chiến thuyền giặc ở Chương Dương. Đoàn thuyền giặc là phương tiện di chuyển và chiến đấu ở nước ta. Chỉ mười ngày sau khi giặc vượt biên giới, giặc hiểu rằng ở cái nước sông ngòi chằng chịt, rừng rậm dày đặc, ruộng bùn mênh mông này thì ngựa chẳng còn bao nhiêu giá trị. Ở đây phải thuyền! Phải thuyền! Cho nên đánh vào đoàn thuyền giặc là đánh vào huyệt điểm. Giặc sẽ phải cố sống cố chết đưa quân từ Thăng Long ra cứu Chương Dương. Toán viện binh này ắt bị chặn đánh tơi bời. Lê Văn Hưu lắng nghe Trung Thành vương. Ông già chép sử càng nghe chăm chú, chén rượu cạn vẫn cầm khư khư trong tay. Hôm nay ông mới hiểu kỹ càng rằng những trận đánh ở chiến trường không bao giờ diễn ra đúng hệt như mưu kế vạch từ trước ở hành doanh. Ai cũng đoán rằng nếu ta đánh Chương Dương thì giặc ắt ra cứu. Và chúng sẽ chia nhiều đường (ít nhất là ba) để vừa nghi binh, vừa cánh nọ cứu cánh kia, tạo một thế bất ngờ cho cánh quân chính chọc sâu vào Chương Dương, cứu Chương Dương. Dè đâu chúng chỉ ra một đường, cụm lại thành một đội kỵ binh rất đông, hành quân giữa ban ngày. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tính toán rất nhanh và quyết định thay đổi cách đánh đám quân viện này cũng rất nhanh. Đức ông bảo với các tướng rằng: Giặc khinh thường ta, chúng nghĩ một đội kỵ binh đông thế này ai mà đánh nổi; nhưng chính giặc cũng đang sợ ta, chúng không dám phân tán sợ bị ta diệt những toán lẻ. Bây giờ là thời cơ để ta đánh mòn đội kỵ binh này, giam chân chúng ở đây, rồi sẽ diệt chúng. Đức ông Chiêu Minh ra lệnh cho các tướng lưu thủ vùng kinh thành liều chết đánh vào các kho cỏ. Chỉ trong hai ngày, các kho cỏ của giặc ở vùng ven Thăng Long ra tro hết. Đội quân kỵ của giặc bị ta chẹn lại, không phải chẹn đường đến cứu Chương Dương mà chẹn không cho chúng về Thăng Long. Giặc từ Thăng Long lại phát thêm quân ra cứu đội quân kỵ. Ta mở cho chúng ra rồi lại đóng then khóa kỹ vòng vây. Đấy là chỗ kỳ diệu nhất trong tài làm tướng của đức ông Chiêu Minh ở trận này.
    Trung Thành vương gọi một người lính hầu đến sai trình Quốc công Tiết chế một ngọn giáo:
    -Bẩm Quốc công, ngọn giáo này không phải binh khí. Nó là vật thiêng, biểu tượng quyền oai của một tướng giặc. Tôi chắc trong đám quân kỵ bị vây, có một tên giặc loại đầu đàn.
    Trần Quốc Tuấn cầm xem ngọn giáo trước ánh lửa. Ngọn giáo bằng vàng. Nó chính là ngọn giáo Trung Thành vương mang nộp hành trung doanh, ngọn giáo đã được treo trên bồng của Hoa Xuân Hùng và đã được anh lính đục thuyền nhắc tới trong bài hát cất lên giữa sông đêm. Trung Thành vương buông chén rượu, vỗ đùi cười ha hả:
    -Đốt cỏ! Ha ha...! Có ai ngờ con cháu Sói thần phải khốn khổ vì thiếu cỏ, ha ha...
    -Hãy kể cho tiên sinh đây nghe về bà chúa núi tuyết đi, vương đệ!
    Trung Thành vương tuân lời Trần Quốc Tuấn. Ông kể cho Lê Văn Hưu nghe một truyền thuyết đẹp mà các tướng Nguyên rất tự hào. Chuyện ấy kể rằng ngày xưa khi trời đất còn mông muội, khắp nơi khắp chốn là biển băng, chỉ có một dãy núi cao chấm trời là thiên đường của muôn loài: dãy Thiên Sơn. Bà chúa của dãy núi phủ tuyết quanh năm này là một con sói cái lông xám. Sói thần cai trị muôn loài. Sói đẻ ra một bầy con khỏe mạnh vũ dũng, một bầy con Sinh ra để làm chúa tể loài người và các giống vật khác. Bầy con ấy truyền đến những kỵ sĩ Thát Đát đã lập ra triều Nguyên bây giờ. Lê Văn Hưu ngẫm nghĩ và cười thầm. Té ra dòng giống của Sói thần bây giờ lại cần cỏ ở một xứ chằng chịt sông ngòi mà mỗi cuộc chuyển dịch lớn nhỏ đều phải dùng thuyền. Ông không dám cười thành tiếng nhưng hai ông tướng thì cười ha hả. Lê Văn Hưu ngắm hai đức ông. Trần Quốc Tuấn Sinh ra và lớn lên ở Thăng Long nhưng đức ông Hưng Đạo vẫn nhuốm một chút hoang sơ thô lỗ của đồng nội, của cây rừng Yên Tử. Còn Trung Thành vương thì sao cười mãi mà vẻ lịch sự chỉ tăng thêm, hình như chất lịch sự đã chảy thành máu trong huyết quản của đức ông hoàng bảy. Ngày trước hồi còn ở kinh thành, người ta thường đồn đại so sánh về ba người lịch sự kinh kỳ: Một là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, hai là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và ba là đức ông hoàng bảy. Nhưng cho đến bây giờ, trải qua những cơn ba đào, binh hỏa cái thực của mỗi người hiện rõ lên trên cái nền ấy. Không, vẻ đẹp của Chiêu Văn vương là vẻ đẹp của trẻ trung duyên dáng, nó vẫn có một chút gì buông thả buông lơi, chưa vẹn toàn; vẻ đẹp của Chiêu Quốc vương là vẻ đẹp của kiêu sa, vẻ đẹp của thừa thãi và khát vọng; còn vẻ đẹp của Trung Thành vương mới thực là vẻ đẹp lịch sự nảy mầm từ sự hiểu biết nhuần nhị và yêu mến thực lòng con người.
    -Bẩm Quốc công, hai hôm nay ta bắt được khá nhiều những tên cắt cỏ thuộc cánh quân bị chẹn giữa đồng.
    Trần Quốc Tuấn quắc cặp mắt sáng đẹp. Ông dằn chén rượu xuống mâm. Ông vẽ ra hình thế chiến trường bằng mấy nhận xét chắc chắn: Một: Đạo quân phụ của Toa Đô bị đẩy lùi xuống vùng phía nam. Hai: Đạo quân chính của giặc buộc phải rải rộng để giữ đường lương. Đại bộ phận quân giặc đóng ở Thăng Long cũng không kết lại nổi thành cụm: một phần bị vây trong Thăng Long, một phần-cánh quân kỵ-bị chẹt cứng ở phía nam kinh thành; phần còn lại bị vây ở bờ đông con sông Cơ Xá nằm giữa hai dải rừng đa và rừng giâu gia; địa bàn này nằm chen trong hai con sông Cơ Xá và Thiên Đức.
    -Bẩm Quốc công, giặc tất bỏ chạy! Xin Quốc công ra lệnh cho chư quân sửa soạn ra tay.
    Ý của Trung Thành vương và ý của Trần Quốc Tuấn chắc gần giống nhau, nên Hưng Đạo vương sôi nổi hẳn lên. Ông bảo Trung Thành vương nói cho rõ về cách đóng đồn, lập đồn của giặc ở kinh thành. Trung Thành vương quả là tướng giỏi, ông hiểu kỹ càng hệ thống phòng thủ của giặc ở Thăng Long. Ông kể từng đồn, tướng giặc là ai, tài năng thế nào, đồn có bao nhiêu quân. Giặc đóng một hệ thống đồn dày quanh kinh thành chứng tỏ chúng sợ ta đánh úp hành doanh của Thoát Hoan. Tên đại nguyên soái này đóng trong hoàng thành Thăng Long lúc nào cũng có một nghìn lính cưỡi ngựa thiện chiến bảo vệ. Nhưng rõ ràng Thoát Hoan không còn tin ở bốn vó kỳ diệu của những con tuấn mã đẹp như trong tranh nữa; ở cái nước này phải thuyền, cho nên ở bến Cống Chéo ngay cửa Đông hoàng thành, Thoát Hoan để sẵn một đoàn thuyền nhỏ nhanh nhẹ để nếu gặp nguy nan mà phải tháo thân thì Thoát Hoan sẽ dùng thuyền theo sông Tô Lịch chuồn ra sông Cơ Xá bằng cửa Giang Khẩu. Chính ở cửa ngõ Giang Khẩu quan trọng như cuống họng đối với một Sinh vật, Thoát Hoan sai Thiên hộ Mã Vinh, một tên tướng tâm phúc, lập một đồn trấn giữ.
    -Giang Khẩu à? Hừ... Nó kề ngay sát phố phường của kinh thành.
    Lê Văn Hưu cũng hiểu kỹ địa thế cửa Giang Khẩu vì khi còn trẻ, ông thường rủ các bạn đồng khoa thuê thuyền từ sông Tô Lịch ra sông Cơ Xá bằng cửa Giang Khẩu để ngắm trăng ngâm thơ, ăn cháo cá quả nấu ám. Lê Văn Hưu nhìn đăm đăm khuôn mặt trầm tư căng thẳng của Trần Quốc Tuấn. Ba nếp nhăn hằn sâu vầng trán dạn dày nắng gió, đôi mắt quắc sáng nhìn sững, chòm râu muối tiêu dài, rậm viền cái miệng mím chặt, khóe môi kéo trễ xuống. Trần Quốc Tuấn đẹp dữ dội như ông tướng nhà giời. Lê Văn Hưu lại nhận thấy rõ rệt hơn vẻ đẹp bên trong của Trần Quốc Tuấn. Binh pháp xưa đã nói: “Tướng giỏi là người coi sóc sự an nguy của quốc gia vậy!”. Đúng thế! Vận nước Việt đang đặt trên những cặp vai của Quốc công Tiết chế, của Thượng tướng Thái sư.... những con người xả thân làm việc nước và cũng là những con người đã được hun đúc từ khí thiêng sông núi, từ tài trí của tổ tông, của trăm họ... Trần Quốc Tuấn đẹp dữ dội và lẫm liệt. Một câu hỏi lại lởn vởn trong lòng Trần Quốc Tuấn: Bây giờ tướng giặc định làm gì? Đúng, trước tình thế nguy nan này, tướng giặc muốn gì? Cố thủ trong vùng Thăng Long chăng? Có ngu đến đâu chúng cũng không làm thế. Rút chạy chăng? Chạy bằng đường nào? Chạy bằng gì?...
    Thình lình, Trần Quốc Tuấn hỏi một câu làm Lê Văn Hưu giật nảy mình:
    -Nếu tiên sinh là tướng giặc thì tiên sinh làm gì bây giờ?
    Vẻ mặt của Lê Văn Hưu làm cho cả hai đức ông cùng bật cười. Không khí vui đùa trở lại. Trần Quốc Tuấn rót một chén rượu đầy đưa cho ông già chép sử:
    -Tiên Sinh uống đi. Hãy nghĩ một tí rồi hẵng trả lời. Ta đã nói chúng ta cần một cách xét đoán khác cơ mà.
    Lê Văn Hưu không quen nghĩ về tương lai. Công việc chép sử dẫn dắt
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Trăng nước Chương Dương Empty Re: Trăng nước Chương Dương

    Bài gửi by ThaoMy Fri Dec 06, 2013 4:23 pm

    Trăng nước Chương Dương

    Tác giả: Hà Ân

    Chương 2





    Dã Tượng rước Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương về đến hành doanh Xuân Đình vào lúc bình minh. Tất cả sự tấp nập của hành doanh giữa hai trận đánh đang diễn ra ồ ạt. Hàng loạt lều trận lợp da sơn đỏ dựng san sát ở trảng trống của làng Xuân Đình. Tiếng mõ lệnh, tiếng tù và của quân sơn cước, tiếng trống đồng đánh điệu mừng, tiếng chiêng, tiếng ngựa hí, tiếng voi gầm huyên náo. Cờ xí cắm loạn mắt. Những lính thông hiệu cưỡi những con ngựa chiến thực hăng phi đi phi về. Riêng ở các bếp cơm đã nấu xong rồi. Lửa được dập tắt kỹ lưỡng để khói không bốc lên. Những ngũ lính tuần thám bằng ngựa tế ầm ầm qua, tung bụi mù mịt. Họ phi ngựa về lều trận của Trương Hán Siêu. Đó là nơi thu góp tin tức về địch, về chiến trường, về hành quân của ta. Trần Quốc Tuấn gò cương. Con ngựa tía mật gật cổ hục hặc muốn phi. Binh sĩ nhận ra Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương. Tiếng reo hò vang lên:
    -Quốc công muôn tuổi! Quốc công muôn tuổi!
    Trần Quốc Tuấn cười sung sướng. Ông thả cương. Con tía mật lao vụt đi, đưa ông về lều trận, theo sau là đoàn tùy tùng và Dã Tượng. Vào trướng hổ, Trần Quốc Tuấn ngồi ngay vào án thư, bắt đầu một ngày làm việc quân. Ông ra lệnh truy nã bọn giặc hai bên bờ sông Thiên Mạc. Ông ra lệnh đưa các chiến sĩ bị thương về các làng, nhờ dân làng chăm nom. Ông ra lệnh cho quan coi lương phát rượu, phát lợn cho đạo quân chiến thắng ở Chương Dương, và nhiều lệnh khác nữa. Lúc ông đã ngơi tay bút phê vào các bản lệnh. Dã Tượng vẻ mặt buồn rầu bước vào trướng hổ trình lên ông một chiếc nậm rượu. Trần Quốc Tuấn sững người nhìn chằm chằm chiếc nậm rượu. Ông nhận ra chiếc nậm này là của ông. Ông đã cho cụ Uẩn, người lính già thời Nguyên Phong đã từng là tay kiếm hộ vệ cho cha ông. Hỡi ơi, ông già bến Bình Than, ông đã từng giữ lái thuyền tướng cho ta trong mấy mùa luyện quân, ông đã từng mặc áo the La Khê súng sính thay mặt hương Vạn Kiếp về dự hội Diên Hồng, ông đã từng dạy dỗ binh gia của ta, nên biết bao dũng sĩ cung kiếm tuyệt vời mà trí dũng cũng hơn người... Nhìn cái nậm, Trần Quốc Tuấn hiểu rằng cụ Uẩn đã lập công lớn trong trận đốt thủy trại Chương Dương, nhưng ông cụ đã đem thân mình đền nợ nước trong trận đó. Thốt nhiên, Trần Quốc Tuấn hiểu rằng sơn hà xã tắc vững bền chính nhờ gương chiến đấu xả thân của biết bao con người trung nghĩa, trong đó có những người như cụ Uẩn, như ông già họ Hoàng trên bãi Màn Trò...
    Nếu như tất cả trận đánh to, nhỏ trong một cuộc chiến tranh đều có cân lượng của nó thì các liệt sĩ ngã xuống vì nghĩa cả có người được chép tên trong quốc sử, có người không, nhưng nhân dân đời đời không quên ơn các bậc tiên liệt, tất cả các bậc tiên liệt. Trần Quốc Tuấn khẽ ra lệnh gọi Trương Hán Siêu. Khi viên quan coi về từ lệnh của hành trung doanh đến, Trần Quốc Tuấn nói:
    -Nhà ngươi thảo sẵn bài văn để ta tế các tướng sĩ trận vong một tuần. Thế đó. Ông cầm quân vì chí nam nhi đã chịu ơn vua nợ nước, vì cơm áo của trăm họ, vì mái ấm nhà yên của dân lành. Đó là lẽ sống của ông và của mọi người dưới trướng ông. Nhưng làm được điều đó, chính là nhờ nghĩa tử tiết của các liệt sĩ. Ông sẽ ô hô ba tiếng thống thiết trong tuần tế tướng sĩ trận vong. Rượu thiêng sẽ rót ba chén xuống nước dòng Thiên Mạc này, đem tấc lòng ông hòa vào cái lai láng của con sông mênh mang. Còn bây giờ... thì phải dành cho những người đang sống và những người chưa sinh ra! Trần Quốc Tuấn gằn giọng ra lệnh:
    -Cho thông hiệu hẹn các hành doanh vùng Thăng Long phải phái người về ngay chờ lệnh ở đây tối nay.
    Ông sai Dã Tượng cắm biển cấm ở cửa lều trận, hạ các rèm che nắng xuống. Trong thứ ánh sáng mờ nhạt của trướng hổ, giữa mùi kim loại của binh khí, Trần Quốc Tuấn đắm mình vào những suy tính tỉ mỉ, khó khăn về các trận đánh sắp tới để giải phóng Thăng Long.
    II
    Tới trưa, Dã Tượng dẫn lính hỏa đầu bưng mâm rượu vào trướng hổ hầu cơm Trần Quốc Tuấn. Anh thấy vị tướng già đang ngồi ngắm nghía cây giáo vàng cướp được của giặc trong trận Chương Dương. Vẻ mặt của Quốc công Tiết chế đã trở về bình lặng, tuy nhiên mấy nếp nhăn trên trán vẫn là dấu hiệu một sự suy nghĩ sâu xa. Dã Tượng khoanh tay chờ lệnh. Trần Quốc Tuấn hiểu ý anh bèn nói:
    -Vén rèm lên.
    Dã Tượng sai cuốn rèm. Hôm nay trời quang. Nắng đầu hạ rực rỡ ùa vào trướng hổ làm cho Trần Quốc Tuấn phải khoan khoái nheo mắt lại. Ông vươn vai ngâm khẽ hai câu thơ của Văn Thiên Tường: “Người ta tự cổ ai không chết, Lưu lại lòng son trong sử xanh”
    - Hừ! Lưu lại lòng son trong sử xanh. Văn tướng công ơi, Người có biết bao nhiêu bạn tâm đắc tương kỳ trên đất nước này.
    Ông cầm cây giáo vàng dựa vào góc lều trận, búng thử ngón tay trỏ vào lưỡi giáo. Lưỡi giáo đặc! Ông mỉm cười bảo Dã Tượng:
    -Cho gọi Yết Kiêu ngay lập tức. Bảo nó chọn sang đây mười người lính thật thạo nghề chèo lái.
    Dã Tượng đưa mắt cho người lính hỏa đầu, ra một lệnh thầm để anh ta hầu rượu vị tướng già rồi quay ra. Người lính hỏa đầu rót rượu cau vào chiếc chén bạc lớn, so đôi đũa ngà đặt ngang chiếc bát gốm Tức Mặc màu men da mận chín. Trần Quốc Tuấn nâng chén uống một hơi dài. Ông ăn cơm rất ngon miệng. Theo đúng lệ tự đặt ra, ông ăn đủ năm bát cơm, uống ba chén rượu rồi đứng dậy truyền:
    - Triệt!
    Người lính hỏa đầu mau mắn dọn bàn. Trần Quốc Tuấn thay hia, xỏ chân vào đôi dép cỏ cho mát và bước ra cửa lều trận. Ông nhận thấy sự tấp nập của hành trung doanh đang ở mức cực kỳ sôi động. Quân vận tải lương cỏ đánh trâu kéo những chiếc xe chở nặng. Tiếng bánh xe quay nghiến kẽo kẹt rền rĩ. Quân viễn thám, thông hiệu cưỡi trên lưng những con ngựa chiến mép sùi bọt phi như bay; dải áo, ngù giáo, thắt lưng lụa màu đeo kiếm tung cuộn phần phật như bị tiếng nhạc ngựa làm động. Những tì tướng coi quản các phần việc lương cỏ (thuốc, khí giới) xe cộ, thuyền, ngựa... hối hả đi lại, ra lệnh, quát tháo rầm rĩ; các tướng coi quản những phần việc thông hiệu, thám báo, từ lệnh làm việc trầm mặc hơn, nhưng họ cũng kê ván ngay cửa lều trận của mình thành văn án. Các tì tướng và binh lính các hành doanh trên chiến trường ven kinh thành cũng đang đổ về mang cáo, mang bản khai công trạng đến nộp ở chỗ làm việc của Trương Hán Siêu và Dã Tượng. Trần Quốc Tuấn nhận thấy bóng áo chiến màu chàm của những đội dân binh vùng ba đầu sông. Ông cũng nhận ra những tì tướng mặc áo tía, người của đạo cận vệ bảo vệ Thượng hoàng và Quan gia. Tất cả đều hối hả linh hoạt như én, như sóc. Đột nhiên, Trần Quốc Tuấn chợt nghĩ đến chiếc cối xay lúa quay tít đi trong một chuỗi dài tiếng động không dứt như tiếng sấm nguồn đầu mùa hạ. Một sự so sánh không đúng lắm, nhưng nó rất gần gụi ông về cảm giác. Trần Quốc Tuấn nhìn ra xa. Bên ngoài đất đóng của hành trung doanh, một số đội quân thuộc các hành doanh quanh vùng Thăng Long được lệnh điều về đang hối hả cắm lều trận và bắc bếp thổi cơm. Một đô lính trạo nhi giải tù binh đi ngang qua bãi trống trước mặt Trần Quốc Tuấn. Những tên giặc Nguyên khi ngồi ngựa nom to lớn, mặt phèn phẹt như cái thớt. Ấy thế mà lúc chúng đi bộ, cứ như lũ vịt lũ ngan, đầu to, chân ngắn ngủn lạch bà lạch bạch. Nhìn thấy Trần Quốc Tuấn, đô lính trạo nhi giơ giáo tung hô:
    -Quốc công muôn tuổi! Quốc công muôn tuổi!
    Trần Quốc Tuấn cười. Bọn tù binh dừng lại sụp xuống lạy như chày giã gạo. Chúng sợ bị đem chém đầu cắt tai. Trần Quốc Tuấn lại cười. Ông ngoảnh lại bảo mấy tay kiếm hộ vệ đi lấy một thùng bánh nếp, bánh tẻ đến tung hê cho bọn tù binh. Chắc là chúng đói lắm, nên có đứa vồ lấy bánh cạp cả lá. Lính trạo nhi áp giải phải dùng roi mây dọa vụt cho mấy cái quằn lưng, chúng mới chịu phép ăn từ tốn. Trần Quốc Tuấn nghĩ thầm “Quân kẻ cướp khốn kiếp, phải roi vọt mới dạy chúng mày ra người!”. Bọn tù dây đi rồi, Trần Quốc Tuấn bước đến cửa lều trận của Trương Hán Siêu. Đây là một trong mấy nơi nhộn nhịp huyên náo nhất của hành trung doanh. Trương Hán Siêu và các quan từ lệnh bước vội ra khỏi án, nghênh đón Trần Quốc Tuấn. Trương Hán Siêu trình ông một phong thư của Thiên Thành quốc mẫu (vợ Trần Quốc Tuấn). Ông lơ đãng ngắm bì thư in nền chìm những bông thạch lan. ờ, mùa này lan đá Yên Tử nở. Những năm trước, ông thường cùng vài gia tướng đi kiếm lan đá. Những bông lan đá trắng tinh khiết mọc từ kẽ đá đỉnh núi dường như chỉ dành cho khách tao nhã. Đáng tiếc, ông đã có ý định kiếm lan đá tặng cho một con người mà ông cho rằng cái gì đẹp của thiên nhiên nên dành cho anh ta. Đó là Đỗ Vỹ. Kể từ mùa thu năm ngoái, ông xa Đỗ Vỹ. Anh ta đảm nhận công việc dò tìm tin tức về địch bên phía bắc biên thùy. Những tin tức anh ta đưa về thật quý giá biết bao nhiêu, và chỉ có thể đền thưởng anh ta bằng những món quà quý giá từ tay ông trao cho, như lan đá. Nhưng Đỗ Vỹ còn đâu! Theo thám báo của ta, trong trận giặc phá cửa quan Anh Nhi, chúng bắt được Đỗ Vỹ và đã sát hại con người tài hoa đàn hay, thơ hay, vẽ giỏi ấy rồi. Ông bỏ phong thư vào túi da cá đeo bên mình, ông không muốn để bề dưới nhìn thấy ông làm một việc gì thuộc về cuộc đời riêng.
    -Cụ Uẩn tử trận rồi, nhà ngươi biết chưa? ... Ừ, thế thì thảo biểu dâng Quan gia xin ban cấp tử tuất cho... cho người nối dõi và kể cả việc ông cụ Màn Trò nữa nhé.
    Trương Hán Siêu nhanh chóng ghi lời Trần Quốc Tuấn lên một thẻ tre để lưu nhớ. Các tướng khiêng ra cửa lều trận một chiếc ghế phủ nệm da gấu mời Quốc công ngồi.
    -Nào có món gì ngọt ngào đem ra đây.
    Ý ông muốn vui với tướng dưới trướng và cũng là cách cố ý để xóa đi nỗi tiếc nhớ Đỗ Vỹ trong lòng. Trong quân chỉ có mứt gừng và ô mai ngọt để chữa bệnh, nhưng Trương Hán Siêu bỗng à lên một tiếng. Anh đi vội vào lều trận. Một lát sau, anh bước ra bưng một mâm đầy ngật những miếng mứt làm bằng thứ quả gì lạ lắm. Anh mời Quốc công nếm.
    - Ừ, cái thứ mứt quái quỷ gì mà ngon nhỉ?
    Miếng mứt ngọt lịm như tẩm mật, lại phảng phất có mùi thơm của biển mặn, của phong vị viễn phương. Đó là thứ mứt cướp được của giặc trong trận đánh thủy trại Chương Dương vừa qua. Trong một kho chứa lương, quân ta thấy mấy thạp đựng thứ mứt này. Tra hỏi tù binh, có đứa khai rằng đấy là món ăn tráng miệng luôn luôn có trên bàn tiệc của nguyên soái Thoát Hoan và phó nguyên soái A Lý Hải Nha.
    -Mứt gì thế?
    Trần Quốc Tuấn nếm một miếng nữa và hỏi. Các tướng cùng trả lời, người thì bảo nó là mứt chà chà, người bảo là mứt cà, người bảo mứt thìa là, làm cho Trần Quốc Tuấn thích thú bật cười:
    -Y! Nó là mứt làm bằng quả chà là đây mà.
    Các tướng nghếch mắt nhìn nhau.
    -Cái cây chà là giống cây dừa xứ ta, quả nó mọc thành chùm, ăn tươi cũng ngon, làm mứt thì thế này đây. Ta có nghe một nhà sư Tây Vực nói về thứ cây này rồi.
    Trần Quốc Tuấn cho phép các tướng cùng nếm thử thứ mứt của giặc. Không khí gắn bó đầy tráng khí của một đội quân cha con bách chiến bách thắng. Một con ruồi bay đến vo ve. Rồi hai con. Mới đầu hạ, ruồi đã Sinh sôi nảy nở nhanh thế. Mật mứt chà là gọi ruồi đến mỗi lúc một nhiều, bay vo ve quanh mâm mứt, Trương Hán Siêu phải lấy một cái quạt nan phẩy đuổi chúng. Nhưng có vài con cứ sà xuống mâm mứt định đậu vào. Trương Hán Siêu phải đập phạch cái quạt xuống, mấy con ruồi tham ăn mới hoảng sợ bay đi. Nhìn Trương Hán Siêu đuổi ruồi, Trần Quốc Tuấn đột nhiên ngừng nhai, hai mắt ông nhìn sững rồi ông mỉm cười. Ông vứt cái hột chà là xuống đất, lấy chân nhấn nó xuống nữa.
    -Nếu mày hợp thủy thổ xứ này thì cứ việc mọc lên, cứ việc khai hoa kết quả.
    Ông bảo viên tướng coi lương:
    -Phát rượu cho hành trung doanh, phát cho lính thông hiệu viễn thám. Mà nếu còn mứt chà là thì phát cho mỗi người một miếng. Bảo họ rằng ta khao trước chiến thắng giải phóng kinh thành. Và nhớ đuổi ruồi đi.
    Ông vui vẻ hẳn lên, hai mắt đột nhiên nheo lại, đuôi mắt rạn chân chim vừa hóm hỉnh vừa hí hước. Trong không khí vui vẻ ấy, ông cùng các tướng hành trung doanh xem xét lại hình thế chiến trường. Trương Hán Siêu, bằng cách nói ngắn, đủ, trình bày: “- Một là tin khẩn cấp từ vùng Lục Đầu báo về là Nguyễn Địa Lô và thổ hào Nguyễn Lĩnh, Nguyễn Thế Lộc đem dân binh áo chàm chặn địch ở cửa rừng Ma Lục. Nguyễn Địa Lô bắn chết Chương Hiến hầu Trần Kiện”. Trương Hán Siêu nói ấp úng:
    -...Bẩm, Nguyễn Địa Lô bắn chết đức... đức ông Trần Kiện.
    Trần Quốc Tuấn chau mày, hé miệng định nói rồi lại kìm được. Cách giữ lễ của Trương Hán Siêu làm cho ông ngượng thêm. Trần Kiện là người thân, là máu mủ của hoàng tộc. Nhưng bây giờ nó là tên phản quốc. Ông nén giận, gượng nói:
    -Gọi nó là tên đại gian Kiện! “- Hai là tướng giặc Thoát Hoan và A Lý Hải Nha sai lập nhiều ụ lửa, lập nhiều cột đèn lồng, lập nhiều nêu cờ dây. Chúng rõ ràng đang cố dùng các loại thông hiệu này để có thể mau chóng cứu ứng cho nhau.
    -Ba là trong trận Chương Dương, quân ta đã diệt được một tên Việt gian lợi hại. Tên này là một tên hướng đạo rất thuộc đường. Nó đã từng làm thủ túc của Trần Ích Tắc và biệt hiệu của nó là đô Trâu”.
    -Đô Trâu là thằng nào nhỉ?
    Trần Quốc Tuấn biết làm sao được đến một tên vô danh tiểu tốt như đô Trâu dù cho nó đã từng là đô vật nổi tiếng lộ Đà Giang. Dã Tượng phải đỡ lời Trương Hán Siêu nhắc lại chuyện đô Trâu đã vật thi với Yết Kiêu và bị Yết Kiêu đánh bại. ít năm sau, hai người gặp lại nhau ở Thăng Long và đô Trâu gây sự với Yết Kiêu làm nổ ra cuộc đánh lộn làm vỡ chợ Cầu Đông. Nghe nói đến đấy thì Trần Quốc Tuấn nhớ ra hết. Ông cười ngất:
    -Té ra oan gia gặp oan gia.
    Ông nhận định rất nhanh: các cánh quân địch không ghé tựa được vào nhau và đang khốn đốn cả. Tướng giặc hoang mang nửa muốn chạy, nửa cố ở vì sợ về nước bị trị tội. Ông ra lệnh cho Trương Hán Siêu: “- Thảo sớ dâng Thượng hoàng và Quan gia xin huy động lính cận vệ và dân binh phủ Thiên Trường sẵn sàng chặn đánh tiêu diệt đạo bại binh của Toa Đô.
    -Thảo lệnh cho hành doanh của Chiêu Minh vương dùng dân binh đánh úp các ụ lửa, cột nêu, cột đèn lồng, rồi đốt ụ lửa, đốt đèn lồng, kéo các dây cờ lên. Tay chân.
    - Gọi đức ông hoàng bảy sang hành trung doanh đem theo hai ngũ lính trạo nhi thật giỏi.
    -Chọn một nghìn quân tinh nhuệ chờ lệnh.
    -Quân tinh nhuệ bờ bắc sông Thiên Đức mai phục chờ diệt địch.
    -Dùng lính thông hiệu mang lệnh cho các hành doanh Nguyệt Đức, Nhật Đức, Lục Đầu và vùng Chi Lăng sẵn sàng tiêu diệt giặc khi chúng chạy qua”.
    Thế là từ lệnh thảo bay bay. Thông hiệu, viễn thám, người lên ngựa, kẻ xuống thuyền, mang những ống công văn sơn son tỏa đi các ngả. Các đài cờ được lệnh kéo những cờ hiệu nhiều màu báo lệnh. Hành trung doanh vợi người đi rất nhanh. Các đội quân đóng quanh hành trung doanh cũng phá bếp, nhổ cọc lều kéo đi. Trần Quốc Tuấn trở về lều trận lúc trời đã xế chiều. Vị tướng già thấy ông già chép sử đứng chờ ở cửa lều. Trần Quốc Tuấn vén rèm cửa cho phép Lê Văn Hưu vào trong trướng hổ. Ông chỉ một cái ghế bảo ông già ngồi xuống. Ông cười, bảo ông già chép sử:
    -Tiên sinh này, bọn tướng giặc đang bói toán lung tung. Thế là thế nào?
    - Bẩm, thế là giặc sợ.
    -Sợ thì chúng nó sợ lâu rồi. Đây là chúng nghi hoặc, phải hỏi quỷ thần về chuyện của người đó.
    -Bẩm, bây giờ chúng sợ lẫn nhau!
    Trần Quốc Tuấn nghiêng mái đầu suy nghĩ. Ừ đúng! Ông già này nói được một điều chắc như cái chốt vì kèo. Bọn tướng giặc, tên nào dám đưa cái lệnh bỏ chạy bây giờ? Ông lại góc lều cầm ngọn giáo vàng lên:
    -Này tiên sinh, ngọn giáo này do chính tay vua giặc trao cho nguyên soái giặc. Để làm gì? ...
    Trần Quốc Tuấn dằn cây giáo xuống án:
    -Để san phẳng nước ta. Kẻ địch của chúng ta cuồng vọng thế đấy.
    Ông kể cho Lê Văn Hưu nghe một chuyện về vua tôi giặc. Thành Cát Tư Hãn, Đại hãn đầu tiên của Thát Đát, có một chiến tướng đánh đông dẹp bắc trận nào cũng thắng. Gã này tên là Giê Bê. Trước, Giê Bê làm tướng ở một nước khác. Khi Thành Cát Tư Hãn đánh diệt nước này thì bắt được Giê Bê. Giê Bê xin được đấu võ theo luật Thát Đát. Luật này cho phép bại tướng được đấu với một tướng Thát Đát. Đấu tay đôi, nếu thắng thì được tha chết và thành tướng Thát Đát, nếu thua sẽ bị chọc cọc vào hậu môn dựng nêu ngoài bãi pháp trường cho đến chết. Khi được đấu tay đôi, Giê Bê không có khí giới và ngựa.
    Thành Cát Tư Hãn đã đưa ngự thương và con ngự mã màu trắng của mình cho Giê Bê đấu. Trận thử sức đó, Giê Bê thắng và y trở thành một tướng kiệt hiệt của Thành Cát Tư Hãn. Gã Đại hãn sai Giê Bê đem quân đánh các nước Ba Tư, Đại Hồi... Sau một năm chinh chiến, Giê Bê diệt hàng loạt nước. Tên lính đánh thuê này tạ ơn Thành Cát Tư Hãn bằng cách dâng lên Đại hãn một vạn con ngựa trắng và một ngọn giáo đúc bằng vàng nữ trang thu được trên mình hoàng hậu, cung phi các vương triều bị diệt. Ngọn giáo vàng đó sau trở thành vật thiêng truyền quốc của giặc. Hễ tướng nào được sai đi làm cỏ một nước sẽ được vua trao tay ngọn giáo này. Và bây giờ thì nó nằm đây! Ông già chép sử khẽ nhổm trên chiếc ghế ngắm ngọn giáo, ngắm những hàng chữ kỳ dị chạm chìm trên cán giáo, ngắm mớ lông ngù nhuộm đỏ tươi, ngắm lưỡi giáo rộng bản bóng láng. Ông già chép sử mỉm cười. Giáo thiêng nằm đây, tướng giặc chưa dám chuồn về nước được! Nhận xét của ông hồi đêm thế mà đúng. Ông ngập ngừng định hỏi Trần Quốc Tuấn một điều gì đó, nhưng có tiếng giày ở cửa lều trận, tiếng người tướng hộ vệ phiên canh hỏi với người chạy qua:
    -Này! Đi đâu mà như ma đuổi ấy?
    Tiếng đáp lại vui đùa:
    -Đi xem thi bắn ở ngoài bãi kia kìa.
    Trần Quốc Tuấn xưa nay rất thích môn bắn cung. Qua mấy tháng chinh chiến, ông càng thích thú tài bắn của binh tướng dưới trướng. Ông đứng phắt dậy bảo Lê Văn Hưu:
    -Ta ra xem lính bắn thi.
    Ông đi trước. Lê Văn Hưu và những tướng hộ vệ đi theo sau. Những người lính thuộc hành trung doanh đang đứng ở đầu một cái bãi trồng khoai mà reo hò. Trần Quốc Tuấn khéo léo đi vòng phía sau lưng họ để đến bãi. Ông dừng lại trên một gò đất nhô cao có những cây lau bông nở trắng xóa. Từ đây đến chỗ đám đông cách gần chục trượng. Đám lính đang đứng quanh hai người cầm cung. Trần Quốc Tuấn nhận ra một người là Hoàng Đỗ, chú đội trưởng lính viễn thám của mình: còn một người mặc áo lính trạo nhi là người theo hầu Trung Thành vương đêm qua. Đầu bãi đằng kia cắm một cái bia. Ở hồng tâm có đến mươi mũi tên cắm chi chít. Cuộc thi bắn hẳn bất phân thắng bại, nên đám đông bàn tán xôn xao và hai người thì hẳn đang mặc cả điều kiện với nhau. Anh lính trạo nhi bảo:
    -Đẩy bia xa ba trượng nữa!
    Hoàng Đỗ gạt đi:
    -Đâu phải cứ bắn xa là giỏi.
    Anh lính trạo nhi vặn:
    - Thế thì thế nào mới là bắn giỏi?
    Hoàng Đỗ vỗ vào bụng:
    -Là biết bắn bằng cái bụng này này.
    Hoàng Đỗ chạy về phía bia, rút dao bới luống khoai moi ra một củ khoai chiêm bằng nắm tay. Chú ta đặt củ khoai lên đầu, đứng thẳng, mặt hướng về phía đám đông. Tiếng chú ta cất lên từ xa:
    -Bắn đi... Có dám bắn không?
    Đám đông lặng đi. Cái lối bắn bia sống này đòi hỏi thần kinh của bia sống phải cực kỳ cứng cỏi. Trần Quốc Tuấn nhìn thấy Hoa Xuân Hùng ngắm nghía cây cung sơn vạch đỏ vạch đen trong tay. Anh lính trạo nhi tháo dây cung, thay dây cung mới. Anh ta mở nắp ống tên, chọn một chiếc rồi chậm rãi bước lên mấy bước. Không khí trường bắn trầm lặng, không một tiếng động, không một cử động và có lẽ không có một hơi thở nữa. Chỉ đầu bãi đằng kia tiếng Hoàng Đỗ vẫn nheo nhéo:
    -Sao lâu thế? Bắn có một mũi mà lâu thế! Nát cả khoai rồi!
    Hoa Xuân Hùng từ từ giương cung. Trần Quốc Tuấn cũng nín thở, ông biết sức cây cung đơn trong tay Hoa Xuân Hùng hơi đuối tầm tên so với khoảng cách giữa anh ta và củ khoai chiêm trên đầu Hoàng Đỗ. Hoa Xuân Hùng khẽ vặn người cho tay phải kéo dây cung được trường hơn. Đó là kiểu bắn Bạt gió, sở trường của cung thủ gia nô vùng Bình Than-Vạn Kiếp. Chỉ thấy một cái gì xẹt đi mơ hồ như ảo giác của một người hoa mắt. Củ khoai tung đi.
    Sau một lát lặng ngắt, tiếng reo hò mới nổi lên ầm ĩ. Hoàng Đỗ cười toét miệng, cầm củ khoai có mũi tên cắm xuyên qua đi về phía đám đông. Vì đi ngược lại nên Hoàng Đỗ nhìn thấy Trần Quốc Tuấn. Chú lính viễn thám há mồm, ớ mặt ra. Trần Quốc Tuấn rời gò lau đi về phía đám đông. Binh lính thôi cười, thôi hò reo, muốn chuồn mà chân như chôn xuống đất. Trần Quốc Tuấn cầm lấy cây cung của Hoa Xuân Hùng ngắm nghía. Cây cung làm bằng gỗ dâu chuốt đuôi chuột cực kỳ tinh xảo. Dây cung còn mới tinh bện bằng tóc người rất săn, rất đều. Cán cung, chỗ tay cầm bằng xương thú trắng ngà có chạm chìm bốn chữ: “Nhất tiễn lập công. Ông mỉm cười. Thấy Hưng Đạo vương cười, mọi người thở ra nhẹ nhõm. Không khí tưng bừng lại tiếp diễn. Trần Quốc Tuấn khen:
    -Nhà ngươi bắn kiểu bạt gió đúng cách đấy!
    Đoạn ông quay hỏi đám đông:
    -Các ngươi xét tài bắn của nó thế nào?
    Mọi người cùng ồ lên:
    -Bẩm Quốc công, tuyệt xảo ạ! Một mũi tên bắn là một lần lập công.
    Hưng Đạo vương bước lại trước mặt Hoàng Đỗ hỏi vặn:
    -Còn ý nhà ngươi thế nào?
    Anh lính viễn thám cúi đầu thưa:
    -Bẩm Quốc công, bắn đến thế thì có một không hai.
    Hưng Đạo vương ngoảnh lại hỏi Hoa Xuân Hùng:
    - Thế còn nhà ngươi?
    Anh lính trạo nhi cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi mới đáp:
    -Bẩm Quốc công con xin hòa.
    Hưng Đạo vương cười ngất, đưa trả cung cho Hoa Xuân Hùng. Ông không nói gì thêm cả, ông không muốn nói gì thêm để khen ngợi tình đồng ngũ và cái tài thiện chiến của binh lính thân yêu dưới trướng ông. Ông chỉ hỏi Hoa Xuân Hùng một câu:
    -Ai dạy ngươi phép bắn bạt gió?
    Hoa Xuân Hùng cúi đầu xuống, đôi mắt tối lại. Một lát sau, anh ta mới ngẩng đầu lên:
    -Bẩm Quốc công, thầy của con mới chết cách đây vài hôm.
    Trần Quốc Tuấn chau mày. Thế thì ông hiểu rồi. Đây là một anh lính trạo nhi trong đội lính đánh trên sông của Yết Kiêu. Ông thầy dạy võ trong đội quân này là cụ Uẩn. Trần Quốc Tuấn ngoảnh lại bảo binh lính:
    -Hãy khắc vào dạ cho cứng tay cung tay giáo! Thôi, ai về việc nấy! Mà về sau, thi bắn cấm bắn bia sống!
    Binh lính tản đi...
    * * *
    Xế chiều, Yết Kiêu sang sông. Viên tướng trạo nhi đến yết kiến Trần Quốc Tuấn mang theo rất nhiều quà biếu của Thượng tướng quân Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Một chiếc áo lông cáo xứ tuyết rất dày rất ấm. Trần Quang Khải rất lo lắng về sức khỏe tuổi già của Trần Quốc Tuấn, nhưng tặng áo lông vào lúc mùa hạ đã đến, nóng chảy mỡ ra thế này thì thật buồn cười. Một lưỡi kiếm Hồi Hột cong, mỏng tang, sắc như nước, thép xanh như lửa hỏa thang rượu. Cây kiếm ngắn lắm, chỉ hơn lưỡi dao găm bình thường khoảng một gang tay. Một bộ đồ đánh lửa của bọn du mục Thát Đát đựng trong một chiếc hộp gỗ rất xinh, khảm những miếng đá màu thành một bức tranh cảnh chăn dê, nom rất ngoạn mục.
    -Bẩm Quốc công, đức ông hoàng ba gửi lời chúc Quốc công mạnh khỏe.
    Theo một thói quen giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải, mỗi món quà, mỗi vật gửi cho nhau, thường có nói một ý thầm nào Rượu được châm lửa vào. Màu lửa này xanh lam rất đẹp đấy.
    Trần Quốc Tuấn mỉm cười ngắm ba món quà biếu. Ông hiểu Trần Quang Khải hiến kế với ông rằng những trận sắp tới, đánh phải trúng chỗ hiểm, đòn phải ngắn, phải gọn nhưng chí mạng, và nên dùng lửa để đỡ sức quân. Nhưng còn cái áo lông thì ông ngẫm nghĩ băn khoăn mãi. Cái áo quý thật, áo này phải bọn tướng giặc đầu sỏ mới có nhưng chắc chắn Trần Quang Khải biếu ông áo không phải chỉ vì nó quý.
    - Bẩm Quốc công, giặc chuyển quân!
    -Chuyển thế nào?
    -Bẩm, thám mã còn theo dò, nhưng con thấy chúng nó dỡ nhiều nhà dân, chắc là để lấy tre gỗ kết bè sang sông.
    Trần Quốc Tuấn lơ đãng luồn tay vào mớ lông của chiếc áo quý. Lông cáo tuyết thực dày, thực mịn, bóng mỡ màng. Ông đứng dậy, đôi mắt trầm tư, nhìn đăm đăm vào khoảng không mơ hồ. Mặt trời đã khuất đỉnh núi phía lộ Quốc Oai. Trời tím lại, cảnh sông bãi cũng tím lại. Có tiếng sáo ai thổi điệu mục đồng thanh bình gợi nhớ cảnh một xóm vắng ven sông với vài con trâu tha thẩn về chuồng, miệng còn cố bứt thêm vài ngọn cỏ dọc đường. Trần Quốc Tuấn từ từ ra đứng cửa lều. Trên bãi đóng quân, binh tướng hành trung doanh đang tíu tít chia cơm. Xa nữa là thôn làng. Thốt nhiên Trần Quốc Tuấn nheo mắt. Bên kia sông, những đốm lửa rải rác đó đây, thỉnh thoảng một chiếc pháo hiệu màu này hoặc màu nọ xẹt lên vạch thành một đường cong đều đặn trên nền trời còn sáng như mặt gương. Còn bên này sông có nhiều đám cháy, khói cũng bốc lên. Ông hiểu rằng một chuyển biến đang diễn ra trong thế chiến trường, trong cách đánh của đôi bên.
    Như vậy bên kia sông, ở vùng đồng bằng mé nam Thăng Long, quân ta đang đánh những trận mạo hiểm tài tình vào các ụ lửa, ụ cờ thông hiệu của giặc. Chắc nhiều trận đánh thành công, chứng cớ là ụ lửa, ụ pháo hiệu bị chiến sĩ ta chiếm được. Họ đã đốt lửa, đốt pháo hiệu. Hệ thống thông hiệu của giặc đang báo đủ các thứ tin loạn xị. Còn bên này sông, giặc đang đốt phá ở nhiều xóm làng. Chúng mở rộng đất đóng quân nhưng rõ ràng không phải để chiếm lấy mà để có “đất thở” cho cửa cầu phao và bến thuyền đối diện với Thăng Long. Thế là giặc đã có ý muốn bỏ chạy. Nhưng chúng còn ở trên đất ta ngày nào thì thôn làng đất Việt còn bị đốt phá, người dân Việt còn bị chúng bắn giết. Lá thư của vợ ông gửi từ Yên Tử về đang nằm trong ngực áo ông, hun nóng lòng ông. Quốc mẫu Thiên Thành báo cho ông biết gia quyến của dân binh vùng Lục Đầu lánh vào rừng sâu bình an cả, nhưng giặc đã đốt trụi tất cả các thôn làng suốt một triền sông Lục Đầu. Chúng cho ngựa quần xéo mồ mả ở các bãi tha ma. Chúng đốt chùa ngoài của viện thiền Yên Tử. Chúng đốt thái ấp Vạn Kiếp. Đồ vật quý trong thái ấp đã được khiêng giấu vào rừng sâu, những cuốn sách hiếm của ông cũng được đem lên đỉnh Yên Tử gửi nhờ trong nhà trai của chùa trong.
    Nhưng những kỷ niệm lưu luyến một thời êm đềm đọc sách ngâm thơ đã bị giặc phá sạch, căn phòng riêng cuối thái ấp bài trí trang nhã, dãy nhà sách bằng trúc vàng lợp lá thông sáng mát trong đó có một chái treo tranh của Đỗ Vỹ... Trần Quốc Tuấn nghiến chặt răng ngăn một tiếng rên thầm. Chao ôi, thực tiếc, những bức tranh vẽ trên giấy nứa thô ráp của Đỗ Vỹ. Bức vẽ Vân Đồn, bức vẽ cửa Đầu Quỷ, bức vẽ Yên Tử, bức vẽ rừng bàng kinh thành; bốn bức tranh phong cảnh, bức nào cũng dẫn người xem đến sự yên ắng trong lòng. Nhưng hôm nay, hôm nay ông nhớ tha thiết những cành bàng xương xẩu mùa đông. Có ai biết vẻ đẹp của cây bàng mùa đông không nhỉ?... Thực đẹp, một vẻ đẹp cứng cỏi, nhưng ngược lại với vẻ đẹp cứng cỏi của một bông cỏ may. Những bức vẽ ấy cũng bị đốt rồi! Thốt nhiên, lòng căm giận của ông dội lên, ạiết bóp trái tim ông. Có những của quý của giang sơn xã tắc, có những của quý của trăm họ đất Việt này đã bị giặc đốt phá đi, những của quý mà ngàn đời sau không công sức, tiền của nào làm lại được! Trần Quốc Tuấn từ từ quay lại hỏi Yết Kiêu:
    -Có tìm thấy cụ Uẩn không?
    Yết Kiêu hai môi run run, ngập ngừng. Một lát sau, anh mới trình Trần Quốc Tuấn lưỡi rìu chiến bằng đồng mà ông đã thưởng cho cụ Uẩn đêm tập trận rằm tháng tám năm ngoái.
    -Bẩm đức ông, dân làng Chương Dương muốn xin rước lưỡi rìu này về để làm miếu thờ, nhưng con nghĩ nên để vạn Bình Than giữ rìu thì phải hơn.
    - Ởđâu cũng vậy, nhưng thôi thế cũng được; ngươi cho đem cái nậm này giao cho dân Chương Dương.
    Ông vào trướng lấy chiếc nậm đưa cho Yết Kiêu. Ông đã sai thảo sớ dâng Quan gia xin phong thần cho người lính già Nguyên Phong. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì việc đó chỉ để khuây lòng ông đôi chút, còn đền đáp công lênh của ông già Bình Than thì phải khác thế cơ, khác nhiều cơ.
    -Bẩm đức ông, thầy con đêm ấy ăn mặc đẹp lắm. áo tía, thắt lưng xanh, khăn xanh, nom như một ông tướng.
    Trần Quốc Tuấn cười buồn. Tất nhiên, vào một trận quan trọng như thế, cụ Uẩn phải mặc áo tía vua ban. Chắc dưới ánh lửa chiến trường Chương Dương, ông cụ lẫm liệt như một đức ông Thượng vị hầu áo tía.
    Hình bóng ông cụ chắc chắn sẽ khó phai mờ trong tâm trí những người đã từng gần gụi. Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ, bỗng đâu một tia há vọng le lói trong lòng ông buộc ông nhìn ra cửa lều trận. Ông thấy cụ Uẩn mặc áo tía, khăn xanh, thắt lưng xanh, tay cầm cây rìu chiến vén toang màn bước vào. Chòm râu rậm, rối bù của ông cụ vểnh lên. Nom ông cụ không còn vẻ còm nhom như con cò gù ngâm nước nữa. Hai mắt gấp gay của ông cụ trở nên hóm hỉnh. Người lính già áo tía ào đến, sụp xuống lạy Trần Quốc Tuấn, tiếng tung hô sang sảng cất lên mà vẫn mơ hồ:
    -Bẩm Quốc công, con xin chúc Quốc công thọ sánh Côn Sơn, mạnh tày Đông Hải...
    Rồi tất cả vụt tắt hết, tối sầm lại... Không! Đó chỉ là ảo ảnh, là niềm ước muốn tha thiết vô vọng của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn lắc mạnh đầu buộc mình nghĩ sang chuyện khác. Ông nghiêm khắc nhìn Yết Kiêu như muốn nhắc viên tướng này hãy noi gương ông mà cứng rắn lên. Trần Quốc Tuấn rút một thẻ bài làm tin giao cho Yết Kiêu:
    -Xuống nói với kho lương cấp rượu và cá mắm cho đội trạo nhi...
    Ông nói thêm sau một giây lát ngập ngừng:
    -... Bảo họ mở trò vui diễn cho dân làng xem.
    Ý ông muốn nhờ tối mua vui với dân làng để xóa mờ trong lòng lính trạo nhi hình ảnh về cái chết của cụ Uẩn. Ông cũng muốn hỏi Yết Kiêu xem Chiêu Minh vương Trần Quang Khải có hẹn lúc nào sẽ sang sông bàn việc với ông không, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại, ông thôi không hỏi và thản nhiên bảo Yết Kiêu:
    -Về trại coi quân!
    Hoa Xuân Hùng mê chuyện, cậu ta nói liến thoắng làm cho Hoàng Đỗ sốt ruột chỉ e nhỡ việc. Anh lính trạo nhi cầm trong tay một cái cung Thát Đát rất đẹp, cánh cung bằng gỗ dày và rộng bản. Cánh cung này Hoa Xuân Hùng cướp được của một tướng giặc tử trận. Nếu ta đem cung sang làm quà cho ông tiểu tướng đô viễn thám của hành trung doanh. Đêm hôm qua, mãi đến lúc phò Trung Thành vương về Chương Dương, Hoa Xuân Hùng mới khẽ hỏi Dã Tượng ra tiễn ông hoàng bảy xem cái ông chỉ huy đô viễn thám là ông nào. Dã Tượng bảo:
    - Là cái ông đưa chú mày từ ngoài sông đến chỗ ta ấy mà.
    Hoa Xuân Hùng đâm ra lắp vì kinh ngạc:
    -Cái... cái... cái thằng... thằng... nhãi nhép... nhãi nhép ấy à?
    -Thằng láo lếu! Mày cứ cố mà nhãi cho bằng ông ấy.
    Thực ra Hoa Xuân Hùng cũng chẳng kém cỏi gì. Yết Kiêu đã từng giao cho chú ta cai quản mười thuyền mà mười thuyền còn đông lính hơn một đô. Tuy nhiên, danh tiếng con người đeo chuỗi răng cá sấu quá đỗi kiêu hùng khiến cho anh lính trạo nhi quên cả tuổi mình hơn, quên cả sức mình hơn, đã tìm sang kết bạn với Hoàng Đỗ. Nhưng mở đầu cho buổi nói chuyện lại xảy ra một cuộc thi bắn cung mà kết quả khó phân định giữa người bắn và người làm bia sống, ai hơn ai kém. Sau cuộc bắn, Hoa Xuân Hùng đã cầm xem cây cung của Hoàng Đỗ. Đó là một cây cung rất tốt nhưng nặng nề, cánh chuốt chưa được khéo léo cho lắm. Hoa Xuân Hùng đã lấy cây cung Thát Đát tặng Hoàng Đỗ và hứa sẽ chuốt lại cánh cung một chút cho thật vừa sức Hoàng Đỗ rồi sẽ sơn cung cho xứng với người. Cánh cung đã chuốt xong rồi, mà sơn cũng đã xong rồi. Hoàng Đỗ đã chọn hai màu sơn trắng và xám đen; chú ta bảo đó là màu của bông lau và màu của da cá sấu, cũng như hai màu đen đỏ Hoa Xuân Hùng đã chọn là màu của thép, tuy chỉ khác là thép sống và thép chín. Hoàng Đỗ chỉ muốn lắp ngay cung, bắn thử một phát, nhưng Hoa Xuân Hùng nhất định chưa giao cung. Cậu ta chẻ cật mây già thành sợi như sợi tóc để xiết đầu cánh cung cho khỏi xước. Cậu ta làm cẩn thận quá, chậm quá, mà làm một tí lại ngừng tay nói chuyện. Những nào chuyện lính trạo nhi lặn cũng giỏi như bơi; nào Yết Kiêu buộc ai nấy phải biết chèo thúng cóc, biết đi lèo, biết giữ lái, biết cào thoi và phải biết cả nhảy cà kheo...
    -Mỗi cây cà kheo dài hai sải, đi không chống gậy.
    Câu chuyện của Hoa Xuân Hùng rất quyến người, nên Hoàng Đỗ lúc nhớ ra thì sốt ruột nhưng sau đó lại đằm vào. Cà kheo là cách của người ven biển dùng để lội dưới nước đẩy lưới đánh tép biển, tôm biển. Hoàng Đỗ khi còn là nô tì của Trần Bình Trọng, đã từng được xem cà kheo nhân một chuyến theo hầu ngựa cho ông về hương Tức Mạc. Nhưng ở cửa miệng Hoa Xuân Hùng, cà kheo trở thành một trò hấp dẫn kỳ lạ, cậu ta nói thuở nhỏ, mình đã đi cà kheo qua đầm, qua hồ. Gặp con mương một hai sải tay phỏng? Cứ “hấp”, bước qua. Gặp gò phỏng? Bước qua! Như lời Hoa Xuân Hùng thì người chạy thật nhanh cũng không bằng một người đi cà kheo xoàng, miễn xoàng ở mức không ngã kheo.
    - Kheo dài mà ngã rồi thì chỉ có nước tụt chân ra thôi.
    Hoa Xuân Hùng cười hì hì và rít mối mây cuối cùng. Cây cung đã xong. Hai người vào dây cung. Hoa Xuân Hùng búng búng vào cán cầm bằng xương cá mập:
    - Bữa nào xin ông Trương Hán Siêu mấy chữ rồi nhờ anh Dã Tượng khắc nó vào chỗ này.
    Hoa Xuân Hùng giảng cho Hoàng Đỗ nghe là người ta hay đề chữ vào một vật gì luôn luôn có bên mình để ghi nhớ mà làm theo. Ai nhà giàu ăn trắng mặc trơn thì viết vào quạt, lười quá lắm mà không cầm quạt thì thêu lên áo. Còn cánh mình, lính tráng, cây cung, cây kiếm liền người thì kiếm cái chữ gì hay hay khắc vào. Hoàng Đỗ nghe thích lắm. Anh lính đeo răng sấu chợt thấy cây cung từ đây gắn bó với mình, trở thành một phần của thân thể mình như chuỗi răng cá sấu. Họ đang trò chuyện vui thì có tiếng vó ngựa đập lộn xộn từ xa vẳng lại. Như hai người lính đã nửa đời chinh chiến, Hùng, Đỗ cầm vũ khí tạt luôn sang những mô đất ven đường. Từ phía bãi mé thượng lưu sông, hai con ngựa đang chạy tới. Chắc chúng rất mệt nên nước chạy loẽng choẽng không ra phi, không ra kiệu. Ngựa càng gần lại, Hoa Xuân Hùng và Hoàng Đỗ càng nhìn rõ hơn. Một con ngựa không có người cưỡi, còn con kia có một kỵ sĩ nằm phục xuống cổ nó, tay phải người cưỡi ngựa cầm một lưỡi kiếm ngắn buông thõng quét lê xuống mặt đất. Ngựa gần lại nữa. Hoa Xuân Hùng lẩm bẩm:
    -Yên cương Thát Đát! Giặc à?
    Hùng lắp tên giương cung định bắn, nhưng Hoàng Đỗ đã kêu lên:
    -Đừng! Ta đấy!
    Hoàng Đỗ đã nhìn thấy chiếc khăn chiến màu đỏ dà của dân binh vùng kinh thành. Hai con ngựa cứ loẽng choẽng chạy dần lại. Hoa Xuân Hùng đứng thẳng người lên. Những con ngựa hoảng sợ khựng lại, nhưng chúng mệt quá rồi không còn sức để tìm cách tháo thân nữa. Hoa Xuân Hùng quát:
    -Ai?
    Người cưỡi ngựa vẫn nằm phục xuống cổ ngựa. Hoa Xuân Hùng ra hiệu cho Hoàng Đỗ đề phòng, còn cậu ta bước đến hai con ngựa theo một hướng vừa tránh được vó sau ngựa vừa tránh được đường kiếm của người. Nhưng còn vài bước nữa đến nơi, Hùng chợt kêu lên. Cậu ta nhìn thấy một mũi tên cắm ngập bả vai người cưỡi ngựa. Vải áo quanh thân tên đẫm máu. Hùng xốc tới. Kỵ sĩ tin cậy ngả người vào đôi tay cứng cáp của Hoa Xuân Hùng. Hoa Xuân Hùng và Hoàng Đỗ khiêng người bị tên sang vệ đường, đặt nhẹ nhàng người ấy, đỡ cho đầu ngả vào ngực áo Hoa Xuân Hùng. Hai mắt người bị thương nhắm nghiền, hơi thở không đều đặn, một dòng máu khẽ rỉ ra mép. Hùng bảo Đỗ:
    -Về trại lấy người khiêng, mau lên.
    * * *
    Có lẽ đã ba tháng, Dã Tượng, Yết Kiêu mới gặp nhau. Họ là gia tướng thân tín nhất của Trần Quốc Tuấn nên tình hình chiến trường diễn biến ra sao, họ biết kỹ. Câu chuyện của hai anh em đi vào những cạnh khía kỳ lạ hầu như buồn cười: chuyện ở Vạn Kiếp, giặc cho mấy chục thằng lính lội xuống đầm dùng rổ xúc cá giếc đuôi đỏ. Xúc cả buổi, chúng không bắt được con cá nào mà lúc lên bờ, lính giặc hét rầm trời nằm lăn ra bờ cỏ giãy đành đạch, sau mới biết chúng nó bị đỉa bám vào chỗ hiểm; chuyện ở Chương Dương có ba đám cưới ngay đêm đốt trại giặc, dâu là gái làng, rể là lính trạo nhi, nhà giai đi ba trăm thuyền đến rước dâu, cuối cùng về không, mất cả chú rể vì ba ông rể ở lại nhà vợ; chuyện Quốc mẫu Phụng Dương đậu thuyền ở bến thăm đức ông Chiêu Minh, nửa đêm thuyền đứt dây neo, trôi xuôi, lính trạo nhi hì hục chèo chống, la gọi nhau, Quốc mẫu tưởng có giặc, hạ cái khiên của đức ông xuống che cho cả hai vợ chồng. Họ nói với nhau toàn chuyện vui. Mãi sau cũng đến lúc phải đi coi việc quân, Dã Tượng mới đưa cho Yết Kiêu một cái gói bằng lá sen khô:
    -Nấm hương Yên Tử! Con bé Bội nó gửi biếu thầy và chú.
    Bé Bội là em nuôi của Dã Tượng, bây giờ cô bé được Hưng Vũ vương nuôi làm con nuôi. Đã làm em nuôi của Dã Tượng thì quận chúa Tiểu Bội cũng là em nuôi của Yết Kiêu. Viên tướng đánh thủy cầm lấy gói nấm hương, vẻ mặt xúc động và tần ngần. Vốn ăn to nói lớn, anh ít cần đến mùi thơm của các loại gia vị trong bữa ăn dù là nấm hương, nhưng anh nhớ kỹ mép rượu rất sành của cụ Uẩn. Biết thế nào bây giờ?
    -Thầy chẳng trối trăng gì lại nhỉ. Thầy ở, rồi thầy đi như một con chim trời ấy.
    Yết Kiêu không nói thành lời rằng lắm lúc anh tưởng như cụ Uẩn sắp hiện ra ở bất kỳ chỗ nào, bình thường như xưa, chất phác mà cũng kiêu kỳ như xưa. Đó cũng là cảm nghĩ của Dã Tượng. Chính lúc hai anh em đang im lặng, Hoàng Đỗ hấp tấp bước vào lều trận báo tin người dân binh trúng tên. Lệnh cho người đi khiêng thương binh được ra ngay tức khắc. Chỉ một lát sau mũi tên đã được nhổ ra. Cũng may, chiếc tên trúng phần thịt mềm của bả vai, thò mũi ra dưới xương quai sanh trước ngực, nên cắt thân tên, kéo tên xuôi ngạnh không vướng. Lá dấu đã dịt vết thương kỹ lưỡng; rượu hòa chút mật gấu đã đổ cho người bị thương. Đôi mắt lờ đờ của người ấy từ từ nhìn quanh và cặp môi xám khẽ thoáng cười. Dã Tượng sai lấy gừng giã nhỏ, đổ rượu mạnh vào, hỏa thăng lên, rồi bọc giẻ chườm nhè nhẹ hai mang tai và ngực người dân binh. Chừng nhai giập bã trầu, người bị thương đã tỉnh. Anh ta dần dà trả lời vài điều cần thiết: Anh là dân binh trong đội quân của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa giữ vùng đầm từ Kiêu Kỵ đến Thọ Vực. Đây là một vùng hoang vu gần như vùng lầy Màn Trò, ở kề cánh rừng đa bên phía đông kinh thành, chỉ cách kinh thành bằng con sông Cơ Xá. Dã Tượng hiểu địa thế vùng ấy. Anh cũng hiểu rõ cánh quân của Nguyễn Chế Nghĩa có lệnh phải giữ vững địa bàn đồng lầy để nếu cần, Quốc công Tiết chế sẽ chuyển quân lên phía đông bắc kinh thành bằng đường ấy. Theo lời người dân binh bị thương, quân giặc đã bắc một cái cầu phao bằng những bó nứa ngang sông Cơ Xá từ bến Đông Bộ Đầu sang rừng đa. Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã hai lần đột nhập ban đêm để đốt cầu nhưng đều bị giặc đánh bật ra. Mới đây, giặc đưa thêm nhiều quân sang bờ bắc kinh thành, lùng sục cả vào vùng rừng đa. Chúng đóng nhiều trại nhỏ rải rác ở ven rừng, rình bắt lính thông hiệu của ta. Chúng dồn ép ta về vùng đầm lầy. Nhưng vài ngày nay, đột nhiên quân giặc rối loạn thế trận; binh tướng điều ngược điều xuôi, phần lớn kéo nhau đi khiêng gạo, khiêng cỏ khô. Chắc rằng tình hình lương thảo của chúng bên Thăng Long gặp lúc quẫn bách. Chúng phải triệt nhiều đồn, nhiều trại giữa trời, bỏ nhiều trạm canh kể cả những trạm canh bí mật. Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa làm tờ cáo để hành trung doanh biết tình hình đó. Để tờ cáo về hành trung doanh được nhanh hơn, quân ta tổ chức một trận đánh nhỏ vào một đồn giặc đóng trên đường cái. Đồn này có khoảng một trăm tên giặc, hơn chục con ngựa trạm để chạy công văn, và lúc nào cũng có vài con đóng sẵn yên cương buộc ở cổng đồn. Khi pháo hiệu vừa nổ báo lệnh đánh, quân ta xông vào đồn, thì người dân binh thông hiệu đã nhanh như cắt xông vào chỗ buộc ngựa trạm, cởi ngay cương ngựa giặc phi luôn. Anh ta còn cẩn thận đến mức dắt theo một con ngựa để nếu cần thì thay ngựa. Chẳng may, trong đám tên bắn loạn, một mũi tên trúng bả vai... Người dân binh thông hiệu mỉm cười, tay trái rờ rẫm lần vào trong bao dạ cá, lấy ra một cái ống tre nhỏ niêm phong bằng giấy hồng điều, đưa cho Dã Tượng. Viên tướng hành trung doanh cảm động cầm lấy cái ống tre đựng tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa. Anh không phải là người có tầm nhìn bao quát của một vị tướng lĩnh cao cấp, nhưng anh hiểu rằng tờ cáo này ắt có nhiều điều cần thiết cho cuộc hành binh sắp tới của Quốc công Tiết chế. Dã Tượng ra lệnh cho tả hữu:
    -Đổ sâm và ủ ấm cho bác ta.
    * * *
    Trời vừa tối, Trần Quốc Tuấn ngồi vào ghế da hổ xem các bản cáo của các mặt trận. Vị tướng trấn giữ mặt biển, Phó đô tướng quân Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cáo rằng ông vui mừng vì mặt biển hoàn toàn do quân ta phòng, tiễu, tra, soát. Quân giặc lầm một nước cờ quan trọng là đã không lưu tâm đầy đủ về mặt biển, nên quân thủy của chúng không đủ sức đưa nổi một thuyền lương, cỏ nào vào các cửa sông nước Việt. Mà cũng không một chiếc thuyền nào của giặc lọt được lưới vây của quân ta; hành trung doanh cứ an tâm, quân giặc đã bị hãm một cách chắc chắn trong đất liền. Cáo của bốn con trai ông ở vùng bắc và đông bắc đất nước càng sôi nổi hơn: quân ta quây đồn giặc, chẹn đường lương, bắt tù binh, rồi lại thả chúng về gieo kinh hoàng vào lòng những thằng chưa bị bắt. Sắc văn của Quan gia ở mặt nam gửi cho ông lại hết sức dịu dàng; ngoài tình hình hai vua vây khốn Toa Đô trên sông, nhà vua chỉ nhắc nhở Trần Quốc Tuấn gìn giữ sức khỏe. Sắc văn này còn kèm theo một nén cao hổ cốt Thượng hoàng ban cho Trần Quốc Tuấn để bồi bổ thêm. Tất cả các tờ cáo đều hết sức khen ngợi tài năng và lòng trung thành của dân binh các lộ. Có thể nói hầu hết các trận đánh đều có phần công lao to lớn của họ đóng góp. Ngoài ra, họ là sức lực chính đã xây lđá, làm đường, rồi do thám, dẫn đường, rồi góp gạo, góp thịt và cả rượu nữa để nuôi quân khao quân.
    Trần Quốc Tuấn mỉm cười nhớ lại, cũng hồi này năm ngoái ông còn phân vân trong việc tìm chỗ dựa cho kế sách diệt giặc của ông. Nhờ ơn tổ tông, ông đã nhận ra và bây giờ chỗ dựa ấy đã dư thừa điều kiện để ai nấy công nhận là vững chãi vô cùng. Trần Quốc Tuấn nghĩ đến cõi lòng đen tối của Trần Ích Tắc. Con người ấy hàng giặc phải chăng vì ham sống sợ chết, thèm muốn vinh hoa phú quý- thứ vinh hoa phú quý bẩn thỉu có giây mồ hôi và máu đồng bào-hay còn vì chưa hiểu được lẽ tất thắng của vua tôi đất Việt? Ngẫm cho cùng, hai mặt đó cũng chỉ là hai mặt sấp ngửa của một đồng tiền. Hắn đã hàng giặc. Hắn đã bán linh hồn hắn cho quỷ vương. Vạn cổ sẽ đọc cái tên xấu xa của hắn trong quốc sử! Hắn và bọn chúa mới sẽ chẳng tài gì thoát được thảm bại nhơ nhuốc. Tình thế đất nước như thế, chiến trường Thăng Long thắng lớn như thế, có thể ngồi mà đợi xem giặc giẫm lên nhau, giày xéo nhau mà chạy. Nhưng bỗng nhiên, Trần Quốc Tuấn chau mày. Sao lại ngồi mà đợi giặc chạy? Chúng còn ở đất Việt ta ngày nào thì còn người Việt quý giá bị thiệt mạng, còn nhà cửa ruộng vườn quý giá nước Việt bị đốt phá! Ông chợt nhớ đến mối băn khoăn mơ hồ trong lòng ông ngày hôm nay chính là việc chọn chiến trường diệt giặc ở đâu để giải phóng kinh thành, giải phóng non sông. Chọn chiến trường ở vùng ven kinh thành chăng? Giặc tuy thua đậm ở Chương Dương, mất toàn bộ chu sư trong trận lửa tưng bừng mấy hôm trước, nhưng chúng vẫn còn đông, còn mạnh. Đánh ở vùng này cũng vẫn chắc thắng nhưng tổn thất của ta sẽ không phải nhỏ. Binh pháp có nói: “Giỏi nhất là đánh bằng mưu rồi đến đánh vào lòng người, hẽng xoàng là đánh bằng binh khí, kém nhất là đem quân đánh thành”. Cho nên tốt nhất bây giờ giặc đang ở yên thì buộc cho chúng chuyển dịch. Đánh địch đang chuyển dịch chính là kế hay nhất, tổn ít xương máu mà chiến thắng sẽ lớn không lường được. Thế đấy! Ông đã ra nhiều mệnh lệnh đón chẹn giặc di chuyển, nhưng bao giờ thì địch chuyển? Chẳng lẽ ngồi chờ. Đó, đó, mối băn khoăn của ông ở chỗ đó. Tất cả tin tức về địch, về chiến trường vẫn còn thiếu một chút gì đâu đây giúp cho ông nhận ra lúc nào địch sẽ di chuyển, làm cách nào để buộc địch phải di chuyển? Trần Quốc Tuấn vốn có một tâm hồn sôi sục tươi trẻ đầy tráng khí nhưng cốt cách của ông lại hết sức điềm đạm, một sự điềm đạm có được do tuổi tác và sự hiểu biết. Cái gì chưa đến thì nó chưa đến, đâu phải vì thôi thúc mà nó bật ra được! Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Ông gọi lính hầu sai đi triệu Lê Văn Hưu. Một lát sau, ông già chép sử vào trướng hổ. Trần Quốc Tuấn cho phép ông cụ ngồi và cười nói:
    -Thượng hoàng ban cho ít cao tốt. Ta đã sai ngâm rượu. Tối nay, chúng ta uống rượu quý và đánh cờ giải trí.
    Trần Quốc Tuấn sai rót rượu, sắp vài món nhắm và bày bàn cờ lên văn án. Ông có một cái bàn cờ rất đẹp vẫn mang theo từ lúc xuất sư. Cái bàn bằng gỗ trắc màu sẫm, nét vân kỳ dị, lại cẩn các đường ngang dọc bằng gỗ lòng mực trắng muốt. Bộ quân bằng răng voi, thớ ngà xoắn xuýt, do chính tay Dã Tượng tiện, chuốt bóng và khắc theo chữ mẫu viết đá thảo của Trương Hán Siêu. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười, cất tiếng bình sang sảng một câu văn trong cuốn Khóa hư lục của tiên đế Trần Thái Tông: “Tiết trời nực, đá bền cũng chảy, muôn vật đều khô; ánh nắng hun, vàng rắn phải tan, trăm sông sắp cạn”. Cái cách ông cười khi bình câu văn ấy chứng tỏ ông tâm đắc ý chứa đựng trong đó. Hai người bày quân cờ ra bàn. Lính hỏa đầu bưng lên mấy món nhắm dâng hầu trong đó có món chả cá quả bọc lá lốt nướng thơm phức. Lê Văn Hưu vốn đánh cờ nổi tiếng, chuyên lấy công làm thủ. Chỉ thoạt xem mươi nước cờ, người ta tưởng như lối đánh của ông già khác với bản tính, nhưng không phải, nước cờ của ông già chép sử bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu xa về phép đánh cờ và lòng tự tin vững chắc đối với sự suy nghĩ của ông. Trận cờ tuy thế diễn ra hết sức gay go. Ông già chép sử liên tiếp chuyển quân đánh mà vẫn không sao phá nổi đôi pháo gánh di chuyển hàng ngang chập chờn như cá giỡn trăng của Trần Quốc Tuấn. Cuối cùng, bằng một cặp mã tốt rất gắn bó, Trần Quốc Tuấn buộc Lê Văn Hưu phải thí xe chém tốt để được hòa. Ông già chép sử nhìn mấy con cờ còn ngổn ngang trên mặt bàn, nói:
    -Bẩm đức ông, người ta thường nói tính người thế nào, nước cờ như thế...
    -Nhưng ý tiên sinh thế nào?
    -Bẩm đức ông, còn phải tính đến học vấn của người đánh cờ nữa.
    Trần Quốc Tuấn khẽ nghiêng đầu ngẫm nghĩ. Ông gật đầu tán thưởng lời Lê Văn Hưu. Đột nhiên, ông hỏi:
    -Hồi chiều tiên sinh định hỏi ta điều gì đấy?
    Lê Văn Hưu kinh ngạc rồi ngập ngừng:
    -Bẩm Quốc công, có phải trong cuộc chiến đấu quyết liệt như thế này, con người ta thay đổi mau chóng không?
    Một câu hỏi về bụng dạ con người mà muốn giải đáp thỏa đáng, cần phải nghiền ngẫm thấu đáo. Như hẽng người Trần Ích Tắc và Trần Kiện thì sự thay đổi quá ư rõ rệt, từ bậc thân vương tôn quý thành tên phản nước rất đỗi bỉ ổi. Một tên đã đền tội, còn một tên đeo đẳng kiếp sống thừa, nhục nhã. Lại như Chiêu Minh vương, Trung Thành vương thì có sự thay đổi nào đâu nhỉ? Họ vẫn là các bậc thân vương hiển quý cột trụ của giang sơn xã tắc. Còn hẽng người như cụ Uẩn, Hoàng Đỗ, Dã Tượng, Yết Kiêu...? Có người vẫn đang sống và tiếp tục lập chiến công. Có người đã ngã xuống, khí thiêng về trời, trăm họ sẽ ngàn đời hương khói phụng thờ. Đó là sự thay đổi của họ hay sao? Không! Chưa hẳn chỉ là thế! Những con người ấy chỉ định hình rõ nét hơn trên nền cảnh của ba đào khói lửa. Tuy vậy, Trần Quốc Tuấn chưa yên trí rằng mình đã nghiền ngẫm thấu đáo câu hỏi về lòng người như thế. Ông nhìn đăm đăm ông già chép sử, rồi cũng hỏi một câu khá đột ngột:
    -Hẳn tiên sinh băn khoăn về kế sách sắp xếp việc nước sau chiến tranh?
    - Bẩm...
    Lê Văn Hưu nghiêng mái đầu bạc ngẫm nghĩ, ngập ngừng tìm lời
    -Bẩm... trọng hiền vẫn là điều cốt yếu của vương đạo bấy nay chăng?
    Trần Quốc Tuấn mỉm cười, chưa kịp trả lời thì Dã Tượng đánh tiếng vội vã ngoài cửa, xin vào cáo cấp một tin tối quan trọng. Trần Quốc Tuấn cho vào. Viên tướng coi quản hành trung doanh hai tay dâng trình ông tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa kèm một cái que tròn đen bằng gỗ mun láng bóng. Trần Quốc Tuấn giật mình cầm vội cái que lên xem. Nó chính là một chiếc trong bó que chuyền của bé Bội mà ông đã giao cho Đỗ Vỹ mùa thu năm ngoái để thay thẻ phù làm tin khi con người tài hoa này nhận việc dò xét tin tức địch ở bên kia biên giới. Đúng rồi, que chuyền bằng gỗ mun láng bóng thế này, phải là do bàn tay yêu em và rất mực khéo léo của Dã Tượng chuốt nên. Lại còn hai chữ Tiểu Bội khảm bằng vỏ trai ở hai đầu que nữa, lầm lẫn thế nào được! Nhưng Đỗ Vỹ đã tử tiết vì nước rồi cơ mà? Trần Quốc Tuấn không tin ở mắt mình nữa. Ông đưa que chuyền cho Dã Tượng. Viên tướng coi quản hành trung doanh cũng xúc động và hiểu lòng Quốc công Tiết chế. Dã Tượng nói:
    -Que chuyền này đúng do tay con chuốt.
    Trần Quốc Tuấn cầm vội tờ cáo của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa lên đọc, nét mặt ông căng thẳng, đôi mày rậm muối tiêu nhíu lại, vẻ bi tráng kéo trễ dần khóe miệng. Không, chẳng còn gì đáng ngờ nữa. Que chuyền do chính tay Đỗ Vỹ chuyển, nhưng con người ấy đã tử tiết thực rồi. Trong tờ cáo, tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa viết rằng Đỗ Vỹ trước khi bị bắt và bị giết chết, đã kịp cho người thân tín cầm que chuyền làm tin tìm về hành trung doanh. Người này bị giặc đuổi gấp, bị chúng phóng một mũi lao trúng lưng, đã cố phóng ngựa đến được chỗ Nguyễn Chế Nghĩa đóng quân. Anh ta chỉ kịp nói đủ những lời Đỗ Vỹ căn dặn rồi tắt thở, ngay đến tên tuổi anh ta cũng không kịp khai. Đỗ Vỹ đã sai truyền miệng lên hành trung doanh tin tức về hai tướng giặc. Đại nguyên soái Thoát Hoan là một hoàng tử cưng của vua Nguyên. Gã rất thông minh, rất trẻ, tuy chưa từng được giao trọng trách nguyên soái nhưng nổi tiếng làu thông binh pháp. Gã có tham vọng nếu lần này diệt được nước Việt ta, sẽ được vua cha truyền ngôi cho. Tên phó tướng A Lý Hải Nha là một tướng lão luyện, tuổi đã cao, kinh nghiệm chiến trận dồi dào. Gã là một con người trầm tĩnh, quyết đoán nhưng chậm chạp, được vua giặc giao cho nuôi dạy chính thằng Thoát Hoan từ nhỏ. Chỉ thêm mấy nhận định tính nết, tài năng, vị thế của hai tướng giặc mà Trần Quốc Tuấn bỗng thấy mọi suy nghĩ của ông đang tản mát chợt kết gắn lại khiến ông nhận ra các mấu cớ dùng trong việc trù hoạch một kế thần diệu để giải phóng kinh thành. Trần Quốc Tuấn từ từ đứng lên. Biết bao suy nghĩ của ông dồn dập trong đầu. Đánh trận nếu ví đơn giản, cũng như đánh cờ tướng vậy. Nó là một cuộc đấu trí, đấu tài, đấu tính nết giữa tướng lĩnh đôi bên. Bây giờ thì ông hiểu rồi. Hiểu cách buộc địch phải chuyển dịch, thậm chí phải bỏ chạy để bày quân chặn chúng, đánh chúng, tiêu diệt chúng, nhất là ông đã có thể tính ra lúc nào tướng giặc phải rút quân, bỏ chạy. Hà! Tham lam như ruồi mà đập quạt còn bỏ chạy, huống nữa bọn mày còn chút tính người, dù cho tí chút ấy cực kỳ nhỏ bé. Trần Quốc Tuấn đột nhiên trở nên hết sức lanh lẹ. Ông ra luôn mấy mệnh lệnh khẩn cấp rồi chỉ trong khoảnh khắc, không khí hành trung doanh đã nhộn nhịp vô cùng.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Trăng nước Chương Dương Empty Re: Trăng nước Chương Dương

    Bài gửi by ThaoMy Fri Dec 06, 2013 4:26 pm

    Trăng nước Chương Dương

    Tác giả: Hà Ân

    Chương 3





    Cuối canh hai, Trung Thành vương và những gia tướng hộ vệ sang sông. Trung Thành vương được Trần Quốc Tuấn tiếp ngay trong lều trận. Hưng Đạo vương dồn dập hỏi ông hoàng bảy về tình hình giặc ở vùng ven kinh thành. Cách hỏi của Quốc công Tiết chế làm cho Lê Văn Hưu cũng phải kinh ngạc. Rõ ràng Hưng Đạo vương đã bày xong kế diệt giặc và ông đang mau chóng kiểm lại một vài tiểu tiết cần thiết. Trước hết, tin đáng lưu ý là giặc mở kho phát gạo cho binh lính. Giặc lùng sục các nhà dân trong kinh thành, cướp ruột tượng của đàn bà, cướp khăn, khố của đàn ông để làm đồ đựng gạo. Thứ hai là hệ thống truyền tin của giặc bằng ụ lửa, hiệu cờ và đèn lồng đang hỗn loạn. Quân ta đánh chiếm nhiều cột nêu, nhiều ụ lửa, lính ta treo hiệu đèn, hiệu cờ và đốt ụ lửa làm cho giặc không tin ngay cả hiệu lệnh của chúng nữa. Thứ ba là giặc giết bò kéo xe quân dụng. Thịt chia cho các quân phần ăn ngay, phần sấy khô. Thứ tư là đồn Giang Khẩu mới dựng một cọc nêu để làm hiệu cấp cứu nếu bị tấn công. Lúc nào ở dưới chân nêu cũng có một tì tướng giặc chực sẵn.
    -Từ cửa đồn đến chân nêu xa bao nhiêu?
    -Dạ, bẩm Quốc công chừng năm chục bước chân.
    Trần Quốc Tuấn lẩm bẩm:
    -Chưa được nửa tầm tên.
    Ông sai lính hầu bày tiệc. Ông bảo Trung Thành vương:
    - Ta chờ đức ông Chiêu Minh rồi bàn việc. Bây giờ vương đệ cần phải nghỉ ngơi chút đã.
    Đêm nay, đức ông hoàng bảy mặc một chiếc áo thâm ra ngoài chiếc áo chiến bằng vóc tía. Chắc từ đêm qua, Trung Thành vương lăn lộn suốt chiều dài vòng vây để tìm hiểu những tin tức về địch, nên cặp mắt có quầng thâm càng như sâu thêm. Cái mũi thanh tú và vầng trán phẳng, thông minh của đức ông hoàng bảy càng đẹp hơn dưới ánh lửa chập chờn của đôi nến sáp ong màu vàng. Trung Thành vương khẽ ngả đầu dựa vào cọc lều trận. Dáng ngồi thoải mái bình lặng chứng tỏ đức ông hoàng bảy bằng lòng về cách làm việc và kết quả công việc của mình. Tiệc bày xong, quả nhiên khoảng giữa canh hai có tiếng quân reo, ngựa hí ở ngoài sông. Thượng tướng quân Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải và đoàn tùy tướng đã từ hành doanh Chương Dương sang sông phó hội với đức ông Quốc công Tiết chế. Trần Quốc Tuấn dẫn các tướng tả hữu ra nghênh đón Trần Quang Khải từ cổng hành trung doanh. Hai đức ông vái chào nhau trang trọng. Kể từ lúc xuất sư cuối tháng chạp năm ngoái đến nay đã hơn bốn tháng, hai người ít gặp lại nhau. Trần Quốc Tuấn cầm tay Trần Quang Khải dẫn đi thân mật. Ông thấy Trần Quang Khải có gầy đi đôi chút, nhưng gương mặt cứng rắn hơn, sắc sảo hơn và đôi mắt vốn dĩ trầm tư lại càng đen láng, lấp lánh. Trần Quang Khải cũng liếc ngắm Quốc công Tiết chế. Ông ngắm phần ông, ngắm thay cả phần của Quan gia ủy thác. Trần Quốc Tuấn khỏe ra, trẻ ra, dáng đi đường bệ vững chải. Cây gậy trúc xương cá cũng không thấy ông phải dùng đến. Ông mặc tấm áo chiến vóc đen hoa mờ hình long hổ hội, chính giữa ngực áo đính một tấm hộ tâm phiến bằng đồng thau đã cũ có những vệt xước hân gỉ xanh nhạt. Căn lều trận không rộng, nên Trần Quốc Tuấn đã sai dẹp văn án và ghế da hổ. Tiệc bày trên thảm da dê trải suốt nền lều. Ông mời Trần Quang Khải ngồi chính giữa, nhưng đức ông hoàng ba cười cợt xua tay:
    -Chết nỗi, vương huynh vừa là anh, vừa là bề trên, vừa hơn tuổi, tôi có đến mười đầu cũng không dám phạm thượng.
    Hai bên nài ép nhau một lát, rồi Trần Quốc Tuấn ngồi chủ tiệc, bên trái là Trần Quang Khải, bên phải là đức ông hoàng bảy. Biết nết rượu của mấy anh em, Trần Quốc Tuấn sai lấy một thứ rượu cúc thật mạnh, thật sánh, thật thơm ra thết. Trong khi đó binh lính của hành trung doanh, của hai đức ông hoàng ba và hoàng bảy cũng được ăn uống. Dã Tượng bảo họ biết Quốc công Tiết chế cho họ uống trước rượu mừng những chiến thắng sắp đến. Binh lính reo mừng ầm ĩ. Tiếng họ chúc thọ Quan gia, mừng tuổi Thượng tướng quân, mừng tuổi Quốc công Tiết chế vang ầm cả một khoảng ven sông khiến cho dân làng Xuân Đình kéo ra xem, rồi bà con cũng trở về đem rượu ra uống vui chung với binh lính. Bày tiệc chỉ để vui sum họp với nhau một chút giữa những khách chinh phu nay đây mai đó, nên cuối canh hai các đức ông đã sai triệt tiệc. Trần Quốc Tuấn sai gọi Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu đến lều trận. Đức ông Chiêu Minh cũng sai mời ông già chép sử Lê Văn Hưu, cho phép ông được ngồi nghe các tướng bàn kế. Trong khi chờ mấy người chưa đến. Chiêu Minh Vương cười nói:
    -Cái ngón tay trỏ của tôi linh lắm. Hôm nay nó cứ máy giật lên, tôi biết chắc sang đây sẽ được uống rượu.
    Trần Quốc Tuấn cũng cười. Ông cũng đoán rằng Chiêu Minh vương chắc chắn sẽ sang sông đêm nay. Ông nói:
    -Ta thấy vương đệ không hẹn ngày sang, ắt sẽ sang ngay. Mà đêm nay thế nào vương đệ chả phải sang!
    Ông hồ hởi kể cho Trung Thành vương nghe chuyện ông được Chiêu Minh vương tặng quà quý:
    -Thượng tướng quân thâm thúy lắm. Sắp đến tiết đại thử nóng chảy mỡ ra mà lại tặng áo lông cáo ngự hàn! ấy là thượng tướng quân muốn nhắc ta giặc kia đang kỳ sống dở chết dở phải tính kế đánh gấp đi đó thôi.
    Chiêu Minh vương xuê xoa:
    -Chết nỗi, em đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Thấy áo quý, nghĩ đến sức già của vương huynh, em gửi biếu. Chẳng qua kính lão để cầu được thọ mà.
    Tiếng cười nói vui vẻ của các đức ông vang lều trận. Tráng khí náo nức niềm tin chiến thắng. Khi những người được gọi đã đến, Trần Quốc Tuấn cho phép họ đứng hầu nghe việc. Riêng ông già chép sử được ngồi mé dưới. Lê Văn Hưu đã từng được dự hầu nghe nhiều cuộc họp bàn của các vương hầu còn đông và long trọng hơn thế này nhiều, nhưng ông già chép sử hiểu rằng cuộc họp này tuy chỉ tính một đôi nước cờ nhưng là mấy nước khá tinh tế và hiểm hóc. Quả như ước đoán của Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn vừa nói vài điều mà cuộc họp đã căng thẳng, ai nấy đều khẽ rướn người chăm chú nghe Quốc công Tiết chế. Ý kiến của ông cực kỳ giản dị. Hiện nay, các cánh quân địch không liên lạc được với nhau, lương thiếu, cỏ ngựa thiếu, tiết trời nóng nực làm bệnh tật phát ra. Tình thế của chúng có thể dẫn đến bị tiêu diệt. Đáng ra, giặc phải tổ chức cuộc rút lui ngay thì mới đỡ thiệt hại, nhưng trái lại, chúng tỏ ra nửa muốn rút, nửa còn cố bám vùng chiếm đóng. Chính vì tướng giặc khát vọng chưa thỏa, lại sợ xuất quân không lập công, về nước bị trừng trị. Ông nói chậm và nghiêm khắc:
    -Binh pháp đã dạy: “Có thể đoạt được lòng tướng địch”. Nay hai tướng giặc Thoát Hoan và A Lý Hải Nha tâm thần bất định. Chúng muốn chạy mà chưa quyết. Chúng chưa quyết chạy thì ta xua cho chúng bỏ chạy.
    Chiêu Minh vương đập tay khen giỏi. Trần Quốc Tuấn giảng giải cho hai đức ông nghe về tài năng, tính nết, vị thế của hai tướng giặc. Ông nhấn kỹ: một tên trẻ ranh nhiều khát vọng, chỉ là học trò mà lại làm chánh tướng, trong khi đó tên kia là thầy lại chỉ làm phó. Lẽ thua là ở đó!
    -Cho nên phải nổ sét ngang tai Thoát Hoan nhưng phải xuyên cho được một mũi dao thấu gan ruột A Lý Hải Nha mới thúc được hai thằng giặc này giục nhau bỏ chạy.
    Lần này, cả hai đức ông cùng vỗ đùi mừng rỡ. Các đức ông bắt vào bàn về các trận đánh sắp tới. Nhiều mẹo được bày ra. Nào cho người phao tin có nội loạn ở nước chúng, vua Nguyên Hốt Tất Liệt băng hà, nào sắp quân tinh nhuệ diệt hai vạn quân cưỡi ngựa của Thoát Hoan đang bị vây khốn ở mé nam Thăng Long, nào khơi đê cho nước sông chảy ngập địa bàn đóng quân của giặc v.v... Nhiều mẹo cũng hay và táo bạo, nhưng xét đến cùng thì có mẹo lừa được Thoát Hoan nhưng khó lừa được A Lý Hải Nha như cách phao tin, có mẹo hay, nhưng quân ta, dân ta cũng bị tổn hại như mẹo phá đê, mẹo đánh diệt quân kỵ Thát Đát. Trung Thành vương nói:
    -Cứ như lời Quốc công Tiết chế, tôi thấy đuổi thằng Thoát Hoan lúc này không gì bằng đốt đồn Giang Khẩu và đốt đội thuyền nhẹ của nó đậu ở sông Tô Lịch.
    Trần Quang Khải trầm ngâm:
    -Giang Khẩu nằm giữa một vùng có nhiều đồn địch. Một trận đánh có nhiều khó khăn lắm đây! Đúng như vậy. Con đường từ trận địa của ta đến Giang Khẩu phải qua một chặng mấy chục dặm rải rác có đồn địch, có trại quân, có những tên lính thám mã của giặc đi lại. Nếu đi con đường bên bờ phải con sông Cơ Xá thì còn vướng thêm một vùng đầm lầy và con sông rộng mênh mông ấy nữa. Như thế, muốn hạ đồn Giang Khẩu, phải hành quân bí mật, đánh úp bất ngờ ban đêm bằng đội quân ít người nhưng cực kỳ tinh nhuệ.
    Trần Quốc Tuấn cũng hiểu trận này khó đánh, phải tướng giỏi quân giỏi mới thành công được. Trung Thành vương nghiêng đầu suy nghĩ giây lát, đôi mắt đẹp sắc sảo của ông đăm đăm nhìn một cái vết gì đó trên thảm da dê. Cuối cùng, ông nói:
    -Bẩm Quốc công, tôi có kế đánh Giang Khẩu.
    Trần Quốc Tuấn cho phép nói.
    -Giang Khẩu là một đồn thấp, có vài trăm quân, bến thuyền cũng chỉ vài ngũ lính canh. Ta chỉ cần một đô tinh nhuệ, nửa đêm phóng hỏa đốt đồn, đốt thuyền. Giặc chữa lửa thì ta nấp kín mà bắn chết tướng. Trận đánh ắt xong. Còn đem nhiều quân vào thì không nên vì dễ lộ. Chỉ cần một tướng lĩnh mệnh vào Kiêu Kỵ lấy quân của Nguyễn Chế Nghĩa đi xuyên qua rừng đa chờ chập tối sang sông. Đầu canh hai đốt đồn rồi ra sông hạ thuyền thuận dòng mà về đây, quân kỵ của giặc có nhanh tài trời cũng không thể chặn bắt được.
    Kế đánh của Trung Thành vương cũng giống như ý định của Trần Quốc Tuấn. Chính Hưng Đạo vương đã sai Yết Kiêu sắp sẵn mấy chục trạo nhi giỏi, cũng là để đưa tướng vào vùng đầm lầy và vượt sông. Cái khó không phải ở cách đánh mà ở việc chọn tướng và làm cho giặc hỗn loạn trong đêm tối không biết đồn nào bị đánh để chia binh đi cứu. Lê Văn Hưu vốn sâu sắc, ông đoán được ý nghĩ của Trần Quốc Tuấn. Ông già chép sử tò mò nhìn đức ông hoàng bảy. Người đánh Giang Khẩu phải là đức ông hoàng bảy, vừa thuộc đường, thuộc trận địa lại chính là người bày kế hạ đồn này! Nhưng tại sao Trần Quốc Tuấn còn ngần ngại gì mà chưa ra lệnh cho Trung Thành vương làm tướng trận này. Hay Hưng Đạo vương biết trận đánh này nguy hiểm? Nếu Trung Thành vương có mệnh hệ nào thì ông bị mang tiếng là đẩy người thù cũ vào cõi chết. Hay Quốc công Tiết chế muốn để Trung Thành vương tự xin? Kể ra như thế tiện hơn cả.
    Lê Văn Hưu hơi áy náy vì ông nghĩ rằng giữa Quốc công và ông hoàng bảy chưa phải mọi điều đều đã trang trải cả. Đột nhiên, Trần Quốc Tuấn nói:
    -Trận Giang Khẩu là dành cho thằng nhãi Thoát Hoan. Ta hãy bàn luôn đến phần của giặc già A Lý Hải Nha. Thằng này thao lược; muốn đuổi nó chạy phải đánh một đòn nặng vào ruột gan nó, làm cho nó dù tỉnh táo cũng phải hiểu rằng không chạy thì chẳng còn mảnh giáp.
    Trần Quang Khải mỉm cười nhìn Trần Quốc Tuấn. Chiêu Minh vương đã đoán ra nơi Trần Quốc Tuấn muốn tiêu diệt. Chính đức ông hoàng ba đã gửi tặng Hưng Đạo vương một bộ đồ đánh lửa Thát Đát.
    -Đánh A Lỗ!-Trần Quang Khải buông một câu.
    -Đánh A Lỗ!-Nhiều người cùng xôn xao nói chen.
    -Đốt A Lỗ! - Trần Quốc Tuấn dằn giọng. Ông nói thêm rằng hiện nay A Lỗ có hơn một vạn quân giặc, nhưng hai phần ba là lính chèo thuyền vận tải, lính coi ngựa, coi lừa và bọn câu kê làm sổ sách tính toán lương tiền. Số lính chiến còn lại chỉ hai, ba ngàn tên và cũng không phải loại giỏi. Vả chăng, trong một trại quân đông người, ô hợp và của cải để ngổn ngang như thế, kỷ luật sẽ hết sức lỏng lẻo. Đánh A Lỗ, đốt A Lỗ chủ yếu bằng lửa. A Lý Hải Nha còn trông ở mấy tháng lương thảo tích ở đó. Nếu A Lỗ bị diệt, giặc sẽ đói, ngựa giặc sẽ đói. Trần Quốc Tuấn tin rằng nếu đánh xong A Lỗ ngày nào, A Lý Hải Nha sẽ dẫn quân chạy ngày ấy. Vậy thì quân tinh nhuệ của ta sẽ dàn ra, chọn đất hiểm mai phục chờ sẵn. Giặc sẽ bị chẹn đánh tơi tả ở các bờ sông Thiên Đức, Lục Đầu... Giặc sẽ bị đánh tơi tả ở cửa quan Anh Nhi, ở cửa Đầu Quỷ... Ông bảo Trương Hán Siêu:
    -Nhà ngươi về tụ tập thư nhi thảo lệnh cho các hành doanh.
    Trương Hán Siêu vội vã vái chào ba đức ông, rồi ra khỏi lều trận. Trần Quốc Tuấn hỏi Dã Tượng:
    -Một ngàn quân tinh nhuệ ta sai tuyển chọn đã có chưa?
    -Bẩm Quốc công, nghìn quân này cực kỳ tinh nhuệ.
    -Cho sắp sẵn cung đơn, khiên nhẹ, kiếm ngắn, tên lửa và đồ dẫn lửa. Cho ăn no, phát một ngày lương khô, hẹn canh tư đêm mai lên đường.
    Dã Tượng vái chào ba đức ông, xin lui. Trần Quốc Tuấn nghiêm sắc mặt đứng lên. Ông nói với Chiêu Minh vương và Trung Thành vương:
    -Giang Khẩu là trận đánh khó. Ta phải xét kỹ lưỡng việc chuẩn bị xuất quân. Mời hai em đi với ta xem lính, xem thuyền thế nào.
    Yết Kiêu cầm đèn lồng đưa ba đức ông ra khỏi lều trận. Ông già chép sử cũng được đi theo. Bấy giờ đã đầu canh ba. Phương ngôn ta có câu: “Nửa đêm giờ tí, canh ba”. Ý nói đã sang một ngày mới. Đã sang một ngày mới nhưng còn hai trống canh nữa mới đến rạng đông, thế mà ở mấy cái bãi rộng, binh lính và dân làng Xuân Đình vẫn đang vui đùa trên những chiếu rượu khao quân đã hết rượu, hết đồ nhắm. Khi ba đức ông đi tới vùng có lửa đuốc chiếu sáng, dân và lính nhận ra các tướng. Tiếng tung hô muôn tuổi, tiếng chúc sức khỏe ồn lên. Trần Quốc Tuấn đi vào giữa đám đông. Ông hỏi lớn:
    -Còn rượu không?
    Rượu hết. Trần Quốc Tuấn bảo tả hữu:
    -Rượu hết thì đem thêm ra. Tiệc lần này ta khao sao lại để thiếu rượu?
    Thế là lính hỏa đầu ba chân bốn cẳng chạy đi lấy thêm đồ nhắm, những tì tướng cũng vắt chân lên tai vội vã đi khiêng những vò rượu. Rượu lại rót tràn trề các bát lớn. Trần Quốc Tuấn lại sai lấy rượu nữa. Ông nhớ tới đêm Trung thu năm ngoái, ông đã mở tiệc khao quân sau những ngày tập luyện cực kỳ khó nhọc ở ven sông Lục Đầu. Hôm ấy, ông đã hiểu rằng ngọn cờ tiết chế của ông là ngọn cờ của trăm họ. Ông đã vì trăm họ mà luyện quân. Sĩ tốt cũng vì trăm họ mà theo ông. Như thế sĩ tốt sẽ chiến đấu trong niềm tin yêu, trong công sức đóng góp của trăm họ như đàn cá kình trong biển rộng sông dài. Tiệc đêm Trung thu ấy, cụ Uẩn đã dâng ông bát rượu thọ mà quân sĩ nâng mời ông cụ. Bây giờ ông cụ vui thú nơi nao? Cái nghĩa tử tiết của con người đó thật đáng cho ngay chính ông ngẫm ngợi. Trần Quốc Tuấn sai rót rượu. Ông muốn tiệc rượu đêm nay phải thật vui, thật náo nhiệt. Ông muốn không khí hào sảng ấy làm phai mờ những nỗi nhớ thương trong lòng ông, trong lòng Dã Tượng và Yết Kiêu, trong lòng Hoàng Đỗ và Hoa Xuân Hùng... Ông cất tiếng sang sảng:
    -Đêm nay, ta cùng các ngươi uống cho thật vui. Ngày mai, các quân sẽ lên đường vào cuộc chiến đấu mới nữa để tống cổ giặc ra khỏi kinh thành rồi quét chúng ra khỏi đất nước. Các ngươi vác đòng theo ta đã lâu, khi thì thầy trò uống rượu vui vẻ với nhau, khi cùng chiến đấu giáp lưng vào nhau, vuốt máu vuốt nước mắt để nhìn cho rõ quân giặc. Lần này ra trận phải đánh cho hả dạ căm thù, cho bù lại những đêm trằn trọc vỗ gối đến sáng. Giặc tự phụ là dòng dõi thần Chó sói núi Tuyết. Chúng ta đây là con Rồng nòi Tiên có kém gì? Tổ tông sẽ phù trợ tay cung, tay giáo ta cứng, phù trợ hễ ta đánh là thắng lớn. Nào! Nâng bát lên ta uống!
    Tất cả theo Quốc công Tiết chế uống cạn bát rượu trên tay.
    Trần Quốc Tuấn sai đập các hũ rượu. Ông muốn tỏ cho sĩ tốt biết rằng từ nay cho đến khi thắng giặc, sẽ không uống rượu nữa! Nếu uống lần sau, sẽ là rượu trong lễ dâng tù binh ở Thái miếu, rượu đựng trong chóe quý mừng đất nước sạch làu bóng giặc. Tiếng côn bịt sắt đập vỡ các vò rượu gây ấn tượng rất mạnh trong lòng mọi người. Trần Quốc Tuấn gọi Yết Kiêu và hỏi:
    -Mấy ngũ lính trạo nhi của ngươi đâu?
    Yết Kiêu vội dẫn lính đến. Họ chào lạy ba đức ông. Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc ngắm những người lính cứng cáp, dạn dày nắng gió, nai nịt rất gọn ghẽ. Ông nắm thắt lưng một người giật mạnh. Múi thắt lưng không sổ. Binh lính của Yết Kiêu bao giờ cũng vậy, Yết Kiêu dạy họ từng lá từng tí, kể từ việc gạt cỏ gianh xe sợi bện dép cỏ. Những người lính này thuộc mấy ngũ trạo nhi đã hộ tống Trung Thành vương sang sông và cũng có người do Yết Kiêu dẫn sang theo lệnh đòi của Trần Quốc Tuấn. Họ đều là người ở hai bên bờ sông Lục Đầu, cả đời sống trên sóng nước. Bộ áo lính trạo nhi của họ xắn gọn để lộ bắp tay bắp chân chàm những con thuồng luồng cổ quá. Thật là những người lính chiến xứng đáng với hào khí Đông A kiêu hãnh!
    -Nào! Còn thuyền đâu?
    Những người lính trạo nhi mời các đức ông xem thuyền của họ.
    Đó là những chiếc thúng cóc nhỏ và thấp mạn nhưng Trần Quốc Tuấn đã từng xem lính trạo nhi bơi loại thuyền này qua những khúc sông rộng nước xoáy cuồn cuộn một cách cực kỳ vững chắc. Trần Quốc Tuấn hỏi họ:
    -Các ngươi có ai thuộc đường đầm sang Kiêu Kỵ không?
    Những người lính trạo nhi không ai biết đường này nhưng dân Xuân Đình có người biết. Người này là một người đàn ông đứng tuổi, dáng thấp nhỏ, chính là ông đánh đó tôm mà Trần Quốc Tuấn đã trú tạm trong nhà ông ta trước đây hơn hai tháng. Ông ta hiện đang sung làm phu tải lương cho hành trung doanh. Ông ta nói:
    -Bẩm đức ông, vượt đầm lầy nên dùng thuyền to hơn đi cho nhanh.
    Trần Quốc Tuấn cười nói:
    -Thuyền cóc này để dùng vào việc khác. Ta đã định nhờ dân Xuân Đình cho mượn hai chục thuyền to rồi. Thuyền Xuân Đình rất sẵn mà ta đã từng được thử qua.
    Ông ngoảnh nhìn dân làng và hỏi to:
    -Thế nào! Xuân Đình các ngươi nghĩ sao?
    Dân Xuân Đình ồn lên:
    -Bẩm đức ông, đến hai trăm thuyền, chúng tôi cũng xin có ngay.
    -Bẩm đức ông, có cả người giỏi đò giang nữa ạ.
    -Thế thì lên đường ngay!
    Người Xuân Đình nói không sai. Chửa nhai giập miếng trầu đã thấy người ta đội thuyền nan đến, không phải hai chục chiếc mà đến năm chục chiếc, nhưng Trần Quốc Tuấn chỉ chọn đủ số mà thôi. Ông dặn đêm mai sắp cho ông hai trăm thuyền nữa. Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trung Thành vương. Lê Văn Hưu chăm chú ngắm hai đức ông. Ông già chép sử hiểu rằng sắp có một điều gì đó xảy ra. Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay Trung Thành vương. Hai người im lặng nhìn nhau. Một lát sau, Hưng Đạo vương nhủ:
    -Muốn giặc hỗn loạn không ứng cứu được Giang Khẩu thì phải diệt ngay từ đầu thằng giữ cột nêu hiệu.
    Trung Thành vương nói:
    -Bẩm đức ông Tiết chế, như vậy phải có người bắn giỏi tuyệt luân.
    -Được! Người đó có rồi. Thật là một tay cung nhất tiễn lập công!
    Trần Quốc Tuấn rờ tay lên vai Trung Thành vương nói tiếp:
    -Ta xem chiều trời đêm mai còn chuyển gió mùa đông bắc. Có thể trở lạnh đôi chút. Em đem cái này đi phòng sẵn.
    Ông gọi người lính hầu ôm cái bọc đi sau. Ông lấy bọc đưa cho Trung Thành vương. Trung Thành vương giở lần lụa bọc ngoài. Đó chính là cái áo lông cáo tuyết lấy được của giặc trong trận Chương Dương. Trung Thành vương nhận áo, vái chào từ biệt Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Một lát sau, đức ông hoàng bảy dẫn đội quân nhỏ lên đường. Những người lính trạo nhi đội lên đầu những chiếc thúng cóc. Những người chân sào Xuân Đình dẫn họ đi về phía bắc. Đêm đã sang đầu canh tư. Không gian chuyển sang màu chì lỏng. Lê Văn Hưu cúi đầu ngẫm nghĩ. Biết chép thế nào vào quốc sử cái điều đẹp đẽ mới xảy ra? Bỗng nhiên, Trần Quốc Tuấn nói với ông già chép sử:
    -Tất cả các mũi giáo đều phải chĩa về phía địch. Mãi sau này rồi vẫn thế đấy tiên sinh ạ.
    Câu nói làm cho Lê Văn Hưu phải sững sờ về sự tinh tế và bóng bẩy.
    * * *
    Mờ sáng, đoàn quân nhỏ đến ngã ba có nẻo rẽ vào vùng đầm. Họ gặp một ngũ lính thám mã của giặc cắm trại bên vệ đường. Ngựa của chúng không tháo yên nhưng lính giặc trải chăn lông cừu ngủ bên một đống lửa đốt để đuổi muỗi. Một tên thám mã chống cây giáo ngắn ngủ gà ngủ vịt bên ngoài quầng sáng của đống lửa. Đó là tên canh phiên. Đoàn quân của Trung Thành vương dừng lại từ xa. Mấy chú lính viễn thám của Hoàng Đỗ đi trước dò đường đã phái người về báo tin đường bị nghẽn, có giặc. Hoàng Đỗ vội quay lại yết kiến Trung Thành vương. Đức ông hoàng bảy ra lệnh cho viên đội trưởng viễn thám phải diệt gọn ngũ lính giặc. Những tên thám mã vẫn ngủ say, nhưng đàn ngựa thính hơi bắt đầu bồn chồn gõ móng, hí khẽ. Tiếng bàn đạp, tiếng hàm thiếc lách cách chạm nhau làm cho tên lính canh mở choàng mắt đứng lên. Nó uể oải lại gần đàn ngựa, lấy cỏ đựng trong cái túi vải, vãi cho những con vật. Đàn ngựa chen nhau thở phì phò, con cúi đầu ăn cỏ, con nghếch đầu đánh hơi. Nhưng thằng lính canh của giặc chưa kịp hiểu ra điều gì thì một mũi tên từ bóng đêm đã bay như một làn sáng mờ..., mũi tên trúng cổ tên giặc khiến cho nó ngã xuống không kêu được một tiếng.
    Đàn ngựa hoảng sợ giằng thừng định chạy, nhưng nút thừng buộc chặt quá, chúng giằng không được. Ngựa hí lên, tiếng ngựa hí lanh lảnh trong đêm tối lôi giật những tên thám mã khỏi giấc ngủ mệt mỏi. Chúng choàng dậy; theo thói quen của lính chiến, chúng vớ vũ khí ở bên người, quỳ một gối hướng mũi giáo ra mé ngoài. Nhưng từ khoảng tối, mấy ngọn thiết lĩnh vươn như trăn gió, trong chớp mắt đánh trúng những tên giặc. Thật là những đòn bậc thầy; những tên giặc không kêu được một tiếng, ngã ra đất giãy chết, trừ một tên chỉ bị thương. Thằng này thoát chết chính là vì viễn thám muốn bắt sống một tên để tra hỏi những điều cần biết gấp. Tên giặc bị thương được rịt thuốc dấu và lính viễn thám trói nó lại, dẫn nó đến hầu đức ông hoàng bảy. Hoàng Đỗ vỗ gáy nó, giúi nó xuống đất. Tên giặc hiểu ý, bò nhoài dưới chân Trung Thành vương nó nói một tràng líu nhíu, rền rĩ. Nghe nó nói, Trung Thành vương biết ngay nó là quân Tân Phụ, thứ quân cũ của nhà Tống đã đầu hàng nhà Nguyên. Tiếng Tống thì Trung Thành vương biết. Ông hỏi tên giặc. Hỏi câu nào, nó vội vã đáp lại ngay. Qua những câu trả lời của nó, Trung Thành vương được biết rằng giặc mới chuyển sang bờ đông con sông Cơ Xá số lương thực còn lại. Chúng sợ bị đánh úp và bị đốt nốt số lương thực này nên đã phái thám mã đóng trại xa để canh phòng. Trạm canh này là trạm xa nhất mé đông nam. Như vậy, đường từ đây vào đến hành doanh của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa rất thông, Trung Thành vương quyết định cho Hoàng Đỗ và những người lính viễn thám hộ tống quay trở về Thiên Mạc. Trước khi ra lệnh đó, ông hỏi Hoàng Đỗ:
    -Nhà ngươi đã bắn chết tên lính canh phải không?
    Hoàng Đỗ thưa:
    -Bẩm đức ông, vâng.
    Khi Hoàng Đỗ lạy từ ông, Trung Thành vương lưỡng lự rồi hỏi:
    -Hay là nhà ngươi theo ta vào Giang Khẩu nhé? Ta sẽ cho người xin với Quốc công.
    Thoạt nghe, Hoàng Đỗ thích lắm, nhưng chú bé ấy đã biết suy nghĩ, rồi ngần ngại tạ rằng:
    -Bẩm đức ông, con có lệnh quay lại ngay sau khi đã hộ tống đức ông đến đường rẽ chu toàn... Vả chăng... con bắn cũng không bằng bạn con.
    Trung Thành vương mỉm cười:
    -Bạn con là ai?
    Hoàng Đỗ chỉ Hoa Xuân Hùng lúc ấy đã đội chiếc thúng cóc lên đầu. Đức ông hoàng bảy cầm lấy chuỗi răng sấu ở cổ Hoàng Đỗ đưa ngang mắt ngắm xem. Ông ngẫm nghĩ rồi gỡ chiếc bài vàng chạm mặt hổ ra quàng cho Hoàng Đỗ. Ông dịu dàng nhủ chú lính viễn thám:
    - Mai này tan giặc, con hãy đến tìm ta ở phủ đệ Trung Thành nhé. Có thể lúc ấy ta sẽ làm được chút gì cho con. Thôi, con đi.
    Ông đứng nhìn Hoàng Đỗ lại chia tay với các bạn đồng ngũ. Ông thấy Đỗ gỡ từ chuỗi răng sấu ra chiếc khóa bạc nhỏ xíu tự đeo vào cổ tay cho Hoa Xuân Hùng. Những người lính chiến cúi đầu chào nhau. Khi họ đã cách nhau vài trượng, Hoàng Đỗ gọi với theo:
    -Bắn cho linh tay nhé!
    Tiếng những người ra quân đáp lại:
    -Về nhớ! Sửa sẵn rượu mừng đi!
    -Đi nhớ! Đốt cho nhanh nhớ!
    -Về nhớ! Hẹn ngày dâng tù binh nhớ!
    -Đi nhớ! Bắn cho linh tay nhớ! Đi! Về! Bắn! Đốt! Hẹn nhau!
    Những người lính ra đi với hào khí hồ hởi, làm cho Trung Thành vương thấy ông đang sống khoảnh khắc đẹp nhất trong đời.
    * * *
    Đến sáng bạch nhật, Hoàng Đỗ dẫn mấy người lính viễn thám trở về hành trung doanh, mang tin Trung Thành vương đã xuống thuyền vào vùng đầm. Nhưng hành doanh đã biết tin ấy rồi và Trần Quốc Tuấn còn biết hơn thế nữa: hiệu cờ truyền theo trạm nêu báo tin tức ông hoàng bảy đã đến chỗ tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đóng quân! Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chỉ vừa ngả lưng chợp mắt được một tí. Tin vui làm cho hai ông không ngủ được nữa, mặc dầu mấy bữa rày việc quân vất vả, ăn uống cũng thất thường. Trần Quang Khải tung chiếc chăn bọc gấm ra. Ông vùng đứng lên, ra khỏi lều trận, sang trướng hổ của Trần Quốc Tuấn thì thấy Quốc công Tiết chế cũng đã ngồi xem các bản cáo mới từ các mặt trận gửi về. Hai đức ông bàn chọn mấy tướng giỏi đem thêm quân tinh nhuệ mai phục ở những nơi hiểm yếu. Chiêu Minh vương cử Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đem đội quân sáu trăm thiếu niên hào kiệt lên chặn ở sông Như Nguyệt. Ông nói:
    - Ởsông này, ta cần cậy tới tráng khí của cháu Hoài Văn. Trận phủ đầu phải sấm sét.
    -Nhưng phải ra lệnh cho nó không được ham đánh. Đây mới là tuyến mai phục đầu tiên, giặc còn đông, đang hăng chạy. Triền sông Thiên Đức ta giao cho em Chiêu Văn cùng tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa thống lĩnh dân binh lộ Thượng Hồng. Ở mạn sông này, có thể ta đã bắt được vài tướng giặc.
    - Vương huynh tính đánh quyết liệt ở sông Lục Đầu chăng?
    -Phải đó. Ta nghĩ giặc sẽ chạy qua Vạn Kiếp. Ta đã lệnh cho hành doanh Lục Đầu chưa được đánh kho lương Vạn Kiếp và mặc cho chúng thông báo hiệu nêu cờ. Ta muốn nhử giặc đến đây. Ta cử Điện súy Phạm Ngũ Lão đem cả hai quân tả và hữu Thánh dực về đó. Tướng đánh trận này phải trí dũng song toàn.
    Trần Quang Khải khen phải, nhưng tỏ ý e ngại hai quân Thánh dực chưa đủ sức đánh trận quyết liệt này. Trần Quốc Tuấn không trả lời, tủm tỉm cười nhìn Trần Quang Khải. Trần Quang Khải cũng cười và không hỏi thêm. Ông rời hành trung doanh trở về bên kia sông ra lệnh cho các đội quân dưới quyền vừa dùng tất cả hiệu nêu hiệu cờ, vừa dùng từng đô đánh vào các trạm viễn tiêu của giặc để làm rối loạn sự phán đoán của tướng giặc. Trần Quốc Tuấn ở lại trướng hổ. Ông sai đốt một lư trầm tinh khiết, ngồi tĩnh tâm suy nghĩ lá sớ dâng vua. Bên ngoài cửa trướng hổ, Dã Tượng cắp gươm tuốt trần trấn giữ. Viên tướng coi quản hành trung doanh được lệnh nghiêm cấm quân lính trong trại không được làm náo động. Đàn ngựa của hành trung doanh cũng phải cho dắt xuống chăn ở cuối bãi Màn Trò. Chiêng, trống không được đánh. Đến cuối giờ tị đột nhiên Trần Quốc Tuấn sai gọi ông già Lê Văn Hưu đến hầu. Đi trong hành doanh im lặng, Lê Văn Hưu đã kinh ngạc, nhưng khi bước vào trướng hổ, ông già lạnh người trước vẻ thành kính, uy nghi của Trần Quốc Tuấn. Quốc công mặc áo chiến đại trào vóc tía thêu rồng bốn móng, ngồi trên ghế da hổ nom thật đường bệ và nghiêm khắc. Trên mặt văn án bày đủ văn phòng tứ bảo; cây kiếm Thượng Phương chém trước tâu sau vỏ nạm vàng, chuôi nạm ngọc đặt ngang án. Khói lam từ chiếc lư đồng điếu bay lên nóc lều trận thẳng đứng. Lê Văn Hưu cúi chào cung kính.
    -Mời tiên sinh ngồi xuống đây.
    Trần Quốc Tuấn chỉ tay vào chiếc ghế để sẵn ở cạnh văn án ra hiệu cho Lê Văn Hưu ngồi xuống. Đi theo hành trung doanh đã lâu, Lê Văn Hưu cũng hiểu Trần Quốc Tuấn là bậc tướng gồm đủ ân, uy, trí, dũng, nhưng chỉ đến trưa hôm nay ông già chép sử mới hiểu rằng trước đây ông chưa cân lường nổi tầm vóc các đức tính của Quốc công Tiết chế. Hưng Đạo vương sai ban trà cho Lê Văn Hưu, sai ban trầu cau, miếng trầu đã được giã nhiễn trong cối ngà bằng chày bạc.
    -Ta muốn phiền tiên sinh một việc. . Khoảng 11 giờ trưa.
    - Bẩm đức ông cứ phán, kẻ bồi thần có bao nhiêu sức già cũng xin dùng hết.
    - Không, việc này không phải có sức mà làm được. Ta muốn thảo sớ dâng Quan gia. Phải phiền tới bậc đại bút như tiên sinh.
    “Bậc đại bút”! Ông già chép sử giật mình. Bậc đại bút phải là Quốc công, con người nổi tiếng văn võ song toàn, sự hiểu biết thấu suốt cổ kim. Trần Quốc Tuấn dường như hiểu ý Lê Văn Hưu, ông bình thản nói:
    -Tiên Sinh hãy thay ta thảo lá sớ này!
    Và ông vạch tỉ mỉ từng ý phải có. Trước hết, ông nhận định rằng giặc sắp bỏ chạy. Các hành doanh đã được lệnh mai phục trên cả hai đường thủy, bộ để tiêu diệt chúng. Ông xin Thượng hoàng và Quan gia cũng tiến quân diệt Toa Đô. Xin Quan gia cứ để Toa Đô kéo quân ngược sông vào sâu nữa trong đất liền. Như thế khả năng rút ra của chúng sẽ không còn nữa, tướng giặc ắt bị chém đầu. Điều ông nói kỹ, nói tỉ mỉ là âm mưu giặc. Ông nói giặc thuộc nòi kiệt hiệt, thua trận này chưa thể làm nhụt chí xâm lược của chúng. Vả chăng, mưu mẹo thâm hiểm của chúng đã lộ ra: chúng đã cho dẫn bọn gian tặc Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Kiện về nước chúng. Nhờ phúc ấm tổ tông, ta đã bắn chết Trần Kiện, nhưng mấy tên kia vẫn chạy thoát. Giặc đem bọn gian tặc đi, chứng tỏ chúng còn muốn sang ta nữa. Trần Quốc Tuấn hỏi Lê Văn Hưu:
    -Tiên Sinh đã hiểu ý ta chưa?
    -Bẩm, Quốc công muốn nhắc lại kế rễ sâu gốc vững!
    -Đúng đó. Vừa qua tiên sinh hỏi ta về tôn trọng người hiền, kẻ sĩ, nhưng ta muốn nhìn thế cục rộng hơn. Ta hỏi tiên sinh: Ngày xưa, khi cuộc đao binh sắp xong, bậc đế vương phải làm gì? Tiên Sinh hãy soi trong sử xanh cổ kim nam bắc, tìm xem các minh quân thánh chúa đã làm thế nào để nước mạnh dân giàu? Thời chiến, lấy rễ sâu gốc vững mà giữ nước. Thời bình cũng phải lấy rễ sâu gốc vững mà dựng nước. Tiên Sinh còn nhớ lời Thái sư Trần Thủ Độ trối trăng với Tiên đế không?
    -Bẩm nhớ!
    Trần Quốc Tuấn nói tách bạch từng tiếng:
    -Thái sư đã nói: “Thần là người vô học cầm quyền coi việc nước, chỉ nghĩ trăm họ yên vui no ấm là kế sách giữ nước thần diệu nhất”. Tiên Sinh hãy thảo sớ sao cho văn chất tha thiết mà vẫn bình dị, ý tứ sâu xa mà vẫn gần gụi người đời. Ta muốn lá sớ này phải có hơi hướng trên ba ngàn năm dựng nước của tổ tông ta.
    Lê Văn Hưu lĩnh ý, tạ từ. Trần Quốc Tuấn sai tả hữu lấy ban cho ông già chép sử một đôi bút song Chu, một thỏi mực Hương Lan, một chiếc nghiên ngọc đỏ vân trắng và một bình trà Yên Tử ướp sen.
    -Để cho sử bút của tiên sinh thêm đanh thép!
    Lê Văn Hưu ra khỏi trướng hổ. Trần Quốc Tuấn lập tức cho gọi thư nhi, tì tướng của hành trung doanh đến hầu. Chúa tôi đằm vào những công việc tưởng như tủn mủn nhưng kỳ thực hết sức cần thiết cho một chiến cuộc to lớn: việc tính toán số lương khô cần phát cho mỗi người lính tính theo đoạn đường từ nơi xuất quân đến nơi mai phục; việc tính số thuyền cần thiết cho mỗi bến đò ngang; việc đôn thúc các lộ Tam Đái, quá Hóa nộp nứa để làm cầu phao trên các triền sông Như Nguyệt, Thiên Đức; việc lấy dân phu làm gấp hai triệu mũi tên cho hành doanh Lục Đầu và việc làm mấy kho cỏ bí mật ở ven sông Sách dành cho đội voi trận... Trần Quốc Tuấn ra nhiều mệnh lệnh. Ông làm việc mê mải, toàn tâm toàn ý cho trận đánh giải phóng kinh thành và cuộc chiến quét giặc ra khỏi đất nước. Cách làm việc nhanh, mạnh, dứt khoát chứng tỏ Hưng Đạo vương tràn trề niềm tin chiến thắng, một niềm tin hình thành do sự hiểu biết sâu sắc thế chiến trường và sự suy nghĩ thấu đáo về tâm trạng tướng lĩnh đôi bên.
    * * *
    Đến chiều, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản dẫn quân sang sông để tiến về sông Như Nguyệt. Ngoài sáu trăm thiếu niên hào kiệt, đội quân của hầu tước Hoài Văn còn tăng thêm mấy nghìn dân binh kinh thành. Những người dân binh các phường phố qua mấy tháng chiến đấu đã mau chóng trở nên những người lính thiện chiến, dày dạn, nhưng từ cách nai nịt, cách cầm binh khí người ta vẫn nhận ra một chút gì đó của kinh thành duyên dáng. Đội quân vừa đi vừa hát. Sau đoàn quân, lính coi ngựa dắt theo mấy chục con chiến mã Thát Đát. Đội quân mang cờ đề sáu chữ vừa khuất sau lđá tre làng Xuân Đình thì tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn quân Thánh dực trẩy qua. Đội quân này nổi tiếng vũ dũng thiện chiến. Phạm Ngũ Lão và các tì tướng hiên ngang trên lưng những con ngựa chiến lực lưỡng. Giàn trống đồng, chiêng đồng của quân Thánh dực giữ nhịp đi cho toàn đội. Những lá cờ đại, những lá phướn mang hiệu từng vệ bay phấp phới. Thỉnh thoảng lính thông hiệu phi ngựa ngược xuôi, miệng quát lớn:
    -Tránh ra, tránh ra cho ngựa quan trẩy.
    Những đội dân binh lộ Khoái và lộ Quốc Oai cũng ra sông qua đò Chương Dương. Hai làng Xuân Đình, Chương Dương được lệnh phải làm việc quân ở bến đò, lúc nào cũng có thuyền đậu ở hai bên bờ sông, thuyền to để chuyên chở quân và lương thảo, thuyền nhỏ dành cho lính thông hiệu, lính hỏa bài. Dân binh tiến về vùng giáp kinh thành để rút bớt quân tinh nhuệ mặt trận này đem lên mai phục ở các triền sông vùng đông bắc. Trong lúc đó cả một vùng rộng lớn ven kinh thành, hiệu cờ, hiệu khói đôi bên cùng báo những tin tức cấp bách, nhưng hiệu của giặc khá rối loạn chứng tỏ các đơn vị của ta đã làm chủ được chiến trường. Sẩm tối, Chiêu Minh vương sang sông. Bên trại Chương Dương, đoàn chu sư của đức ông hoàng ba đã cắm cờ và nêu hiệu ở đầu thuyền, sẵn sàng nhổ neo. Chiêu Minh vương dẫn sang Màn Trò cả tì tướng, thư nhi trong hành doanh của ông, chứng tỏ đạo quân lớn ấy cũng sắp lên đường. Hành trung doanh của Trần Quốc Tuấn được lệnh cuốn cờ, nhổ lều trại. Quân sĩ chia nhau, người thu dọn lều cọc, lương thực, xếp lên lưng những con ngựa thồ, người làm cơm đêm và nắm cơm cho hai bữa nữa. Chiêu Minh vương cưỡi trên lưng một con ngựa ô lĩnh cực đẹp, vó trước bên phải có một vệt lông trắng nõn làm cho nó có vẻ nghịch ngợm lúc phi nước kiệu nhỏ. Trần Quốc Tuấn đón Chiêu Minh vương ở cửa trại. Ông cũng sai đem ngựa đến. Con ngựa tía mật của đức ông Tiết chế hí vang lên. Hai đức ông tế ngựa ra ven sông, sau lưng là một đoàn tuỳ tùng đông đảo. Màu chiến bào tía của hai đức ông, màu áo chiến các vệ, các đô, màu thắt lưng, khăn võ của các tướng dưới ánh lửa của hàng trăm bó đuốc càng rực rỡ. Tiếng loa thét lệnh, tiếng trống đồng, tiếng tù và, tiếng pháo hiệu của rất nhiều đội quân đóng chung quanh làm huyên náo cả cảnh sông đêm vốn dĩ êm tĩnh. Chiêu Minh vương nói với Trần Quốc Tuấn:
    -Bên chỗ đệ tưởng đánh dứ mà hóa đánh thật!
    Tiếng nói của Chiêu Minh vương bị bạt gió nên Trần Quốc Tuấn nghe không rõ. Ông rướn người trên lưng ngựa hỏi to:
    -Vương đệ bảo cái gì thật?
    - À!... Có nhiều trận đánh dứ để quấy rối giặc, nhưng mà chúng nó chống cự yếu ớt quá thành ra quân ta ùa vào diệt đồn luôn. Chúng nó hết kiếp rồi!
    Hai đức ông cười ha hả. Bên kia sông, lửa đuốc kéo giăng giăng thành nhiều đường trên cánh đồng rộng lớn. Trần Quốc Tuấn hỏi:
    -Quân nào trẩy bên kia thế?
    -Không phải quân. Dân đấy. Dân mé nam kinh thành trở về làng.
    -Vừa đúng lúc gặt chiêm sớm. Lúa năm nay thế mà được mùa to. Đi đến đâu cũng thấy cánh đồng tốt bời bời...
    Trần Quốc Tuấn thấy lòng sung sướng, thơ thới. Binh đao xảy ra trên đất Việt nhưng trăm họ nước Việt càng tỏ rõ sức sống mãnh liệt của mình. Công lao giữ nước, công lao làm đẹp làm giàu cho đất nước là do ý chí và bàn tay của triệu triệu người Việt vun góp vào. Hai bên bờ những dòng sông Việt lừng lẫy chiến công, những người dân Việt lại sẵn sàng vào một mùa lúa mới khi lửa binh đao đang tắt dần dần. Đêm hè, gió thổi lộng lên... Hai đức ông và đoàn tùy tùng ra đến bờ sông Thiên Mạc lúc đầu canh hai. Hiệu lửa từ hành doanh Kiêu Kỵ báo tin về: đức ông hoàng bảy đã đem quân lén qua sông Cơ Xá từ lúc chẽng vẽng tối! Trần Quốc Tuấn bảo Trần Quang Khải:
    -Ta chờ hiệu lửa báo tin Giang Khẩu rồi lên đường là vừa. Chắc khoảng cuối canh một, trận đánh bắt đầu. Nếu đánh nhanh thì bây giờ đã xong từ lâu rồi.
    Hai đức ông lên trên một gò đất cao nhìn về phía Thăng Long, nhưng mấy đêm rày nhiều đám cháy bốc lên đó đây, chẳng thể nào phân biệt được cháy ở đâu và cháy cái gì. Chiêu Minh vương nhìn trời vần vụ mây, nói:
    -Gió đông
    - Ðông bắc, trời không trở lạnh lắm đâu.
    -Nhưng lúc rút ra bằng đường sông thì cũng cần áo ấm lắm đấy. Không khí chờ đợi thật khắc khoải.
    Ngay những con ngựa chiến hình như cũng hiểu lòng chủ, chúng gõ móng bồn chồn, thỉnh thoảng lại hí khẽ trong họng. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn bóng đêm mỗi lúc mỗi nhạt dần. Trăng đã lên! Đêm nay mười sáu trăng treo, mọc muộn. Trời nhiều mây nên ánh sáng lúc tỏ, lúc mờ. Trần Quốc Tuấn nhớ lại đêm đầu tiên ông trở lại đất này. Mới hai đêm mà sao ông tưởng như lâu lắm rồi. Hai đêm qua đi nhưng vòm trời Thiên Mạc vần vụ mây mù đã đem lại cho ông nhiều thay đổi. Những gì đã xảy ra trên mảnh đất kỳ diệu này sẽ được ghi vào quốc sử? Trận Thiên Mạc của Trần Bình Trọng; trận Hàm Tử của Trần Nhật Duật; trận Chương Dương của Trần Quang Khải. Trăng nước, cỏ cây chứng kiến những chiến công kỳ diệu ấy. Đấy là những chiến công sẽ được chép trang trọng trên những trang sử vàng chói lọi. Nhưng còn biết bao nhiêu trận đánh mà sử sách sẽ không chép tới: những trận đánh úp kho lương kho cỏ, những trận đánh chiếm nêu cờ nêu đèn, những trận đánh bọn thám mã giặc vướng đường, phải kể hàng trăm hàng ngàn trận đánh như vậy đã diễn ra, đã không chép vào chính sử! Ngay cả trận Giang Khẩu nữa, có thể ông già chép sử kia cũng không dành được một dòng nào để chép cho một câu trang trọng. Cả một võ công đánh Tống bình Chiêm lẫy lừng của bậc tướng tiền bối Lý Thường Kiệt trước đây hơn một trăm năm, cũng chỉ được nửa trang trong quốc sử. Chính Trần Quốc Tuấn đã đọc đi đọc lại nửa trang sử ấy. Nhưng đêm nay, ông mới hiểu thấu đáo rằng dù cho có đem tất cả vàng của đất nước đúc lại cũng chưa xứng với nửa trang sử đó. Cảm ơn các bậc tiền liệt, tất cả các bậc tiền liệt. Các Người đã đem thân mình đền đáp non sông, xây dựng non sông. Tên tuổi các Người dù được ghi trang trọng hay không chép vào quốc sử thì nhân dân đất Việt vẫn đời đời nhớ ơn. Nhân danh cá nhân ông, nhân danh những người còn sống và sẽ Sinh thành trên đất Việt, Trần Quốc Tuấn thành kính tưởng nhớ và ghi sâu công ơn của các tiên liệt. Giữa canh ba, hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu, nhưng cùng lúc đó đoàn thúng cóc từ Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cũng cập bến. Từ bến thuyền, Trung Thành vương đi như chạy lên phía Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Đến nơi, Trung Thành vương hất chiếc áo khoác lông cáo tuyết xuống đất, chống kiếm quỳ một gối ra mắt hai vị tướng văn tướng võ của nước Việt.
    -Kính lạy hai đức ông! Nhờ phúc ấm của tổ tông, của hoàng triều, đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết.
    Binh tướng tùy tùng đứng chung quanh giơ cả binh khí lên cao, hét lên sung sướng:
    -Đức ông hoàng bảy muôn tuổi! Đức ông hoàng bảy muôn tuổi!
    -Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi! Muôn tuổi!
    Trần Quốc Tuấn nâng Trung Thành vương dậy. Hai mắt đức ông hoàng bảy sáng quắc lên dưới lửa đuốc. Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình, choàng lên ngực Trung Thành vương. Ông nói:
    -Tướng quân hễ xuất trận là lập công. Thật không hổ trai họ Đông A!
    Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trần Quang Khải. Mọi dự đoán đã thành rồi! Đến lúc phải chia tay! Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay Thượng tướng quân. Ông nhủ:
    -Trừ hại cho trăm họ xong thì đến lúc làm lợi cho trăm họ! Ta đã thảo sớ dâng Quan gia. Em sẽ đem đại binh xuôi về đón Ngự giá tiến quân diệt Toa Đô. Mặt Thăng Long sẽ giao cho em hoàng bảy.
    Trần Quang Khải cố hỏi:
    -Như vậy vương huynh không có mặt để phò giá đem quân chiến thắng về kinh thành chăng?
    - Đúng vậy! Thăng Long sẽ giải phóng sớm. Bây giờ ta tiến quân đánh A Lỗ, rồi qua sông mai phục ở Lục Đầu. Giặc có thể lại sang, nên ngay lần này phải đánh cho tan niềm tin vô địch của chúng.
    Nghe Trần Quốc Tuấn nói sẽ đích thân chỉ huy trận A Lỗ, Trần Quang Khải đăm đăm nhìn bậc đàn anh ân, uy, trí, dũng. Ông rất hiểu Quốc công Tiết chế; ngoài các đức tính ân, uy, trí, dũng ra, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng có lòng nhân đạo vô tận. Quốc công thân đánh A Lỗ đâu phải vì trận này khó đánh mà chính để tạ lòng các bậc tiên liệt, nhất là những người vô danh đã trận vong. Trần Quốc Tuấn bảo Lê Văn Hưu:
    -Tiên Sinh đi theo đức ông Chiêu Minh vương. Lễ ban sư hồi trào sẽ cực kỳ long trọng, cần đến sử bút của tiên sinh để lưu lại muôn đời.
    Ông liếc nhìn Trần Quang Khải:
    -Có thể lúc đó đức ông Chiêu Minh nổi hứng sẽ làm được một vần thơ tuyệt diệu. Bài thơ tráng khí võ công ấy chép vào chính sử càng rực rỡ phải không tiên sinh?
    Trần Quang Khải, Trung Thành vương lạy từ Trần Quốc Tuấn để đem quân lên đường. Đội thúng cóc hai mươi chiếc theo đức ông hoàng bảy nay còn mười một chiếc. Hoa Xuân Hùng, tay phải quấn vải buộc chéo lên cổ, cầm cung ở tay trái, đứng tần ngần nhìn Hoàng Đỗ. Trần Quốc Tuấn liếc thấy. Ông cười hóm hỉnh:
    -Lại đây! Cung thủ nhất tiễn lập công!
    Ông cho phép Hoa Xuân Hùng về đoàn tùy tùng của hành trung doanh chỉ huy những người lính trạo nhi mới họp thành đô để tiện di chuyển trong vùng nhiều sông đầm. Ông nghĩ thầm Hoa Xuân Hùng đã đánh một trận không chép trong chính sử thì sẽ cho chú ta vinh dự -cùng với ông-lập một võ công cũng không chép trong chính sử. Thiên Mạc-Hàm Tử -Chương Dương chợt ngời lên dưới ánh trăng. Mây trôi. Trăng sáng. Nước Thiên Mạc đều đều xuôi về biển Đông. Trần Quốc Tuấn thấy mình được nâng cao lên, có nhiều thay đổi trong tâm hồn. Nhờ ơn tổ tông, nhờ sự dạy dỗ của những người đã khuất, ông hiểu biết sâu xa hơn về chiến tranh giữ nước, hiểu biết sâu xa hơn về sức chứa đựng của mỗi chữ trong sử xanh. Trần Quốc Tuấn ra lệnh xuất quân. Hành trung doanh tiến về phía A Lỗ.
    Thăng Long năm Hổ.
    HẾT

    Sponsored content


    Trăng nước Chương Dương Empty Re: Trăng nước Chương Dương

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Sun May 19, 2024 3:51 pm