VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Quả Đất - Quê Hương

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 4:40 pm

    Quả Đất - Quê Hương

    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

    Lịch sử của lịch sử: Tiền sử và lịch sử






    Trong hàng chục nghìn năm, các xã hội "cổ sơ " của những người săn bắt-hái lượm đã lan tràn trên các vùng đất địa cầu, họ không hề biết đến nhau vì sự cách biệt địa lý, ngôn ngữ, lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục. Không xã hội nào giống xã hội nào, có nơi thì cởi mở, phóng khoáng, nơi khác lại khép kín, câu thúc, có chỗ theo chế độ tản quyền, chỗ theo chế độ tập quyền. Nhưng dù khác biệt, nói chung đó là những loại hình cơ bản ban sơ của xã hội những "con người tinh khôn" (homo sapiens) (1) Qua hàng chục nghìn năm cái cộng đồng lưu lạc (2) của những xã hội tiền sử không hề biết lẫn nhau này đã tạo thành nhân loại.
    Sự phát triển của nền văn minh thành thị / thôn quê không những đã không hề biết đến cái nhân loại đó mà còn tiêu diệt nó. Những xã hội có lịch sử đã bành trướng, đẩy lùi xã hội cổ sơ vào trong rừng, trong sa mạc rồi ở chính nơi đó các nhà thám hiểm và thăm dò của thời đại toàn cầu lại tìm thấy họ để rồi cũng lại nhanh chóng đưa họ đến chỗ diệt vong. Cho đến nay, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các xã hội này đã vĩnh viễn bị sát hại mà những kẻ sát hại lại không hề thu lượm được những kiến thức họ đã tích luỹ được qua mấy nghìn năm.
    Lịch sử rất tàn nhẫn đối với các nền văn minh đã chết vì chiến bại, lại cực kỳ tàn bạo đối với tất cả những gì thuộc về tiền sử. Cái tiền sử này thật ra không phải tự nó chết đi mà chính nó đã bị tiêu diệt. Những kẻ sáng lập ra văn hoá và xã hội "con người tinh khôn" ngày hôm nay đã bị diệt chủng. Mà chính cái nhân loại kia, trong giai đoạn lớn lên đã giết hại kẻ sinh ra nó.
    Lịch sử ra đời có lẽ cách đây 10.000 năm ở Lưỡng Hà (Mésopotamie), cách đây 4.000 năm ở Ai Cập, cách đây 2.500 năm ở thung lũng Indus (In-đu) và lưu vực sông Hoàng Hà Trung quốc. Qua một sự hoá thân ghê gớm, những xã hội nhỏ bé không nông nghiệp, không nhà nước, không thành phố, không quân đội đã biến thành những đô thị, những vương quốc, đế quốc với hàng chục, hàng trăm nghìn, rồi hàng triệu dân, có nông nghiệp, thành phố, nhà nước, phân công lao động, giai cấp, chiến tranh, nô lệ, rồi những tôn giáo lớn, những nền văn minh lớn.
    Lịch sử, đó là sự hình thành, phát triển và đấu tranh một mất một còn giữa các quốc gia với nhau. Đó là sự chinh phục, xâm lăng, nô lệ hoá và cũng là sự chống trả, nổi loạn, khởi nghĩa. Lịch sử là những trận chiến, những điêu tàn, những cuộc lật đổ chính quyền, mưu phản. Đó là sự ồ ạt của thế lực và sức mạnh, là sự vô chừng mực của quyền hành, sự thống trị kinh rợn của các bạo chúa khát máu, cũng là sự nô dịch, giết chóc quần chúng hàng loạt. Lịch sử là sự xây dựng cung điện, đền đài, kim tự tháp hùng vĩ, cũng là sự phát triển kỹ thuật, nghệ thuật, sự ra đời và hoàn thiện của chữ viết (3), là sự trao đổi hàng hoá, tư tưởng bằng đường biển và trên đất liền. Lịch sử cũng còn là ở nơi này một thông điệp của tình thương và đồng cảm, ở nơi kia một tư tưởng đặt nghi vấn về lẽ huyền bí của trời đất.
    Lịch sử, là tiếng ồn ào và lời thịnh nộ, nhưng đồng thời cũng là sự hình thành của những nền văn minh lớn, tưởng mình sẽ đời đời tồn tại, nhưng rồi cũng phải chết : Đó là trường hợp của Ai-cập thời Pha-ra-ông, đế quốc Assyrie (Ax-xê-ri), vương quốc Babylone (Ba-bi-lon), đế quốc Mi-no-en, văn hoá Dravida (Dra-vi-da), Etrusci (Ê-trux-ci), Olmèque (Ôn-mé-cơ), thành quốc A-ten, đế quốc Ba-tư, đế quốc La-mã, thành quốc Maya (Ma-ya, đế quốc Toltèques (Tôn-téc), văn hoá Zapotèques (Da-pô-téc), đế quốc Byzance (Bi-giăng), vương quốc Angkor (Ăng-co), đế quốc Aztèque (Ax-tec), nước Incas (In-ca), vương triều Sassanides (Xát-xa-nít), đế quốc ốt-tô-man, vương triều Habsbourg (Háp-xbuốc), Đệ Tam Đế Quốc (Troisième Reich), Liên bang Xô viết...
    Trong khi đế quốc La-mã chỉ kéo dài được vài thế kỷ thì riêng hai trung tâm văn minh duy nhất vẫn tồn tại qua cả nghìn năm sau bao cuộc xâm lăng và thay đổi triều đại, đó là ấn độ và Trung hoa.
    Lịch sử truyền thống kể cho ta nghe âm thanh và cuồng nộ của các trận chiến, các cuộc đảo chính, những tham vọng điên rồ. Nó ở trên đầu sóng ngọn gió, ở nơi mà "lịch sử mới" chỉ thấy được toàn bèo bọt các sự kiện. Cái lịch sử mới này mà hôm nay đã trở thành cũ lắm rồi, cũng tưởng mình đã nắm bắt được thực chất của tương lai nhân loại bằng cái tất định luận kinh tế - xã hội, nhưng rồi nó lại bắt đầu quay về với nhân chủng học, theo phía đa chiều (hướng). Ngày nay các hiện tượng ngẫu nhiên và đột phát vốn dĩ đầy dẫy trong các khoa học vật lý, vi sinh cũng đã trở lại với khoa học lịch sử. Chúng không chỉ còn là bèo bọt mà biến thành thác ghềnh, những khúc ngoặt trong dòng cuồng lưu lịch sử kia.
    Mang tính sự kiện, tính kinh tế-xã hội, tính dân tộc học, rồi đôi khi đã trở thành đa chiều (hướng), lịch sử của các nhà sử học lại cũng phải trở thành nhân loại học. Nhân loại học lịch sử phải biết quan sát những trật tự, đảo lộn, tổ chức đối nghịch, liên kết, quyện vào nhau trong quá trình lịch sử, trong tương quan với những thế lực của trật tự - hỗn loạn - tổ chức vốn thuộc về tinh thần, tư tưởng của con người tinh khôn-rồ dại (Homo Sapiens-demens). Nó cần soi rọi những hình thức tổ chức xã hội đã xuất hiện trong quá trình lịch sử, từ Ai-cập dưới thời Pha-ra-ông, thành quốc A-ten thời Périclès (Pé-ri-cléx) cho đến những nền dân chủ và những chủ nghĩa chuyên chế đương đại mà xem đấy là các biểu hiện của tính tiềm tại xã hội nhân loại. Nó phải nhìn rõ vào những cuộc chiến, những cuộc tàn sát, nô dịch, hãm hại, tra tấn, vào lòng cuồng tín cũng như lòng tin với những nhiệt tình ở đỉnh cao của chúng, vào triết học như những biểu hiện đương đại của tính tiềm tại nhân loại học. Nó có lẽ cũng phải thấy được tính cá biệt của các nhân vật từ Aknaton (Ac-na-ton), Périclès (Pê-ri-clex), Alexandre de Macédoine (A-léc-xan-đơ của Ma-xê-đoan) cho đến Na-pô-lê-ông, Xta-lin, Hít-le, Đờ-gôn như sự cụ thể hoá, đương đại hoá những tiềm năng của con người tinh khôn-rồ dại.
    Chúng ta cần có một lịch sử đa chiều mang tính nhân loại học, bao gồm cả những thành phần của âm thanh và cuồng nộ, hỗn loạn và chết chóc. Vì về mặt nhân loại học, lịch sử của những sử gia đã tụt hậu so với những bi kịch Hy lạp, kịch thời Ê-li-da-bét, và đặc biệt là kịch thời Sếch-xpia. Những kịch này đã chứng tỏ rằng bi kịch của Lịch sử là bi kịch của đam mê, vô độ và mù quáng của con người.
    Vĩ đại lẫn ghê tởm. Rực rỡ và tàn khốc. Huy hoàng cùng khốn khổ. Những thực tại hai mặt và phức tạp của "bản chất con người" (4) đã được diễn đạt một cách hoang đường trong cái Lịch sử mà cuộc phiêu lưu vẫn tiếp diễn, lan ra, tăng thêm trong thời đại toàn cầu của chúng ta. Hiện nay, số phận của nhân loại đang thôi thúc chúng ta trong một câu hỏi then chốt: Chúng ta có thể nào thoát khỏi cái lịch sử đó hay không? Cuộc phiêu lưu đó sẽ vẫn còn là con đường duy nhất của chúng ta ư ?
    Những lịch sử trọng đại
    Từ thủa gọi là Thời cổ đại và trong 5.000 năm sau đó, Lịch sử đã dàn trải, lan toả ra trên nhiều đại lục. Nhưng cho đến thế kỷ thứ XIV của thời đại chúng ta, nó vẫn chưa có tính toàn cầu. Đó chỉ là những Lịch sử riêng lẻ, giữa chúng không có liên hệ gì với nhau. Nhưng rồi, những văn minh lớn, bành trướng bằng chiến tranh và nghề hàng hải bắt đầu khám phá được quả đất.
    Trước kia cũng đã từng có những trào lưu sôi sục thúc đẩy con người đi chinh phục thế giới, những trào lưu to lớn mà ngắn ngủi này còn để lại những tên tuổi như A-léc-xăng-đơ, Thành cát tư hãn, Ta-mẹc-lăng. Đã có những cuộc mạo hiểm trên biển ở quy mô lớn đến những miền đất lạ như chuyến đi của người Vi-king, họ đã đến châu Mỹ mà không hề biết điều đó và có lẽ cả người da đỏ châu Mỹ đã đến Âu châu mà không hề ý thức được cái họ từng khám phá...
    Rồi đến lượt những trào lưu khác như trào lưu của những tôn giáo mang tính thế giới, lấy mục tiêu là loài người, từ ấn Độ đã tràn sang viễn đông (Phật giáo), từ Tiểu á sang Tây phương (Thiên chúa giáo), từ A-ra-bi đi về phía Đông, sang Tây, xuống phía Nam (Hồi giáo). Nhưng những đấng thượng đế lớn đó vẫn là những con người tỉnh lẻ, họ còn mù tịt về thế giới, về quả đất, về nhân loại, những thứ tuy vẫn được xem là do các vị ấy đã tạo ra.
    Vào thời Trung cổ tây phương, dù lịch sử của các miền vẫn chưa thống nhất, dù những nền văn minh còn khép kín, nhưng hoa quả, rau cỏ, gia súc cũng như tơ lụa, ngọc thạch, gia vị đã được du nhập từ Đông sang Tây, từ á sang Âu. Quả anh đào đã từ vùng biển Cax-piên đi đến Nhật bản và Âu châu. Quả mơ đã từ Trung quốc sang Ba tư, rồi từ Ba tư sang phương Tây. Con gà đã từ ấn độ mà bay khắp lục địa Âu-á. Việc dùng sức kéo súc vật, rồi sự sử dụng thuốc súng, la bàn, giấy, kỹ thuật in đều từ Trung quốc đến Âu châu và cung cấp cho nơi này kiến thức và công cụ cần thiết để cất cánh và đặc biệt đưa nó đến sự khám phá ra châu Mỹ. Những nền văn minh A-rập đã phát hiện con số Zê-rô của ấn độ và đem nó về truyền bá cho phương Tây.
    Trước thời hiện đại, các nhà hàng hải Trung quốc, Phê-ni-xi, Hy-lạp, A- rập, Vi-kinh đã khám phá ra những không gian rộng lớn của cái mà họ vẫn chưa biết là hành tinh. Một cách ngây thơ, họ đã vẽ bản đồ về cái phần họ biết và xem đấy là tất cả thế giới. Tóm lại, Tây Âu, cái phần nhỏ của đại lục Âu-á suốt trong thời Trung cổ đã nhận được từ miền Viễn đông rộng lớn những kỹ thuật cho phép nó trang bị được đầy đủ kiến thức và phương tiện để khám phá và chiếm cứ châu Mỹ.
    Từ đó một sự lên men dồn dập đã bắt đầu ở nhiều điểm trên quả đất để sửa soạn, báo trước, cho ra đời những công cụ, tư tưởng của cái sẽ trở thành kỷ nguyên toàn cầu. Và, ngay lúc Đế quốc ốt-tô-man, sau khi đã chinh phục By-zan-xơ, đến sát tường thành của thành phố Viên (áo), đe dọa trung tâm Châu Âu thì cái miền viễn tây của Châu Âu này đã xông ra biển để sửa soạn mở ra kỷ nguyên toàn cầu.
    Chú thích :
    (1). E.Morin, "Phạm thức thất lạc" (Le Paradigme perdu), Paris, Editions du Seuil, "Points Essais". 1979, Tr.165-188
    (2). Diaspora: (Tiếng Hy lạp) Lúc đầu để chỉ cộng đồng hoặc khu vực người Do thái lưu lạc ở các nước, nghĩa bóng chỉ tất cả các cộng đồng lưu lạc, tản mạn (Người dịch chú thích :ND).
    (3). Khoảng 3.000 năm trước Tây lịch: Văn tự tượng hình của Ai cập, văn tự hình vẽ của Lưỡng Hà (Mêdôpôtami); khoảng 1500-1400 năm trước Tây lịch: văn tự ghi ý của Trung Quốc, văn tự đường nét của Crète (Cơ-rét) và Hy Lạp, văn tự hình góc ở Anatôli. Khoảng 1100 trước Tây lịch người Phênixi đã làm ra chữ mẫu tự.
    (4). Về ý niệm "bản chất con người", xem (Le paradigme perdu), sách đã dẫn (sđd), Tr.148-164.
    Tấm Thẻ căn Cước Địa Cầu
    Từ năm 1950 đến năm 1970 nhờ vào sự tiến triển đồng thời của khoa vật lý thiên thể, địa cầu học, sinh vật học và cổ sinh vật học, những khái niệm tưởng chừng bền vững nhất về bản chất của thiên nhiên, của trái đất, của sự sống và ngay cả của con người đã bị đánh đổ. Những tiến bộ có tính cách mạng này đã cho phép xuất hiện một ý thức toàn cầu mới.
    Từ một vũ trụ đến một vũ trụ
    Trong thời gian suốt mấy nghìn năm, trái đất đã là một trung tâm tối cao của vũ trụ. Mặt trời và các hành tinh khác quay xung quanh nó một cách kính cẩn. Các nhà thiên văn học thời cổ đại đã quan sát vũ trụ này, cái hệ thống thiên thể Ptolémée (Ptô-lê-mê) mà giá trị còn tồn tại đến gần đây đã chứng minh điều đó.
    Rồi với Copernic, Kepler, Galileo quả đất đã không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà thành một hành tinh hình cầu quay xung quanh mặt trời như những hành tinh khác. Nhưng mặt trời vẫn còn ở trung tâm của tất cả mọi thứ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, vũ trụ vẫn còn tiếp tục vâng theo một trật tự tuyệt vời, chứng tỏ một sự toàn mỹ của đấng sáng tạo. Newton (Niu-tơn) đã đề xuất những định luật bảo chứng cho cái vũ khúc hài hòa của guồng máy thiên thể. Vào đầu thế kỷ XIX, Laplace đã đuổi đấng thượng đế - tạo hoá ra khỏi cái vũ trụ tự lực cánh sinh này, cái vũ trụ tưởng chừng như đã trở thành một bộ máy hoàn hảo cho vạn đại. Đến đầu thế kỷ XX, nó vẫn còn hoàn toàn ở trạng thái tĩnh. Ngay cả khi Einstein (Anh-xtanh) đã bác bỏ tất cả tính trung tâm ưu việt của vũ trụ, nó vẫn còn giữ được tính chất vĩnh hằng, tự mình đầy đủ và tồn tại một cách vô hạn.
    Chỉ đến năm 1923 thiên văn học mới khám phá ra sự tồn tại của những thiên hà khác. Những thiên hà này chẳng bao lâu sau lại cũng chỉ là một vài trong hàng triệu những thiên hà khác. Từ lúc đó thiên hà của chúng ta đã bị đẩy ra rìa (mất hẳn tính trung tâm của nó). Vào năm 1929, Hubble (Hub-bơn) phát hiện sự xê dịch về phía đỏ của đường quang phổ chiếu ra từ những thiên hà xa xăm và như vậy đã cung cấp dấu hiệu được kiểm chứng về sự bành trướng của vũ trụ. Những thiên hà xa rời nhau liên tục bằng những vận tốc kinh hoàng, sự xáo trộn này làm đảo lộn trật tự vĩnh hằng của vũ trụ.
    Cái vũ trụ không ngừng bành trướng và phân tán này sẽ còn trải qua một cuộc đổi dời lớn hơn nữa trong hậu bán thế kỷ XX. Năm 1965, Penzias (Pen-giax) và Wilson (Win-sân) đã bắt được một tia bức xạ đẳng hướng (cùng từ các hướng - isotrope, ND) đến từ nhiều chân trời vũ trụ, cái âm vang vũ trụ này (bức xạ bối cảnh) chỉ có thể giải thích được bằng những cặn bã hoá thạch của một vụ bùng nổ trước kia và giả thuyết về một vũ trụ mà sự bành trướng phân tán có thể là kết quả của một tai biến ban sơ đã có cơ sở. Từ đó người ta đã giả dụ rằng từ một "sáng quang" (Fiat lux) sơ khởi vũ trụ đã xuất hiện như một hình thức ánh sáng ở một nhiệt độ cao 1011 độ K. Và trong khoảnh khắc, một phần triệu giây đầu tiên đã sinh ra những quang tử cùng với những quác, điện tử, trung vi tử. Rồi, giữa sự xáo trộn kịch liệt và nóng bỏng bắt đầu một quá trình nguội lại từ từ, trong quá trình đó những hạt đã tạo nên những nhân, rồi những nguyên tử khinh khí. Từ nay trở đi vấn đề cần phải làm cho sáng tỏ là: làm sao trong cái vũ trụ ban sơ đồng chất này lại có thể xuất hiện những dị biệt đầu tiên mà chỉ có chúng mới giải thích được sự phân tán của cái vũ trụ ban sơ thành những vũ trụ khổng lồ kích thước không giống nhau, mẹ của các tinh hà và tinh tú. Đó là thông tin mà vệ tinh Cô-bơ (Cobe) đã đem về năm 1992, sau khi phát hiện được những biến hoá cực nhỏ của mật độ vật chất bên rìa vũ trụ xa hằng 15 tỷ năm ánh sáng và có lẽ chỉ ba trăm nghìn năm sau biến cố khai thuỷ (1).
    Cũng cùng trong những năm 1960, lúc xẩy ra một biến hoá kỳ diệu của thiên không, người ta thấy trong vũ trụ hiện thời những sự kiện lạ chưa bao giờ tưởng tượng được: chuẩn tinh (quasars) 1963, mạch xung tinh (pulsars) 1968, rồi đến những lỗ đen (trous noirs). Các nhà vật lý thiên văn đã ước đoán rằng chúng ta mới chỉ biết được chừng 10% vật chất, 90% còn lại vẫn nằm ở ngoài tầm đo đạc của các công cụ hiện có. Như vậy chúng ta đang ở trong một thế giới chỉ gồm có một ít tinh tú và hành tinh thấy được, mà thực ra nó còn chứa đựng biết bao thực tại lớn lao chưa thăm dò được.
    Và chúng ta đây đang ở vào cuối thiên niên kỷ này trong một vũ trụ mang trong nguyên tắc của nó những "Thần bí", "Khó lường" và "Khó tưởng tượng". Chúng ta đang ở trong một vũ trụ sinh ra từ một tai biến mà tổ chức của nó bắt nguồn từ một sự không toàn mỹ nhỏ nhoi và một sự tàn phá ghê gớm (của phản vật chất). Chúng ta đang ở đây trong một vũ trụ tự sinh, tự sản, tự tổ chức hình thành từ một biến cố ngẫu nhiên ở ngoài tất cả những khả năng hiểu biết hôm nay của chúng ta.
    Chúng ta đang sống trong một vũ trụ mà hệ thống sinh thái cần cho sự tổ chức của nó có lẽ là hư vô (tất cả những gì tự tổ chức đều hấp thụ năng lượng, vũ trụ chúng ta thu hút những năng lượng ghê gớm đến từ sự phun nhiệt ban đầu, nhưng những năng lực này từ đâu đến?). Chúng ta hiện sống trong một vũ trụ đang tự tổ chức trên tiến trình tự giải thể của mình. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ đầy dẫy những huyền bí kinh người mà sự huỷ diệt ở ngay giai đoạn hình thành của những phản lạp tử bởi những lạp tử (hạt) nghĩa là sự huỷ diệt gần như hoàn toàn của phản vật chất bởi vật chất, trừ khi, mà điều này còn bí hiểm hơn, có một vũ trụ phản vật chất đi theo một cách bí ẩn cái vũ trụ của chúng ta hoặc là nó chỉ là một nhánh của một thực thể đa hình (plurivers) to lớn.
    Chúng ta đang sống trong một vũ trụ (ở biên giới của sự có thể) mà nếu nó không hội đủ mật độ vật chất nhất định nó có thể sau khi ra đời sẽ hoặc co lại hoặc phình trướng mà không sinh ra thiên hà hay tinh tú gì cả. Chúng ta sống đây trong một vũ trụ đầy sự va chạm giữa những thiên hà, đụng và nổ giữa những tinh tú, ở nơi này một vì sao không phải là một quả cầu được định phương vị không gian mà là một quả bom khinh khí nổ chậm, một cỗ máy đầy lửa. Chúng ta ở đây trong một vũ trụ mà sự hỗn mang đang phát huy tác dụng. Trong cái hỗn mang đó, trật tự và vô trật tự liên quan với nhau không chỉ trong sự đối lập mà còn bổ túc cho nhau để sản sinh ra những tổ chức thiên hà, hằng tinh, hạt nhân và nguyên tử. Chúng ta đang ở trong một vũ trụ mà nơi đó có lẽ nhiều điều khó hiểu sẽ được giải đáp, nhưng tính cách đơn thuần máy móc trong quá khứ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được khôi phục, cái việc lấy mặt trời làm trung tâm vũ trụ sẽ vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, mà rồi những hiện tượng còn kinh hồn hơn những cái mà ta đã biết sẽ vẫn còn tiếp diễn.
    Và chúng ta ở đây trong một thiên hà hẻo lánh, dải Ngân hà, sinh ra 8 tỷ năm sau khi thế giới ra đời. Nó cùng với các thiên hà lân cận tựa hồ đều bị hút hởi một khối vô hình khổng lồ gọi là "Khối hấp lực cực lớn" (Grand Attracteur). Chúng ta ở đây trên quỹ đạo của một anh chàng "phó thường dân" trong một đế quốc "Ngân hà". Cái anh "phó thường dân " này bắt đầu xuất hiện 3 tỷ năm sau khi thế giới sinh ra và 5 tỷ năm sau sự hình thành của giải Ngân hà. Chúng ta sống ở đây trên một hành tinh nhỏ bé ra đời cách đây 4 tỷ năm.
    Tất cả những điều ấy hôm nay đều được biết, tuy rằng cũng chưa được bao lâu, mặc dù đã được truyền bá rộng rãi qua sách báo và những buổi thuyết trình trên vô tuyến của Hawkins (Hóc-kinx) và Reeves (Rivz), cái vũ trụ không gian ấy vẫn chưa thâm nhập vào được đầu óc của chúng ta. Chúng ta vẫn còn cho rằng mình đang sống ở trung tâm của vũ trụ, trên một miền Đất lớn ở trạng thái tĩnh và dưới một Mặt trời bất diệt. Những triết gia chuyên nghiệp, kể cả những nhà thông thái chuyên nghiên cứu vũ trụ, đối với vấn đề này cũng không hề tỏ ra một chút gì tò mò, ngạc nhiên hoặc bận tâm. Điều này có nghĩa là cái triết học hôm nay đã làm xơ cứng chính sự ngạc nhiên mà từ đó nó sinh ra. Điều này còn có nghĩa là nền giáo dục chúng ta đã làm cho chúng ta tách rời, đóng khung và cô lập thay vì phải chắp nối những tri thức lại với nhau. Nó đã dậy chúng ta nhìn nhân loại với cặp mắt mang lá chắn, tách nhân loại này ra khỏi cái vũ trụ bao bọc nó, ra khỏi cái vật chất đã tạo thành chúng ta.
    Cho nên, dù muốn hay không chúng ta vẫn phải hiểu rằng chúng ta từ thế giới này mà ra, rằng tất cả những lạp tử (hạt) trong chúng ta đã được tạo ra ở đó từ 15 tỷ năm, rằng những nguyên tử các-bon của chúng ta đã được hình thành trong một mặt trời sinh ra trước mặt trời hiện nay của chúng ta, rằng những phân tử của chúng ta đã ra đời trên quả đất và có khi đến đây qua những thiên thạch. Chúng ta cũng biết, mặc dù trong thâm tâm chúng ta vẫn muốn phủ nhận, rằng chúng ta là con em của cái vũ trụ này, nó mang trong nó sự ra đời, sự sống và cái chết của chúng ta.
    Vì thế chúng ta vẫn chưa thấy rõ vị trí của chúng ta ở nơi nó, vẫn chưa kết nối được những nghi vấn của chúng ta về thế giới này với những nghi vấn trên chính chúng ta. Chúng ta vẫn chưa cố gắng suy nghĩ đến cái số mệnh thuộc về vật chất và địa cầu của chúng ta. Chúng ta chưa thấy được hệ quả của chỗ đứng bên lề, ngoại vi của hành tinh chúng ta và chỗ đứng của chúng ta trên hành tinh đó.
    Thế nhưng chúng ta cần phải đặt hành tinh này và vận mệnh chúng ta, đặt cả những tư duy, quan niệm, nguyện vọng, lo sợ, ý chí của chúng ta vào chính cái vũ trụ này.
    Hành tinh độc đáo
    Hành tinh này là gì, là cái hạt bụi vũ trụ nơi đó sự sống đã nẩy sinh, nơi thảo mộc đã làm ra ôxy cho bầu khí quyển, nơi tất cả động vật lan tràn trên bề mặt, tạo nên một bầu sinh quyển tự tổ chức và tự điều chỉnh về mặt sinh thái, nơi, thoát thai từ một nhánh động vật, nhân loại đã tiến hoá và phát triển?
    Cái hạt bụi vũ trụ đó là một thế giới. Một thế giới vẫn bí hiểm từ bao đời nay đối với nhân loại. Nhân loại này tuy lan tràn trên khắp hành tinh mà vẫn ở trong trạng thái cách biệt nhau. Sự thám hiểm có hệ thống trên bề mặt quả đất đã xẩy ra cùng một lúc với sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu và cũng là lúc những thiên đường, người khổng lồ, thần tiên, thượng đế và những thứ ma quỷ khác đều bị đuổi khỏi quả địa cầu để nhường chỗ cho một quả đất của thảo mộc, động vật và con người. Từ thế kỷ XVIII, sự khảo sát khoa học đã xuyên vào lòng đất, con người đã và bắt đầu nghiên cứu bản chất vật lý của quả đất (địa chất học), tính chất của các thành phần quả đất (hoá học), tính chất thần bí của những vật hoá thạch (cổ sinh vật học). Sự hiện hữu của quả đất không chỉ ở bề mặt mà còn ở những chiều sâu. Nó không chỉ ở trạng thái tĩnh mà không ngừng tiến hoá. Người ta khám phá ra là quả đất vốn có một lịch sử riêng của nó (2). Cái lịch sử này hình thành vào thế kỷ XIX (3). Và ở ngưỡng cửa thế kỷ XX, một người Đức, Alfred Wegener (An-phrết Vê-gơ-ne) xây dựng thuyết các lục địa trôi. Cái luận điểm này sau rất nhiều lần bị bác bỏ rồi cũng được công nhận là chính xác nhờ sự thăm dò có hệ thống những đại dương với kỹ thuật đo đạc bằng từ, điện, địa chấn, âm thanh bắt đầu vào những năm 1950.
    Chính ở những năm 1960 một quan niệm mới về vũ trụ và quả đất đã ra đời, khoa học địa tầng kiến tạo học về các mảng quả đất đã cho phép tập hợp được những khoa học về địa cầu thành một quan niệm tổng thể. Và trái đất không còn là một quả cầu, một giá đỡ, chân đế mà bắt đầu trở thành một sinh thể phức tạp có đời sống riêng, có quá trình biến đổi và lịch sử phát triển của nó: Cái sinh thể này đồng thời là một động cơ nhiệt không ngừng tự tái tổ chức. Vỏ trái đất bao bọc lớp màng như một lớp trứng mềm, cái màng này lại bọc một hạt nhân nóng bỏng.
    Vỏ quả đất chúng ta đã sống và tiếp tục trải qua những biến cố kinh hồn gồm những chuyển động ly khai, tái hợp, tung, hoành, trôi dạt, gặp gỡ, chấn động (động đất), chập mạch (hoả sơn phun lửa), vẩn thạch lớn rơi, đóng băng, tăng nhiệt.
    Quả đất từ nơi nào đến? Người ta bắt đầu suy đoán về nguồn gốc của nó chính trong những thập niên cuối của thế kỷ này, người ta không cho rằng nó tách ra từ mặt trời nữa, nhưng là một tập hợp những mảnh vỡ thiên không (4). Như những hành tinh khác, có thể nó đã được tạo thành bởi sự gặp gỡ và kết tụ của bụi bặm vũ trụ chắc là sau khi một siêu sao mới (supernova) nổ, tạo nên "rất nhiều những hành tinh nhỏ". Những hành tinh nhỏ này có lẽ đã gặp nhau rồi kết tụ với nhau ngay trong tiến trình chuyển động của sự hình thành thái dương hệ. Quả đất trên đà hình thành đã trở nên một vệ tinh của cái mặt trời vừa mới sinh ra. Sự tổ hợp lúc đầu còn ở vào tình trạng không đồng chất đã dần tự kết cấu thành lõi và màng rồi trên cái màng này một loại nham tương đã cứng lại mà thành vỏ quả đất.
    Quả đất là một bản thể hỗn loạn mà sự tổ chức tự hình thành trong quá trình đối kháng và hợp tác giữa trật tự và phi trật tự. Thời khai thuỷ của nó đã từng bị đầy dẫy những vẩn thạch bắn vào, bị những nham tương trào lên phun khí, những khí này đã tạo ra nước và bầu khí quyển ban sơ, trong khi chất sắt chảy vào trung tâm và ở đấy dưới dạng thể lỏng. Rồi sau đó cũng vẫn ở giữa những sự phun trào và động đất, những cơn bão nổi lên với một nhiệt độ nóng đến 250o. Những cơn hồng thuỷ đã gây ra những xói mòn đầu tiên, đưa đến sự hình thành đá vôi (khí cácbôníc trong khí quyển bị canxi hấp thụ) và làm nhiệt độ giảm xuống.
    Từ lúc sinh ra cho đến 2,7 tỷ năm sau, quả đất cực kỳ sôi sục về mặt địa chất, nó phá huỷ và biến đổi tất cả những dấu tích đầu tiên của thuở thành hình. Cái thời kỳ cổ đại này có lẽ là lúc những đại lục đầu tiên đã ra đời và ngay sau đó đã bị xói mòn một cách ghê gớm.
    Mãi đến khoảng 560 triệu năm sau, quả đất hình như đã trải qua một thứ Thời trung cổ lâu dài, lúc cái lớp vỏ cổ sơ của nó dần dần được thay thế bởi một lớp vỏ khác làm bằng những trầm tích cứng lại thành nếp rồi bị xói mòn, nhưng được củng cố bằng đá hoa cương, ở trong lớp vỏ mới này là một kết hợp thành mảng, những mảng này vỡ ra thành những lục địa và trôi xa nhau dần. Lý thuyết địa tầng kiến tạo học về các mảng đã cho phép chúng ta hôm nay thấy được hiện tượng phức tạp của sự hình thành bề mặt quả đất với bộ mặt hiện nay sau hai tỷ năm trong đó sự sống phát triển và lan tràn khắp nơi. Thế là một đống rác rưởi vũ trụ đã có một hình thù và được tổ chức để trở thành hành tinh quả đất và trong một cuộc phiêu lưu đầy biến động của bốn tỷ năm, tự nó đã trở thành một hệ thống phức tạp với lõi, màng, vỏ.
    Ngày nay hành tinh chúng ta, với các đại lục, đảo, núi, thung lũng, phong cảnh, sông hồ, biển, đại dương, bầu khí quyển, tầng bình lưu, đã trở thành mười phần ôn hoà, chỉ đôi khi mới có vài trận động đất hay hoả sơn phun lửa, vòi rồng, sóng cồn.
    Vừa là một hành tinh tuỳ thuộc mặt trời, Quả đất - Thế giới này đồng thời lại được hoàn thiện, cô lập, tự chủ và tìm được sự tự chủ của nó ngay trong tính phụ thuộc của nó. Đó là một hành tinh đã trở thành riêng biệt và cô đơn giữa những hành tinh khác trong thái dương hệ và những tinh cầu của thiên hà. Vì chính ở cái cô đơn riêng biệt ấy, nó đã cho ra đời một cái gì đó cũng cô đơn và riêng biệt trong cả thái dương hệ, trong thiên hà và có lẽ cả trong vũ trụ, đó là: sự sống.
    Mảnh đất của sự sống
    Trên cái hành tinh tý hon của một mặt trời nhỏ nằm bên bờ dải Ngân hà, một thiên hà lạc lõng trong một đám đang trôi dạt giữa hàng triệu cái khác, những biểu hiện đầu tiên của cái gì đó mà sau này sẽ trở thành sự sống đã ra đời trong những cơn vật vã chuyển mình của dung nham phun chẩy và mưa bão cách đây có lẽ 3,8 tỷ năm.
    Người ta sẽ không thể nào hiểu tại sao sự sống lại có thể xuất hiện được giữa một thế giới vật chất nếu vẫn tiếp tục nghĩ rằng cái vật chất sống thì khác về bản chất và mang những đặc tính khác cái vật chất lý-hoá và nó không tuân theo định luật thứ hai của nhiệt động học dẫn đến en-trô-pi (nội chuyển lực), nghĩa là dẫn đến sự phân tán và / hoặc phân giải của tất cả những vật thể vật chất. Song từ năm 1950 trở đi, Watson (Oát-sơn) và Crick (Cờric) khám phá ra mã di truyền ghi trong ADN của những tế bào sống cho thấy rằng sự sống cũng được cấu thành bởi cùng thành phần lý hoá như tất cả mọi thứ của thiên nhiên trên trái đất và nếu có khác thì chỉ khác ở cái tính phức tạp đặc biệt về tổ chức của nó. Vài năm sau, vào đầu những năm 1970, ngành nhiệt động học của Prigorine (Pri-go-rin) đã chứng minh rằng một vài điều kiện bất ổn định nào đó không chỉ có thể tạo nên hỗn loạn và xoáy rối mà còn gây ra những hình thức tổ chức có thể tự tạo và tự tái tạo không ngừng. Do đó, cái việc sự sống đã xuất hiện từ những hỗn loạn và xoáy rối của quả đất là có thể hiểu được.
    Vậy là từ đây, ở cuối thế kỷ này, người ta có thể chấp nhận rằng những tổ chức có sự sống là kết quả của sự phức tạp hoá về tổ chức không phải theo đường thẳng nhưng đến từ những gặp gỡ ngẫu nhiên giữa những đại phân tử (5), có lẽ đôi khi ở trên bề mặt của nham thạch (6), nhưng cuối cùng là ở một môi trường lỏng chuyển động xoáy. Nguồn gốc của sự sống vẫn còn là một bí mật mà trên đó không ngừng có những kịch bản mới ra đời (7). Nhưng sự sống chỉ có thể ra đời bằng cách kết hợp ngẫu nhiên và tất yếu mà chúng ta hiện chưa biết được liều lượng ở mức độ nào. Có một sự "liên tục" trong tiến trình phức tạp hoá lý-hoá, nhưng sự liên tục này đã trải qua những bước nhẩy vọt liên tiếp trong đó có sự phân định giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài, có sự trao đổi năng lượng và sự phân hoá của những trao đổi rồi cuối cùng nhất là bước nhẩy căn bản siêu phức tạp hoá từ tổ chức thuần tuý hoá học đến một tiến trình tự tái tổ chức sinh thái (auto-éco-réorganisation). Cái thứ tái tổ chức này lại có khả năng nhận thức (nghĩa là tính toán, thông tin, liên lạc)(8), có thể tự tái tổ chức, tự tu sửa, tự tái tạo, có khả năng tìm được sự tổ chức, năng lượng và thông tin trong môi trường của nó.
    Vấn đề ở đây trở thành : làm sao mà một tổ chức như thế lại có thể xuất hiện được trên trái đất? Sự xuất hiện của nó có phải là một sự kiện duy nhất đã xẩy ra nhờ vào những ngẫu nhiên ghê gớm được tích luỹ hay ngược lại chỉ là hiệu quả của một tiến trình diễn biến, nếu không phải là tất yếu thì ít nhất cũng dễ xẩy ra?
    Những lý do viện dẫn về hướng có xác suất sẽ như sau:
    - Con người có thể làm xuất hiện một cách tự phát những đại phân tử của sự sống trong vài điều kiện nào đó ở trong phòng thí nghiệm.
    - Người ta đã tìm thấy các axit amin là chất báo trước sự xuất hiện của sự sống ở những thiên thạch.
    - Nhiệt động học Prigorine chứng minh rằng trong những điều kiện bất ổn nào đó, sự tổ chức có thể hình thành một cách tự phát, từ đó các đại phân tử càng ngày càng phức tạp có xác suất được kết tụ với nhau dưới những điều kiện nhiệt động chuyển động xoáy.
    - Trong các điều kiện gặp gỡ này sau một thời gian lâu dài sẽ xẩy ra khả năng thúc đẩy một tiến trình chọn lọc dẫn đến những tập thể phân tử bổ túc ARN (axit ribonucleic-ND) hay những protein có năng lực tự sao chép và tự chuyển hoá.
    - Trong một vũ trụ với hàng tỷ tỷ tinh tú, cái xác xuất có hàng triệu hành tinh giống quả đất là một khả năng lớn. Nghĩa là khả năng hiện hữu của những sinh vật trong những vùng khác của vũ trụ là một điều có thể xẩy ra.
    Về hướng không xác suất thì luận chứng sẽ như sau:
    - Bước nhẩy số lượng/ chất lượng (một con vi trùng dù rất nhỏ đi nữa cũng là một dạng phức tạp gồm hàng triệu phân tử) và sự gián đoạn triệt để giữa cái phức tạp nhất trong những tổ chức đại phân tử và sự sống biết tự tái tổ chức sinh thái (mà phải nhắc lại là bản chất nó là biết tính toán, thông tin và liên lạc) làm cho cái sau này có xác suất rất thấp.
    - Bản thân tổ chức mang sự sống không có một xác suất nào về mặt vật lý, nghĩa là theo nguyên tắc thứ hai của nhiệt động học, chính sự phân tán những bộ phận phân tử của bản thể sống mới tuân theo xác suất vật chất, điều này đúng là xẩy ra ở lúc chết.
    - Nhiều dấu hiệu cho ta nghĩ rằng sự sống đã được sinh ra chỉ có một lần, nghĩa là tất cả những sinh vật chỉ có một và duy nhất một tổ tiên, điều này khiến giả thuyết cho rằng một tình cờ hoàn toàn không có gì chắc chắn đã là nguồn gốc của nó càng có cơ sở.
    - Không có một dấu hiệu, một vết tích về sự sống nào trong thái dương hệ, vì chúng ta chưa hề nhận được một tín hiệu nào về nó đến từ vũ trụ.
    - Ngoài ra, nếu cho rằng sự sống trên quả đất chúng ta đã là kết quả của một xác suất ghê gớm thì đối với các tinh cầu khác cái khả năng đều được hưởng những điều kiện này là một lý do không đủ vững.
    - Chúng ta không thể loại trừ một giả thuyết thứ ba: có lẽ vẫn có những tổ chức rất phức tạp trong vũ trụ, mang những đặc tính như tự chủ, thông minh và ngay cả tư duy, nhưng không được xây dựng trên một cơ sở hạt nhân có protein và có thể sẽ (hiện giờ? không bao giờ?) chúng ta có thể nhận thấy và hiểu rõ được chúng.
    Dù sao đi nữa chúng ta vẫn hoàn toàn không có gì chắc chắn về tính ngẫu nhiên hay tất yếu, cần thiết hay diệu kỳ của hiện tượng làm xuất hiện sự sống và điều không chắc chắn này dĩ nhiên có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa đời sống con người chúng ta.
    Dù sao đi nữa, sự sống xuất hiện cùng một lúc như là một biểu hiện và một sản phẩm của quả đất.
    Dù sao đi nữa, ngay cả như Crick đã giả định rằng những mầm sống (cổ vi khuẩn) bắt nguồn từ ngoài trái đất thì quả đất cũng vẫn là cái nôi của nó.
    Dù sao đi nữa, ở giữa thái dương hệ và dải Ngân hà, tình cảnh của sự sống trên địa cầu vẫn là một tình cảnh rất cô đơn.
    Dù sao đi nữa, hẳn là có một sự sống đầu tiên đã tự tái tạo, nhân lên, biến đổi dưới những hình thái không đếm xuể, rồi sinh sôi nẩy nở trên trái đất.
    Những cổ vi khuẩn, rồi những vi khuẩn đã sinh sôi trong nước, trong không khí, trong đất qua hai tỷ năm và tạo thành cái quyển sinh vật mà tất cả những thành viên từ từ liên lạc với nhau (nhất là bằng cách tiêm ADN từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác). Giữa tương quan trên mặt đất này đã nẩy sinh ra hiện tượng cộng sinh, hiện tượng này đưa đến sự hình thành tế bào có nhân, vi khuẩn và rồi vi sinh, những thứ này kết hợp và tổ chức với nhau để trở thành sinh vật đa bào, thực vật và động vật.
    Có khả năng là những tảo đơn bào đã sử dụng năng lượng mặt trời trong quá trình quang hợp. Dù sao đi nữa sự phát triển của thảo mộc đã làm lan tràn dưỡng khí trong bầu khí quyển. Điều này cho phép sự sống bằng dưỡng khí xuất hiện và cho phép thế giới động vật phát triển, và vì không có khả năng quang hợp nên nó bắt buộc phải ăn các sinh vật khác để thu hút năng lượng.
    Sự sống lan tràn trên các biển, lên đất liền với muôn loài cây cỏ, lên không trung với chim chóc, côn trùng.
    Bắt đầu từ 450 triệu năm trước, sự phân chủng lớn đã cho phép một mối tương quan nhiều mặt giữa động và thực vật. Những động vật ăn lẫn nhau và tạo thành những tổ chức sinh thái hoặc những hệ sinh thái qua mối tương tác vừa có tính đối nghịch vừa cạnh tranh lại vừa bổ khuyết cho nhau (9).
    Lịch sử sự sống đã bị chi phối bởi những biến đổi và tai biến của vỏ trái đất. Tương lai của nó không thể tách rời khỏi sự hình thành của các biển và lục địa, của sự nhô lên và xói mòn của núi. Đôi khi, những xê dịch nhỏ về địa lý, khí hậu, sinh thái, di truyền có thể có tác dụng dây chuyền trên toàn bộ. Những hệ thống sinh thái tiến triển với sự giải thể rồi sự tái tổ chức. Những kỷ nguyên nối tiếp nhau trong một biện chứng của thay đổi, của tai nạn và tai họa. Sau sự ra đời và bùng lên của các loài hoa, đã có một sự hợp tác lạ lùng giữa chúng và các côn trùng. Một tai biến trên mặt đất vào cuối thời kỳ Trung đại có lẽ đã cho phép loài động vật có vú phát triển mạnh vì thừa hưởng được khoảng không gian rộng rãi sau khi một sao băng từ vũ trụ chạm vào quả đất gây nên một vực thẳm và dấy lên một màn bụi cát khiến thảo mộc đều héo tàn kéo theo sự diệt chủng của các loài ăn cỏ khổng lồ là những con khủng long.
    Từ chỗ rẽ đôi đến phân nhánh, sự sống đã toả ra trong 500 triệu năm với một sự đa dạng cực kỳ: thảo mộc, động vật không xương sống, có xương sống, trong loại có xương sống lại chia ra nhiều nhóm: không hàm, cá, bò sát và có vú. Trong số nhóm có vú này những động vật thuộc bộ khỉ (linh trưởng) đã lan tràn từ 70 triệu năm trước trên Cựu và Tân lục địa lúc hai miền này vẫn còn là một và từ những họ khỉ cao cấp xuất hiện từ 35 triệu năm trước ở châu Phi và bán đảo ả- rập, những tổ tiên của loài người đã ra đời cách đây 17 triệu năm.
    Thế là trên quả đất đã hình thành và mọc lên một "cái cây của sự sống", cây này dĩ nhiên không có thân đều đặn với những nhánh đối xứng. Đó là sự trổ hoa thành tán, thành chùm, thành cụm đủ màu sắc và hương thơm, một thứ đầy cành nhánh gốc rễ, vừa cuộn vào nhau lại vừa tách rời.
    Cái cây của sự sống đồng thời cũng là lĩnh vực của sự sống. Nó tác động qua lại với những điều kiện địa lý- khí hậu, làm thành nhiều môi trường sinh thái nhỏ (tiền sinh cảnh) mà tất cả hợp lại thành bầu sinh quyển.
    Con người, nhánh cuối cùng và kỳ diệu trên cái cây của sự sống ấy đã xuất hiện giữa bầu sinh quyển. Bầu sinh quyển kết nối hệ sinh thái này với hệ sinh thái khác, dần dần đã bao trùm tất cả hành tinh. So với các khoảng cách trong vũ trụ thì nó chỉ là một lớp rất mỏng chứa không khí và sự sống. Và, cũng như bản thân quả đất vật lý đã thai nghén ra bầu sinh quyển, thì chính bầu sinh quyển này đã thai nghén ra nhân loại.
    Như thế, sự sống, vì đã ra đời trên quả đất, tất phải liên đới với nó. Sự sống tất phải liên đới với sự sống. Tất cả các sự sống sinh vật đều cần vi khuẩn, thảo mộc và những động vật khác. Khám phá ra sự liên đới sinh thái là một phát hiện lớn gần đây. Không có một sinh vật nào, ngay cả con người, có thể sống mà không cần đến bầu sinh quyển.
    Căn cước nhân loại
    Một khi những chuyện mang tính huyền thoại về sự ra đời của con người bắt đầu bị nghi ngờ thì nguồn gốc và bản chất của nó sẽ trở thành vấn đề cho nhân loại.
    Trong thời hiện đại, con người được xem như một bản thể siêu nhiên, nó chiếm dần chỗ trống mà thượng đế để lại, vì Bacon, Descartes, Buffon, Mác đã cho nó một sứ mạng là làm chủ thiên nhiên và ngự trị trên vũ trụ. Nhưng sau Rousseau (Rút-xô), chủ nghĩa lãng mạn lại đặt con người vào giữa lòng người Mẹ - Thiên nhiên của nó. Theo hướng này, những nhà thơ, nhà văn lãng mạn đã mẫu tính hoá quả đất. Ngược lại những nhà khoa học kỹ thuật lại vật tính hoá quả đất xem như nó chỉ gồm những đồ vật mà con người mặc sức thao túng.
    Chủ nghĩa duy lý của thời kỳ ánh sáng có khuynh hướng chỉ nhìn thấy một con người duy nhất với những phẩm chất và đam mê cơ bản giống nhau trong nhiều văn minh khác nhau, nhưng chủ nghĩa lãng mạn, với Herder (Hec-đơ) lại bắt đầu nhấn mạnh trên tính đặc thù mà văn hoá ghi khắc lên từng cá nhân. Cứ như thế mà tính thống nhất hoặc tính đa dạng của nhân loại đã được nhận diện, không phải cùng một lúc nhưng luân phiên nhau.
    Trong thế kỷ XIX, những nhà khoa học tự nhiên càng ngày càng nhấn mạnh trên bản chất sinh vật của con người, trong khi đó các nhà khoa học nhân văn lại nhấn mạnh trên bản chất tinh thần và văn hoá. Nhưng những phân chia riêng rẽ giữa các khoa học với nhau và sự đối nghịch giữa những trường phái tư tưởng đã bóp chết quan niệm phức tạp bao gồm cả ba tính chất này (sinh vật, tinh thần và văn hoá) và, vì chỉ coi trọng tính chất mà mình xem là cơ bản, nên khi nhìn từ một góc độ riêng người ta sẽ không hề thấy được những cái khác.
    Thêm vào đó bản thân sự xác nhận bởi sinh vật học về tính thống nhất của nhân loại cũng chẳng làm giảm đi chút nào sự phân chia đẳng cấp giữa các loại người thành ra chủng tộc ưu tú và chủng tộc hèn kém. Nếu dưới ảnh hưởng của tư tưởng thời kỳ Anh sáng, chủ nghĩa nhân đạo tây phương thừa nhận sự bình quyền cho mọi giống người thì chủ nghĩa Tây phương trung tâm lại không hề thừa nhận cho những kẻ "bán khai" và "chậm tiến" cương vị của một con người hoàn toàn trưởng thành, đầy đủ lý trí.
    Cũng trong thế kỷ XIX, khi sự ra đời của con người không còn được xem như sản phẩm của đấng Thượng đế - Tạo hoá nữa nhưng là kết quả của quá trình tiến hoá sinh vật thì con người lại bị xem là hậu duệ của loài khỉ. Người ta cho rằng sau khi rời thuỷ tổ ra, con người đã khác hẳn nó, chỉ còn giống nhau trên phương diện thân thể và diện mạo. Cho đến năm 1960, con người tinh khôn được xem như đã ra đời một cách đột ngột với bộ óc thông minh, công cụ, ngôn ngữ, văn hoá chẳng khác nào nữ thần Minerve (Mi-nẹc-vơ) đầy trí tuệ được thần Jupiter (Giu-pi-te) vô hình tạo dựng nên.
    Nhưng đến năm 1960 thì tính biệt lập của nhân loại đã bị hoài nghi. Janet Van Lawick-Goodall (Gia-nết van Lo-uick Gút-đôn) (10) đã khảo sát rồi Gardner (Gác-nê) và Premack (Pri-mác) đã "nói chuyện" với loài khỉ đen Chimpanzé (hắc tinh tinh) (11), đưa chúng ta về phương diện tinh thần đến gần với loài này hơn và thấy rằng nó không còn là thuỷ tổ mà chỉ là một anh em họ của chúng ta thôi. Trong khi những điều này đưa họ khỉ đến gần con người thì những khám phá của Louis và Mary Leakey (Licây) trong hang Ôn-đu-vai năm 1959 và của con trai họ là Richard (Ri-sa) ở hồ Rodolphe (Rô-đôn-phơ) năm 1972, rồi của Yves Coppens (Y-vơ Cô-penx) trong thung lũng Omo năm 1974 đã đem ra ánh sáng những phân bộ người hai chân cách đây vài triệu năm, với bộ óc 600 centimét khối, đã có thể chế tạo được những công cụ, vũ khí, chỗ ở. Thế là con người tinh khôn không còn xuất hiện cách đây 50 nghìn năm cùng với "vũ khí từ đầu đến chân" nữa, nhưng đã ra đời sau một tiến trình nhân hoá lâu dài cả triệu năm. Những phân bộ người, bây giờ đều không còn nữa, họ cũng đã biến thành người hết rồi. Và chúng ta là những kẻ cuối cùng trong bọn họ, đặc biệt với bộ óc lớn 1500 centimét khối.
    Cũng như cuộc sống đã nẩy mầm trên quả đất, do một hoàn cảnh địa phương đặc biệt, con người xuất hiện từ sự sống, từ một nhánh động vật đặc thù, họ khỉ (động vật linh trưởng) sống trên cây ở những rừng nhiệt đới Phi châu. Con người vừa thuộc loại động vật này mà lại vừa khác nó. Đã có một lúc nào đó mà những điều kiện mới và đặc thù của lịch sử quả đất làm biến đổi thời tiết, thu hẹp rừng nhiệt đới, để cho trảng cỏ phát triển ở miền nam Phi châu. Sự kiện này đã đẩy tổ tiên của chúng ta trở thành phân bộ người trong việc phát triển cách đi bằng hai chân, biết chạy, săn bắt và dùng một cách có hệ thống những dụng cụ. Tiến trình biến hoá lâu dài của con người bắt đầu như thế rồi tiếp tục bởi sự sử dụng được lửa bởi những "con người đứng thẳng" (Homo erectus). Tiến trình này càng trở nên nhanh chóng trong 500 nghìn năm gần đây. Con người càng ngày càng sản xuất ra được dụng cụ thích hợp hơn, phát huy được những kỹ thuật săn bắt, xây nhà, may quần áo tốt hơn. Con người còn phức tạp hoá những liên hệ giữa người và người, làm phong phú hơn những sợi dây tình cảm, bè bạn, tình ái giữa đàn ông / đàn bà, giữa bố mẹ / con cái và trong cái tiến trình đa chiều, phân bộ người này đã hoá thân về mặt thể chất, trí não, tâm lý, tình cảm, xã hội: sự ra đời của ngôn ngữ, có lẽ còn trước sự xuất hiện của bản thân con người tinh khôn, đã hoàn tất sự truyền bá văn hoá có tính quyết định cho nhân loại (12).
    Con người trong cả quá trình chuyển biến này không phải vì vậy mà có thể nói rằng đã thoát ra khỏi tính động vật của nó. Con người không phải là một "động vật hậu linh trưởng" nhưng là một "linh trưởng siêu cấp", nó đã phát triển được những năng lực rõ ràng, nhưng còn rời rạc, nhất thời, ngẫu nhiên nơi những động vật linh trưởng cao cấp như chế tạo ra công cụ, biết cách săn bắt và đi bằng hai chân. Con người không phải là một hậu động vật có vú nhưng là một động vật có vú siêu cấp, nó đã phát triển được ngọn lửa tình cảm giữa mẹ-con, giữa anh chị em, và gìn giữ được nó cho đến lúc trưởng thành, còn mở rộng nó ra trên tình yêu và tình bạn. Con người không phải là một siêu động vật có xương sống nhưng một động vật có xương sống trung bình, không biết bay, không biết bơi lặn sâu và chạy chậm hơn nhiều so với hổ, ngựa, nai nhưng cuối cùng nó đã vượt qua tất cả những động vật có xương sống trong mọi thành tích bằng cách tạo ra những kỹ thuật cho phép nó đạt được vận tốc trên bộ, trên mặt biển và dưới biển, chuyên chở ở trên không. Con người là một "con vật may mắn sống còn", bởi vì hàng tỷ tế bào tạo nên nó và luôn luôn tự đổi mới của nó đều cùng một họ với cái sinh vật tối sơ kia. Rồi con cháu của cái sinh vật tối sơ đó bằng cách cộng sinh đã cho ra đời những tế bào sinh vật có nhân của thế giới thảo mộc lẫn động vật. Những tế bào cùng họ này cũng là mẹ của những tế bào mà chúng tự sản sinh ra bằng cách nhân đôi. Cuối cùng con người là một siêu sinh vật bởi vì nó đã phát triển bằng phương thức cao cấp một số lớn những tiềm năng của cái tổ chức sống.
    Bản sắc sinh vật của nó hoàn toàn thuộc về quả đất, nơi sự sống đã xuất hiện từ những pha trộn hoá học của đất trong nước xoáy dưới trời bão. Và bản sắc lý-hoá của đất vốn có ở tất cả các tổ chức sống mang trong bản thân nó đặc tính vũ trụ đa chủng loại, bởi vì những nguyên tử các-bon cần dùng cho sự sống ở quả đất đã được hình thành trong cái lò dữ dội của những mặt trời có trước mặt trời chúng ta và hàng tỷ tỷ những hạt làm thành thân thể chúng ta đã ra đời cách đây 15 tỷ năm trong buổi tạo lập huy hoàng của vũ trụ chúng ta.
    Trong khi những thần thoại của các văn minh khác đều đặt thế giới loài người vào trong thiên nhiên thì "con người tây phương" (homo occidentalis) cho đến giữa thế kỷ XX vẫn còn hoàn toàn không biết và không có ý thức về việc mình mang trên người bản sắc của địa cầu và vũ trụ. Ngay cả đến ngày hôm nay, triết học và nhân loại học ở địa vị thống trị vẫn còn chối bỏ tất cả ý thức và hậu quả của đặc tính động- sinh vật nơi con người. Đối với họ tất cả mọi thừa nhận gốc gác địa cầu, vật lý và sinh vật nơi chúng ta đều là một loại "sinh cơ luận" (vitalisme) phi lý hoặc chỉ là một tà thuyết gọi là "sinh vật chủ nghĩa" (biologisme).
    Cái sinh vật siêu cấp tức là con người này đã tạo nên nhiều lĩnh vực của sự sống: đời sống tinh thần, đời sống thần thoại, đời sống tư tưởng, đời sống tâm thức. Và bằng cách sản sinh những hình thức sống mới, tuỳ thuộc ngôn ngữ, khái niệm và ý niệm, nuôi dưỡng tinh thần và ý thức ; nó dần dần đã trở thành xa lạ đối với thế giới sinh vật và động vật. Từ đó chỗ đứng hai mặt của con người đã xuất hiện, một mặt nó hoàn toàn thuộc về bản chất sinh vật vật chất và vũ trụ, mặt khác nó thuộc về văn hoá, nghĩa là cái vũ trụ của tiếng nói, của thần thoại, tư tưởng, lý tính và lương tâm.
    Cũng thế, từ cái bản sắc bám rễ xuống địa cầu và nằm trong vũ trụ, rồi còn vượt xa hơn, con người đã gầy dựng nên những bản sắc nhân loại riêng của mình: gia đình, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, xã hội, quốc gia.
    Tính thống nhất của nhân loại
    Mặc dù có khác biệt về nhóm gien, về đất đai, cộng đồng, nghi lễ, thần thoại, tư tưởng, các đại diện của con người tinh khôn đều mang một bản sắc cơ bản chung của giống người. Không nói đến việc nó có được sinh ra bởi một ông thuỷ tổ duy nhất hay không, nhưng chắc chắn nó có cùng một loại gien giống nhau khiến cho giữa nam-nữ của bất cứ chủng tộc nào cũng có thể sinh dục-thụ thai được với nhau. Tính thống nhất về gien này, ngày nay đã quá rõ ràng, còn được kèm theo bởi sự thống nhất về thể trạng, về mặt giải phẫu và sinh lý nữa. Tính thống nhất về trí óc của "Con người tinh khôn" còn được thể hiện trong tổ chức đặc biệt của bộ não của nó so với những động vật thuộc bộ khỉ khác. Cuối cùng là tính thống nhất về tâm lý và tình cảm: dĩ nhiên cười, khóc, mỉm cười đều được điều chỉnh, che đậy hay phô bày nhiều cách tùy từng văn hoá ; nhưng dù có khác biệt rất xa giữa những văn hoá và các hình mẫu của nhân cách điển hình, nụ cười, giọt lệ và cái cười mỉm đều có tính phổ biến và tính bẩm sinh, được thể hiện qua những người câm, điếc, mù từ lúc lọt lòng : họ đã biết mỉm cười, cười, khóc mà không cần bắt chước ai cả (13).
    Cái cộng đồng lưu lạc của "con người tinh khôn" xuất hiện từ 130 thế kỷ trước đây đã lan tràn trên lục địa Phi châu và Âu á, đã đi qua eo biển Behring (Bêrinh) lúc nơi đây vẫn còn là đất liền cách đây 100 nghìn năm, đến úc châu và Tân Ghi-nê cách đây 40 nghìn năm, cuối cùng đã cư ngụ trên quần đảo Polynésie (Pô-ly-nê-si) vài nghìn năm trước công nguyên.
    Mặc dù con người đã tản mát ra trên nhiều miền đất, mặc dù thân thể, mầu da, mắt mũi đã phân hoá khác nhau, mặc dù những lễ nghi, tập tục không giống nhau, mặc dù khó hiểu nhau vì sự phân biệt về văn hoá, ngôn ngữ. Nhưng khắp nơi đều có thần thoại, nơi nào cũng có tính hợp lý, khắp nơi đều có sách lược, phát minh, đều có vũ điệu, tiết tấu, âm nhạc ; ở khắp nơi hoặc phô bầy hoặc che đậy, tùy theo từng văn hoá, cũng chắc chắn đều có lạc thú, tình yêu, âu yếm, tình bạn, cuồng nộ, hận thù. Khắp nơi đều có sự nẩy nở của trí tưởng tượng và dù có đa dạng về thành phần và liều lượng, ở đâu và lúc nào cũng đều có sự trộn lẫn không thể tách rời của lý trí và sự điên rồ.
    Bất cứ loài hữu tính nào cũng đều sinh sản ra những cá thể khác nhau, không phải chỉ vì con số hầu như vô hạn của những tổ hợp giữa hai gia sản di truyền, mà còn bởi sự đa dạng của những điều kiện thức ăn, ảnh hưởng và ngẫu nhiên tác động đến sự hình thành của bào thai, rồi đến đứa trẻ sơ sinh. Các giống càng phức tạp thì những đa dạng cá thể càng lớn. Riêng về phần Con người (Homo), sự đa dạng hoá càng bành trướng, nhân lên, tăng cường độ với biến cố, tai nạn của tuổi thơ và tuổi thiếu niên, tuỳ vào sự theo hoặc chống lại ảnh hưởng gia đình, văn hoá, xã hội. Từ khi có chế độ ngoại hôn và cấm chỉ loạn luân, văn hoá càng khuyến khích và gia tăng sự nhào trộn gien. Rồi chiến tranh, xâm lược đã khuyếch đại sự nhào trộn này với những cuộc cưỡng dâm, bắt cóc, bắt làm nô lệ và pha trộn dân cư. Cuối cùng ngay du lịch, gặp gỡ xác thịt và hôn nhân cũng sẽ đa dạng hoá những gien di truyền của các cá nhân trong nội bộ một chủng tộc.
    Sự đa dạng hoá cũng biểu hiện trên phương diện tâm lý-văn hoá. Tuỳ theo từng văn hoá mà những thái độ chủ đạo, những cử chỉ hiếu thắng hoặc ôn hoà được biểu hiện. Ngoài ra, trong tất cả văn minh (và nhất là trong nền văn minh của chúng ta) mỗi cá nhân có thể có nhiều nhân cách khác nhau tuỳ tính khí từng lúc và tuỳ từng người mà cá nhân này gặp, phải đối đầu hay chịu đựng (trẻ con, người thân, vợ, người tình, thượng cấp, thuộc hạ, giầu có, ăn mày v.v...); ngay ở cùng một con người sẽ có hai nhân cách hoàn toàn đối nghịch biểu hiện ra trong giận dữ hay trong tình yêu. Mỗi cá nhân đều có một kho tàng nhân cách khác nhau, bình thường ở trạng thái tiềm ẩn, nhưng có thể biểu hiện ra bất cứ lúc nào. Chính cái tính phong phú, đa dạng và phức tạp này cũng đã tạo thành tính thống nhất của con người.
    Mỗi một con người là một vũ trụ thu nhỏ. Mỗi cá nhân là một tập hợp rất đông những nhân cách tiềm ẩn. Mỗi trạng thái tâm lý đều có thể tiết lộ hàng lô ảo giác, mơ mộng, tư duy. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết, con người sống một bi kịch sâu thẳm, đầy thống khổ, lạc thú, cười vui, khóc lệ, đau buồn, bi thảm, hùng tráng. Mỗi người mang trong mình những kho tàng, những nhược điểm, những thiếu sót, những vực thẳm. Mỗi người đều mang trong mình cái năng lực yêu thương, hiến thân, cừu hận, oán giận, phục thù, tha thứ. Thừa nhận điều này cũng là thừa nhận bản sắc con người. Nguyên tắc của bản sắc con người là tính thống nhất nhiều mặt (unitas multiplex), một tính thống nhất đa phương, về phương diện sinh vật cũng n
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 4:43 pm

    Quả Đất - Quê Hương

    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

    Sự Hấp Hối Toàn Cầu





    Trong suốt thế kỷ XX, kinh tế, dân số, phát triển, sinh thái bắt đầu đã trở thành những vấn đề liên quan đến mọi quốc gia và mọi nền văn minh, nghĩa là đến toàn bộ thế giới.
    Giờ đây trong những vấn đề này, một số đã trở thành quá hiển nhiên. Chúng ta hãy điểm nhanh qua trước khi đề cập đến những thứ khác đôi khi ít rõ ràng hơn mà chúng ta gọi là những vấn đề "hiển nhiên thứ yếu", vì sự vướng mắc về chúng vẫn tạo nên " cái vấn đề trong những vấn đề".
    Những vấn đề Quá hiển nhiên
    Sự rối loạn của kinh tế thế giới
    Mặc dầu nhờ vào những hỗn loạn tất yếu, hiển nhiên, thị trường thế giới có thể được xem như một hệ thống tự tổ chức với khả năng sinh ra những điều chỉnh cho chính mình. Vì thế người ta có thể giả định rằng nếu có vài cơ cấu kiểm soát quốc tế là có thể làm dịu xuống những gia tăng quá độ, khắc phục được những tình trạng suy thoái, rồi sớm muộn sẽ chữa chạy và ức chế được những cuộc khủng hoảng.
    Nhưng tất cả những hệ thống tự tổ chức thực ra đều có thể tự tổ chức sinh thái, nghĩa là nó vừa độc lập, vừa tuỳ thuộc vào một / những hệ thống sinh thái của bản thân nó. Chúng ta không thể nào xem kinh tế như một thực thể khép kín. Đó là một lĩnh vực vừa tự trị, vừa tuỳ thuộc những lĩnh vực khác (văn hoá, xã hội, chính trị), những lĩnh vực khác này cũng vừa độc lập lại vừa phụ thuộc lẫn nhau. Như thế, tiên đề của kinh tế thị trường là xem như có một tổng thể hoàn chỉnh với những cơ chế ăn khớp nhau. Nhưng cái tổng thể hoàn chỉnh này lại không hề tồn tại trên bình diện toàn cầu.
    Chính mối quan hệ với những gì phi kinh tế là cái mà khoa kinh tế hiện còn thiếu. Kinh tế học là một khoa học mà trình độ toán học hoá cùng hình thức hoá càng ngày càng trở nên chính xác, tinh vi. Nhưng những phẩm chất này lại chứa đựng một khuyết điểm là sự trừu tượng làm nó xa rời khỏi bối cảnh (xã hội, văn hoá, chính trị). Nó hơn được về mặt chính xác hình thức vì quên đi tính phức tạp của vị trí thực sự của nó, nghĩa là quên rằng kinh tế vốn tuỳ thuộc vào cái vẫn tuỳ thuộc vào nó. Cũng thế, tri thức kinh tế khi tự giới hạn trong lĩnh vực kinh tế sẽ không còn khả năng dự báo những nhiễu loạn, biến đổi và như vậy sẽ sa vào trạng thái mù loà về mặt chức năng.
    Kinh tế thế giới dường như vẫn dao động giữa khủng hoảng và phi khủng hoảng, rối loạn và tái điều chỉnh. Bị rối loạn nghiêm trọng, nó vẫn không ngừng gượng lại bằng những điều tiết từng phần, nhiều khi với giá phải trả là phá huỷ vật chất (ví dụ những thặng dư để bảo tồn giá sản phẩm) và những tổn thất dây chuyền về nhân lực, văn hoá, đạo đức, xã hội (ví dụ thất nghiệp, tăng trồng những cây ma tuý). Từ thế kỷ XIX, sự tăng trưởng kinh tế không phải chỉ trở thành một động lực mà còn là một phương pháp điều tiết kinh tế bằng cách tăng cầu cùng một lúc với cung. Nhưng đồng thời nó đã phá vỡ một cách vô phương cứu chữa những văn minh thôn xóm, văn hóa cổ truyền. Nó đem đến nhiều cải thiện to lớn trên phương diện mức sống, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều nhiễu loạn trong phương thức sinh hoạt.
    Dù sao đi nữa người ta đã thấy hình thành và xuất hiện trên thị trường thế giới những hiện tượng sau:
    - Sự hỗn loạn về giá cả nguyên vật liệu với những hậu quả dây chuyền tai hại.
    - Tính chất nhân tạo và tạm thời của sự điều chỉnh bằng tiền tệ (can thiệp của những ngân hàng trung ương để điều chỉnh hối suất, ví dụ để ngăn ngừa sự mất giá của đồng đô la).
    - Không thể nào tìm được cách điều chỉnh kinh tế cho vấn đề tiền tệ (nợ nước ngoài trong đó là nợ của các nước đang phát triển lên đến hàng trăm tỷ đô la) cũng như không thể nào tìm được cách điều chỉnh tiền tệ đối với các vấn đề kinh tế (để mặc hay tái lập tự do trên giá bánh mì, cút-cút (1) v.v...) bởi vì những thứ này đồng thời cũng là những vấn đề xã hội và chính trị.
    - Sự ung thối gây ra bởi bọn ma-phia hoành hành trên tất cả các đại lục
    - Tính dễ bị chao đảo của thị trường trước những xáo trộn không chỉ đơn thuần về kinh tế (đóng cửa biên giới, phong toả, chiến tranh)
    - Tính cạnh tranh trên thị thường thế giới kéo theo việc chuyên môn hoá của những nền kinh tế địa phương và quốc gia, điều này gây ra sự liên kết càng ngày càng cốt tử giữa mỗi thành viên với tất cả, nhưng nếu chẳng may có khủng hoảng hay đảo lộn xã hội, chính trị, khối liên kết này khi tan vỡ sẽ đưa các thành viên và tất cả lâm vào cửa tử.
    Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế còn gây ra những hỗn loạn mới. Tính chất luỹ thừa (tăng trưởng vô độ - ND) của nó không chỉ tạo nên một tiến trình suy thoái đa dạng của sinh quyển mà còn đưa đến một tiến trình suy thoái nhiều mặt của tâm quyển (psychosphère) tức là đời sống tinh thần, tình cảm, đạo đức của chúng ta và tất cả cái đó kéo theo các hậu quả dây chuyền và tuần hoàn.
    Sau nước, biển, nắng, những bộ phận của thân thể con người như máu, tinh trùng, trứng, mô bào thai đã trở thành hàng hoá. Đúng như Mác đã tiên đoán, hậu quả của văn minh, khi tất cả đều trở thành hàng hoá, sẽ đưa đến sự lụi tàn của quà tặng, của sự cho không, biếu xén, phục vụ, giúp đỡ. Tính cách phi tiền tệ cơ hồ đã biến mất, nó kéo theo sự suy thoái của những giá trị nằm ngoài cái bả lợi lộc, lời lãi tài chính và sự khát khao giầu có...
    Cuối cùng, một guồng máy đáng sợ đã khởi động như René Passet (Rơ-nê Pa-sê) nói : " một cuộc đua tranh điên cuồng bắt con người dùng trăm phương ngàn kế để tìm lấy sự dư thừa năng suất. Sự dư thừa này thay vì được phân chia cho những người tiêu thụ, người làm công và người đầu tư thì chủ yếu lại bị đem dùng vào việc giảm chi phí để có thêm thặng dư năng suất mới, rồi chính nó lại cũng v.v..."
    (1). Trong cuộc cạnh tranh này, sự phát triển công nghệ sẽ được sử dụng ngay tức khắc để nâng năng suất và tăng doanh thu, tạo và tăng chỉ số thất nghiệp (2), làm rối loạn nhịp sống tự nhiên của con người.
    Chắc chắn sự cạnh tranh sẽ cùng một lúc là yếu tố kích thích và điều chỉnh đối với kinh tế, ngay cả những hỗn loạn của nó như trong sự hình thành những độc quyền cũng có thể được khắc phục bởi những luật chống tờ-rớt, nhưng cái điều mới là sự cạnh tranh quốc tế bắt đầu nuôi dưỡng một sự tăng tốc mà chúng ta phải hy sinh cho nó sự thoải mái, những khả năng cải cách và nếu không phanh được nó lại, nó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ... nổ tung? tan rã? đột biến?
    Sự mất quân bình nhân khẩu của thế giới
    Năm 1800 chỉ có một tỷ người, hiện nay đã lên đến 6 tỷ. Người ta dự trù sẽ có khoảng 10 tỷ vào năm 2050.
    Sự tiến bộ của vệ sinh và y tế ở những nước nghèo làm giảm số trẻ tử vong mà không làm giảm tỷ lệ sinh đẻ. Những phúc lợi và cải thiện do văn minh mang lại làm giảm tỷ lệ sinh đẻ trong những xứ giầu. Nhưng mức độ tăng dân của thế giới người nghèo không những đã bù đắp mà còn vượt quá sự giảm dân ở thế giới người giàu. Cho đến bao giờ ? Những dự kiến thê thảm cho rằng nó sẽ vượt quá khả năng sinh tồn, tạo thành nạn đói lan rộng, đẩy những làn sóng người bần cùng di tản đến các nước Tây phương. Nhưng cũng có những nhân tố làm chậm lại tiến trình này, đó là các chính sách hạn chế sinh đẻ (ấn độ, Trung quốc), khuynh hướng tự nhiên ít con do tiến bộ của phúc lợi và sự hiện đại hoá các tập tục mang lại.
    Vì vậy chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện đối với tiến trình tiến hoá của vấn đề nhân khẩu mà phải đặt nó vào bối cảnh phát triển tổng thể của xã hội, văn hoá, chính trị.
    Sự diễn biến của nhân khẩu vẫn còn tiếp tục có những điều không thể dự đoán được. Đến nay ở Âu châu, các thay đổi lớn trong tăng giảm dân số đã nằm ngoài mọi tiên liệu. Ví dụ có một sự tăng vọt dân số bất ngờ năm 1014 và tiếp tục trong giai đoạn sau chiến tranh, rồi vào những năm cuối thập kỷ 50 bỗng xảy ra một sự giảm dân số đột ngột khởi sự từ Béc-lanh và lan rộng ra khắp châu Âu. Mà cũng không có gì chắc chắn là sự tăng trưởng dân số thế giới hiện nay sẽ nhất thiết tiếp tục tăng với chỉ số nổ bùng như thế.
    Nguy cơ sinh thái
    Từ năm 1964 khi Ehrlich (Ec-lích) tuyên bố về cái chết của đại dương, đến 1972, năm ra đời của bản báo cáo Meadows (Mí-đâu) do Câu lạc bộ Rôm-ma đặt làm, tính chất siêu quốc gia và toàn cầu của hiểm hoạ sinh thái đã xuất hiện.
    Tiếp theo những năm 1969-1972, giai đoạn có nhiều dự báo hãi hùng về ngày tận thế của nhân loại, là một thời kỳ suy thoái sinh thái xẩy ra dồn dập ở mức độ địa phương: đồng ruộng, rừng, hồ, sông, đô thị đều bị ô nhiễm, nhưng chỉ đến những năm 1980 mới xuất hiện những sự kiện sau :
    1/ Những tai họa địa phương có tầm cỡ với hậu quả sâu rộng: Seveso (Sêvêsô), Bhopal (Bôpan), Tree Mile Island (Thri Mail Ailân), Tchernobyl (Chécnôbưn), biển d'Aral bị khô, hồ Baikal bị ô nhiễm, những thành phố đã đạt đến mức độ bị nghẹt thở (Mêhicô, Aten). Người ta đã hiểu được rằng những hiểm hoạ sinh thái giờ đây không còn biết đến biên giới quốc gia là gì nữa. Sông Rhin (Ranh) bị ô nhiễm liên quan cùng một lúc đến cả Thụy sĩ, Pháp, Đức, Hà lan và biển Bắc Âu. Sự ô nhiễm từ Tchernobyl đã lan tràn và vượt khỏi biên giới lục địa Âu châu.
    2/ Những vấn đề tổng quát: Trong các quốc gia công nghiệp vấn đề ô nhiễm nước kể cả những nguồn nước ngầm, vấn đề sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân hoá học làm đất bị nhiễm độc, vấn đề đô thị hoá hàng loạt những vùng sinh thái mong manh (như các vùng bờ biển), việc tồn trữ những chất thải độc hại, mưa axit. Trong nhiều nước chưa có nền công nghiệp là nạn sa mạc hoá, nạn phá rừng, đất trôi, đất mặn, lụt lội, xây dựng không có kế hoạch trong những đô thị quá lớn bị nhiễm độc bởi dioxyt lưu huỳnh (làm dễ phát sinh bệnh suyễn), bởi cácbon monoxyt (gây ra rối loạn chức năng não và tim) bởi dioxyt nitơ (dẫn đến chứng trầm uất - miễn dịch).
    3/ Những vấn đề liên quan đến thế giới như một tổng thể: Khí thải CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, làm nhiễm độc vi sinh vật ở những nơi thải, phá huỷ quy trình sống trọng yếu, ăn dần tầng ôdôn của đồng ôn quyển (stratosphère), lỗ hổng ôdôn ở trên châu Nam cực, quá nhiều ôdôn ở quyển đối lưu (phần thấp nhất của khí quyển - troposphère).
    Từ đó, ý thức sinh thái đã trở thành một nhận thức về vấn đề tổng thể và về cái nguy cơ tổng thể đang đe dọa địa cầu như Jean-Marie Pelt (Giăng Mari Pen) đã nói: "Nhân loại đang phá huỷ, từng cái một, những hệ thống phòng ngự của cơ thể trái đất".
    ở giai đoạn đầu, những phản ứng đối với các nguy cơ mới chỉ ở mức độ địa phương và mang tính kỹ thuật. Nhưng sau đó nhiều tổ chức, đảng phái đấu tranh cho sinh thái đã xuất hiện và các Bộ bảo vệ môi trường cũng đã được thiết lập trong chính phủ của 70 quốc gia. Năm 1972, hội nghị Stockholm (Xtốc-hôm) đã xúc tiến sự ra đời những tổ chức quốc tế chuyên trách về môi trường (PNUE), những chương trình nghiên cứu và hành động quốc tế đã được tổ chức (Chương trình Liên hiệp quốc cho môi trường, chương trình về con người và về sinh quyển của UNESCO). Cuối cùng năm 1992, Hội nghị Riô đã tụ hợp 175 nước. Chúng ta cần phải dung hoà được nhu cầu bảo vệ sinh thái và nhu cầu tăng trưởng kinh tế của thế giới thứ ba. Quan niệm "phát triển bền vững" phải hàm chứa một sự đối chiếu giữa quan niệm phát triển, nghĩa là gia tăng ô nhiễm, với ý niệm môi trường nghĩa là có nhu cầu giảm ô nhiễm :
    Phát triển -------------> Môi trường
    <-----------------------------l
    Dù sao đi nữa, ngay cả ý niệm về phát triển vẫn chỉ còn là một cái gì lạc hậu ghê gớm (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này), nó thật sự vẫn còn chưa được suy gẫm lại, ngay cả trong ý niệm "phát triển bên vững".
    Hội nghị Riô đã thông qua một tuyên bố về rừng, một công ước về khí hậu và về bảo hộ sự đa dạng sinh vật. Nó đã soạn thảo chương trình hành động 21 (thế kỷ XXI) nhằm thúc đẩy toàn bộ Liên hiệp quốc trong việc bảo vệ bầu sinh quyển.
    Đấy mới chỉ là một bước đầu. Bầu sinh quyển vẫn tiếp tục bị hư hại, nạn sa mạc hoá và nạn phá rừng nhiệt đới vẫn gia tăng, sự đa dạng của sinh vật càng ngày càng giảm. Tốc độ phá hoại vẫn tiếp tục đi nhanh hơn hồi phục.
    Đối với viễn ảnh 30 năm sắp tới, hai cách nhìn đang đối nghịch nhau: Những kẻ "bi quan" cho rằng tình thế hư hại lan rộng trên sinh quyển là không thể xoay chuyển được, với khí hậu thay đổi, nhiệt độ và lượng nước biển bốc hơi gia tăng, mực nước biển dâng lên (từ 30 - 40 cm), các vùng hạn hán lan rộng. Những kẻ "lạc quan" cho rằng sinh quyển vẫn có một tiềm năng tự vệ miễn dịch, tự tái sinh, cho phép nó tự cứu lấy mình và rồi số nhân khẩu quả đất sẽ được ổn định vào khoảng 8,5 tỷ người.
    Dù sao đi nữa, trách nhiệm chúng ta là phải thận trọng. Chúng ta cần có một tư tưởng sinh thái xây dựng trên quan niệm tự tổ chức sinh thái, lúc nào cũng phải hết sức chú trọng đến mối liện hệ cốt tử giữa mọi hệ thống sinh vật, nhân loại hay xã hội với môi trường của chúng.
    Khủng hoảng của phát triển
    ý niệm phát triển là một ý niệm then chốt của những năm hậu chiến. Đã có một thế giới gọi là phát triển bị chia ra làm hai, khối "Tư bản chủ nghĩa" và khối "Xã hội chủ nghĩa". Cái này cũng như cái kia đã đem tới cho thế giới thứ ba một kiểu mẫu phát triển riêng của nó. Hôm nay, sau nhiều thất bại của kiểu phát triển "tư bản chủ nghĩa" tây phương, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản máy móc cũng đã dẫn đến sự phá sản của mô hình phát triển "xã hội chủ nghĩa". Hơn thế nữa, một cuộc khủng hoảng phát triển nói chung đang diễn ra trên phạm vi thế giới. "Vấn đề phát triển đã trực tiếp vấp vào vấn đề văn hoá / văn minh và vấn đề sinh thái". Thậm chí nghĩa của chữ phát triển (như người ta đã tiếp thu nó) còn hàm chứa và gợi lên cái nghĩa kém mở mang (chậm tiến). Từ giờ trở đi đối với nghĩa thật của chữ này ta cần phải biết hoài nghi, nhưng để đặt vấn đề, trước hết chúng ta cần tìm hiểu những vấn đề thuộc loại hai.
    Các vấn đề hiển nhiên thứ yếu
    Tiến trình đôi: đối địch và liên kết,
    Sự liên đới và Ban-căng hoá địa cầu
    Hình thức Nhà nước - quốc gia đã rõ nét bắt đầu ở một số nước Âu châu từ thế kỷ XVII đến XVIII. Vào thế kỷ XIX, hình thức này đã lan ra trên lục địa Âu châu và Nam Mỹ. Thế kỷ XX đã phổ biến mô hình này lên khắp châu Âu (với sự sụp đổ của đế quốc Ôt-tô-man, đế quốc áo-Hung rồi Liên xô), và trên khắp thế giới (với sự tan rã của các đế quốc thực dân Anh, Pháp, Hà lan, Bồ Đào Nha). Toàn bộ thành viên Liên hiệp quốc hôm nay quy tụ khoảng gần 200 Nhà nước có chủ quyền.
    Những Nhà nước - quốc gia đầu tiên (Pháp, Anh, Tây Ban Nha) bắt đầu bằng tập hợp và sáp nhập những chủng tộc khác nhau vào trong một không gian văn minh rộng lớn hơn, ở đó dần dần hình thành và phát triển một tính thống nhất dân tộc. Những quốc gia đa chủng tộc hình thành ở thế kỷ XX đã không có đủ thời gian lịch sử cần thiết để nhất thể hóa và sẽ tan rã khi mất đi sợi dây trói buộc dùng để duy trì sự thống nhất của chúng như trường hợp điển hình là Nam-tư. Nhiều Nhà nước - quốc gia đã được thành lập sau khi các sắc tộc giành được chủ quyền từ ách thống trị của một đế quốc, và trong số những sắc tộc từ bao đời đã đan, quyện vào nhau này, rất nhiều cộng đồng còn mang trong chúng những dân tộc thiểu số. Từ đó bắt nguồn không biết bao nhiêu xung đột và lòng cuồng nhiệt dân tộc chủ nghĩa đôi khi nổ bùng, đôi khi âm ỉ dưới sự đè nén của những cường quốc.
    Trong thế kỷ XX, cái khát vọng thành lập một quốc gia với guồng máy Nhà nước ở nơi mà trước kia chỉ có một chủng tộc là một khát vọng ngày càng không cưỡng lại được. Nguyện vọng này thường đi ngược lại những thực tế hoặc những quyền lợi kinh tế, nó chứng tỏ đòi hỏi này còn có những nguyên do khác (nhu cầu tự chủ và tự khẳng định, nhu cầu tìm về nguồn gốc cộng đồng).
    Một hiện tượng lạ lùng càng ngày càng phổ biến là sự bén rễ hoặc tái bén rễ về phương diện sắc tộc hay tôn giáo lại kết tinh trên hình thức Nhà nước - quốc gia. Để có thể hiểu được vấn đề này ta phải thấy rằng khái niệm Nhà nước - quốc gia có chất chứa một nội dung thần thoại / tình cảm cực kỳ nóng bỏng. Tổ quốc là một từ ngữ lưỡng tính gồm ở trong nó cả mẫu và phụ hệ. Cái kết hợp mẫu - ái quốc đem đến giá trị của người mẹ cho nước mẹ, đất mẹ và dĩ nhiên cả tình yêu đối với nó và cũng đem lại quyền lực của người cha cho Nhà nước mà đối với nó ta phải phục tùng vô điều kiện. Sự thuộc về cùng một tổ quốc thể hiện được cái hình thức cộng đồng anh em nơi những đứa con tổ quốc (1). Tình cảm anh em thần thoại này có thể tụ hợp lại dưới trướng nó hàng triệu người chẳng có liên hệ huyết thống gì với nhau. Và như thế là quốc gia đã phục hồi được trong kích thước hiện đại cái tình cảm ấm áp của quan hệ gia đình, họ tộc hay bộ lạc đã mất đi vì chính nền văn minh hiện đại vốn có khuynh hướng phân hoá con người thành những cá nhân riêng rẽ. Nó khôi phục lại nơi người lớn cái liên hệ của đứa trẻ giữa gia đình đầm ấm và che chở. Cùng một lúc, nhà nước đem lại bạo lực, vũ khí, uy quyền, tự vệ. Lúc đó, những cá nhân đang không biết mình ở đâu trước những nguy cơ hiện tại hoặc tương lai đã tìm thấy được ở Nhà nước - quốc gia sự an toàn và cái cộng đồng mà họ chờ đợi.
    Thật là ngược đời khi chính bản thân kỷ nguyên toàn cầu lại cho phép và thúc đẩy sự manh mún hoá thế giới này thành những Nhà nước - quốc gia. Thật vậy, sự đòi hỏi thành lập quốc gia được thúc đẩy bởi một phong trào tìm về với nguồn gốc bản sắc tổ tiên, một trào lưu nhằm chống lại khuynh hướng đồng chất hoá của văn minh toàn cầu. Và sự khủng hoảng tương lai đang lan rộng lại càng đẩy mạnh đòi hỏi này. Cùng một lúc với phong trào tìm về với nguồn gốc gia đình / thần thoại trong quá khứ, Nhà nước - quốc gia còn cho phép tổ chức hiện tại và đương đầu với tương lai. Chính qua nó mà kỹ thuật, bộ máy hành chính, quân đội sẽ thực hiện được thế lực và quyền uy cho cộng đồng. Vì vậy, Nhà nước - quốc gia đáp ứng một đòi hỏi xa xưa mà thời hiện đại đã mang về, đồng thời đáp ứng một thôi thúc hiện đại đang muốn làm sống lại cái đòi hỏi cổ sơ.
    Dĩ nhiên, qua sự đổ vỡ của các đế quốc, kể cả đế quốc Liên xô gần đây, sự tan rã thành nhiều quốc gia và ngay cả những quốc gia cực nhỏ đã có tính cách giải phóng và sự tìm về với nguồn gốc chủng tộc hay dân tộc cũng chứa đựng những tiềm năng đổi mới. Nhưng những Nhà nước - quốc gia nhiều sắc tộc, vừa thoát thai từ những đế quốc tan vỡ, lại chưa có đủ thời gian lịch sử để dung hợp các sắc tộc hoặc các dân tộc thiểu số của chúng, điều này cũng trở thành nguồn gốc của xung đột và chiến tranh. Cái mà các thành quốc hoặc các đế quốc có thể dung dưỡng thì bây giờ Nhà nước - quốc gia lại chà đạp, đánh đuổi hoặc tiêu diệt: đó là dân tộc thiểu số. Tính chất tuyệt đối về chủ quyền, sự chối từ tất cả các quyết định đến từ những cấp cao hơn chúng, tính cách mù quáng, xung đột và nhiều khi điên rồ của những quan hệ giữa các Nhà nước với nhau, cộng với sự yếu kém cơ bản của mầm mống một cơ cấu siêu quốc gia, vừa phiến diện vừa thiên vị là Liên hiệp quốc; tất cả những thứ này đã gây ra khắp nơi một sự Ban-căng hoá ngay vào lúc mà kỷ nguyên toàn cầu không những đòi hỏi một sự liên kết các Nhà nước - quốc gia lại mà đối với những vấn đề sinh tử liên quan đến nhân loại về mặt tổng thể còn cần vượt qua cả cái chủ quyền tuyệt đối của chúng nữa.
    Trên thực tế, sự sinh sôi nẩy nở của Nhà nước - quốc gia mới này đã ngăn chặn sự thành lập những hình thức hợp bang hoặc liên bang lớn rất cần thiết cho các vấn đề hỗ tương liên đới càng ngày càng gia tăng. Vì vậy sau khi đã làm xong nhiệm vụ lịch sử phong phú là dựng lên những không gian văn minh lớn hơn các thành quốc và chặt chẽ hơn các đế quốc, Nhà nước - quốc gia với chủ quyền tuyệt đối là một sức mạnh cưỡng chế trên mọi mặt, lại bẻ gẫy gần như khắp nơi những khả năng kết hợp (3) và cản trở sự hình thành những cơ cấu hợp tác siêu quốc gia.
    Dù sao đi nữa, các Nhà nước - quốc gia, ngay cả những Nhà nước - quốc gia lớn gồm nhiều chủng tộc từ đây đã trở thành quá bé nhỏ đối với những vấn đề bắt đầu trở thành liên và siêu quốc gia: vấn đề kinh tế, phát triển, văn minh kỹ thuật công nghiệp, vấn đề đồng chất hoá những lối và cách sống, vấn đề tan vỡ của một thế giới nông dân có lịch sử lâu đời, vấn đề sinh thái, ma tuý v.v.. là những vấn đề toàn cầu vượt khỏi tầm tay một dân tộc. Vì vậy sự bế quan toả cảng, sự Ban-căng hoá khắp nơi đã gây nên một vài trong những hiểm họa chính của cuối thiên niên kỷ này.
    Qua những đối kháng giữa các quốc gia, những đối kháng tôn giáo lại tái sinh, nhất là trong những vùng vừa chồng chéo vừa đứt đoạn như ấn độ/Pa-kít-xtan và Trung đông. Đối kháng giữa hiện đại/truyền thống càng trở thành trầm trọng hơn và biến thành đối kháng giữa tính hiện đại/ nguyên giáo chủ nghĩa. Đối kháng chính trị dân chủ/ cực quyền cũng giảm thiểu để nhường chỗ cho một đối kháng ác liệt hơn: dân chủ/ độc tài. Đối kháng Tây phương/Đông phương vừa sống nhờ vào những đối kháng này lại vừa nuôi dưỡng nó, cũng như đối kháng Bắc/Nam mà trên đó còn chồng chéo thêm những xung đột kinh tế, quyền lợi chiến lược của những cường quốc. Tất cả những đối kháng này đã gặp nhau trong những vùng động đất lớn của quả đất (trong đó có vùng kéo từ Acménia/Azecbaizan đến Xu-đăng) và tập trung ở khắp nơi có những tôn giáo và chủng tộc xen kẽ, có biên giới giữa các nước bị chia cắt một cách tuỳ tiện, có tình thế đối địch cuồng nhiệt và bất chấp mọi trật tự như ở Trung đông.
    Cuối cùng chúng ta cũng có thể nhắc đến ba cuộc khủng hoảng đã tạo ra một vùng áp thấp từ Gdansk (Gơ-đanxk) đến Vladivostok (Vla-đi-vô-xtốc):
    - Khủng hoảng chính trị ở những nơi mà chế độ cực quyền sau khi tan rã chỉ đưa đến tình trạng tập quyền thống trị bất quá chỉ nhường chỗ cho vài mầm mống dân chủ rất mờ nhạt và bấp bênh.
    - Khủng hoảng kinh tế làm người dân đột nhiên bị mất đi sự an toàn và đời sống tối thiểu mà thể chế cũ đã bảo đảm cho họ, trong khi họ vẫn chưa thấy được những lợi ích mơ ước từ lâu.
    - Khủng hoảng quốc gia nơi những sắc dân sau khi đã đòi được chủ quyền quốc gia lại quay ra chống đối và đàn áp những thiểu số ở trong nội bộ của chúng vì những thiểu số này cũng đòi hỏi những quyền tương tự. Điều này làm chủ nghĩa dân tộc bùng nổ đến cực độ. Ba cuộc khủng hoảng này nuôi dưỡng lẫn nhau: khủng hoảng kinh tế đẩy mạnh những cuồng loạn dân tộc chủ nghĩa và cả hai thứ đều tạo cơ hội cho những chính thể độc tài lên nắm quyền. Như triết gia người It-xra-en Leibovitz (Lây-bô-vít) đã nói: "Người ta dễ dàng từ chủ nghĩa nhân đạo ngả sang chủ nghĩa dân tộc, lại từ chủ nghĩa dân tộc sang chủ nghĩa thú vật"
    Chúng ta mới chỉ ở vào lúc đầu của giai đoạn hình thành cơn bão lịch sử về khủng hoảng, thổi ở mức độ chưa ác liệt lắm, và người ta chưa biết cái gì cuối cùng sẽ xẩy ra ở Âu châu khi trào lưu kết hợp của Tây phương gặp làn sóng phân liệt từ Đông phương đến.
    Cùng lúc đó, Phi châu đã khủng hoảng (4) càng thấy tình thế của mình trở nên tệ hại hơn vì sự sụp đổ của các chính thể độc tài kiểu xã hội chủ nghĩa, vì bất lực trong việc dân chủ hoá chúng, vì sự rút lui của vốn đầu tư Tây phương, vì sự yếu kém hay thối nát của bộ máy hành chính, và vì không khí chiến tranh không ngừng nghỉ giữa các bộ lạc hay tôn giáo, tất cả đưa đến một tình cảnh điêu tàn, đói khổ ngày càng trầm trọng ở Sô-ma-li, Ê-ti-ô-pi, Xu-đan, Mô-dăm-bíc.
    Lục địa châu á cũng không thoát khỏi những bất ổn và biến động hoặc chiến tranh sắc tộc tại Trung quốc hay ấn-độ thường vẫn kéo theo những tai biến nhân loại lớn lao.
    Như vậy thế kỷ XX đã cùng một lúc tạo nên và xé ra thành từng mảnh cái mạng lưới tổ chức duy nhất của quả đất, những mảng này tự cô lập, gây hấn, đánh lẫn nhau như thể chỉ muốn huỷ diệt cái hệ thống tổ chức mà nếu không có nó chúng sẽ không thể nào tồn tại và phát triển được.
    Trên vũ đài thế giới, những quốc gia chiếm được vị thế chủ đạo không kể hùng mạnh hay yếu đuối đều đóng vai thô bạo và điên dại. Làm sao có thể vượt qua được cái thời đại dã man này?
    Khủng hoảng về tương lai lan rộng
    Châu Âu đã gieo rắc trên toàn thế giới niềm tin vào sự tiến bộ. Những xã hội bị tách rời khỏi truyền thống không còn nhìn tương lai với đôi mắt đã nhìn những bài học quá khứ nữa, chúng chỉ thấy trước mắt một tương lai huy hoàng và hứa hẹn. Thời gian là một chuyển động đi lên. Sự tiến bộ được đồng hoá với chính bước tiến của lịch sử nhân loại và nó được dương cao bằng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, của lý tính. Sự mất mát những liên hệ với quá khứ được thay thế, bù lại bằng món lợi của việc thu ngắn được đoạn đường trước mặt. Lòng tin mới mẻ vào sự phát triển, tiến bộ, vào tương lai đã trùm lên khắp quả đất. Lòng tin này là nền móng chung cho hệ tư tưởng dân chủ-tư bản chủ nghĩa Tây phương, nơi sự tiến bộ mang lại cho con người của cải, sự sung túc ở trên đời và cũng là nền móng cho hệ tư tưởng cộng sản, một thứ tôn giáo cứu thế đến độ nó đã hứa hẹn một thiên đường xã hội chủ nghĩa.
    Sự tiến bộ đã bị khủng hoảng đến hai lần trong tiền bán thế kỷ XX, qua hai trận thế chiến man rợ làm đụng độ và suy thoái những quốc gia tiên tiến nhất. Nhưng cái tôn giáo tin tưởng vào tiến bộ vẫn lại tìm thấy được phương thuốc giải độc để củng cố niềm tin của nó ở ngay chỗ mà đáng lẽ phải làm cho nó sụp đổ. Những ghê rợn của hai trận thế chiến chỉ được xem như phản ứng của hành vi man rợ kiểu cũ. Thậm chí như những báo hiệu ghê rợn của một tương lai chân hạnh phúc. Đối với những nhà cách mạng thì bao ghê rợn đó chỉ là hậu quả gây ra do những cơn vật vã của chủ nghĩa tư bản cùng chủ nghĩa đế quốc và điều này chẳng ảnh hưởng gì đến hứa hẹn của tiến bộ. Đối với những nhà theo thuyết tiến hoá, những cuộc chiến tranh này chỉ là những giai đoạn lệch hướng, chúng chỉ làm ngưng bước tiến lại một thời gian. Rồi khi chủ nghĩa quốc-xã và chủ nghĩa cộng sản kiểu Xta-lin nắm được quyền hành thì tính chất man rợ của nó lại được ngụy trang bởi những điều hứa hẹn kiểu xã hội chủ nghĩa của chúng về phồn vinh và hạnh phúc.
    Sau chiến tranh 1945 lại bắt đầu tái hiện một cách mạnh mẽ những hy vọng về tiến hộ. Một tương lai tuyệt vời được phục hồi trong viễn tượng huy hoàng như chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn, hoặc trong viễn tượng một tương lai yên bình và phồn vinh như viễn ảnh một xã hội công nghiệp hứa hẹn. Khắp nơi ở thế giới thứ ba, ý niệm phát triển đã cho con người cái cảm tưởng là nó sẽ tất yếu giúp họ trong tương lai phá bỏ hết tất cả những gông cùm đang đè nặng lên thân phận con người.
    Nhưng tất cả đều bắt đầu lung lay từ năm 1970. Cái tương lai sán lạn bị đổ nhào : cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã cho thấy bộ mặt dễ sợ của nó tại Liên xô, Việt nam, Căm-pu-chia và ngay cả ở Cu-ba, từ lâu vốn được xem là thiên đường của chủ nghĩa xã hội thu nhỏ. Rồi sau đó hệ thống cực quyền ở Liên-xô đã nổ bùng và khắp nơi lòng tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa đều thối rữa. Về phía Tây phương, tiếp theo cuộc khủng hoảng văn hoá năm 1968, sự sa lầy kinh tế năm 1973 đã đưa đến một giai đoạn suy thoái lâu dài. Cuối cùng ở thế giới thứ ba, những thất bại trên đường phát triển đã đưa đến những thoái bộ, dẫm chân tại chỗ, chết đói, nội chiến, chiến tranh giữa các bộ lạc và giữa các tôn giáo. Những cột mốc nhắm về tương lai bỗng biến mất. Những nhà tương lai học không còn tiên đoán gì nữa và một vài người đã hạ biển (5). Con tầu trái đất bắt đầu đi trong đêm và sương mù.
    Trong cùng thời gian đó, ngay cái cốt lõi của lòng tin vào sự tiến bộ khoa học/ kỹ thuật / công nghiệp càng ngày càng bị xói mòn một cách nặng nề. Khoa học cho thấy một tính mâu thuẫn hai mặt: sự chế ngự được năng lượng nguyên tử bằng vật lý học không chỉ có thể đưa con người đến tiến bộ mà cũng có thể đưa đến huỷ diệt. Sau hai quả bom Hi-rô-si-ma và Na-ga-da-ki, phong trào chạy đua vũ trang nguyên tử của những cường quốc lớn, rồi trung bình đã làm cho sự đe dọa đè nặng lên tương lai quả đất. Tính mâu thuẫn hai mặt này lại cũng đến với sinh vật học vào những năm 1980. Sự nhận dạng các gien và những tiến trình hình thành phân tử sinh vật đã đưa đến những thí nghiệm về thao tác di truyền đầu tiên và hứa hẹn các thao tác trên bộ não để kiểm soát và khống chế đầu óc con người.
    Cũng trong thời gian trên, những phó sản trong các chất thải công nghiệp cùng những ứng dụng phương pháp công nghiệp vào canh nông, ngư nghiệp, chăn nuôi đã gây ra ô nhiễm cùng nguy hại càng ngày càng nghiêm trọng, lan rộng đến độ đe dọa sinh quyển quả đất và cả tâm quyển con người.
    Chính vì thế, ở khắp nơi, sự phát triển của bộ ba khoa học/ kỹ thuật/ công nghiệp đã không còn cái tính trời cho nữa. Quan niệm về tính hiện đại vẫn ngự trị và đầy hứa hẹn khắp nơi khi con người còn mơ ước đến phúc lợi và những phương tiện kỹ thuật giải phóng con người. Nhưng quan niệm này đã bắt đầu bị nghi ngờ ở thế giới đã đạt được phúc lợi. Hiện đại tính đã và vẫn còn là một phức hệ văn minh (complexe civilisationnel) sống bằng một động lực lạc quan. Mà khi bộ ba (khoa học/ kỹ thuật/ công nghiệp) đang nuôi dưỡng cái động lực lạc quan này cũng đã có vấn đề thì bản thân tính hiện đại cũng trở thành vấn đề. Tính hiện đại mang trong nó sự giải phóng cá nhân, sự thế tục hoá toàn bộ những tiêu chuẩn giá trị, sự phân hoá của chân, thiện, mỹ. Nhưng từ nay chủ nghĩa cá nhân không chỉ có nghĩa là tự chủ và giải phóng mà còn có nghĩa là bị phân tử hoá (atomisation) và vô danh hoá (anonymisation). Thế tục hoá không chỉ có nghĩa là thoát khỏi những giáo điều tôn giáo, nhưng cũng có nghĩa là mất những nền tảng, là nỗi âu lo, nghi ngờ, nuối tiếc những niềm tin lớn. Sự phân hoá các giá trị không chỉ đưa đến sự tự chủ tinh thần, phấn chấn thẩm mỹ và tự do truy tìm chân lý, nhưng cũng có thể đưa đến sự bại hoại đạo đức, chủ nghĩa duy mỹ nông cạn và chủ nghĩa hư vô. Quan niệm chuộng cái mới vốn có hiệu năng đổi mới đã không còn hiệu lực (mới = tốt hơn = cần thiết= tiến bộ), nó chỉ còn dùng được cho bột giặt, cho màn hình vô tuyến và phương diện tính năng của ô-tô (xe hơi). Sẽ không còn có nào là tiểu thuyết mới, cách nấu nướng mới, triết học mới nữa.
    Cho dù ở Tây phương người ta đã ý thức được tính mâu thuẫn hai mặt của tất cả những tiến trình đồng thời đưa đến tính hiện đại mà lại do tính hiện đại sinh ra. Nhưng sự phê phán tính hiện đại này không những khó có thể vượt được nó, mà lại còn sinh ra một chủ nghĩa hậu hiện đại thảm hại mà khả năng duy nhất là sự bất lực trong việc dự kiến một tương lai.
    Từ đây khắp nơi đều có một cảm giác hoặc mơ hồ hoặc dữ dội về một sự đánh mất tương lai. Nơi nơi đều sinh ra một ý thức rằng con người chưa phải ở ngưỡng cửa giai đoạn lịch sử cuối cùng, nơi lịch sử sẽ kết thúc trong sự viên mãn to lớn. Khắp nơi mọi người tuy đều cảm thấy không phải mình đang đi về một tương lai sán lạn cũng không phải về một tương lai hạnh phúc, nhưng vẫn chưa ý thức rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ đồ sắt toàn cầu, vào thời kỳ tiền sử của đầu óc nhân loại.
    Cái bệnh tương lai còn thâm nhập cả vào trong hiện tại và gây ra một sự cùng quẫn tâm lý, nhất là khi cái vốn lòng tin của một nền văn minh đã được đem đầu tư cho tương lai.
    Đời sống ngày qua ngày cũng có thể làm vơi đi phần nào cái tâm tư khủng hoảng tương lai này, và làm cho con người mặc dù trước bao bấp bênh vẫn tiếp tục hy vọng riêng tư cho bản thân mình, tiếp tục sinh con đẻ cái và hoạch định cho chúng một con đường trước mặt.
    Nhưng cùng lúc đó, sự khủng hoảng tương lai lại khơi dậy một trào lưu hoài cổ vĩ đại và chuyện này càng trở nên mạnh mẽ khi thực tế càng trở nên phũ phàng, đầy lo sợ và bất hạnh. Cái quá khứ đã bị tương lai làm khánh tận lại cháy lên từ những điêu tàn của tương lai. Từ đó xuất hiện một phong trào tìm về cội nguồn đa dạng, mạnh mẽ, quay lại với những nền tảng sắc tộc, dân tộc, tôn giáo đã mai một boặc bị lãng quên. Chính vì thế mới sinh ra nhiều thứ "nguyên giáo chủ nghĩa" (6).
    Hậu quả của các đảo lộn ghê gớm từ sau ra trước, từ quá khứ lộn ra tương lai chưa có vẻ gì là chấm dứt và vẫn còn hứa hẹn đầy bất ngờ.
    Dù sao đi nữa, sự tiến bộ không hề được bảo chứng một cách đương nhiên bởi bất cứ một quy luật lịch sử nào. Đổi thay chưa chắc gì sẽ mang lại phát triển. Tương lai từ giờ trở đi được gọi là mù mịt.
    Bi kịch của "Phát triển"
    Phát triển là một từ chủ đạo, đã trở thành ngôn ngữ của Liên hiệp quốc. ở hậu bán thế kỷ của chúng ta hầu như tất cả những kinh điển tư tưởng đều dính dáng đến nó. Cơ sở tư tưởng chủ đạo của phát triển hàm chứa một kiểu mẫu lớn của Tây phương về sự tiến bộ. Sự phát triển tất yếu phải đem lại tiến bộ, tiến bộ phải đảm bảo phát triển.
    Phát triển mang hai sắc thái. Một mặt nó là một thứ thần thoại toàn diện, nghĩa là xã hội sau khi công nghiệp hoá có thể đem lại phúc lợi, làm giảm những bất công thái quá và phân phát cho mọi người tối đa hạnh phúc mà một xã hội có thể đem lại. Mặt khác đó là một quan niệm tối giản đơn, lấy tăng tưởng kinh tế làm động cơ cần và đủ cho tất cả phát triển xã hội, tâm lý, đạo đức. Cái khái niệm kỹ thuật-kinh tế này không biết đến những vấn đề thuộc bản sắc, cộng đồng, liên đới và văn hoá của con người. Vì thế khái niệm phát triển tự nó vẫn còn ở vào một giai đoạn rất kém phát triển. Và khái niệm kém phát triển này là một sản phẩm nghèo và trừu tượng của chính cái khái niệm phát triển cũng nghèo và trừu tượng kia.
    Dính liền với niềm tin mù quáng rằng sự tiến bộ phải tất yếu đi về phía trước, cái niềm tin mù quáng vào phát triển đã cho phép, một mặt loại bỏ được những nghi ngờ, mặt khác che lấp những dã man đã được đem dùng để phát triển sự phát triển.
    Cái thần thoại về sự phát triển đã khiến con người tin rằng họ phải hy sinh tất cả cho nó. Nó đã cho phép những chế độ độc tài tàn nhẫn, dù là kiểu "xã hội chủ nghĩa" (độc đảng) hay theo kiểu Tây phương (độc tài quân phiệt) viện dẫn để tự bào chữa. Những sự tàn bạo của các cuộc cách mạng phát triển đã làm trầm trọng thêm những bi kịch của sự kém mở mang.
    Sau 30 năm dành cho phát triển, sự mất thăng bằng giữa Bắc/ Nam vẫn tiếp diễn và sự bất bình đẳng này ngày càng trở nên nghiêm trọng. 25% dân chúng của quả đất sống trong những nước giầu có, tiêu thụ 75% năng lượng. Những cường quốc lớn giữ độc quyền về khoa học công nghệ cao và chiếm giữ ngay cả quyền lực nhận thức và thao túng cái vốn di truyền của các loại sinh vật, kể cả của con người. Thế giới phát triển phá huỷ thặng dư nông nghiệp của mình, để đất hoang, trong khi nạn thiếu ăn, chết đói lan tràn trong thế giới người nghèo. Nơi này, hễ cứ có một cuộc nội chiến hay một thiên tai thì cái viện trợ nhân đạo nhất thời lại bị bọn ăn bám, quan liêu hay áp-phe nuốt mất. Thế giới thứ ba vẫn tiếp tục phải chịu đựng sự bóc lột kinh tế, nhưng nó còn phải chịu đựng thêm sự mù loà, tư duy què quặt, sự kém mở mang về tinh thần và trí thức của chính cái thế giới phát triển kia.
    ở Phi châu, đất đai không còn mầu mỡ. Khí hậu suy thoái, dân số tăng, bệnh Sida tàn phá. Một chế độ độc canh tuỳ thuộc vào những may rủi của thị trường thế giới đã thay thế một chế độ đa canh có thể đáp ứng những nhu cầu gia đình và địa phương. Vì lệ thuộc vào may rủi, chế độ độc canh liên tiếp bị khủng hoảng, và vốn đầu tư vào những khu vực khủng hoảng đã bỏ đi nơi khác. Nông dân tràn vào các khu nhà ổ chuột của đám người thất nghiệp trong thành phố. Tiến trình tiền tệ hoá, thương phẩm hoá tất cả mọi thứ trên đời đã phá vỡ những tương trợ và hoà mục trong đời sống tập thể. Những nét ưu tú nhất của văn hoá địa phương lại bị đào thải để nhường chỗ cho cái hủ bại nhất của văn minh tây phương.
    ý niệm phát triển chủ nghĩa đã và vẫn đang còn nhìn đời với con mắt kinh tế và số lượng, nên không thể nào thấy được của cải văn hoá của những xã hội cổ sơ hay truyền thống. Nó chỉ nhìn thấy ở những văn hoá đó những tư tưởng lệch lạc, ngu muội, dị đoan mà không thể nghĩ được rằng chúng có thể chứa đựng những trực giác sâu sắc, những hiểu biết tích tụ từ hàng nghìn năm, những khôn ngoan về cuộc sống và những giá trị đạo đức đã suy sụp nơi chúng ta (Tây phương-ND). Chủ nghĩa phát triển, kết quả của một sự hợp lý hoá lấy Tây phương làm trung tâm, không thể nào thấy được một sự thực là cái văn hoá nơi những xã hội phát triển của chúng ta, ngoài những chân lý và những đức tính sâu sắc (ví dụ cái lý tính tự phê phán giúp chúng ta nhìn thấy những khuyết điểm và yếu điểm của chính nền văn hoá chúng ta), nó còn chất chứa cũng như tất cả những văn hoá khác, nhưng theo một kiểu riêng, những ý tưởng chủ quan tuỳ tiện, những huyền thoại vô căn cứ (trong đó có thể kể các huyền thoại về sự tiến bộ có tính trời cho), nhiều ảo tưởng lớn (có thể kể cả cái ảo tưởng đang ở trên đỉnh cao của lý tính và cho mình là kẻ duy nhất nắm được nó), những sự mù quáng ghê gớm (có thể kể cả cái tư duy manh mún, khu biệt, giản đơn hoá và máy móc).
    Ngay cả ở Âu châu, nơi khởi thuỷ của nó, sự phát triển tính hiện đại đô thị và công nghiệp đã kéo theo sự phá huỷ những văn hoá thôn làng từ hàng nghìn năm và nó bắt đầu tấn công đến lớp vỏ của nhiều văn hoá địa phương, mà sức đề kháng mỗi nơi một khác. Trong những văn hoá lịch sử lớn của châu á và của thế giới Hồi giáo, con người đã chống lại tiến trình Tây phương hoá bằng cách đôi khi phải cáng đáng một bản sắc song hành (Nhật bản, Ma-rốc), đôi khi bằng cách tái sinh nội dung tôn giáo và sắc tộc. Như chúng ta đã nói ở trên, việc chống lại tiến trình Tây phương hoá cũng được tiến hành bằng chính những vũ khí và công cụ mượn của Tây phương: hình thức Nhà nước - quốc gia, kỹ thuật công nghiệp, hành chính, quân sự, hệ tư tưởng khai phóng về quyền lợi các dân tộc. Từ đó, trong cùng một tiến trình sinh ra một chuyển động đôi, một mặt bám rễ vào quá khứ và một mặt vươn đến tương lai. Một tính năng động phức tạp, nơi các yếu tố như bản sắc tôn giáo, dân tộc, nhà nước, kỹ thuật tác động lẫn nhau, nơi mà chủ nghĩa tư bản, những hệ tư tưởng tây phương, hệ tư tưởng cách mạng, văn hoá đại chúng cũng khơi dậy những cuộc nổi loạn, hy vọng, rồi nhẫn nhục, tuyệt vọng, tái nổi loạn. Tất cả những thứ ấy không phải không đầy dẫy những đau thương, xung đột nội bộ, thoả hiệp khập khiễng; dù sao đi nữa, tiến trình Tây phương hoá một mặt thông qua kỹ thuật hoá, thương phẩm hoá, thương nghiệp hoá và hệ tư tưởng hoá, một mặt ngược lại, như chúng ta đã thấy ở trên, lại đi về sự Ban-căng hoá và quay về những bản sắc tôn giáo - chủng tộc.
    ở phần còn lại của thế giới, sự phát triển có khuynh hướng đưa những văn hoá cổ đến chỗ tan rã hoàn toàn. Cái văn hoá cổ này đã từng bị phá huỷ từ thời có lịch sử và lại tiếp tục bị phá huỷ trên một quy mô lớn bởi chế độ thực dân. Thế giới của những văn hoá thổ dân ngày hôm nay đã bị thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 300 triệu người, xem ra khó có thể thoát khỏi sự diệt vong.
    Chúng ta đang chứng kiến màn cuối của sự triệt hạ các nền văn hoá săn bắt - hái lượm còn đang tồn tại trong những rừng nhiệt đới, những núi hoang, những khoảng rộng sa mạc. Tiến bộ của y học đã đem lại vệ sinh và trị bệnh nhưng đã làm mất những phương thuốc và cách chữa của các thầy lang, thầy phù thuỷ. Phong trào xoá nạn mù chữ đem đến văn hoá chữ viết, nhưng lại tiêu diệt những văn hoá truyền khẩu chứa đựng những tri thức và sự khôn ngoan từ nghìn đời. Các kết cấu những loại hình truyền thống của nhân cách đã bị phá vỡ một cách triệt để.
    Kinh nghiệm gần đây ở vịnh James (Gêmx) đã là một hình ảnh thu gọn của tiến trình này. Theo lôgíc của phát triển, Cục thuỷ điện tỉnh Que-béc đã tiến hành xây dựng một đập thuỷ điện lớn nhằm cung cấp điện rẻ tiền và cũng nhằm lôi kéo các nhà máy nhôm đến tỉnh này. Một phần đất được mua lại từ đất của những người Anh-điêng (da đỏ) Kris, tiền bán đất này đã cho phép thổ dân có đủ phương tiện để định cư, tậu nhà, mua sắm máy gia dụng chạy điện, thích ứng theo mô hình công việc - năng lượng - tăng trưởng v.v.. Nhưng trong những vùng đất Điện cục Que-béc đã mua, các hồ nhân tạo đã cắt đứt đường di trú của loài tuần lộc (một loài nai ở Canađa-ND) và phốt-pho thải từ nước các hồ đã làm cho cá bị nhiễm độc không còn ăn được nữa. Thổ dân bắt buộc phải từ bỏ những hoạt động sinh nhai cũ của dân săn bắn, câu cá để đi làm việc xây đập, rồi sau đó trở thành những kẻ thất nghiệp. Những người già vô công rồi nghề chết dần mòn. Còn người trẻ tuổi thì đắm chìm trong men rượu và có cả những đứa trẻ 4 tuổi say sưa vì men bia. Phụ nữ vì bỏ cá một cách đột ngột để ăn những thức ăn bằng bột và đường đều trở thành phì nộn. Cộng đồng xã hội ngày trước hoàn toàn bị phá huỷ mà trên đó không có một cái gì mới được xây dựng. Lòng vị tha bị thay thế bởi tính ích kỷ. Một lối sống cũ, một thế giới sinh hoạt cũ đã bị mất. Những tiện nghi gia đình đã đến cùng một lúc với bệnh nghiện rượu, ma tuý và nỗi buồn phiền. Người Kris hôm nay thì rất giầu hàng hoá, nhưng linh hồn thì nghèo nàn, bất hạnh và đang trên đường bị tiêu diệt.
    Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả ở châu Âu, nhưng ngoài châu Âu thì trầm trọng hơn, sự phát triển đã làm mất đi khá nhanh tình đoàn kết địa phương, những nét đặc thù thích hợp với những điều kiện sinh thái riêng của từng vùng.
    Dĩ nhiên không nên quá lý tưởng hoá các văn hoá. Phải biết rằng tất cả tiến hoá đều chứa chấp sự đào thải, tất cả sáng tạo đều mang sự huỷ diệt và tất cả những lợi lộc lịch sử gặt hái được đều phải trả giá bằng những mất mát. Phải hiểu rằng rồi tất cả những gì sống đều phải chết, mỗi một văn hoá đều đáng sống và phải biết chết. Chúng ta cũng phải tin rằng xây dựng một văn hoá toàn cầu là một điều cần thiết. Thật ra tính đa dạng của các văn hoá, thích ứng tuyệt vời với các điều kiện và vấn đề địa phương, ngày hôm nay lại có thể ngăn cản mọi người vươn lên mức độ toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể nào rút ra và phổ cập hoá từ mỗi nền văn hoá cái mà nó cống hiến phong phú nhất hay sao? Làm sao tổng hợp được những giá trị và kho tàng văn hoá của những nền văn hoá đang giải thể ? Có quá muộn hay không? Như thế là chúng ta phải đối đầu với hai đòi hỏi cấp bách mà mâu thuẫn: Cứu lấy tính cực kỳ đa dạng của văn hoá địa phương mà nhân loại đã làm nên, nhưng cùng một lúc vẫn nuôi dưỡng được cái văn hoá toàn cầu chung cho tất cả. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy rằng song song với tiến trình đồng chất hoá văn minh mà làn sóng kỹ thuật công nghiệp đang đẩy con người đến còn có một tiến trình gặp gỡ và hoà tan văn hoá: Không ngừng, tính đa dạng văn hoá lại tái sinh ở nước Mỹ, ở châu Mỹ la tinh và ở Phi châu. Nhưng chúng ta cũng không thể không nghĩ rằng sự phát triển kỹ thuật - công nghiệp là một mối đe doạ cho thế giới về mặt văn hoá.
    Khắp nơi, kỹ thuật hoá lan tràn, công nghiệp hoá lan tràn, đô thị hoá lan tràn với những hậu quả hai mặt mà ta chưa biết mặt nào sẽ thắng. Tất cả những thứ đó sẽ đưa văn hoá nông nghiệp đến chỗ phá sản và thế giới nông dân đến ngày tàn với một vận tốc cực kỳ nhanh chóng. Vào năm 1800 mới chỉ có 3% dân chúng thế giới sống trong các thành phố, thế mà bây giờ 88% dân số Tây phương Âu châu đang là cư dân trong các đô thị. Các siêu đô thị như Mê-hi-cô, Thượng hải, Bom-bay, Gia-các-ta, Tôkyô, Ôsaka không ngừng tăng trưởng. Những con quái vật đô thị đó chịu (và bắt những cư dân của nó phải chịu) những nạn kẹt xe, tiếng ồn, thần kinh căng thẳng ô nhiễm đủ loại. Sự nghèo khó vật chất lan tràn trong các khu nhà ổ chuột, sự cùng quẫn tinh thần không phải chỉ tập trung trong những khu đầy ma tuý, tội phạm mà còn ngự trị trong những khu sang trọng được bảo vệ bởi những lính gác tư và vệ sĩ.
    Chuyên gia nhân khẩu học của Liên hiệp quốc đã tiên đoán đến năm 2.000 hơn 50% dân số toàn cầu sẽ sống trong các thành phố, cư dân của 60 siêu đô thị sẽ vượt qua con số 650 triệu người, nghĩa là 8,3% dân số toàn cầu sẽ tập trung trên một khoảng không gian chiếm 1/2.000 tổng diện tích đất địa cầu. Trong số 21 siêu đô thị có hơn 10 triệu dân thì 17 cái sẽ nằm trong những nước nghèo.
    Sự phát triển thế giới sẽ đi về đâu?
    Một số người đang đi đến tai hoạ, một số khác thì đang vùng vẫy cố thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến kinh tế, nhưng rồi cũng sẽ rơi vào những vấn đề về văn minh của thế giới phát triển. Trong nội bộ nhiều quốc gia phát triển, một sự chậm tiến kinh tế cũng lại đang phát triển: ở Mỹ 35 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Hình như chúng ta đang đi vào một thứ xã hội "đối ngẫu". Một thứ xã hội đang vứt bỏ những kẻ bị loại ra bên lề sự phát triển vào trong những ghét-tô (khu biệt cư), trong số đó có từ 10 - 20% là những người thất nghiệp.
    Có phải chúng ta đang đi đến một cuộc khủng hoảng phát triển của thế giới?
    Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải bác bỏ khái niệm kém phát triển của phát triển, khái niệm cho rằng sự tăng trưởng kỹ thuật - công nghiệp sẽ là phương thuốc bách bệnh cho mọi phát triển nhân loại, xã hội. Và chúng ta cũng phải từ bỏ ý niệm thần thoại về một sự tiến bộ cứ tăng mãi một cách vô cùng tận mà không thể nào cưỡng lại được.
    Một sự khó ở hay căn bệnh của văn minh?
    Nền văn minh của chúng ta, kiểu mẫu của phát triển, phải chăng chính nó cũng đang mắc phải căn bệnh phát triển?
    Sự phát triển của văn minh chúng ta đã tạo nên những kỳ tích như: sử dụng được năng lượng vật lý, các máy móc công nghiệp càng ngày càng tự động hoá và tin học hoá, những máy gia dụng chạy điện đã giải phóng các gia đình khỏi những công việc cực nhọc, phúc lợi và tiện nghi, những sản phẩm tiêu thụ nhiều chủng loại, xe ô-tô (như tên nó ám chỉ, đã cho con người quyền tự chủ trong việc đi lại), máy bay đã giúp chúng ta nuốt được không gian, truyền hình như cái cửa sổ mở ra thế giới của thực tại và mộng tưởng.
    Sự phát triển này đã cho phép cá nhân con người thăng hoa, tìm được sự thân mật trong tình yêu, tình bạn, sự giao lưu giữa cái ta với mình, sự thông tin từ xa giữa những con người với nhau. Nhưng chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân, làm họ bị mất đi những liên đới cũ mà không đem đến những liên đới mới nào khác ngoài những thứ liên hệ vô danh và hành chính.
    Sự phát triển của khu vực kỹ thuật - quan liêu đã phổ biến loại công việc vụn vặt mất tính chủ động, trách nhiệm hoặc hứng thú. Thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến mất sự s1/2n sàng, nhịp sống an nhiên tự tại. Sự vội vã đuổi mất tính trầm tư mặc tưởng. Bộ máy vĩ đại quan liêu - kỹ thuật - công nghiệp bao trùm càng ngày càng nhiều hoạt động. Nó bắt các cá nhân phục tùng những quy định, mệnh lệnh, thể thức của nó. Người ta không còn biết phải đối thoại như thế nào với những thứ quyền lực vô danh này. Người ta không biết phải làm thế nào để sửa chữa những sai lầm, không biết phải đến công sở nào, bàn giấy nào. Cơ giới hoá đã khống chế cả cái không phải là cơ giới: sự phức tạp của con người. Cuộc sống trên thực tế bị nhục mạ. ách thống trị vô danh của tiền bạc đi kèm với với ách thống trị của chế độ quan liêu kỹ thuật vô danh. Những nhân tố kích thích đồng thời cũng lại là những nhân tố phân rã: Tinh thần cạnh tranh và ý chí thành công lại đẩy mạnh lòng ích kỷ và càng làm tiêu tan tình đoàn kết.
    Kinh thành-ánh sáng đem đến tự do và lạc thú lại cũng là cái thành phố bạch tuộc mà những gò bó bắt đầu bằng cái vòng luẩn quẩn: chen xe - đi làm - đi ngủ (Métro, boulot, dodo), đè nát cả cuộc đời và nơi đó sự căng thẳng thần kinh dồn đập làm hao mòn cân não.
    Đời sống dân chủ thoái bộ. Các vấn đề càng có chiều hướng kỹ thuật thì lại càng thoát khỏi tầm tay của những công dân để rơi vào thẩm quyền của những chuyên gia. Các vấn đề văn minh càng trở thành chính trị thì các nhà chính trị lại càng ít khả năng đưa chúng vào ngôn ngữ và chương trình hành động của họ.
    Con người sản xuất phụ thuộc vào con người tiêu thụ. Kẻ tiêu thụ lại phụ thuộc vào sản phẩm bán trên thị trường và cái thị trường này lại tuỳ thuộc vào nhiều lực lượng phóng đãng, càng ngày càng khó kiềm chế trong một tiến trình quay vòng, nơi người ta tạo nên một kẻ tiêu thụ cho một sản phẩm chứ không còn chỉ tạo một sản phẩm cho kẻ tiêu thụ. Cá nhân con người một khi thoát khỏi sự khống chế nô dịch của công việc đều rơi vào một trạng thái náo động bề ngoài. Sự tiêu thụ bị rối loạn trở thành sự tiêu thụ quá mức và vô độ để rồi lại xen kẽ với những đợt nhịn ăn, nhịn tiêu. Nỗi ám ảnh về dinh dưỡng và hình dáng làm tăng niềm lo toan có tính luyến kỷ (tự yêu mình) và những đòi hỏi ngông cuồng về ăn uống. Nỗi ám ảnh này còn nuôi dưỡng cả tính ưa chuộng vitamin và các nguyên tố vi lượng khá tốn kém. Nơi lớp người giầu có, sự tiêu thụ trở thành như điên dại, gàn dở vì còn dính dáng đến những vấn đề địa vị xã hội, nhãn hiệu, mỹ quan, thuần khiết và sức khoẻ. Họ chạy đôn chạy đáo khắp các tủ kính, cửa hàng lớn, tiệm đồ cổ, chợ trời. Còn phải kể cả sự mê mẩn những đồ lỉnh kỉnh đi đôi với thói sính những vật vô giá trị.
    Những cá nhân sống qua ngày, tiêu thụ hiện tại, tự để mình bị lôi cuốn bởi hàng ngàn thứ tầm phào, không ngừng tán gẫu mà chẳng bao giờ hiểu được nhau trong toà tháp ngà của những chuyện lặt vặt. Không thể nào ngồi yên một chỗ, họ loăng quăng khắp mọi nơi. Bản chất của du lịch rồi chẳng phải là đi khám phá kẻ khác, cũng chẳng phải là mối liên hệ vật chất đối với địa cầu mà là một đoạn đường mộng du được hướng dẫn trong một thế giới nửa thực nửa hư, trang hoàng bằng những phôn-klo và đền đài. Sự giải trí hiện đại trên thực tế lại làm tăng thêm nỗi trống rỗng mà nó muốn trốn tránh.
    Chính vì thế mà tiến trình nâng cao mức sống lại có thể đi kèm với sự xuống dốc của chất lượng đời sống. Sự gia tăng các phương tiện truyền thông có thể đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân. Một con người có thể cùng một lúc có cái tự chủ của mình nhưng lại trở thành một hạt cát rời, là hoàng đế mà lại là bầy tôi, là chúa tể các máy móc mà lại bị khống chế và nô dịch bởi chính cái mà mình chế ngự.
    Cùng một lúc có một cái gì đó đe dọa nền văn minh chúng ta từ bên trong: Sự xuống cấp những liên hệ giữa con người với nhau, nỗi cô đơn, s
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 4:49 pm

    Quả Đất - Quê Hương


    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ


    Mục Tiêu Của Người Trái Đất Chúng Ta




    YÙ thức được về gốc rễ và vận mệnh chúng ta trên trái đất là một điều kiện cần thiết để thực hiện nhân loại và văn minh hoá địa cầu.
    Theo hướng này, sự bén rễ lại vào trái đất tự bản thân nó là một mục tiêu. Tất cả đều gắn bó trong một mối tương quan : để thiết lập những mục tiêu trên trái đất chúng ta cần hiểu rõ và biết chấp nhận cái "thử tại" (dasein- sự tồn tại ở nơi này, cái nghiệp nếu dùng chữ nhà Phật -ND), biết chấp nhận bản chất địa cầu, thân phận nhân loại của chúng ta và thời đại đồ sắt toàn cầu này.
    Bảo tồn / thay đổi
    Một mối liên hệ không thể tách rời xem ra từ giờ trở đi sẽ kết hợp hai mục tiêu có vẻ đối lập nhau. Cái đầu tiên là sự sống còn của nhân loại, cái thứ hai là sự đeo đuổi tiến trình tiến hoá nhân loại.
    Mục tiêu đầu mang tính bảo thủ: làm sao để giữ gìn, cứu vãn không chỉ những nét đa dạng văn hoá và thiên nhiên đang bị suy thoái vì tiến trình đồng nhất hoá và tiến trình phá huỷ tàn nhẫn; làm sao giữ gìn và cứu vãn không chỉ những thành quả văn minh đang bị sự man rợ cũ ùn ùn quay về đe doạ mà còn gìn giữ, cứu vãn cả sự sống nhân loại đang nằm dưới nguy cơ vũ khí hạt nhân và của sự thoái hoá nơi bầu sinh quyển, cả hai nguy cơ này đều đến từ sự man rợ lớn. Chúng ta không được quên rằng sự man rợ lớn vốn là sản phẩm của liên minh giữa các lực lượng vẫn luôn luôn ác liệt, thống trị, tàn bạo, hận thù đến từ những ngày đầu của lịch sử loài người với những lực lượng hiện đại kỹ thuật - quan liêu, vô danh, lãnh đạm một cách phi nhân và phi thiên nhiên của thời nay.
    Mục tiêu thứ nhì mang tính cách tân (chúng ta tránh dùng ở đây tính từ "cách mạng"(révolutionnaire), một từ đã trở thành phản động và quá ô uế vì thấm đượm nhiều man rợ). Cái cần phải làm là tạo ra điều kiện để loài người có thể thật sự tự trở thành loài người trong một xã hội / cộng đồng những dân tộc. Cái chặng đường mới này chỉ có thể đạt được bằng cách thay đổi khắp nơi những quan hệ giữa con người với con người, bắt đầu từ quan hệ giữa mình với mình, giữa mình với người và với cộng đồng gần gũi, rồi đến quan hệ giữa các quốc gia và các Nhà nước, giữa con người với kỹ thuật - quan liêu, giữa con người và xã hội, giữa con người và tri thức, giữa con người với thiên nhiên.
    Từ đó sinh ra một điều nghịch lý tất yếu. Để bảo tồn lại cần cách mạng, cách mạng để giữ vững và tiếp tục tiến trình tiến hoá nhân loại. Cuộc cách mạng này cần bảo tồn không những cái chủ thể sinh vật là chúng ta, mà còn cả những thành quả của di sản văn hoá và văn minh của chúng ta nữa.
    Chống cự
    Tiếp theo cái nghịch lý cần thiết xuất hiện dưới hai bộ mặt xem ra mâu thuẫn với nhau mà chúng ta vừa nói ở trên: bảo tồn / cách tân, còn xuất hiện một nghịch lý thứ hai, đó là cái nghịch lý tiến bộ/ kháng cự.
    Khác với bề ngoài, cái nhiệm vụ kháng cự thật ra không hề mất đi đối tượng kể từ cuối năm 1944 (sau khi chủ nghĩa Quốc xã chấm dứt), nó vẫn phải tiếp tục dưới những hình thức mới, chống chủ nghĩa cực quyền Xta-lin (1). Để thoát khỏi chủ nghĩa cực quyền, nó còn phải tiếp tục đấu tranh dưới nhiều hình thức (vẫn còn) rất khác nhau.
    Chúng ta phải chống trả, nghĩa là phải phòng ngự trên tất cả trận tuyến không để cho các man rợ lớn quay trở lại và lan tràn.
    Cái khái niệm chống trả không chỉ nằm trong phạm vi đối với một kẻ ngoại lai xâm lược hay chống lại một chế độ độc tài tàn bạo.
    Mùa xuân của các dân tộc trong giai đoạn 1989 - 1990 vừa bị băng giá vây phủ. Tất cả những mầm mống tự do đang bị tiêu huỷ. Cái man rợ lớn đang trở về thật sự.
    Dĩ nhiên ở mọi thời và mọi chỗ, nhân loại đều cảm thấy nhu cầu chống lại sự tàn bạo toả lan qua những ác độc, khinh thị và lạnh nhạt. Hai sự man rợ hiện nay là những phát triển của bạo tàn đến cao độ: bạo tàn cừu hận đến từ cái man rợ đầu tiên thể hiện qua sự giết người, tra tấn, cuồng nộ cá nhân hay tập thể và bạo tàn vô danh đến từ cái man rợ kỹ thuật - quan liêu. Một sự kiện đã minh hoạ rất rõ ràng là vụ máu bị nhiễm ví-rút (HIV-Sida ở Pháp - ND), nó cho thấy rằng bản chất của cái man rợ thứ hai này chính là tụ điểm của tất cả những trình tự kỹ thuật hoá, siêu chuyên môn hoá, khu biệt hoá, quan liêu hoá, vô danh hoá, trừu tượng hoá, thương phẩm hoá. Những hiện tượng này kết hợp với nhau không những đưa tất cả đến chỗ đánh mất tính tổng thể và bản chất mà còn mất cả tính trách nhiệm, tính cụ thể và tính người nữa.
    Chống lại man rợ hai mặt này đã trở thành một sự cần thiết hàng đầu mang tính sinh tử. Sự chống trả này không chỉ là điều kiện bảo đảm sinh tồn của loài người, nó còn là một tiền đề để thúc đẩy sự tiến hoá nhân loại. Vì vậy, tình thế bắt buộc chúng ta phải đồng thời tiến hành việc chống trả, bảo tồn, cách mạng.
    Từ đó có cái liên hệ giữa ba thứ mà mới đây ta còn chưa thể nào nghĩ đến nổi sẽ là :
    Chống -> trả -> Bảo tồn -> Thay đổi
    Theo đuổi một cách có ý thức sự tiến hoá nhân loại
    Thúc đẩy sự tiến hoá nhân loại là làm sao cho nhân loại một lần nữa lại được tái sinh. Nhân loại lần đầu tiên ra đời là lúc bắt đầu của tiến hoá nhân loại, cách đây vài triệu năm. Lần sinh ra thứ hai là lúc có ngôn ngữ và văn hoá, có lẽ từ khi xuất hiện con người đứng thẳng (Homo erectus), lần thứ ba là lần của con người tinh khôn (homo sapiens) và của xã hội cổ sơ, lần thứ tư là thời bắt đầu có lịch sử gồm cùng một lúc sự ra đời của canh nông chăn nuôi, đô thị, nhà nước (2). Lần thứ năm, có khả năng, nhưng vẫn chưa thể khẳng định được, là sự ra đời của nhân loại, nó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi thời đại đồ sắt toàn cầu, thoát khỏi thời tiền sử của tinh thần nhân loại, nó sẽ đem lại văn minh cho trái đất và sẽ thiết lập một xã hội cộng đồng toàn cầu của các cá nhân, các chủng tộc và các quốc gia.
    Từ sự phát triển có vấn đề đến sự phát triển có tính nhân đạo.
    Thúc đẩy tiến hoá nhân loại phải được xem như phát triển tất cả tiềm năng chúng ta về mặt tâm lý, tinh thần, đạo đức, văn hoá, xã hội.
    ở đây, chúng ta gặp lại khái niệm phát triển, nhưng nó phong phú hơn cái khái niệm phôi thai, tàn phế đã được tôn xưng, quảng bá từ những năm 1950 (như ta đã thấy ở chương III), khái niệm mà chúng ta cần xét lại hoàn toàn và triệt để (3).
    Sự phát triển cũng thế, nó phải được hiểu theo nghĩa nhân loại học. Sự phát triển chân chính phải là sự phát triển con người.
    Chúng ta cần tẩy rửa lớp bụi bẩn của chủ nghĩa kinh tế bám chung quanh khái niệm phát triển. Không thể tiếp tục xem phát triển là tăng trưởng, đúng như Jean Marie Pelt (Giăng Marie Pen) đã nói, vì tăng trưởng đã trở thành một cục thịt dư (chơi chữ giữa croissance (tăng trưởng) và excroissance (cục u) - ND). Khái niệm phát triển phải trở thành đa chiều, phải vượt qua hay phá vỡ những công thức không chỉ kinh tế mà cả văn minh và văn hoá của Tây phương trước nay vẫn cho mình có thẩm quyền ấn định phương hướng và tiêu chuẩn của phát triển. Nó phải từ bỏ quan niệm xem tiến bộ như một cái gì tất nhiên của lịch sử để thấy rằng đó chỉ là một khả năng bấp bênh và nó phải hiểu rằng không có một sự phát triển nào có thể xem như là có được một cách vĩnh cửu. Cũng giống như tất cả sinh vật và con người, sự phát triển bị chi phối bởi quy luật suy thoái và phải không ngừng tự tái sinh.
    Phát triển, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa.
    Người ta đã tưởng rằng hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản sẽ là động lực chân chính cho sự phát triển và mỗi thứ dưới mắt những môn đồ của nó đều mang một năng khiếu bẩm sinh. Cái này cũng như cái nọ đều đem đến một công thức tổ chức kinh tế (ở đây là thị trường và kinh tế tư nhân, ở phía kia là kế hoạch và kinh tế nhà nước) rồi tự xưng sẽ bảo đảm phát triển xã hội và con người.
    Cái công thức tự cho là chủ nghĩa xã hội, thực ra là chuyên chế, đã cho thấy ngoài cái man rợ của nó, nó đã làm cho tất cả những vấn đề mà nó tuyên bố giải quyết càng trở nên trầm trọng thêm (như những hiềm khích dân tộc chủ nghĩa, sắc tộc và tôn giáo) và cái mà nó gọi là dân chủ lại làm cho tất cả những xây dựng dân chủ càng trở nên khó khăn. Về phần chủ nghĩa tư bản thì đúng như Mác đã thấy, nó bảo đảm sự phát triển của các lực lượng lao động bằng những phương thức dã man và vì vậy không thể nhìn nó một cách đơn điệu và võ đoán như là một cái chìa khoá để mở cửa sự phát triển nhân loại.
    Cũng thế, nếu tin rằng thị trường mang trong nó tất cả các giải đáp cho vấn đề văn minh thì đúng là một điều sai lầm mang tính giản đơn và tính kinh tế chủ nghĩa. Những tiến bộ xã hội của thế kỷ chỉ có thể hoàn thành trong một bối cảnh dân chủ, dưới tác dụng của những thương thảo đối kháng / bổ sung giữa chủ xí nghiệp và các đảng / công đoàn thợ thuyền. Thật ra những xã hội tây phương không thể chỉ được định nghĩa bởi từ ngữ tư bản chủ nghĩa. Cùng một lúc nó vừa là quốc gia, đa văn hoá, dân chủ, đa nguyên và tư bản.
    Tóm lại, chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản chỉ là những huyền thoại về phát triển. Cái đầu tiên, theo kiểu diễn giải của Liên xô, đang giẫy chết và theo kịch bản xã hội - dân chủ (social-démocrate) cũng đã hết hơi. Cái thứ hai cũng chỉ có cái mã khoẻ mạnh bên ngoài. Cuối cùng nó cũng chỉ được một thời gian rất ngắn ra vẻ là một công thức kỳ diệu để giải quyết tất cả mọi vấn đề.
    Khái niệm xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa không thể được nghĩ là những khái niệm trời cho, độc đoán và giản đơn hoá. Nhưng nếu chúng ta nhấn mạnh trên khía cạnh năng lực, sáng tạo về mặt kinh tế của tư bản chủ nghĩa và những đặc tính tự điều chỉnh, tự tổ chức (4) của thị trường thì tất cả những điều này phải được xem như thuộc về nền văn minh toàn cầu, chứ không phải nền văn minh toàn cầu thuộc về chủ nghĩa tư bản và thị trường. Tất cả những gì chỉ đơn thuần là kinh tế cũng như tất cả những gì chỉ là kỹ thuật đều vừa mang tính man rợ vừa mang tính văn minh và chúng phải nằm dưới sự chỉ đạo và phục tùng một chính sách con người.
    Nếu chúng ta nhấn mạnh trên từ "chủ nghĩa xã hội ", một từ với nội dung nguyên gốc chứa đựng khát vọng của con người muốn có thêm tính cộng đồng và tự do thì cái chính sách tiến hoá nhân loại phải thực hiện chúng cho bằng được. Nếu chúng ta nhấn mạnh rằng mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội là tiêu diệt hiện tượng người bóc lột người thì cái mục tiêu này phải được tái lập ngay, nhưng không phải như là một hứa hẹn rỗng tuyếch từ trước đến nay.
    Chúng ta không được quên rằng sự thống trị và nô dịch vốn là gốc rễ mang tính người-sinh vật của sự bóc lột và sự bóc lột này bản thân nó có gốc rễ cắm rất sâu vào trong tổ chức của những xã hội lịch sử (5). Không có sự thay đổi chính sách nào, không có sự thay đổi chế độ tư hữu kinh tế nào có thể xoá bỏ hiện tượng bóc lột, trái lại còn có thể làm cho nó trầm trọng thêm lên, như trường hợp chủ nghĩa xã hội chuyên chế đã chứng minh. Vì vậy chúng ta phải lập tức chống lại những hình thức bẩn thỉu nhất của thống trị, nô dịch, bóc lột, đồng thời trên cái khát vọng lớn, mở màn cho một cuộc vận động tiến hoá nhân loại sâu rộng, lâu bền mà không quên rằng những mặt xấu nhất, những tiềm năng ác liệt nhất của con người cùng những liên hệ xã hội sẽ không bao giờ có thể bị tiêu trừ mà chỉ có thể được hạn chế, khống chế và tốt hơn là tự khống chế mà thôi.
    Sự phát triển của tình trạng chậm tiến trong những nước phát triển và những nước chậm phát triển
    Sự phát triển theo nghĩa chúng ta hiểu ám chỉ một sự phát triển toàn vẹn những tự chủ cá nhân cùng một lúc với sự gia tăng các tham dự có tính cộng đồng, bắt đầu bằng sự tham dự lân cận rồi mở ra đến các tham dự toàn cầu. Càng nhiều tự do mà càng thêm tính cộng đồng. Càng nhiều cái tôi mà càng ít đi lòng vị kỷ.
    Cái quan niệm phát triển này làm chúng ta ý thức được một hiện tượng chủ chốt của kỷ nguyên toàn cầu: sự chậm tiến của những xã hội phát triển đúng là càng tăng lên song song với sự phát triển kỹ thuật - kinh tế của họ.
    Sự chậm tiến của xã hội phát triển là một sự chậm tiến tinh thần, tâm lý và trí thức.
    Đúng là có một sự đói kém tình cảm và tâm lý tương đối lớn trong tất cả những văn minh và khắp nơi đều có những chậm tiến về tinh thần con người, nhưng phải nhìn thấy sự nghèo nàn tinh thần của những xã hội giầu có, sự đói khát tình yêu của những xã hội no đủ, sự ác độc và hung hăng khốn nạn của giới trí thức và đại học, sự lan tràn những ý tưởng chung chung rỗng tuyếch và những quan niệm què quặt, sự mất đi cái nhìn tổng thể, bản chất và trách nhiệm.
    Có một cái nghèo không hề giảm khi cái nghèo sinh lý, vật chất giảm, ngược lại nó còn tăng thêm với sự sung túc, nhàn hạ. Có một sự phát triển đặc thù của cái chậm tiến đầu óc dưới sự chủ trì của sự hợp lý hoá, chuyên nghiệp hoá, số học hoá, trừu tượng hóa, phi trách nhiệm hoá và tất cả những thứ này dẫn đến sự phát triển của tình trạng chậm tiến đạo đức.
    Dĩ nhiên không chỉ toàn có những khía cạnh này trong thế giới phát triển của chúng ta và cái tư duy phức tạp có khuynh hướng mang tính mâu thuẫn hai mặt cũng cho phép chúng ta thừa nhận sự phát triển của xã hội hiện đại về những tự chủ cá nhân, những tự do và phương tiện truyền thông, về sự khai phóng con người của du lịch và truyền hình, về bảo hiểm và tương trợ xã hội, tuy cách làm vẫn còn đầy tính quan liêu, nhưng xét cho cùng cũng đã bù đắp được phần nào những bất bình đẳng và làm dịu đi một ít đau khổ.
    Chúng ta không nên quên rằng những tư tưởng táo bạo, phản đạo, lệch lạc đã bị tiêu diệt từ trong trứng nước ở những xã hội truyền thống lại tìm được khả năng diễn đạt trong thế giới chúng ta. Chúng ta cần xem xét tất cả mọi khía cạnh của thực tại để tránh rơi vào hai thái cực: hoặc quá hồ hởi hoặc than vãn.
    Suy nghĩ lại về phát triển cũng bắt chúng ta phải xem xét với tinh thần phê phán cái khái niệm cũng chậm tiến của sự chậm tiến. Như chúng ta đã thấy, khái niệm chậm tiến không biết đến những điều hay và phong phú có thể có nơi những văn hoá xưa hàng nghìn năm của những dân tộc đã bị hay đang bị gọi là chậm tiến.
    Khái niệm này mang trách nhiệm rất lớn trong việc đẩy những văn hoá này đến chỗ diệt vong vì xem chúng chỉ là một thứ mê tín lăng nhăng. Phong trào xoá nạn mù chữ có cái ngạo mạn là không thừa nhận những dân tộc có văn hoá truyền khẩu vì chỉ thấy nơi họ những kẻ mù chữ, và điều này đã làm trầm trọng thêm sự chậm tiến tinh thần và tâm lý trong những khu nhà ổ chuột.
    Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể cứ lý tưởng hoá những văn hoá khác văn hoá chúng ta được. Ngược lại với ý nghĩ cho rằng mỗi một nền văn hoá tự bản thân nó là đầy đủ, Ma-ru-ya-ma (6) đã nói rất đúng rằng mỗi văn hoá đều có cái gì đó bị rối loạn chức năng (khuyết điểm trong khi vận hành) sai chức năng (không chạy đúng chiều) thiếu chức năng (công dụng ở mức độ rất thấp) và công dụng độc hại (gây độc hại trong lúc vận hành).
    Phải tôn trọng các nền văn hoá, mặc dù tự bản thân chúng không hoàn hảo, cũng như bản thân chúng ta có bao giờ hoàn hảo đâu! Mọi nền văn hoá, ngay cả văn hoá của chúng ta đều pha lẫn ít nhiều mê tín, hư cấu, tự kỷ ám thị, tri thức tích luỹ mà chưa được phê phán, sai lầm dị hợm, sự thực sâu sắc. Cả cái đống hỗn độn này thoạt nhìn không thể nào phân biệt được gì, nhưng cần phải chú tâm để đừng xem các tri thức hàng nghìn năm như những thứ mê tín. -Ví dụ như cách chế biến những thức ăn từ ngô (bắp) ở Mê-hi-cô trong một thời gian rất lâu đã bị những nhà nhân loại học xem là một thứ tín ngưỡng ma thuật, cho đến khi người ta khám phá ra rằng đó chính là cách cho phép cơ thể hấp thụ được chất li-zin, một chất dinh dưỡng hầu như từ bao đời đã là thức ăn duy nhất của họ. Vì thế cái mà đôi khi có vẻ "bất hợp lý" lại chính là một tính hợp lý sống còn.
    Ngoài ra, khái niệm chậm tiến, dù có man rợ thế nào đi nữa cũng thiết lập một liên hệ nhân loại học giữa những khu vực phát triển và khu vực kém phát triển, nó thúc đẩy một sự giúp đỡ kỹ thuật, y tế cần thiết - như đào giếng, khai thác các nguồn năng lượng, chống những bệnh địa phương và nạn suy dinh dưỡng - mặc dù quan niệm này được thực hiện trong những điều kiện bóc lột kinh tế, tàn phá thiên nhiên và đô thị hoá một cách tồi tàn kéo theo đủ thứ tệ đoan mới (7).
    Trong quá trình khắc phục nghèo khổ con người cũng đã gây ra biết bao nghèo khổ! Cho dù chỉ với mục đích để xoá bỏ nền kinh tế sinh tồn mà người ta đã đem tiền tệ đến nơi từng có sự trao đổi và tương trợ! Và làm như thế vô tình con người đã chậm tiến hoá trong khi vẫn tưởng mình thúc đẩy phát triển...
    Cho đến khi nào mà đầu óc chúng ta còn ở trạng thái chậm tiến thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục làm tăng sự chậm tiến của những khu vực kém mở mang. Nếu sự nghèo nàn đầu óc của những khu vực phát triển bớt đi trong thời đại khoa học chúng ta thì vấn đề nghèo khó vật chất ở những nơi kém mở mang cũng có cơ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng chính vì chưa thoát khỏi được sự chậm tiến đầu óc mà chúng ta đối với vấn đề này vẫn không có chút nào ý thức cả.
    Từ đó chúng ta rút ra một kết luận như sau: Sự chậm tiến đầu óc, tâm lý, tình cảm, tính nhân bản kể cả của những kẻ ở khu vực phát triển từ đây trở đi sẽ là một vấn đề có tính then chốt của sự tiến hoá nhân loại.
    Phát triển siêu việt
    Sự phát triển là một mục tiêu, nhưng nó không thể là một mục tiêu thiển cận hay một mục tiêu cuối cùng. Chính mục tiêu của phát triển còn tuỳ thuộc vào một số mục tiêu khác. Những mục tiêu này là gì? Đó là làm sao để có thể sống thật sự và sống tốt hơn.
    Thật sự và tốt hơn nghĩa là thế nào?
    Là sống trong sự thông cảm, đoàn kết, có tình. Sống mà không bị bóc lột, nhục mạ, khinh bỉ.
    Nói như thế có nghĩa là mục tiêu của phát triển thuộc phạm vi những đòi hỏi thiết yếu của đạo đức. Yếu tố kinh tế phải được cân nhắc và phải lấy luân lý nhân loại làm tiêu chuẩn. Vì thế, trên con đường tiến hoá nhân loại chúng ta cần có một luân lý để hướng dẫn phát triển, nhất là khi đã không còn một hứa hẹn hoặc một chắc chắn tuyệt đối nào về một quy luật tiến bộ nữa.
    Ngoài ra, như chúng ta đã đề cập, tất cả những gì xem như của cải nhân loại gặt hái được, kể cả mức phát triển đã đạt đến cùng những thành quả của nó nếu không ngừng tự đổi mới tất sẽ bị thoái hoá. Chúng ta hãy nhìn lại những lần thoái hoá trong lịch sử và những thảm hoạ văn minh mà các nhà tư tưởng vì quá tin vào thuyết tiến bộ đã chủ ý muốn quên. Chúng ta phải nhận thức rằng sự phát triển của tiến hoá nhân loại nằm trong một vận mệnh có tính ngẫu nhiên, cái vận mệnh phiêu bạt bất định của loài người.
    Nhận thức về sự phiêu bạt bất định là nguồn gốc của những lo lắng và bất trắc, bởi vì nó phá vỡ những xác tín, sự ổn định và cái tuyệt đối, bởi vì trong cuộc phiêu lưu này, không có cái kết cuộc hạnh phúc (có hậu). Và trong cuộc phiêu lưu này, sự phát triển của tiến trình cá thể hoá là nguồn gốc của những bất trắc và lo lắng ngày càng gia tăng. Tiêu thụ như điên cuồng, rồ dại đang lan tràn cũng như trăm nghìn thứ ăn chơi giải trí hiện đại đều là một cách để đối phó với tâm trạng lo lắng của sự cá thể hoá. Và nỗi lo lắng này một khi bị đè nén, càng trở nên sâu đậm hoặc hung hãn hơn.
    Điều này liên quan đến việc cải cách tư tưởng và cuộc sống mà chúng ta sẽ đề cập ở phần sau(8)
    Có nên gói ghém tất cả vận mệnh của tiến hoá nhân loại trong quan niệm phát triển không?
    Trong những mục tiêu mà chúng ta đã dẫn: sống thật sự, sống tốt hơn còn có sự tìm tòi một cái gì đó cao xa hơn sự phát triển. Nghĩa phát triển ở đây vượt khỏi sự phát triển: ví dụ phát triển tình yêu âm nhạc không có nghĩa lịch sử âm nhạc là một sự phát triển tiệm tiến theo đó Bít-tô-ven thì hay hơn Bach hoặc Richard Strauss (Risa Xtrao) hay hơn Bít-tô-ven. Ngay cả khi nó chứa đựng khía cạnh tiến hoá nhân loại, quan niệm phát triển, đúng như nghĩa của danh từ này muốn nói: bầy ra, trải ra, căng ra, cũng chưa đầy đủ. Cần phải làm sáng tỏ quan hệ biện chứng của sự bất túc này với ý niệm bao bọc (enveloppement) và thoái bộ (involution). Lúc ấy nó sẽ đưa ta quay ngược về nguồn gốc, về thời mông muội, rơi vào chiều sâu của bản thể, ngụp lặn vào cái cũ xưa, tái hồi, quên mất bản thân, quay vào cõi nhiệm mầu của bụng mẹ, chìm vào trong thiên nhiên, tái nhập vào thần thoại, tìm về vô tận và hoà bình không lời.
    Ôi, đương nhiên! Shelley (Sen-lây), Novalis (Nô-va-lis), Hửlderling (Hơn-đe-ling), Pouchkine (Pushơ-kin), Rimbaud (Ranh-bô), Bach (Bắc), Mozard (Mô-da), Schubert (Su-be), Beethoven (Bít-tô-ven), Moussorgski (Mu-socg-xki), Berg (Bec) là kết tinh lịch sử của một sự phát triển văn minh. Nhưng những tác phẩm của họ lại vượt lên trên sự phát triển này, nó nói lên sự tồn tại của chúng ta trên thế giới, nó kể cho chúng ta nghe về cái khó diễn tả được bằng ngôn từ, nó đưa chúng ta đến chỗ xuất thần, nơi mà gông cùm của thời gian và không gian không còn nữa.
    Tất cả những gì đến từ bản chất trong tư tưởng đều xuyên suốt lịch sử, tác động ngược lại quá khứ cho đến căn nguyên, lặn vào những vực thẳm trong chúng ta và phóng về phía trước tương lai.
    Thế thì chúng ta có thể đề xuất ý niệm phát triển siêu việt hay không? Có nghĩa là cái gì đó xa hơn phát triển mà sự phát triển (có lẽ?) cho phép đạt được và nói đúng ra đáng lẽ nó phải cho phép.
    Tìm lại sự liên hệ quá khứ - hiện tại - tương lai
    Tất cả mọi xã hội, mọi cá nhân đều sống cái mối liên hệ quá khứ / hiện tại / tương lai trong một tương quan biện chứng, ở đó ba từ này đều phối hợp chặt chẽ với nhau.
    Những xã hội truyền thống thì sống trong hiện tại và tương lai mình dưới sự chỉ huy của quá khứ. Những xã hội gọi là đang trên đường phát triển gần đây còn sống dưới sự đòi hỏi của tương lai trong khi tìm cách giữ gìn bản sắc quá khứ và an bài cho được sao hay vậy cái hiện tại của mình. Những xã hội giầu có sống dưới sự chi phối đồng thời của hiện tại lẫn tương lai và nhìn thấy cái quá khứ của mình ra đi một cách vui vẻ rồi buồn bã.
    Mối liên hệ quá khứ / hiện tại / tương lai, được sống rất khác nhau bởi mỗi người, tuỳ mỗi lúc, và như vậy đã hơi bị xuống cấp ở khắp nơi so với một tương lai được tô hồng. Sự khủng hoảng của tương lai gây ra một sự phình trướng của hiện tại và đẩy con người tìm về quá khứ trong xã hội tây phương. Nó khởi động ở nhiều nơi những co cụm về với chủng tộc và / hoặc tôn giáo. Cho nên các chủ nghĩa nguyên giáo (trong số đó có nguyên giáo I-xlam) là phản ứng cùng một lúc đối với khủng hoảng tương lai và sự nghèo nàn của hiện tại.
    Ở nhiều nơi, mối liên hệ sống động giữa quá khứ/ hiện tại/ tương lai bị khô héo, thui chột và bế tắc. Chúng ta cần phải làm cho tái sinh mối liên hệ này mà vẫn giữ được sự cân bằng giữa ba yếu tố nghĩa là không thổi phồng cái nào lên cả.
    Sự đổi mới và phức tạp hoá cái liên hệ quá khứ/ hiện tại/ tương lai phải được xem như một trong những mục tiêu của chính sách tiến hoá nhân loại.
    Tìm về với nguồn gốc trong quá khứ có thể được thực hiện trong và bởi hai nguyên tắc đã nói trên. Cái đầu tiên xác nhận quyền sống của tất cả các văn hoá, mà không quên rằng chúng không phải đều là những thực thể đã đạt được mức độ hoàn hảo: mỗi cái đều có những kém cỏi, mù quáng, thiếu sót riêng và những phẩm chất của chúng cho phép cuộc sống của các thành viên được khởi sắc thì lại rất không đồng đều.
    Thêm vào đó chúng ta không được quên rằng tất cả những văn hoá đặc thù đều thu lượm được nét đặc thù của chúng qua gặp gỡ, hấp thụ những yếu tố ngoại lai, thường thuộc về văn hoá của kẻ chinh phục hay kẻ bị chinh phục; cũng giống như những loài sinh vật, tất cả những văn hoá đều trải qua những thay đổi, đột biến, và nhiều cái đã tự phức tạp hoá bằng cách tiếp nhận những gì mà khởi thuỷ đã đe doạ hoặc nhiễu loạn nó.
    Dù thế nào đi nữa, phong trào trở về nguồn mang tính chủng tộc, quốc gia, tôn giáo sẽ trở thành thoái hoá một khi chỉ chú mục vào quá khứ, vì như vậy nó sẽ làm thui chột cái quan hệ với hiện tại và tương lai.
    Nguyên tắc thứ hai của sự tìm về nguồn là nguyên tắc tái đầu tư cần thiết vào quan hệ mật thiết giữa ba đặc tính : nhân loại, sinh vật, địa cầu. Ba thứ này, vì cùng tồn tại nơi mọi con người, sẽ không hề ngăn cản những sự tìm về nguồn mang tính đặc thù. Quá khứ không chỉ là quá khứ riêng biệt của một sắc tộc hoặc một quốc gia nào, nhưng nó là cái quá khứ của quả đất, của tiến hoá và của bản thân nhân loại mà con người phải chiếm hữu và tiếp thu.
    Mối liên hệ với hiện tại, tức là sống và hưởng thụ, không thể nào bị hy sinh cho một quá khứ độc đoán và một tương lai hư ảo. Hôm nay, nó còn chứa đựng cả sự tham dự từ xa vào sinh hoạt toàn cầu và khả năng nối mạng vào nhiều nền văn hoá trên thế giới cũng như vào chính nền văn hoá và phôn-klo toàn cầu.
    Ngoài ra và quan trọng hơn nữa là chính trong hiện tại mà sự khởi sắc của cuộc sống mới có thể thể hiện và vượt qua được sự phát triển. Vọng tuần hoàn, qua lại giữa quá khứ / hiện tại / tương lai sẽ khôi phục cường độ cụ thể của cuộc sống, một trọng điểm của hiện tại. Như thánh Augustin (Ô-gúx-xtin) đã nói: "Có ba loại thời gian trên đời: hiện tại của quá khứ, hiện tại của hiện tại và hiện tại của tương lai".
    Cuối cùng, mối liên hệ với tương lai phải được tiếp lại cho thêm sức sống, khi mà bản thân tiến trình tiến hoá nhân loại là một sự vươn về tương lai. Không phải là một tương lai hư ảo với tiến bộ được bảo đảm vĩnh viễn, mà là một tương lai có tính ngẫu nhiên, không chắc chắn, nhưng mở ra trên vô vàn những khả năng mà khát vọng và mục tiêu con người có thể hướng đến tuy chưa chắc gì đã đạt được.
    Trong ý hướng mới này thì sự khôi phục lại tương lai có một tầm quan trọng hàng đầu và một tính khẩn cấp cao độ đối với nhân loại.
    Mối quan hệ trong - ngoài
    Con người đã luôn luôn bị đẩy về hai hướng đối nghịch. Một mặt là hướng ngoại, một sự hiếu kỳ đối với thế giới bên ngoài như du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học và ngày nay nó được nối dài ra về hướng thăm dò vũ trụ. Mặt khác, hướng nội, là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ và trầm tư mặc tưởng. Từ thuở đầu của những nền văn minh, đã có những nhà thiên văn nhìn lên trời và những người trầm tư quay vào với đầu óc của riêng mình. Thời nào cũng có những kỹ thuật gia, những triết gia thần bí, lại cũng có cả khả năng thay đổi cái thiên tư này.
    Hiện nay, cái thiên tư hưóng về vũ trụ càng ngày càng mạnh: ra đi, rời quê hương đến những hành tinh khác, xa hơn nữa. Tuy nhiên, lập nên những cơ sở không gian sẽ đòi hỏi sự hợp tác, đoàn kết ở địa cầu phải được giải quyết xong. Và ngay cả trong một giả thuyết khoa học viễn tưởng về một cơ sở liên bang đồ sộ thoát thai từ địa cầu thì cái cơ sở này sẽ càng trở thành tổ quốc đầu tiên khi nó là nơi mà con người không cần dùng những hệ thống nhân tạo, những vòm ôxy, những nhà kính khổng lồ cho cây cối, súc vật...
    Thiên tư hướng nội, từ lâu nay bị đẩy lùi và đẩy ra bên lề của cái hiện đại Tây phương đã bắt đầu có tiếng nói của mình. Nơi này, nơi nọ, vì muốn thoát khỏi chủ nghĩa tích cực, khỏi những bồn chồn, náo động, những trò tiêu khiển, con người đã hướng về sự ổn định nội tâm, một sự thanh thản không đến từ ma dược mà từ một sự tu dưỡng tinh thần.
    Quy hoạch quả đất không có nghĩa là từ bỏ sự thăm dò thế giới vật chất và cái viễn tượng của chuyến du hành ngoài vũ trụ, cũng không phải từ bỏ sự tìm tòi nội tâm. Cả hai thiên chức này vẫn phải được tiếp tục, cả hai cái cùng từ quả đất, cùng giao lưu với một cõi bên kia.
    Văn minh hoá văn minh
    Tiến trình tiến hoá nhân loại, cái mà có thể đưa chúng ta thoát ra khỏi thời đại đồ sắt toàn cầu đang thôi thúc chúng ta cải cách nền văn minh tây phương, nền văn minh đã lan tràn trên toàn cầu với của cải giầu có cũng như những khốn khổ của nó. Chỉ có làm như thế chúng ta mới có thể hoàn tất kỷ nguyên văn minh toàn cầu mà thôi.
    Không gì khó thực hiện cho bằng niềm mơ ước có được một nền văn minh tốt đẹp hơn.
    Giấc mơ làm sao cho con người được phát huy toàn diện, xoá bỏ được tất cả những hình thức bóc lột và thống trị, tìm được sự phân chia của cải công bằng, sự đoàn kết hữu hiệu của mọi người, đạt được hạnh phúc toàn diện. Cái giấc mơ này đã từng lôi cuốn bao kẻ muốn áp đặt nó vào con đường sử dụng những phương tiện man rợ làm cho sự nghiệp văn minh của họ cuối cùng đã thành đống gạch vụn. Tất cả những quyết định bãi bỏ xung đột và hỗn loạn, thiết lập hài hoà và tính công khai thường đưa đến kết quả ngược lại và những hậu quả tai hại của chúng đã quá rõ ràng (9). Lịch sử của thế kỷ này cho chúng ta thấy ý chí muốn thiết lập sự cứu rỗi trên mặt đất lại đưa đến nơi này một địa ngục. Chúng ta không nên một lần nữa lại rơi vào giấc mơ tạo nên thiên đường trên trái đất. Mục tiêu chính của chúng ta là muốn có một thế giới tốt đẹp hơn không có nghĩa là muốn một thế giới tốt đẹp nhất.
    Vì thế có một vấn đề chính mà chúng ta sẽ bàn ở phần sau: vấn đề của những chướng ngại ghê gớm đang chống lại tiến trình văn minh hoá văn minh và gây tổn hại cho chính khả năng về một chính sách văn minh.
    Tiến trình dân chủ hoá mang tính khai hoá
    Chế độ dân chủ đã ra đời ở bên lề lịch sử, bên lề những đế quốc chuyên chế, những chế độ thần quyền, bạo quyền, quý tộc và những hệ thống đẳng cấp. Và nó vẫn tiếp tục còn nằm ở bên lề mặc dù đã có một sự phổ cập hoá ước vọng dân chủ. Nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn đang là một hệ thống chính trị văn minh nhất.
    Chế độ dân chủ hiện đại là sản phẩm của một lịch sử đầy bất trắc, gồm những bước tiến và lùi, ở đó những nguyên tắc của nó đã xuất hiện, được định hình và phát triển. Nguyên tắc đầu tiên, nguyên tắc chủ quyền nhân dân, để bảo đảm chính cái chủ quyền này, lúc vừa sinh ra đã tự giới hạn mình bằng cách phục tùng pháp luật, pháp quy và bằng sự chuyển giao định kỳ chủ quyền cho những kẻ được bầu.
    Khởi thuỷ, đó là một chế độ dành cho những con người tự do, nhưng từ khi tất cả mọi người đều được thừa nhận tự do và bình quyền, nguyên tắc của nó đã trở thành phổ biến. Sau chế độ dân chủ của thành quốc, nền dân chủ quốc gia tập hợp hàng trăm nghìn, hàng triệu công dân đã làm nẩy sinh cơ cấu nghị viện và sinh ra chế độ phân quyền để đề phòng những lạm dụng quyền lực khó tránh khi có sự tập trung, để bảo đảm quyền lợi cá nhân và bảo vệ cái riêng tư.
    Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã thiết lập tiêu chuẩn dân chủ, hoàn thiện vào năm 1848 trong khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Cái bộ ba này xem ra rất phức tạp vì những thành phần của nó đồng thời bổ sung mà lại đối kháng với nhau: tự do đơn độc có thể giết chết bình đẳng và bác ái. Bình đẳng bị áp đặt sẽ giết tự do và không đưa đến bác ái. Bác ái, tiền đề cơ bản để có thể có một liên hệ cộng đồng giữa các công dân (10) phải điều chỉnh tự do và giảm thiểu sự bất bình đẳng, nhưng nó không thể được ban bố hoặc cũng không thể được dựng lên thành sắc luật hay pháp luật. Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội đã đề nghị dân chủ hoá không chỉ cái tổ chức chính trị mà cả tổ chức kinh tế - xã hội của các xã hội.
    Người ta tưởng rằng những nguyên tắc mà chúng ta vừa đề cập là đủ để xác định và bảo đảm chế độ dân chủ. Nhưng rồi qua kinh nghiệm đương đại của các chủ nghĩa cực quyền người ta mới thấy nổi bật lên một điểm cơ bản từ trước đến nay vẫn bị coi thường hoặc che lấp: đó là cái sợi dây cốt tử ràng buộc dân chủ với tính đa dạng và tính xung đột.
    Chế độ dân chủ phải cho phép và khuyến khích tính đa dạng của những quyền lợi, của những đoàn thể xã hội và của những tư tưởng. Như vậy có nghĩa là nó phải, không những không được áp đặt chuyên chế của đa số mà còn phải thừa nhận quyền tồn tại và phát biểu của những thiểu số cũng như của những kẻ phản đối và nó còn cho phép những tư tưởng tà đạo, lệch lạc được phát biểu. Nó cần thoả hiệp trên sự tôn trọng những quy tắc và thể chế dân chủ, đồng thời cũng cần đến những xung đột tư tưởng và ý kiến để có được sức sống và sức sáng tạo.
    Nhưng sự sinh động và sức sáng tạo của những xung đột chỉ có thể xẩy ra trong sự tôn trọng những quy tắc dân chủ. Những quy tắc này điều chỉnh những đối kháng bằng cách thay thế những cuộc đụng độ thể lực bởi những trận chiến tư tưởng và xác định thông qua những cuộc thảo luận và bầu cử kẻ nào là kẻ thắng thế tạm thời trên những trận chiến này.
    Như thế, chế độ dân chủ đòi hỏi cùng một lúc thoả hiệp và xung đột, nó còn là một cái gì vượt xa hơn cả phạm vi hành sử chủ quyền nhân dân nữa. Đó là một hệ thống phức tạp về tổ chức và về văn minh chính trị, nó nuôi dưỡng (mà cũng sống nhờ vào đó) quyền tự chủ tinh thần của các cá nhân, quyền tự do tư tưởng, ngôn luận và cái lý tưởng bộ ba Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
    Để có thể hình thành và bén rễ, hệ thống này cần có được những điều kiện vốn rất phức tạp. Chế độ dân chủ tuỳ thuộc vào những điều kiện mà những điều kiện này lại tuỳ thuộc vào cách thực thi dân chủ (tinh thần công dân, chấp nhận luật chơi dân chủ). Sự mỏng manh của nó bắt nguồn từ đó.
    Cho nên người ta nhận thấy tại những nơi đã trải qua ách thống trị của chế độ cực quyền thì công cuộc xây dựng chế độ dân chủ trở nên cực kỳ khó khăn. Những luật chơi dân chủ đòi hỏi ở mọi người một thứ văn hoá chính trị và tinh thần công dân mà chỉ cần vài chục năm dưới chế độ cực quyền là đủ để cản trở sự hình thành của chúng. Khủng hoảng kinh tế đưa đến quá nhiều xung đột cũng có thể phá vỡ những quy tắc dân chủ trong khi những quá khích của chủ nghĩa dân tộc có thể mở đường cho nền chuyên chính của đa số cuồng nhiệt trên thiểu số ôn hoà.
    Nhưng ngay cả Tây phương cũng gặp phải nhiều vấn đề dân chủ nghiêm trọng. Không phải chỉ vì tiến trình dân chủ hoá của các nền dân chủ đó chưa được hoàn tất và còn chứa đựng những thiếu sót, khuyết tật, nhưng cũng vì ở đó vẫn xẩy ra những quá trình thoái hoá dân chủ.
    Trước tiên, sự phát triển của cơ chế quan liêu - kỹ thuật đã đưa các chuyên gia vào ngự trị của trong mọi lĩnh vực xưa nay vốn là lãnh vực của thảo luận và quyết định chính trị. Ví dụ kỹ thuật nguyên tử đã đặt các công dân, dân biểu ngay cả những bộ trưởng ra ngoài tất cả những quyết định trong việc sử dụng vũ khí, sự quy hoạch nguồn năng lượng mới này thường vẫn được quyết định ở phía trên đầu những công dân.
    Khoa (học) - kỹ (thuật) đã xâm chiếm những mảnh đất mà cho đến gần đây vẫn con thuộc về sinh vật và xã hội, như quan hệ cha con, mẹ con, sự sống, cái chết : bây giờ đã có thể tạo nên một đứa con mà không cần biết cha nó là ai, hoặc ngay cả khi cha nó đã chết rồi, lại có thể thụ thai ngoài dạ con cũng như đã có thể chẩn đoán để loại bỏ những bào thai không hợp cách, rồi chẳng bao lâu sẽ hoàn toàn có thể bắt cái thai nhi này theo quy cách mà bố mẹ và xã hội muốn.
    Những vấn đề này vẫn chưa được đem vào trong ý thức chính trị hoặc trong những cuộc thảo luận dân chủ, ngoại trừ quyền phá thai.
    Cái hố lớn giữa một khoa - kỹ bí hiểm, quá chuyên môn, và những kiến thức mà các công dân có thể nắm bắt được ngày càng mở ra sâu rộng hơn và tạo nên hai cực giữa "những kẻ biết" (mà kiến thức của họ lại chỉ là những mảnh vụn không thể dùng để giải quyết các vấn đề một cách cụ thể, hoàn chỉnh) và những "kẻ không biết" nghĩa là toàn bộ công dân. Sự phân hoá lưỡng cực này thúc đẩy chúng ta đến việc cần kíp là phải làm sao để có thể dân chủ hoá kiến thức, nghĩa là có một nền dân chủ tri thức.
    Công việc này một đằng xem ra có vẻ phi lý đối với những ông quan kỹ thuật và khoa học, một đằng lại khó thực hiện đối với chính các công dân: vì nó chỉ có thể được thực thi bằng cách làm sao cho kiến thức tiếp tục được truyền bá sau tuổi sinh viên và ra ngoài khuôn viên đại học (11), nhất là bằng cách tiến hành cải tổ tư tưởng để cho phép những tri thức sắp xếp được với nhau.
    Cùng lúc sự gia tăng cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt vào thời buổi khủng hoảng kinh tế, làm cho chính trị dễ bị thu hẹp thành kinh tế và vấn đề kinh tế thường trực trở thành vấn đề chính trị. Và, vì khủng hoảng ý thức hệ xẩy ra đồng thời với khủng hoảng tư tưởng, sự thừa nhận vị trí hàng đầu của kinh tế ấn định một thoả thuận bất đắc dĩ trong đó vai trò dân chủ cốt yếu của các xung đột tư tưởng bị yếu đi.
    Cũng cùng một lúc, nền dân chủ đã thụt lùi về mặt xã hội: đến đầu những năm 1970, sau khi tăng trưởng kinh tế làm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng thì tiến trình cạnh tranh, chạy theo năng suất đã đào thải càng ngày càng nhiều người lao động ra khỏi vòng đua, đồng thời một sự ghét-tô hoá tầng lớp vô sản và di dân nước ngoài đã tách rời họ khỏi giai tầng xã hội đang đi lên.
    Giới quan liêu kinh tế, rất giỏi trong việc thích ứng con người vào kỹ thuật mới, lại rất tồi trong việc thích ứng tiến bộ kỹ thuật vào con người, và họ cũng không thể nghĩ ra được giải pháp nào mới để tổ chức lại công việc và tái phân phối của cải. Vì thế một xã hội "đối ngẫu" đã bắt đầu bám rễ và nếu dân chủ tiếp tục thoái bộ, nó sẽ trở thành một loại xã hội chuẩn mực.
    Cũng tương tự, khi những hy vọng lớn về tương lai sụp đổ, chủ nghĩa cách mạng khủng hoảng sâu sắc, chủ nghĩa cải cách kiệt quệ, tư tưởng thực dụng chủ nghĩa ngày qua ngày đã hết hơi, việc thiết kế một dự phóng to tát bị bế tắc, các xung đột tư tưởng sa sút và nhường chỗ cho những xung đột vụ lợi hoặc những chủ nghĩa chủng tộc trung tâm ; tất cả những thứ này làm xơ cứng các đảng phái, suy yếu sự tham dự quần chúng. Rồi sự xơ cứng của các chính đảng và sự giảm thiểu các tham dự quần chúng này lại quay ngược lại khuyến khích những hiện tượng đã kể trên.
    Và, trong sự thoái bộ dân chủ này, những vấn đề lớn của văn minh mà chúng ta đề cập ở trên lại bị xem như những vấn đề riêng tư thay vì phải được đưa ra trước ý thức chính trị và sự thảo luận công cộng.
    Vì thế, xã hội tây phương đang đứng trước vấn đề then chốt của sự yếu kém dân chủ một cách đa dạng, nghĩa là trước nhu cầu tái sinh lại dân chủ, trong khi khắp nơi trên thế giới vấn đề là làm sao xây dựng được nó.
    Vấn đề dân chủ là một vấn đề toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau.
    Khát vọng dân chủ đang lan rộng vấp phải cái khó khăn dân chủ cũng đang lan rộng. Dân chủ tuỳ thuộc vào văn minh, văn minh lại tuỳ thuộc dân chủ.
    Một lần nữa chúng ta phải đối diện với những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Chúng ta cần phải chống lại những lực lượng đe doạ dân chủ, phải bảo tồn những gì có nguy cơ bị phá huỷ bởi những lực lượng này, nhưng cũng phải tìm cách đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá, tức là đặt nó vào trong những mục tiêu sâu rộng của tiến trình tiến hoá nhân loại.
    Liên bang địa cầu
    Văn minh hoá văn minh cần có sự truyền thông giữa các xã hội với nhau và hơn nữa còn cần đến sự kết hợp hữu cơ trên phạm vi toàn cầu.
    Mục tiêu này trở thành quá rõ ràng khi trên tất cả các đại lục hình thức quốc gia đã hoàn thành chức năng lịch sử là giải phóng những dân tộc bị trị, nhưng bây giờ đến lượt nó lại càng ngày càng trở thành một lực lượng áp bức đối với những sắc dân thiểu số.
    Vượt qua hình thức Nhà nước - quốc gia ư ?
    Chúng ta đã nói rằng nó là đại biểu cho một lực lượng lịch sử - nhân loại to lớn: lực lượng của thần thoại nước mẹ, sức mạnh tôn giáo (tôn thờ cái quốc gia được thần thánh hóa), lực lượng tổ chức Nhà nước hiện đại. Sự thất bại của các Phong trào Quốc tế ở thế kỷ XX, sự suy yếu của chủ nghĩa thế giới, những khó khăn mà cộng đồng Âu châu gặp phải trong tiến trình hình thành của nó đã cho thấy sức mạnh của cái thực thể đa chiều là Nhà nước - quốc gia này.
    Hôm nay, vô số chủng tộc đòi hỏi thành lập Nhà nước - quốc gia, việc này cố nhiên cũng nằm trong nguyên tắc hợp pháp của sự thừa nhận chủ quyền, nhưng nó cũng đi ngược lại sự đốt giai đoạn cần thiết.
    Ngoài ra, có một điều chúng ta cần nhắc lại là nếu Nhà nước - quốc gia đã trở thành đủ mạnh để có thể tàn sát người hàng loạt và phá huỷ bao xã hội thì nó đã trở thành quá nhỏ bé để có thể lo liệu được những vấn đề lớn giờ đã trở thành toàn cầu. Trong khi đó nó lại trở thành quá lớn để có thể lo liệu được những vấn đề đặc thù và cụ thể của các công dân. Sự thay đổi mức thang được đặt ra do sự phát triển của tiến trình thế giới hoá kinh tế nghiễm nhiên đã bắt chúng ta phải vượt qua những quyền hạn của Nhà nước - quốc gia.
    Ngoài ra hình thức này còn cho thấy nó không có khả năng gìn giữ được những bản sắc văn hoá ở cấp địa phương nữa, mà để tự vệ, chính những văn hoá này đang đòi giảm quyền hành của các Nhà nước xuống.
    Sự vượt qua hình thức Nhà nước - quốc gia chính nó rồi cũng sẽ kéo theo sự giảm thiểu vấn đề quan liêu Nhà nước, đó là một điều có ích "bởi vì mọi Nhà nước đều buộc phải đối xử con người tự do như một bánh răng của bộ máy"(12).
    Sự vượt qua hình thái này không có nghĩa là xoá bỏ nó, nhưng là hội nhập nó vào trong những kết hợp lớn hơn, giới hạn quyền hành tuyệt đối của nó đối với việc quyết định sự sống chết của những sắc tộc và của những cá nhân - chính trong hướng này mà chúng ta có thể nghĩ đến một "quyền can thiệp" -- nhưng vẫn để lại cho nó tất cả những thẩm quyền đối với các vấn đề mà nó có thể quản lý ở mức độ của nó (nguyên tắc của tính bổ trợ).
    Sự vượt qua hình thái này để đến những tập hợp lớn hơn chỉ có thể thành công, nghĩa là hữu hiệu, nếu người Âu châu thừa nhận một tính chất nước mẹ đối với châu Âu, người Phi châu đối với châu Phi, người châu Mỹ la-tinh đối với châu Mỹ của họ... và nếu mỗi người cũng như tất cả đều thừa nhận tính chất này đối với quả đất, xem nó chính là nước mẹ và tổ quốc của tất cả nhân loại.
    Tóm lại, sự kết hợp toàn cầu là một đòi hỏi hợp lý tối thiểu cho cái thế giới càng ngày càng thu nhỏ và càng phụ thuộc lẫn nhau. Ngay cả trong sự kết hợp này chúng ta cũng cần phải xác định cái tư cách công dân toàn cầu, để xác định và bảo đảm cho mọi người quyền của con người địa cầu.
    Cái cách nghĩ này xem ra hôm nay có vẻ không tưởng lại đã được thực hiện vào năm 212 bởi sắc lệnh Caracalla (Ca-ra-cai-a), hoàng đế Đế quốc La mã, người đã thừa nhận tư cách công dân La mã cho tất cả cư dân trong một đế quốc mà thời đó ông xem là tất cả thế giới.
    Cần phải gây dựng cho thế giới một khoa địa - chính trị mới. Khoa địa - chính trị này sẽ không được lấy những lợi ích các quốc gia và đế quốc làm trung tâm mà phải tản quyền ra mọi nơi trên tiêu chuẩn liên kết, nó phải lập ra không phải những vùng ảnh hưởng chiến lược, kinh tế mà là những liên hệ hợp tác giữa các vùng với nhau. Nó chỉ có thể thành công bằng cách làm quy tụ được tất cả những lối tiếp cận đa dạng.
    Liên hiệp quốc phải là nòng cốt của sự tản quyền này. Trong lúc chờ đợi có đủ lực lượng dân chủ thế giới và lực lượng hành động thích hợp để khôi phục dân chủ ở bất cứ nơi nào mà nó bị lật đổ, cần phải có một quyền lực trị an toàn cầu để can thiệp khi một quốc gia tấn công một quốc gia, một dân tộc, một sắc tộc khác. Cũng cần phải tìm cách thành lập những thực thể mới có tính toàn cầu, gắn với Liên hiệp quốc, tìm cách chế định những chương trình chung cho những vấn đề trọng đại như ở Rio năm 1992.
    Ngoài ra cũng cần phải trù tính thiết lập nhiều thực thể liên kết đa quốc gia, quốc tế, siêu quốc gia, rút kinh nghiệm lịch sử từ những kinh nghiệm của các thành phố thuộc liên minh Hanse (Han-sơ) (13), của Đế quốc La-mã thần thánh Giéc-ma-ni, của đế quốc La-mã cổ đại, không phải để bắt chước, nhưng để kích thích những triển vọng phát minh khi nghĩ về chúng.
    Để có thể cụ thể hoá những khả năng này chúng ta cần có, nói theo cách của Jean-Marie Pelt (Giăng-Mari Pen) một "dư luận quần chúng toàn cầu". Chúng ta cần có (không phải là những quốc tịch mà) một toàn cầu tịch, một ý thức công dân toàn cầu, một quan điểm trí thức và khoa học toàn cầu, một thái độ chính trị toàn cầu. Trước mắt, đối với những vấn đề này, chúng ta thật vẫn còn chưa bắt đầu gì cả. Thế mà đó đúng là những điều kiện tiên quyết cho một chính sách toàn cầu, chính sách này sẽ đồng thời là một điều kiện để hình thành những quan điểm và ý thức trên.
    Chúng ta cũng đã từng nói rằng(14) cái kết hợp nhân loại mà chúng ta hướng về không thể "xây dựng trên một kiểu mẫu bá quyền của người da trắng, đàn ông, Tây phương, trưởng thành, nắm kỹ thuật, trái lại nó phải biểu hiện và đánh thức những mầm mống văn minh nữ, trẻ, già, đa chủng tộc và đa văn hoá..."
    Vấn đề mà chúng ta gặp phải là làm sao xây dựng được một xã hội phổ quát trên tinh thần của tính đa dạng chứ không phải trên sự khô khan của tính đồng chất, điều này đưa chúng ta đến một đòi hỏi cấp bách mang trong nó hai mặt mâu thuẫn, mà nó chỉ có thể trở nên phong phú trong mâu thuẫn mà thôi:
    1- Bảo đảm mở rộng, vun trồng, phát triển tính thống nhất ở khắp mọi nơi.
    2- ở khắp mọi nơi bảo tồn, mở rộng, vun trồng và phát triển tính đa dạng.
    Từ đó sinh ra một nghịch lý là đối với văn hoá cùng một lúc phải bảo tồn và khai phóng. Điều này thật ra chẳng có gì mới: ở nguồn gốc của những văn hoá, gồm cả những văn hoá có vẻ rất đặc thù đều có sự gặp gỡ, kết hợp, hỗn hợp, lai tạo. Mọi văn hoá đều có khả năng hấp thụ tất cả những gì thoạt tiên đối với nó còn xa lạ, ít nhất là đến một mức độ nào đó, mức độ này tuỳ sức sống của nó và khi vượt qua thì chúng sẽ bị đồng hoá và / hoặc sẽ giải thể.
    Như thế, theo một đòi hỏi cấp bách hai mặt và phức tạp mà chúng ta không thể nào xoá bỏ mâu thuẫn nội tại - mâu thuẫn này có thể được vượt qua không, và nó không cần thiết cho chính sự sống của những văn hoá ư ? -, chúng ta phải đồng thời bảo vệ những đặc thù văn hoá và thúc đẩy những hỗn hợp, lai giống: vì tính phổ quát có khuynh hướng huỷ hoại tính đặc thù, nên chúng ta phải kết hợp sự bảo tồn những bản sắc với sự truyền bá tính phổ quát lai tạo và quốc tế kia.
    Làm sao để có thể tiếp thu mà không bị giải thể? Vấn đề này được đặt ra một cách bi đát đối với những văn hoá cổ xưa như văn hoá của người Inuit (I-nu-it). Phải biết cách giúp họ lợi dụng được những ưu điểm vủa văn minh chúng ta - cách bảo vệ sức khoẻ, kỹ thuật, tiện nghi v.v.. - nhưng cũng phải biết cách giúp họ bảo tồn được những bí mật của y học riêng, của đạo Saman, những kiến thức săn bắt, những hiểu biết thiên nhiên của họ v.v.. Cần những người dẫn đường như kiểu Jean Malaurie (Giăng Ma-lô-ri), đến đó không phải như những nhà truyền giáo đạo hay đời mà làm cho thổ dân xấu hổ vì tín ngưỡng và tập tục của họ...
    Chúng ta không nên quên rằng sự lai giống luôn luôn tái tạo tính đa dạng, đồng thời tạo điều kiện cho sự cảm thông lẫn nhau. Đại đế A-lêch-xan-đơ ở mỗi thành phố á đông mà ông ta chinh phục, đã gả vài trăm thiếu nữ bản địa cho những chiến sĩ Ma-xê-đoan. Vì thế tất cả những thành phố ông đi qua hay đã dựng lên đều là những cái nôi sán lạn của văn minh Hy-lạp và là nguồn gốc của nghệ thuật lai tạo Hy lạp - Phật giáo. Ngay cả văn minh La mã cũng đã bị lai tạo rất sớm, nó hấp thụ tất cả di sản Hy lạp và đã biết đem vào trong điện thờ thần của nó rất nhiều thần linh nước ngoài và trên đất đai của nó rất nhiều dân tộc bán khai, sau đó đã trở thành người La mã về mặt quyền lợi mà vẫn giữ nguyên được bản sắc của chủng tộc mình.
    Sự sáng tạo nghệ thuật đều lớn lên nhờ những ảnh hưởng và những hợp lưu. Vì thế, một truyền thống hôm nay gần như một thứ nguyên gốc đích thực, âm nhạc Flamenco (Phla-men-cô) của Andalusia, cũng như chính dân An-đa-lu, nó là một sản phẩm của sự đan chéo giữa các văn hoá ả rập, Do thái, Tây ban nha được tôi luyện trong và bởi cái thiên tài bi thương của dân tộc gi-tăng.
    Chúng ta có thể nghe và thấy được trong Phla-men-cô sự dồi dào (vì tiếp thu) cũng như những hiểm hoạ (có thể bị giải thể) của các đòi hỏi cấp bách hai mặt đã nói trên: bảo trì (bản sắc) và khai phóng (ra bên ngoài). Về phía bảo trì thì lúc đầu đã có, nhất là nhờ vào nỗ lực của vài kẻ ái mộ người Pháp, loại cante jondo (Can-te Khôn-đô, dân ca gi-tăng -ND) bị suy thoái nhiều này đã được nghiên cứu và tìm lại nguồn gốc. Vì vậy có nhiều khúc ghi âm cũ đã được làm sống lại trong những recopilaciones (tái sưu tập -ND), những người trình tấu bị lãng quên hay bị xem thường nay đã trở thành những bậc thầy, và đã đào luyện được những thế hệ trình diễn kế tiếp đầy truyền thống. Về phía khai phóng, lúc đầu đã xẩy ra một sự thoái hoá trong một hỗn hợp Tây ban nha mang hơi hướng của vùng Sê-vi-da, sau đó nó lại tiếp thu những nguồn nhạc của Albeniz (An-be-nhiz) và De Falla (Đơ-pha-da) rồi cuối cùng là những pha trộn thú vị gần đây với những thanh âm và nhịp điệu đến từ những nơi khác như với nhạc Jazz (Paco de Lucia hợp tấu với John Mac Laughlin) hay với nhạc Rốc (trong những cái hay nhất của Gipsy Kings).
    Nhạc Jazz lúc đầu là một thứ lai tạp giữa châu Phi và châu Mỹ, một sản phẩm đặc biệt của miền The New Orleans (Niu Ooc-lê-ânx) đã lan rộng trên nước Mỹ và qua nhiều chuyển biến mà vẫn giữ được phong cách ban đầu để trở thành một âm nhạc mọi / da trắng, được nghe, nhẩy rồi diễn tấu bởi những người da trắng, và, dưới nhiều hình thức, nó đã lan rộng khắp thế giới. Trong khi đó cái điệu cũ New Orleans, có vẻ bị bỏ rơi ngay tại gốc lại tái sinh trong những căn hầm của St-Germain-des-Prés (Xanh-Gec-manh-đơ-Prê - Pháp) để quay ngược về Mỹ đóng đô một lần nữa ở The New Orleans. Rồi, sau khi gặp "tiết tấu
    Cái Chủ Nghĩa Hiện Thực Không Thể Có: Cái hiện thực không chắc chắn -
    Chủ nghĩa hiện thực có thể có hai nghĩa trong chính trị. Nghĩa thứ nhất đòi hỏi con người đừng đấu tranh với thực tế nhưng thích ứng với nó, nghĩa thứ hai đòi hỏi con người coi trọng thực tế để mong thay đổi nó.
    Nhưng trên cái thực tế được gọi là hiện thực lại có nhiều thứ không có gì chắc chắn.
    Hiện thực trước tiên dĩ nhiên là thực tế trực tiếp. Nhưng cái thực tế trực tiếp lại đưa đến hai nghĩa khác nhau. Một đằng mang tính thời gian và một đằng mang tính sự thực.
    Nghĩa thứ nhất ám chỉ thực tế ngày hôm nay, cái này rất mạnh mẽ, nó đã xoá nhoà một phần cái thực tế hôm qua, nhưng nó cũng rất yếu, bởi vì nó cũng sẽ bị đào thải một phần bởi cái thực tế ngày mai. Lịch sử không ngừng cho chúng ta thấy sự mong manh của những thực tế đã từng quá hiển nhiên
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 4:52 pm

    Quả Đất - Quê Hương

    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

    Chính Trị Nhân Loại: Từ chính trị đến chính trị nhân loại






    ý nghiã sự thực của từ hiện thực lại đưa ta về những tình thế, sự kiện và biến cố có thể thấy được trong hiện tại. Nhưng thường thường các sự kiện, biến cố có thể nhận thấy được lại che đậy những sự kiện, biến cố không nhìn thấy được hoặc một thực tế còn chưa thấy được. Dưới lớp vỏ ngoài của cái thực tế thấy được, một thực tế ngầm, bị che lấp sẽ hiện ra sau này mà người theo chủ nghĩa hiện thực lại hoàn toàn không thấy được nó. Có những biến cố - thần bí mà thông điệp của chúng chỉ có thể thật sự hiểu được một khi chúng được thực hiện. Sự bổ nhiệm Goóc-ba-chốp vào chức Tổng bí thư Đảng công sản Liên-xô là một biến cố thần bí nho nhỏ mà năm năm sau nó mới trở thành to lớn. Vào năm 1988, dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của cái đế quốc to lớn đó sẽ là một việc hoàn toàn phi hiện thực, nhưng ngược lại, lại rất hiện thực khi nghĩ rằng chế độ cực quyền bị mắc vào những vấn đề đang làm nó suy sụp, tuy rằng cho đến thời kỳ đó nó vẫn còn đứng vững (1), nhưng dù sao cũng không có tính hiện thực khi dự kiến sự tự huỷ của Liên xô vào năm 1992.
    Một lần nữa, chúng ta lại đi vào những vùng đầy nghi vấn của thực tế làm cho những chủ nghĩa hiện thực trở thành những thứ không có gì chắc chắn và còn cho thấy đôi khi những chủ nghĩa tuy bề ngoài phi hiện thực, nhưng lại là những thứ có tính hiện thực cao.
    Chúng ta cần nói thêm rằng có rất nhiều thực tế rất khó nắm bắt, ngay cả đối với - và nhất là - những chuyên gia, ví dụ như trường hợp tình trạng kinh tế thế giới: Khó có thể nói được nó sẽ là một sự trùng hợp nhất thời của những suy thoái kinh tế ở mức độ địa phương, hay đó là những triệu chứng của một khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng trong tương lai?
    Điều này chứng minh với chúng ta rằng cần phải biết giải mã thực tế trước khi nhận diện được đâu là chủ nghĩa hiện thực.
    Điều này cho chúng ta thấy cùng một lúc rằng ý nghĩa của những tình huống, sự kiện và biến cố còn hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách giải thích.
    Tất cả những hiểu biết, ngay cả nhận thức, là phiên dịch và tái tạo(2) nghĩa là giải thích. Một hiện thực toàn bộ chỉ có thể xuất hiện qua lý luận, giải thích, qua những hệ thống tư tưởng. Tất cả hiểu biết về một hiện thực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tuỳ thuộc vào hệ thống giải thích của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, những hệ thống này lại tuỳ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống giải thích lịch sử.
    Chính những hệ thống này có thể làm cho những quan niệm trừu tượng, những nhận thức tưởng tượng, những ảo ảnh hay những ý tưởng què quặt xuất hiện như chính thực tế theo kiểu gần như một ảo giác nơi những người quá tin vào nó.
    Những người Bôn-sê-vích đã tin rằng mình nắm được hiện thực lịch sử và xã hội: chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, đấu tranh giai cấp, sứ mạng lịch sử của từng lớp vô sản, sự ra đời tất yếu của xã hội không giai cấp là những thứ hiển nhiên mà cái hệ thống giải mã các tình huống, sự kiện, biến cố của họ từng phô trương và khẳng định. Cuộc phiêu lưu cộng sản đã tưởng mình đi đúng hướng của hiện thực lịch sử. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự nổi loạn chống hiện thực lịch sử.
    Sự giải thích lịch sử theo chủ nghĩa kinh tế đã quên cái tác động của các cấu trúc và những hiện tượng phi kinh tế, lại không cần biết đến những tai nạn xẩy ra ngoài ý muốn, những cá nhân, những đam mê, sự điên rồ của con người. Nó tưởng có thể nắm bắt được bản chất sâu thẳm của thực tế, nhưng quan niệm mà nó dựa lên lại làm cho nó không thấy được bản chất phức tạp của thực tế này.
    Sự thừa nhận thực tế phức tạp, cái thực tế con người, xã hội, lịch sử của chúng ta quả thật là khó. Những phạm thức(3) của chia cắt / giản đơn hoá kiểm soát hầu hết các cách suy nghĩ của chúng ta. Nó tách rời những khía cạnh khác nhau của thực tế, nó cách ly những mục tiêu và hiện tượng ra khỏi môi trường của chúng, nó không có khả năng tiếp thu một kiến thức trong bối cảnh và trong cái hệ thống toàn bộ đã làm cho kiến thức này trở nên có ý nghĩa. Nó không thể tiếp thu cái sức mạnh cải tổ của thời gian và nó không thể giải phóng các khả năng.
    Vì thế tất cả những hiểu biết về hiện thực mà không được thúc đẩy và quản lý bởi cái phạm thức phức tạp sẽ tất yếu trở thành què quặt và theo nghĩa này tức là thiếu chủ nghĩa hiện thực.
    Nhưng cái phạm thức phức tạp giúp chúng ta nhận diện tính phức tạp của những hiện thực lại không đem đến cái gì chắc chắn cả. Ngược lại nó giúp chúng ta đưa ra ánh sáng không chỉ những bất trắc gắn liền vào chính cấu trúc của nhận thức chúng ta, mà cả những lỗ đen bất trắc trong thực tế hiện tại.
    Vì thế :
    - Thực tại không chỉ là cái trước mắt.
    - Thực tại không được biểu hiện ra một cách hoàn toàn hiển nhiên trong những sự kiện.
    - Tư tưởng và lý luận không phản ánh nhưng thể hiện hiện thực, bằng một cách có thể lầm lạc.
    - Thực tại của chúng ta chỉ là nhận thức của chúng ta về thực tại.
    - Thực tại, chính nó cũng là một sự đánh đố
    Thế là khi bối rối trong việc nhận thức thực tại, người ta có thể đặt câu hỏi: làm một người theo chủ nghĩa hiện thực thì có hiện thực không?
    Cái chủ nghĩa hiện thực nhỏ bé tưởng rằng thực tại thì rõ ràng, nhưng rồi chỉ nhìn thấy được cái trước mắt, thật ra là mù loà. Như Bernard Gooethuysen (Béc-na Gooc-uýt-sen) nói: "Làm một kẻ theo chủ nghĩa hiện thực, ôi, một sự không tưởng lớn!".
    Giữa tư tưởng và hiện thực: cuộc nói chuyện của những người điếc
    ở đây lại nẩy sinh ra một vấn đề khác: tư tưởng có một quyền lực gì trên hiện thực không, điều này giả định có một hiện thực và sức mạnh của tư tưởng?
    Như chúng tôi đã dẫn chứng ở một chỗ khác(4), những tư tưởng và huyền thoại đã trở thành hiện thực, chúng ngự trị trong tinh thần và có thể khống chế ngay cả hiện thực lịch sử, dầy xéo và xuyên tạc nó.
    Cuộc Cách mạng Tháng mười 1917 mà Lê-nin, thúc đẩy bởi tư tưởng rằng cần phải để cho lịch sử sinh ra đứa con xã hội chủ nghĩa mà từ lâu nó thai nghén, thực ra lại cho ra đời một chủ nghĩa cực quyền.
    Như những tình huống sau này đã cho thấy, hiện thực không tự động và lập tức phủ định cái ý tưởng mâu thuẫn với nó. Có những tư tưởng mang một năng lực đáng sợ: tất cả những tư tưởng lớn và những đức tin lớn đều như vậy. Trong cuộc đấu tranh giữa tư tưởng và hiện thực, hiện thực không phải bao giờ cũng là thứ mạnh nhất(5). Tư tưởng có thể bằng cách uống máu của hiện thực để đạt được một sức mạnh khủng khiếp.
    ở Liên xô, tư tưởng đã chế ngự hiện thực. Nó đã tiêu diệt tất cả những gì trong hiện thực chống lại nó bằng cách tiêu diệt giai cấp nông dân của quốc gia nông dân này, nó đã bắt hiện thực phải câm lặng và ngụy trang, nó đã xây dựng một hiện thực cực quyền ghê gớm, nó đã sản sinh ra một sức mạnh quân sự lớn lao chưa từng có. Nhưng tư tưởng thắng thế này lại suy thoái ngay trong lúc thắng lợi. Một hiện thực khác, sản phẩm của sự giao hợp giữa tư tưởng với hiện thực cũ đã thành hình và tạo thành chủ nghĩa cực quyền hiện đại - Chủ nghĩa này đã trở thành một hiện thực trọng yếu của lịch sử thế giới trong hơn nửa thế kỷ. Chủ nghĩa cực quyền này càng ngày càng lớn mạnh đã không có khả năng thích ứng với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, mà cũng không có khả năng thu lượm được cái hiệu suất kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Thế là đã manh nha ý tưởng cải cách nó. Cái ý tưởng này dựa trên lòng hoài nghi, những nghi vấn và tỉnh ngộ của vài vị lãnh đạo ở trên đỉnh cao của quyền lực để hình thành một tư tưởng chính trị mới. Nhưng tư tưởng này lại không biết quản lý tốt cái hiện thực đã bị những công cụ cực quyền khống chế và vì thế mùa tan băng của hiện thực đã trở thành một cuộc đổ vỡ tán loạn.
    Có một sự liên hệ vẫn chưa được xác định rõ giữa tư tưởng và hiện thực. Tư tưởng có thể mạnh hơn hiện thực, nhưng đã chắc gì hiện thực sẽ vì thế mà phù hợp với tư tưởng. Những đứa con sinh ra từ sự giao phối giữa hiện thực và tư tưởng đều không giống gì với cha mẹ chúng cả.
    Cần phải dự kiến một chính trị với liên hệ biện chứng giữa chính trị lý tưởng (Idealpolitic)(6) và chính trị hiện thực (Realpolitic). Nhưng chúng ta sẽ lại gặp nơi chính trị hiện thực sự bấp bênh của hiện thực, nghĩa là của chủ nghĩa hiện thực với nguy cơ hoặc không vượt ra khỏi những điều mong ước hão huyền của chính trị lý tưởng và những mù quáng của chính trị ý tưởng (politique idéelle), hoặc bắt buộc phải chấp nhận cả cái trật tự đã được thiết lập và tất cả sự đã rồi.
    Cái gì là cái có khả năng thực hiện được ? Đến một lúc nào đó không phải tất cả đều có thể thực hiện được, nhưng chúng ta lại không biết nơi nào là biên giới giữa cái có thể và cái không thể.
    Cái gì là cái không thể? Nếu không có đủ những trói buộc cản trở sự diễn biến lịch sử, thì ít nhất cũng có những cấm cản có thể ức chế vài khả năng. Điều chúng ta cần biết là những nguyên tố cản trở nào có tác dụng kìm hãm.
    Có những yếu tố có vẻ có tác dụng kìm hãm một cách tuyệt đối, nhưng lại có cái kẽ hở của chúng: ví dụ những bó buộc của cấu tạo lý-hoá đã làm cho sự sống không có khả năng hiện hữu được, cho đến một lúc sự sống lại xuất hiện một cách lệch hướng với sự phát sinh của những nguyên tắc cấu tạo mới.
    Cũng thế, sự xuất hiện của ngôn ngữ con người đã không thể có được trước khi cuộc cách mạng nhiều mặt của nhân loại xẩy ra, liên quan đến cấu tạo hình thể, di truyền, xã hội, văn hoá. Cuộc cách mạng này đã cho phép hộp sọ đứng thẳng hơn và hình thành một khoang trên thanh quản, nơi đó sau khi những dây thanh mềm xuống và vòm miệng tiến hoá, tiếng nói mới có thể được cấu âm. Trước khi có các thành phố và nông nghiệp, con người còn sống trong những xã hội nhỏ bé, phân tán, không có quốc gia, bằng cách săn bắt, hái lượm, lúc ấy những câu thúc rất mạnh mẽ cũng đã làm cho nông nghiệp và thành thị khó có thể được tổ chức.
    Có những thứ kìm hãm nào không thể vượt qua được? Cái kìm hãm duy nhất có tính phổ biến không thể vượt qua được là định luật thứ nhì của nhiệt động học. Căn cứ trên định luật này, cái chuyển động vĩnh cửu, đời đời bất diệt, thiên đàng hạ giới là chuyện không thể nào có được.
    Nhưng những kìm hãm có tính chất xã hội và kinh tế không thể vượt qua trong một hệ thống nào đó tuỳ tình thế lại có thể vượt qua được bởi/và trong những siêu hệ thống, như trường hợp hệ thống sinh vật so với hệ thống lý-hoá, như trường hợp của ngôn ngữ con người so với một hệ thống phát âm hay như là xã hội lịch sử so với xã hội cổ xưa. Dĩ nhiên siêu hệ thống cũng có những gò bó riêng của nó. Mà có hệ thống nào lại thoát được những câu thúc. Vì không thể loại trừ tất cả những trói buộc nên chúng ta biết rằng không thể nào tồn tại trên thế giới một thiên đường. Nhưng việc này không hề cấm cản khả năng đạt đến một thế giới tốt đẹp hơn.
    Và như thế chúng ta lại quay trở về với sự bấp bênh, không phải chỉ là sự bấp bênh mà chúng ta gặp phải khi điều bất ngờ, tai nạn, sự kiện mới (Goóc-ba-chốp, Nam tư...) luôn luôn xẩy đến một cách đột ngột và thường xuyên, mà còn là một sự bấp bênh sâu rộng hơn về phương diện tiềm lực xã hội và con người.
    Sự đánh cuộc
    Nguyên tắc của sinh thái học hành động(7), kéo dài ra thành nguyên tắc sinh thái học chính trị, có nghĩa là một hành động sẽ bắt đầu thoát khỏi ý định (ý tưởng) của những kẻ đã phát động nó một khi rơi vào quỹ đạo của những phản tương tác (tác động hỗ tương phản hồi (inter-rétro-actions) - ND) trong môi trường mà nó can thiệp vào. Cho nên "sự phản động của giới quý tộc" vốn là đầu mối của cuộc triệu tập Hội nghị tam cấp năm 1789, lúc đó đẳng cấp quý tộc vẫn tưởng sẽ nhờ vào chế độ bỏ phiếu theo đẳng cấp để lấy lại được những đặc quyền bị nền quân chủ chuyên chế tước đoạt, lại bất ngờ đã đưa đến một kết cục hoàn toàn trái ngược là sự xoá bỏ toàn bộ những đặc quyền của đẳng cấp này. Trái lại, các trào lưu cách mạng năm 1936 ở Tây ban nha, cuối cùng, như một phản ứng, lại dẫn đến cuộc đảo chính của phe (độc tài-ND) Franco (Phrăng-cô).
    Trong khoa khí tượng học cũng vậy, một sự phân hoá rất nhỏ trong một vùng then chốt có thể sinh ra những phản ứng dây chuyền rất lớn, từ đó nẩy sinh ý niệm "hiệu ứng bươm bướm" (8). Cũng thế, chỉ cần vài sự thay đổi nho nhỏ về tư tưởng trong đầu của thủ lãnh một đế quốc cực quyền lớn sẽ dấy lên một phong trào cải cách, ban đầu còn thận trọng và mang tính cục bộ, nhưng dần dần lan ra, bùng lên và theo tiến trình sẽ ở vào trạng thái bùng nổ, rồi với hiệu ứng của tác động / phản động, sự thất bại của phe phản động bảo thủ sẽ châm mồi lửa cuối cùng. Tiến trình này đã kết thúc với sự sụp đổ của chính đế quốc ấy trong vòng hai năm. Như thế là cũng có cả "hiệu ứng bươm bướm" trên phương diện lịch sử.
    Chung quy, những hậu quả về lâu về dài của một hành động chính trị thì hoàn toàn không thể tiên đoán được ở khởi điểm. Cũng vì thế những hậu quả dây chuyền từ năm 1789 đã hoàn toàn bất ngờ. Chính sách khủng bố cũng đã là việc không thể thấy trước được, cũng như chính biến của Tháng nóng, chế độ Tổng tài, Đế quốc, sự phục hồi vương triều Buốc-bông v.v.. Nhìn ở một góc độ lớn hơn thì những hậu quả ở Âu châu và trong thế giới của cuộc cách mạng Pháp đã không thể lường trước được cho đến kể cả năm 1917, cũng như sau đó không thể lường trước được những hậu quả của tháng 10 năm 1917, nghĩa là từ khi "chủ nghĩa xã hội được thiết lập tại một nước" cho đến lúc hình thành và sụp đổ của một đế quốc cực quyền.
    Như thế để nói rằng chính trị bị chi phối không phải chỉ bởi nguyên tắc không xác định được của hiện thực mà chúng ta đã đề cập ở trên, nhưng còn bởi cả những tác dụng của nguyên tắc không xác định được của sinh thái học hành động.
    Ngay cái vấn đề cổ điển về cứu cánh và phương tiện cũng phải được đặt vào trong một quan hệ không chắc chắn. Những thủ đoạn đê tiện dùng cho một mục đích cao cả có thể không những làm ô uế mục đích này mà chúng còn có thể đi đến chỗ tự biến mình thành cứu cánh. Vì thế khi Tchêka với sứ mạng là thanh trừng những phần tử phản cách mạng, đã không chỉ làm ô uế kế hoạch của chủ nghĩa xã hội mà còn tự mục đích hoá bản thân bằng cách trở thành một quyền lực cảnh sát tối cao dưới nhiều tên liên tiếp Guepeou, NKVD, KGB, với mục đích tự duy trì.
    Sinh thái học hành động cho chúng ta biết rằng cùng một lúc những ý đồ tốt đẹp có thể đưa đến những hậu quả đáng phỉ nhổ và những ý đồ xấu có thể sản sinh những kết quả tốt đẹp, ít nhất là như vậy trong thời gian đầu. Ví dụ năm 1991 khi cuộc đảo chính quân sự ở Mátxcơva nhằm phục hồi chế độ cũ thất bại lại cho phép xoá bỏ chế độ độc tài của Đảng cộng sản. Cho nên phải nhìn một cách biện chứng vấn đề của mục đích và phương tiện, nghĩa là không thể để cho một trong hai cái chiếm được địa vị chủ đạo(9).
    Sinh thái học hành động tựa hồ khuyên chúng ta đừng làm gì cả với ba lý do sau đây:
    a/ Hiệu ứng tệ hại (hiệu ứng bất ngờ xấu nhiều hơn hiệu ứng tốt mà chúng ta hy vọng)
    b/ Đổi mới chỉ là một sự hoài công (càng thay đổi càng quay về chỗ cũ)
    c/ Những thành quả bị uy hiếp (chúng ta muốn cải thiện xã hội nhưng lại chỉ thành công trong việc thủ tiêu những tự do và an toàn).
    Dĩ nhiên chúng ta không được coi thường ba vấn đề trên, bởi qua kiểm chứng chúng đã đúng một cách ghê gớm trong cuộc cách mạng Bôn-sê-vích và những gì xẩy ra sau nó. Nhưng chúng không có giá trị tuyệt đối của một quyết định luận và ngoài ra nếu thiếu đổi mới thì cũng chẳng khác nào cứ để mặc cho các tiến trình tàn lụi, thối rữa, suy thoái và vì vậy sẽ đi đến chỗ diệt vong.
    Sinh thái học hành động không khuyên chúng ta đừng làm gì cả, nhưng mời chúng ta vào sự đánh cuộc đầy nguy hiểm, vào cái sách lược hành động cho phép chúng ta cải tiến, thậm chí thủ tiêu những hành động đang xẩy ra. Sinh thái học hành động thúc đẩy chúng ta đến một quan hệ biện chứng giữa tư tưởng và hiện thực.
    Cái có thể / cái không có thể
    Hôm nay về mặt kỹ thuật và vật chất chúng ta có thể làm giảm bớt những bất bình đẳng, nuôi cho những người đói được ăn no, phân phát tài nguyên, làm giảm sự tăng trưởng dân số, làm bớt những suy thoái môi trường, cải cách lao động của con người, tạo lập nhiều cơ cấu cao cấp có tính toàn cầu với nhiệm vụ điều chỉnh và bảo hộ, phát triển Liên hiệp quốc thật sự thành một xã hội các quốc gia, làm cho quả đất được trở thành văn minh. Có thể xây dựng ngôi nhà chung một cách hợp lý, sửa sang khoảnh vườn chung. Truyền thông, tin tức và kỹ thuật có thể làm cho quả địa cầu gồm 3 tỷ người thời vua Louis (Lui) XIV sẽ dễ lèo lái hơn cả nước Pháp gần 20 triệu dân.
    Khả năng hình thành dư luận toàn cầu đang ở trong tầm tay chúng ta nhờ phương tiện truyền thông, nhờ các hình ảnh chớp nhoáng thể hiện sự liên đới toàn cầu đối với những cô nhi Rumani, những người tỵ nạn Campuchia, những người Bosnia bi thảm ; ý thức về bản sắc con người cũng như về thân phận công dân quả đất đang loé sáng qua những ánh đèn chớp này.
    Khả năng ý thức được cái vận mệnh chung tăng dần với hiểm nguy, chúng được nuôi dưỡng bởi những hiểm họa của vũ khí nguyên tử, của sự thoái hoá nơi bầu sinh quyển, của sự suy thoái nơi bầu nhân quyển cũng ở mức độ toàn cầu bởi bạch phiến và bệnh Siđa.
    Chúng ta đã nói qua rằng sự đoàn kết toàn cầu là một đòi hỏi hợp lý tối thiểu đối với nột thế giới đã trở thành nhỏ bé trong đó tất cả tuỳ thuộc lẫn nhau, nhưng sự đoàn kết tưởng dễ dàng này lại không thể thực hiện được vì nó đòi hỏi những chuyển biến trong các cấu trúc tâm lý, xã hội, kinh tế, dân tộc...
    Vì thế, cái có thể lại thành cái không thể và trong thế giới kỳ quặc đó chúng ta sống mà không có khả năng đạt đến được những giải pháp khả thi.
    Tuy nhiên, cái có thể mà không thể này lại rất hiện thực khi chữ "chủ nghĩa hiện thực" có nghĩa là nó phải phù hợp với những khả năng hiện thực của kinh tế, canh nông, kỹ thuật, khoa học v.v.., nói chung là của thực tế.
    Nhưng chính cái chủ nghĩa hiện thực toàn cầu này là cái hôm nay vẫn còn không tưởng!
    Lực lượng đối kháng to lớn
    Làm cho địa cầu được văn minh! Nhưng việc đầu tiên cần phải làm là ý thức được bản thân vấn đề văn minh. Văn minh chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài xã hội và con người chúng ta. Cần phải làm cho cái lớp này dầy thêm, điều này đòi hỏi phải sửa đổi một cách sâu sắc những quan hệ con người và chính đấy là một vấn đề.
    Sự man rợ nằm ngay trong văn minh, không chỉ theo nghĩa của Walter Benjamin (Ouantơ Bengiamin) là tất cả văn minh đều sinh ra từ man rợ mà còn theo nghĩa phức tạp của Freud (Phroy) (man rợ bị văn minh ức chế, nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt) và cũng trong nghĩa tổ chức hiện đại (những sự phát triển kết hợp khoa học, kỹ thuật, quan liêu tạo nên một sự man rợ đặc thù của văn minh).
    Ôi! Đâu chỉ cứ hy vọng, ước nguyện, lập kế hoạch là đủ, nếu chỉ có thế thì rồi tất cả đều vĩnh viễn chẳng đi đến đâu. Còn cần phải đồng thời tập trung biết bao nhiêu cải tổ, mà chính việc này hầu như không thực hiện nổi vì có muôn vàn sức mạnh to lớn đang chống đối nó.
    Có thể thực hiện được điều không thể?
    Có phải chúng ta đang lập lại một ước vọng mà cho đến hôm nay nó vẫn luôn luôn không thực hiện được dưới những hình thức Phật giáo, Kitô giáo, xã hội chủ nghĩa? Tư duy phức tạp dù sao cũng đã ý thức được sự khó khăn to lớn vì biết rằng: không có sự vật nào mà không mang tính nhị trùng, trong cái tốt có cái xấu, trong cái xấu có cái tốt, rằng tột đỉnh của thiện mỹ và hoàn hảo là nơi không thể nào đạt đến được, rằng trong sinh thái học hành động của con người thì những tác dụng phản hồi lẫn nhau luôn luôn chồng chéo không lường trước được và không có cách nào loại bỏ "mặt tiêu cực".
    Cần phải có một tiến bộ ghê gớm của con người mới có thể giải quyết được những vấn đề sơ đẳng của chúng ta.
    Chúng ta có thể nói thẳng ra rằng tình cảnh này theo lý luận thì tuyệt vọng: sự đổi mới càng trở thành cấp bách thì nó càng trở nên đa chiều và triệt để, và hệ thống tinh thần, xã hội, kinh tế của chúng ta càng làm cho nó không thể thực hiện được.
    Nhưng về mặt lý luận nếu tình thế đã tuyệt vọng thì điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã đến một biên giới lôgíc, nơi nhu cầu thay đổi cũng như sự thôi thúc phức tạp hoá có thể dẫn đến các biến chuyển và làm xuất hiện những siêu hệ thống. Chính khi một tình thế về mặt lý luận ở vào trạng thái bế tắc là lúc mà cái mới sẽ xuất hiện và một sự sáng tạo sẽ xẩy ra, những thứ này luôn luôn vượt hẳn lên trên lôgíc. Cũng thế khi tổ chức hoá học của toàn bộ hàng triệu phân tử trên cơ sở lôgíc không thể thực hiện được thì đó sẽ là lúc một tổ chức sống tự-sinh thái lại ra đời.
    Như chúng ta đã đề cập, sự tiến bộ dĩ nhiên cần thiết về mặt đạo đức và chính trị sẽ không phải là một sự cần thiết về phương diện lịch sử ; bản thân của sự tiến bộ bị chi phối bởi nguyên tắc của bất trắc. Cái mà chúng ta muốn nó phải đi tiên phong trong cuộc vận động lịch sử toàn cầu chỉ là và có lẽ sẽ chỉ là một hậu vệ nhỏ bé để chống lại sự man rợ. Một lần nữa, chúng ta gặp lại ở đây cái đòi hỏi đề kháng cấp bách mà chúng ta đã nói ở trên (xem chương IV).
    Nhưng không phải vì thế mà vận mệnh chúng ta tất yếu sẽ bị tiêu vong. Ngược lại, những lực lượng man rợ, chia rẽ, mù quáng, phá hoại làm cho một chính sách toàn cầu trở thành không tưởng hiện đang đe doạ nhân loại ghê gớm càng làm chúng ta thấy rằng chính sách tiến hoá nhân loại và cuộc cách mạng toàn cầu là lời giải đáp cho một nhu cầu sinh tồn.
    Tư tưởng không bắt chúng ta đề xuất một thứ "phải như thế nào". Mác đã từng nói: "chỉ cố sức đem thể hiện tư tưởng thành hiện thực vẫn chưa đủ, bản thân hiện thực còn cần phải hướng về tư tưởng nữa". Ngày nay đã có cái chuyển động song hành đó: những lực lượng thế giới hoá thật sự đang hướng về tư tưởng và tư tưởng có thể đi về hiện thực bằng cách cho những lực lượng đang ảnh hưởng thế kỷ này một ý nghĩa toàn cầu về lòng bác ái và thông cảm. Nhưng tiếc thay lại cũng có một chuyển động thực đang đi về hướng trái ngược. Và ở đây chúng ta lại gặp lại sự không chắc chắn.
    Nhưng nếu sự không chắc chắn của hiện thực là cơ bản thì chủ nghĩa hiện thực chân chính, trong khi vẫn coi trọng những chắc chắn cục bộ, những khả năng và bất khả năng, lại đặt cơ sở của nó trên sự không chắc chắn của hiện thực.
    Sự không chắc chắn của tinh thần và của hiện thực đồng thời có thể đưa đến cơ may cũng như hiểm hoạ. Thiếu chủ nghĩa hiện thực trực tiếp sẽ đưa đến chỗ vượt ra ngoài cái trực tiếp. Vấn đề là đừng đi theo chủ nghĩa hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (thích ứng với cái ngay trước mắt) mà cũng đừng theo chủ nghĩa phi hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (vượt ra khỏi những giới hạn của hiện thực), nhưng theo một chủ nghĩa hiện thực với nghĩa phức tạp (hiểu được cái bất trắc của hiện thực, biết rằng còn có khả năng chưa nhìn thấy được trong hiện thực), điều này vẫn thường mang tính phi hiện thực.
    Một lần nữa ở đây, hiện thực lại thoát khỏi tầm tay của những người theo chủ nghĩa hiện thực và của cả những người theo chủ nghĩa không tưởng.
    Hiện thực thế giới đúng là không thể nắm bắt được, nó bao hàm những bất trắc to lớn vì tính phức tạp, vì những thăng trầm, những động lực đối kháng, pha trộn, những lối rẽ bất ngờ, với những khả năng tưởng chừng không thể có và những cái không thể lại tưởng chừng như có thể. Tính không thể nắm bắt được của cái hiện thực tổng thể lại tác động ngược trên những bộ phận đặc thù, bởi vì sự biến hoá của các bộ phận vốn tuỳ thuộc vào sự biến hóa của tổng thể.
    Ở đây chúng ta đứng trước một nghịch lý phi thường, trong đó chủ nghĩa hiện thực lại trở thành không tưởng và cái có thể lại thành không thể. Nhưng nghịch lý này cũng nói với chúng ta rằng vẫn có một cái không tưởng có tính hiện thực và vẫn có một cái không có thể có mà lại có. Nguyên tắc bấp bênh của hiện thực là một khe hở vừa ở trong chủ nghĩa hiện thực lại vừa ở trong cái không thể. Chính trong kẽ hở này mà chính trị nhân loại phải được đặt vào.
    Chúng ta lập lại ở đây điều đã từng đề cập: phải biết đánh cuộc ở phía bên kia của chủ nghĩa hiện thực và của chủ nghĩa phi hiện thực.
    Chú thích:
    (1) Xem những chẩn đoán và dự đoán của tôi trong "Để ra khỏi thế kỷ XX", Pour sortir du XXe siècle (1re édition - 1981) Paris, Ed. du Seuil, "Points Essais". "Về bản chất của Liên-xô", (De la nature de l'URSS). Paris, Fayard, 1983, tr. 215 - 224 và 250 - 251. "Tư duy về Âu châu", (Penser l'Europe). Paris, Gallimard, "Folio", 1990.
    (2) Xem E. Morin "Phương pháp luận", t. 3, "Sự hiểu biết của Tri thức", sđd, tr. 209 - 210.
    (3) Về khái niệm phạm thức (Paradigme) mà có nơi dịch là hệ ý niệm, xem E. Morin "Phương pháp luận" tập 4, "Tư tưởng", sđd, tr. 211 - 238.
    (4) Xem E. Morin "Phương pháp luận" sđd, tr. 113 - 128
    (5) Sách đã dẫn, tr.147.
    (6) S. Korber, "Chính sách đối ngoại" (Foreign Policy), No 79, 1990, Washington DC tr. 3- 24.
    (7) Xem E. Morin, "Dẫn nhập vào tư tưởng phức tạp", sđd.
    (8) Sự đập cánh của một con bướm ở châu úc có thể gây nên một cái vòi rồng lục địa ở New York.
    (9) Xem Edgar Morin : "Để ra khỏi thế kỷ XX", sách đã dẫn tr. 300 - 302
    Trong thế kỷ này, chúng ta đã đi từ chính trị của cái chính phủ tốt đến chính trị - phúc lợi, từ Nhà nước sen đầm đến Nhà nước trợ lý.
    Đầu tiên bằng chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch ở thế kỷ XIX, rồi bằng đạo luật chống tờrớt, chính trị đã đưa kinh tế vào dưới trướng của nó ; sau đó nó đã quản lý kinh tế bằng sự định hướng và sự kích thích tăng trưởng, bằng sự kiểm soát thậm chí bằng cả sự điều khiển của Nhà nước qua kế hoạch hoá.
    Nhu cầu của những cá nhân và dân chúng cũng đã rơi vào sự quản lý của chính trị:
    - Trợ giúp và bảo hộ mọi người thông qua trợ cấp nhiều mặt, bảo hiểm đời sống, công việc, bệnh tật, hưu trí cũng như những dịch vụ phụ sản, vườn trẻ, nhà dưỡng lão, mai táng...
    - Bồi thường thiệt hại do thiên tai (lụt lội, động đất v.v..) càng ngày càng thuộc phạm vi nhiệm vụ của các chính phủ.
    - Chính sách giáo dục đã được hệ thống hoá và nới rộng ra chính sách văn hoá và nhàn thú.
    - Để cho tự do hay kiểm soát những phương tiện truyền thông hiện đại cũng thuộc phạm vi cách đặt vấn đề chính trị.
    - Nhìn một cách tổng thể hơn, sự phồn vinh và phúc lợi đã được nâng lên hàng của những mục tiêu chính trị
    Như thế, chính trị đã ngấm vào tất cả mọi ngõ ngách của xã hội, đồng thời nó cũng đã để cho tất cả những vấn đề xã hội thâm nhập vào nó.
    Những vấn đề sống và sống còn, theo đúng nghĩa sinh vật của từ ngữ đã đột nhập một cách ngoạn mục và toàn diện vào chính trị.
    - Chính sách bảo vệ sức khoẻ đã tiếp nối chính sách cứu tế công cộng và từ nay không chỉ liên quan đến những người bệnh, kẻ tật nguyền mà toàn thể nhân dân. Nó còn đảm nhiệm sự phòng chống bệnh ung thư, siđa cũng như các loại ma tuý, thậm chí cả thuốc lá.
    - Một chính sách bảo đảm mức sống tối thiểu đã được phổ cập ở những nước giầu, trong khi đó phong trào chống đói ở những xứ nghèo đã thuộc phạm vi của chính sách quốc tế.
    - Vấn đề nhân khẩu đã trở thành một sự quan tâm chính trị trọng yếu dù khuynh hướng là giảm hay tăng dân.
    Những khả năng can thiệp y - sinh học, càng ngày càng ảnh hưởng, biến đổi vấn đề tử vong, sinh đẻ, bản sắc con người, và đã bắt đầu đặt ra những vấn đề chính trị như:
    - Vấn đề (giúp cho) chết không đau đớn, trích ghép các bộ phận cơ thể, truyền máu, quyền phá thái, bảo tồn tinh trùng, thụ tinh nhân tạo, mang thai dùm người khác v.v.. nhất là thao tác gien cho phép quyết định giới tính, đặc tính vật chất và có lẽ cả tâm lý của đứa trẻ sẽ ra đời, tất cả đã trở thành những vấn đề không phải có tính cách cá nhân, gia đình mà còn liên quan đến những quyết định chính trị.
    Vì thế với khả năng sửa đổi không những cách chuyển giao mà cả bản thân di sản di truyền này, đến lượt bản chất của con người và xã hội cũng trở thành những vấn đề phải đặt ra: sự sinh, sống và chết của con người từ nay đã rơi vào lãnh vực chính trị. Cha, mẹ, con cái, trai, gái, nghĩa là những khái niệm cơ sở trong tổ chức gia đình, xã hội một khi gặp phải những hỗn loạn tác động đến đều vấp phải các tiêu chuẩn chính trị. Khái niệm "con người" đã trở thành một cái gì có thể bị sửa đổi bởi những kỹ thuật thao tác di truyền, và chẳng bao lâu nữa có nguy cơ sẽ bị tiêu chuẩn hoá bởi một chính quyền nào đó có cơ hội nắm được quyền thao tác những kỹ thuật này.
    Khi bắt buộc phải đương đầu với những vấn đề nhân loại cơ bản, chính trị đã trở thành, dù muốn hay không, và thường là vì vô ý thức, một thứ "chính trị về con người"
    Và, địa cầu với tư cách như thế đã bị chính trị hoá, đồng thời chính trị đã trở nên toàn cầu: sự đe doạ của vũ khí nhiệt hạch trên nhân loại là một vấn đề chính trị trọng đại. Và từ 20 năm nay, sinh thái học đã trở thành một vấn đề chính trị không chỉ ở mức độ địa phương (suy thoái của những hệ thống sinh thái) mà còn ở mức độ tổng thể (tình hình xấu đi của sinh quyển)
    Vì thế, chính trị phải nghiên cứu tính đa chiều của những vấn đề nhân loại. Đồng thời, vì sự phát triển đã trở thành một mục tiêu chính trị trọng yếu và từ ngữ phát triển có nghĩa là (dĩ nhiên theo kiểu lệch lạc và què quặt) nhận lãnh trách nhiệm chính trị về tương lai con người, cho nên chính trị đảm trách tiền đồ nhân loại trong thế giới này cũng theo kiểu lệch lạc và què quặt như vậy. Và tiền đồ nhân loại trong thế giới vốn mang trong nó vấn đề triết học về ý nghĩa cuộc đời, những mục tiêu nhân loại và vận mệnh nhân loại, từ giờ trở đi đã bị chính trị hoá. Trên thực tế, như thế chính trị đã được đưa ra để đảm nhận vận mệnh và tương lai của con người cũng như của quả đất.
    Chính trị tổng hợp và chính trị cực quyền
    Từ thời Đại cách mạng Pháp trở đi, đã có sự đột nhập rồi lan tràn của một thứ huyền thoại từ trên trời rơi xuống và một thứ gần như tín ngưỡng về sự cứu rỗi bằng chính trị. Đối với St Just (Xanh Gútxt), cách mạng sắp sửa đem đến hạnh phúc cho Âu châu. Về phần Mác, ông ta biến chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XIX thành một tôn giáo cứu rỗi ở trần gian, theo nó sứ giả vô sản của trời sẽ phá bỏ tất cả những áp bức và chia rẽ con người. Trong khi phe xã hội - dân chủ chỉ gán cho thiên chức của chính trị mỗi một ý nghĩa trợ lý/ bảo hộ thì cái tính chất phúc lợi này lại mang một ý nghĩa gần như cứu rỗi của tôn giáo ở dương gian theo cách giải thích của chủ nghĩa Mác - Lê. Chính trị vì thế đã được trao cái sứ mệnh lớn lao của những tôn giáo cứu rỗi, chỉ khác một điều là thay vì hứa hẹn một cứu rỗi ở thiên đường sau khi chết thì nó lại hứa hẹn điều đó ngay trong cuộc đời ở hạ giới này.
    YÙ tưởng về một cuộc cách mạng sẽ thay đổi thế giới, thay đổi đời người, được khích lệ bởi một huyền thoại to lớn và bởi một ý chí ngoan cường đã cho ra đời một thứ chính trị trở thành cực quyền. Chính vậy, thế kỷ XX đã được đánh dấu bởi một sự phô trương đại quy mô mang tính thần thoại và tôn giáo của chính trị cực quyền này. Cái đỉnh cao, rồi sự sụp đổ của nó đã chứng minh rằng: cho dù một chính trị có thể cưỡng chế mọi mặt của đời sống một xã hội, nó vẫn không thể cáng đáng hay giải quyết toàn bộ những vấn đề con người.
    Nhưng rồi, chủ nghĩa cực quyền dưới bộ mặt tôn giáo và ý trời đã cho thấy những đặc điểm đương đại của chính trị, cái chính trị dính dáng đến tất cả mọi mặt của đời sống con người và nó phải đảm nhiệm tương lai của con người trên thế giới.
    Một chính trị trống rỗng và vụn vỡ
    Chính trị truyền thống không cực quyền đã bành trướng đến trình độ của một chính trị tổng thể, nhưng đồng thời lại trở thành trống rỗng và vụn vỡ.
    Kinh tế, kỹ thuật, y học, sinh học v.v.. sau khi thâm nhập vào lĩnh vực chính trị đã đưa giới quan liêu kinh tế, kỹ thuật, hành chính và chuyên gia vào các cơ quan tư vấn, các guồng máy nhà nước cùng các đảng phái. Những người này dựa trên ngành nghề và trên phương pháp suy nghĩ cứng nhắc, riêng biệt của họ để chia nhau khu vực chuyên môn cho mình.
    Rồi càng ngày càng có thêm nhiều nước, ở đó những đối kháng cũ về ý thức hệ đã yếu, chính trị mất dần những tư tưởng lớn, nhường chỗ cho các mục tiêu kinh tế trở thành ưu tiên: đồng tiền ổn định, chỉ số tăng trưởng, cán cân ngoại thương, năng suất các xí nghiệp, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cũng vậy ở vào giai đoạn này, kinh tế đang chỉ huy, thậm chí tóm thâu cả chính trị.
    Vì thế cùng một lúc chúng ta rơi vào :
    - Trong sự khô héo và xơ cứng của một chính trị truyền thống không còn nhận thức được những vấn đề mới mà nó phải đương đầu.
    - Giữa hỗn độn của một chính trị gồm nhiều vấn đề đa chiều mà chúng lại chỉ được xử lý một cách khu biệt, rời rạc, vá víu.
    - Trong sự suy thoái của một chính trị bị thôn tính bởi các chuyên gia, những nhân viên quản lý, quan liêu kỹ thuật và kinh tế...
    Từ đó sinh ra cái khó khăn lớn: một chính sách về con người phải đảm nhiệm tính đa chiều và toàn bộ vấn đề nhân loại mà không được trở thành cực quyền. Nó phải bao gồm hành chính, kỹ thuật, kinh tế mà không để cho những thứ này giải thể nó, nghĩa là phi chính trị hoá nó đi.
    Chính trị đa chiều phải đáp ứng được những vấn đề đặc biệt rất đa dạng nhưng không theo một cung cách quá khu biệt và rời rạc. Nó cần có tính kỹ thuật nhưng không được phục tùng hệ thống chuyên môn hoá, bằng không nó sẽ đánh mất cái tổng thể, cái căn bản và trách nhiệm. Ngược lại nó phải luôn luôn có tầm nhìn tổng thể - toàn cầu - , nâng cao quan điểm về những vấn đề cơ bản - ý nghĩa cuộc đời, mục tiêu của con người - , và cái tình cảm trách nhiệm - cái mà con người chỉ có khi ý thức được những vấn đề cơ bản và tổng thể.
    Cuối cùng, nếu thật tình sự tưởng tượng không chỉ là một loại hơi nước vô hình mà còn là bộ phận tạo thành năng lực phức tạp của hiện thực nhân loại; nếu quả tình thần thoại không phải là một loại thượng tầng kiến trúc mà là một trong những khâu của quy trình tự tổ chức văn hoá xã hội theo luật nhân quả tuần hoàn; nếu quả tình tình cảm, ái tình, hận thù không chỉ là việc vặt của cá nhân mà là một cái gì sinh tử của nhân loại, thì lúc đó chính trị không thể xem những vấn đề chỉ ở mức độ tầm thường của kỹ thuật, kinh tế và số lượng.
    Sau lần sụp đổ của lời hứa "đổi đời" rất thi vị, chính trị đã trở thành cực kỳ khô khan nhàm chán (vì bị kỹ thuật hoá, quan liêu hoá về mặt hành chính và kinh tế). Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng cùng một lúc con người sống trên trái đất này một cách vừa thi vị vừa phàm tục (như ta sẽ xem ở chương VIII)(1) và thơ không chỉ là một hình thức văn học, mà còn là một phương thức sinh hoạt bằng sự góp mặt, bằng tình yêu, nhiệt thành, thông cảm, cuồng nhiệt, nghi lễ, hội hè, say sưa, vũ điệu, ca khúc. Chính những điều này đã làm thay đổi bộ mặt của cuộc sống khô khan gồm những công việc thực tiễn, thực dụng, kỹ thuật. Tính thực dụng và thi vị luôn luôn cần bổ sung và luân phiên cho nhau.
    Như thế để nói rằng, cái chính trị con người, dù không cáng đáng được giấc mơ xoá bỏ cái tầm thường nhạt nhẽo của thế giới bằng cách thực hiện hạnh phúc trong cuộc sống nữa thì nó cũng không thể tự giam hãm trong cái phàm tục của "xã hội hậu công nghiệp" hoặc của "tiến bộ kỹ thuật"
    Chính trị, dù phải thâm nhập vào mọi chiều hướng của nhân loại cũng không được trở thành chúa tể của nó. Sự quy kết tất cả những chiều hướng này thành chính trị chỉ có thể làm chúng què quặt và dẫn đến cực quyền.
    "Tuy không có gì thoát khỏi chính trị, nhưng tất cả những gì bị chính trị hoá vẫn phải giữ được phần nào đó phi chính trị. Chính trị dù bao gồm tất cả, nhưng chính nó cũng phải được bao gồm bởi tất cả cái nó bao gồm. Vấn đề ở đây là phải xử lý quan hệ giữa chính trị và những chiều hướng của con người một cách biện chứng. Tất cả những gì thuộc con người một khi ở trong lĩnh vực chính trị phải có đặc tính nhân loại học. Cho nên ý niệm về chính trị con người hoặc nhân loại chính trị(2) không được quy kết vào bản thân tất cả những chiều hướng mà nó bao hàm: nó phải phát huy ý thức chính trị và quan điểm chính trị bằng cách thừa nhận và tôn trọng phần phi chính trị ở trong nó.
    YÙ niệm về chính trị con người dẫn đến cái ý niệm chính trị toàn cầu, cái ý niệm chính trị toàn cầu lại dẫn đến cái ý niệm chính trị con người. Chúng cùng nói với chúng ta rằng chính trị không được chỉ đơn độc hoặc cơ bản là chính trị của các dân tộc, của các đảng phái, của các Nhà nước.
    Đặc tính đa chiều, toàn cầu và nhân loại học của chính trị là hậu quả của ý thức cơ bản dưới đây:
    Cái gì ở giáp giới của chính trị (những vấn đề về cuộc đời con người, sự phát triển, sự sống và chết của cá nhân cũng như sự sống và chết của chủng loại) đều có khuynh hướng hướng tâm. Vì vậy chúng ta phải làm sao để xây dựng được một chính trị con người trong thế giới, cái chính trị có trách nhiệm toàn cầu, có nhiều kích thước nhưng không cực quyền. Sự phát triển của những con người, của sự liên hệ hỗ tương giữa chúng ta, của chủ thể có tính xã hội chính là mục tiêu của chính trị con người trong thế giới thông qua tiến trình tiến hoá nhân loại.
    Cái chính trị này vượt lên trên sự "cách tân" (aggiornamenti), hiện đại hoá và hậu hiện đại hoá, nhưng chúng ta sẽ thấy, nó không thờ ơ một chút nào với cái trước mắt, cái cục bộ, địa phương và trung hạn.
    Tính phức tạp trên cơ sở nhân loại học
    Con người có thể hy vọng gì?
    Tất cả chính trị nhắm vào sự phát triển con người, vào một thế giới tốt đẹp hơn đều phải tự đặt cho mình một câu hỏi như trên. Và điều này buộc nó phải tìm hiểu con người, xã hội, thế giới.
    Mác đã làm đúng như thế. Xuất phát từ những phạm trù triết học và nguyên tắc khoa học đương thời, ông đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng. Tiếc thay, ông ta đã tưởng là vĩnh cửu cái điều thật ra chỉ là giây phút trong sự phát triển của khoa học: Thuyết tất định và chủ nghĩa duy vật. Mác tin một cách ngây thơ rằng mình đã khám phá được Quy luật của Lịch sử, một thứ vốn tự do phóng túng không bao giờ biết đến quy luật là gì. Ông đã hài lòng với khái niệm què quặt và hồ hởi về con người mà không biết gì về cái con người phi hiện thực và bộ mặt khác của con người tinh khôn là con người rồ dại, ông ta quá tin vào sự tiến bộ vì một nhiệt tình cứu thế vô ý thức, tự đưa mình đến chỗ tin vào một đấng cứu thế chính trị (giai cấp vô sản), vào một ngày tận thế (cách mạng), một sự cứu rỗi (xã hội không giai cấp).
    Hôm nay, như chúng ta đã thấy, cái thế kỷ thứ 5 của kỷ nguyên toàn cầu này vẫn không cho phép (mà chưa biết đến bao giờ) những khoa học vật lý, sinh vật, nhân văn nói lời cuối cùng về tri thức vũ trụ - sinh vật - nhân loại, mà mới chỉ cho phép chúng thừa nhận tính phức tạp của con người tinh khôn rồ dại, tính phức tạp của sinh vật, tính phức tạp quả đất và vũ trụ. Ngày nay mặc dù có một sự đề kháng ghê gớm của những cấu trúc tinh thần và thể chế, cái tư duy phức tạp vẫn còn có khả năng đi những bước đầu tiên và, không thu gọn, không tách rời, cũng không vì vậy mà xáo trộn hay đồng hoá tất cả, nó sẽ nối lại những gì rời rạc trong khi vẫn giữ được những sự phân biệt và khác nhau.
    Nhân loại học phức tạp có thể soi sáng cho chính trị nhân loại. Con người không có sứ mạng tối cao là chinh phục thiên nhiên. Nhưng nó có thể theo đuổi sự tiến hoá nhân loại. Sự tiến hoá nhân loại lại không có gì là được xác định: con người tinh khôn rồ dại đồng thời có lòng tốt nguyên thuỷ mà cũng có tính xấu nguyên thuỷ, hai thứ này quyện vào với nhau(3). Cần phải thừa nhận tính hai mặt này, nó mang trong bản thân sự yếu đuối, khốn khổ, thiếu thốn, tàn ác, lòng tốt, cao thượng, khả năng tiêu diệt và sáng tạo, ý thức và vô thức, cái mà Pascal đã nói trong một trang kiệt tác về nhân loại học(4).
    Dùng tính phức tạp làm hướng đạo: Sinh thái chính trị và chiến lược.
    Chúng ta hãy nhắc lại nguyên tắc của sinh thái chính trị. Chính trị không có một quyền lực độc tôn trên xã hội và thiên nhiên, nó phát triển một cách độc lập / phụ thuộc (5) trong một hệ thống sinh thái xã hội. Cái hệ thống này bản thân lại nằm trong một hệ thống sinh thái tự nhiên và những hậu quả hành động của nó thâm nhập ngay vào trong sự vận hành của những phản tương tác của toàn bộ xã hội và tự nhiên, chỉ tuân theo một cách ngắn hạn và hiếm hoi cái chủ định hay ý chí của những người chủ trương nó. Điều này còn đúng hơn trong thời đại toàn cầu, lúc mà sự phụ thuộc lẫn nhau trở thành phổ biến đã làm cho những hành động địa phương và đặc thù có những hậu quả toàn bộ, rộng rãi và bất ngờ. Nguyên tắc sinh thái của các hành vi chính trị vì vậy phải không ngừng hiện diện trong tư tưởng nhân loại học và trong chính trị toàn cầu.
    Chiến lược là hành vi hợp lý được đem dùng trong một cục diện và một bối cảnh chưa được xác định và có tính nguy hiểm. Một chiến lược được xây dựng trên cơ sở của những mục tiêu và những nguyên tắc, có thể phác hoạ nhiều kịch bản hành động diễn biến khác nhau, nhưng nó sẽ lựa một kịch bản mà nó xem là thích hợp nhất cho tình thế: Có lúc cần chọn một phương án ít hiểm nguy nhất, nhưng cũng ít cơ may nhất, có lúc lại cần chọn một phương án nhiều cơ may nhất nhưng cũng mang nhiều nguy hiểm nhất. Chiến lược có thể làm thay đổi giữa chừng phương án hành động của nó tuỳ theo những thông tin, phản ứng, sự kiện ngẫu nhiên, sự xuất hiện hay biến đi đột xuất của các chướng ngại. Nó tích luỹ kinh nghiệm cùng khả năng trong quá trình khắc phục những nghịch cảnh.
    Chiến lược của chính trị nhân loại toàn cầu khó mà thoát được việc phải phát triển trong một sự bất trắc cực kỳ. Những dự báo tương lai đầy ảo tưởng 25 năm trước đã sụp đổ. Có không biết bao nhiêu hiện tượng va chạm, xung đột, biến hoá, tuỳ thuộc lẫn nhau, những tương tác và phản tác dụng dây chuyền làm cho con người không thể nào hy vọng vào một tương lai có thể tin cậy được. Chúng ta chỉ có thể đánh cuộc trên một tương lai mong ước, có thể có nhưng không chắc chắn, bằng cách xây dựng cái chiến lược thích hợp với sự bất trắc toàn cầu.
    Chiến lược của chính trị nhân loại toàn cầu phải được xây dựng từ những ý tưởng chủ đạo hay những ý tưởng - dẫn đường, nghĩa là những mục tiêu mà chúng ta đã tìm cách đề xướng (xem chương IV).
    Những nguyên tắc chính trị nhân loại học rất phức tạp, gói ghém ở bản thân chúng tính bấp bênh hoặc / và tính đối kháng. Cho nên nguyên tắc của sinh thái hành động cũng vậy, nó chứa đựng trong nó tính bấp bênh, nhưng lại cho phép sửa sai hay từ bỏ hành động này khi nó đi ngược lại dự định. Chúng ta đã từng nói là những nguyên tắc có tính đối thoại mang trong chúng 2 hoặc 3 mệnh lệnh bổ sung / đối kháng, như nguyên tắc kết hợp sau đây:
    Bảo tồn -> Cách mạng --> Đề kháng
    ^<-------------------v<----------------v
    Lại cũng cần nói về nguyên tắc đối thoại, nguyên tắc phải biết kết nối sự biến đổi và điều chỉnh. Tất cả những biến đổi đều có thể làm rối loạn / tái tổ chức. Nó huỷ hoại những cấu trúc cũ để thiết lập những cái mới. Tất cả những canh tân đưa đến cải biến là một sự đổi hướng và vì những điều chỉnh có sẵn vốn có nhiệm vụ triệt tiêu những đổi hướng, nên để thay đổi được, nó cần phải phá vỡ những điều chỉnh này, nhưng lại phải tái tạo ngay những cái mới để tránh đi đến giải thể làm cho bản thân những canh tân bị huỷ bỏ. Như vậy cần phải có những nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy tắc - chữ này bản thân nó hàm nghĩa điều chỉnh - để phá bỏ điều chỉnh hầu cho phép canh tân và thiết lập những điều chỉnh mới nhằm duy trì những biến đổi.
    Chúng ta đã nói qua "quy luật lớn nhỏ" của hiểm nguy và cơ hội. Cơ hội càng nhiều thì lại càng làm tăng thêm những rủi ro và ngược lại rủi ro giảm cũng kéo theo sự giảm thiểu của vận may. Trong trường hợp đầu, nguyên tắc lựa chọn là sự táo bạo, trong trường hợp thứ hai nó lại là sự thận trọng. Thế mà rất khó quyết định lúc nào là lúc nên thận trọng hơn là táo bạo. Về tiến trình tổng thể của quả đất, như chúng ta đã nói ở phần trước, trong các mục tiêu của con người địa cầu cần có sự giảm tốc, ở đây sự thận trọng phải trở thành một nguyên tắc tổng thể. Nhưng nguyên tắc tổng thể này không có nghĩa là sự tăng tốc thì không cần thiết trong những tình huống khủng hoảng, lại cũng không phải không đòi hỏi sự táo bạo để làm chuyển động những sức ỳ. Cũng thế, cần phải đề cao những nguyên tắc đạo đức theo đó những phương tiện phải thích hợp với cứu cánh, nhưng quan niệm phức tạp của liên hệ tuần hoàn giữa cứu cánh và phương tiện đã cho chúng ta thấy rằng trong những hoàn cảnh cực đoan, những thủ đoạn "xấu" lại trở thành cần thiết để cứu vớt cho tình hình khỏi bị xấu hơn.
    Trong những nguyên tắc, chúng ta cũng cần nói đến tính bổ sung giữa nguyên tắc liên đới và tổng thể, nguyên tắc vốn đòi hỏi sự xử lý trên bình diện toàn cầu những vấn đề có quy mô tổng thể, toàn diện, và nguyên tắc phụ trợ, nguyên tắc vốn vẫn dành cho các dân tộc, khu vực và địa phương quyền hạn xử lý một cách độc lập những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ.
    Cuối cùng chúng ta hãy nhắc lại sự phức tạp riêng của nguyên tắc tam vị nhất thể Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Ba thứ này bổ sung cho nhau: cần có tối thiểu một ít tự do và công bằng để có được bác ái, một ít bác ái để tự do không trở thành phóng túng và để công bằng được thừa nhận trên nguyên tắc - Những từ này cũng hàm chứa những đối kháng giữa chúng với nhau, bởi vì tự do có khuynh hướng phá huỷ công bằng và bất chấp bác ái, bởi vì công bằng đòi hỏi những gò bó có thể đụng chạm đến tự do, và bởi vì bác ái, khác với hai nguyên tắc kia, nó không có thể được áp đặt hoặc bảo đảm bởi bất cứ luật pháp nào ngay cả bởi hiến pháp. Tuy nhiên, như Jean Onimus (Giăng Ônimúx) đã nói, bác ái đâu phải là không tưởng hơn tự do và công bằng, bởi vì những thứ này không phải lúc nào cũng hoàn toàn được thể chế hoá. Tuy nhiên, ở đây chúng ta lại vẫn phải dựa vào nguyên tắc của sinh thái học hành động để cho những tính năng của tự do, công bình, bác ái không bị biến chất. Vì đã có biết bao tội ác xẩy ra đối với tự do dưới danh nghĩa tự do, đối với công bình dưới danh nghĩa công bình, đối với bác ái dưới danh nghĩa bác ái.
    Chiến lược chính trị nhân loại phải tuân theo một số tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này không phải là những mệnh lệnh đạo đức, nhưng là những quy tắc hành xử được rút ra sau khi đối chiếu với những nguyên tắc, những mục tiêu, những ý tưởng-dẫn đường qua những hiện trạng, những lôgíc chủ đạo, những khuynh hưóng tiến hoá đương đại. Tóm lại, những tiêu chuẩn này tuỳ thuộc cùng một lúc vào những mục tiêu, những nguyên tắc và những cân nhắc có tính kinh nghiệm về những điều kiện hành động. Vì thế, nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc chất lượng - "ít nhưng tốt hơn" - có thể được xem là những tiêu chuẩn.
    Chúng ta có thể rút ra hai tiêu chuẩn thường trực sau đây:
    Tiêu chuẩn 1 : Nỗ lực thúc đẩy tất cả những gì có tính kết hợp, chống lại cái gì có tính chia rẽ. Điều này không có nghĩa phải bảo tồn những gò bó bá quyền trên một dân tộc hay một sắc tộc đang muốn tự giải phóng. Kết quả của chính trường hợp này là sự giải phóng không phải dẫn đến một sự cô lập và cắt đứt những liên hệ văn hoá, kinh tế có sẵn mà dẫn đến một nhu cầu tham gia vào một tập hợp chung. Vì vậy, ví dụ sự giải phóng của những nước ven bờ biển Ban-tích phải kèm theo sự hội nhập trong một tập hợp Ban tích mới - Thuỵ điển, Na-uy, Phần lan, Đan mạch, Nga - và thiết lập những liên hệ đặc biệt với nước Nga, không phải chỉ để gìn giữ những bổ sung kinh tế cho nhau, nhưng cũng để cung cấp cho những sắc tộc thiểu số ở Nga có được một quy chế bảo vệ họ.
    Sự đồng thuận, nghĩa là sự tập hợp và liên đới một cách sâu rộng hơn phải trở thành, như Arturo Montes (Acturô Môngtétx) đã nói, động cơ chính và mới của lịch sử, rồi trên cỗ máy này sẽ ghép thêm cái cỗ máy truyền thống: đấu tranh.
    Tiêu chuẩn 2 : Đi tìm tính phổ quát cụ thể. Trở lực không chỉ đến từ những tập hợp vị kỷ hoặc chủng tộc trung tâm vốn lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ lợi ích riêng, nhưng nó còn đến từ những tính phổ quát giả tạo, cứ tưởng mình hiểu / phụng sự lợi ích chung nhưng thật ra vẫn chỉ tuân theo một sự hợp lý hoá trừu tượng. Tiêu chuẩn của cái phổ quát cụ thể thật ra rất khó áp dụng. Lợi ích chung không có nghĩa là tổng số, cũng không phải là sự phủ nhận những lợi ích riêng. Sinh thái học hành động cho chúng ta thấy rằng hành động vì lợi ích chung lại có thể bị lái sang một hướng riêng. Suy nghĩ của chúng ta về lợi ích chung phải thường xuyên được xét lại trên căn bản vũ trụ cụ thể của chúng ta là hành tinh quả đất.
    Chiến lược của chính trị phức tạp đòi hỏi một ý thức về những tương tác giữa các khu vực và các vấn đề, nó không thể xử lý một cách riêng rẽ những khu vực và những vấn đề này. Nó phải tác động lên chính những tác động qua lại và phải tránh những xử lý đơn phương thô bạo.
    Để làm sáng tỏ vấn đề hãy lấy một ví dụ tương tự về việc bảo vệ mùa màng chống lại mầm tật bệnh. Thuốc trừ sâu chắc chắn là có thể diệt sâu bệnh, nhưng cũng sẽ diệt luôn cả những loài có ích khác. Chúng diệt cả những cơ chế điều chỉnh sinh thái do những tác động qua lại giữa các loài vật đối kháng, làm cho một vài loại nào đó được dịp sinh sôi nẩy nở và trở thành độc hại. Thuốc trừ sâu còn thấm vào trong ngũ cốc và rau cỏ làm biến đổi chất lượng thực phẩm. Tóm lại, một sự xử lý có tính sinh thái nhằm tiêu diệt hoặc làm yếu một giống có hại có thể được thực hiện bằng cách đưa vào một giống đối địch với giống có hại, rồi theo dõi những phản ứng dây chuyền có thể xẩy ra.
    Chính trị vẫn còn đang ở giai đoạn dùng thuốc trừ sâu để giải quyết các vấn đề, nó can thiệp vào một nguyên nhân cô lập thay vì xem xét những tác động qua lại và liên hoàn. Vì thế đối với vấn đề sức khoẻ, dân số, lối sống, môi trường, người ta đã thực thi những chính sách riêng rẽ thay vì một chính sách can thiệp trên những tương tác giữa các vấn đề.
    Ngoài ra, vấn đề không phải chỉ là coi trọng những trào lưu đang trội nhất. Chúng ta cần phải biết rằng một trào lưu đa
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 4:57 pm

    Quả Đất - Quê Hương

    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

    Cải Tạo Tư Duy





    Có một sự đui mù ghê gớm về chính bản chất của cái phải là một tri thức thích đáng. Theo giáo điều đang ngự trị, tính thích đáng tăng theo trình độ chuyên môn hoá và trừu tượng hoá. Nhưng một tri thức tối thiểu về tri thức lại dậy cho chúng ta rằng điều quan trọng nhất là vấn đề bối cảnh hoá. Claude Bastien (Clốt Baxchiêng) đã nói: "Quá trình diễn biến của nhận thức không đi về chỗ sinh ra những tri thức càng ngày càng trừu tượng nhưng ngược lại, nó đi về phía đặt tri thức vào bối cảnh của nó"(1). Bối cảnh này sẽ quyết định những điều kiện để dung nạp chúng và những giới hạn cho hiệu lực của chúng. Bastien còn nói thêm " bối cảnh hoá là một điều kiện cơ bản của hiệu lực (của chức năng nhận thức)".
    Bản thân tri thức chuyên môn là một hình thức trừu tượng riêng biệt. Sự chuyên môn hoá trừu tượng, nghĩa là đem một vật từ một lĩnh vực nào đó, lột bỏ những liên hệ và những tương quan với môi trường của nó, rồi nhét nó vào một quan niệm trừu tượng của cái gọi là lĩnh vực chuyên nghiệp, biệt lập, mà biên giới phá vỡ một cách tuỳ tiện tính hệ thống (liên hệ của một phần vào tổng thể) và tính đa chiều của các hiện tượng. Chuyên môn hoá trừu tượng còn dẫn đến cái trừu tượng số học. Trừu tượng này tự nó sẽ xa rời cụ thể, một phần vì nó có khuynh hướng ưu đãi tất cả những gì có thể tính toán và có thể công thức hoá, một phần khác vì nó không cần biết đến cái môi trường cần thiết để cho những đối tượng của nó có thể trở thành dễ hiểu.
    Ví dụ như kinh tế, một bộ môn khoa học xã hội tiên tiến nhất về phương diện số học lại là một bộ môn khoa học lạc hậu nhất về mặt nhân văn và xã hội. Bởi vì nó tự xa rời những điều kiện xã hội, lịch sử, chính trị, tâm lý, sinh thái, những điều kiện vốn không thể tách rời khỏi những hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, các chuyên gia của nó càng ngày càng không có khả năng giải thích những nguyên nhân và hậu quả của những rối loạn tiền tệ, chứng khoán, càng mất khả năng dự báo hướng đi của kinh tế ngay cả trong ngắn hạn. Cho nên sự thiếu năng lực trong khoa kinh tế lại thành một vấn đề hàng đầu của kinh tế.
    Tri thức chắc chắn phải dùng đến trừu tượng, nhưng vì tìm cách tự hình thành bằng cách tham chiếu bối cảnh, nên nó phải điều động cái mà kẻ hiểu biết biết được về thế giới. Franỗois Recanati (Phrăngxoa Rêcanati) đã từng viết(2): "Nắm được những phát biểu, rất khác với một sự giải mã đơn thuần, nó là một quá trình giải thích phi - môđun (không có tiêu chuẩn để đo đạc -ND). Nó phải điều động trí thông minh tổng quát và cần đến nhiều tri thức về thế giới". Như thế để nói rằng sự thấu triệt những dữ kiện đặc thù chỉ có thể đạt được nơi kẻ biết duy trì, bồi dưỡng trí thông minh tổng quát và điều động được tất cả những tri thức toàn diện của mình cho từng trường hợp cá biệt. Marcel Mauss (Mácxen Mốtx) nói rằng: "Cần phải tổ hợp tất cả lại", chúng ta nói thêm "cần phải điều động tất cả".
    Đương nhiên không thể biết được mọi điều của thế giới, cũng không thể nắm bắt được những biến hoá vô cùng đa dạng của chúng. Nhưng mặc dầu rất bấp bênh và khó khăn, chúng ta vẫn phải ra sức tìm hiểu những tri thức cùng những thông tin then chốt liên quan đến thế giới, nếu không chúng ta sẽ trở thành ngốc nghếch trên phương diện nhận thức và điều đó ở thời buổi này càng trở nên bức xúc hơn vì chính bản thân thế giới hiện đang là bối cảnh của toàn bộ tri thức chính trị, kinh tế, chính trị nhân loại, sinh thái v.v...
    Kỷ nguyên toàn cầu đòi hỏi phải đặt tất cả vào trong bối cảnh toàn cầu. Sự thấu triệt thế giới như là một thế giới trở thành một điều cần thiết cả về mặt trí tuệ lẫn sinh tồn. Đó là vấn đề phổ biến đối với mọi công dân: làm sao tự mở được cửa để tiếp thu tin tức của thế giới và làm sao đạt được khả năng sắp xếp, tổ chức những tin tức này? Nhưng để có thể sắp xếp, tổ chức tin tức, qua đó phân biệt, hiểu được những vấn đề của thế giới, cần phải tiến hành một sự cải tạo tư duy. Sự cải tạo này bao hàm việc bối cảnh hoá tri thức và tự khắc sẽ dẫn đến sự phức tạp hoá tri thức.
    Tư tưởng như những bộ phận rời
    Tư tưởng khi bị khu biệt, cắt xén, cô lập cho phép những chuyên gia nắm rất vững các lĩnh vực chuyên môn và hợp tác một cách hữu hiệu trong lĩnh vực của tri thức không phức tạp, nhất là lĩnh vực liên quan đến sự vận hành của máy nhân tạo. Nhưng lôgíc mà họ dùng lại áp đặt lên xã hội, lên quan hệ con người những ràng buộc, những cơ chế phi nhân của bộ máy nhân tạo và cái nhìn của họ có tính tất định luận, cơ giới luận, số lượng, công thức sẽ bỏ qua, che lấp hoặc hoà tan tất cả những gì thuộc về lĩnh vực chủ quan, tình cảm, tự do và sáng tạo. Ngoài ra, những đầu óc bị chia cắt thành từng mảnh, bị kỹ thuật-quan liêu hoá đã trở thành đui mù đối với những phản tương tác và đối với liên hệ nhân quả tuần hoàn, nên chúng thường nhìn những hiện tượng theo liên hệ nhân quả tuyến tính. Chúng chỉ nhận thức được những hiện thực sống động và xã hội bằng quan niệm cơ giới luận / tất định luận dùng cho các bộ máy nhân tạo. Nói một cách sâu rộng hơn, tinh thần kỹ thuật-quan liêu không thể có khả năng phát hiện cũng như nhận thức được cái tổng thể và cái cơ bản, tính phức tạp của những vấn đề nhân loại.
    Các vấn đề thì phụ thuộc lẫn nhau trong thời gian và không gian, thế mà những nghiên cứu chuyên ngành lại tách biệt vấn đề này ra khỏi vấn đề kia. Về vấn đề môi trường và phát triển đương nhiên là có một ý thức sơ bộ đưa đến việc đề cao những nghiên cứu liên ngành. Nhưng, mặc dù đã có khá nhiều kinh phí cho việc này, kết quả vẫn chưa có gì khả quan.
    Bởi vì bằng cấp, chức nghiệp, tiêu chuẩn đánh giá vẫn còn nằm trong khuôn khổ chuyên nghiệp. Nhất là vẫn có một sự tẩy chay bởi cái cơ chế quan liêu / đại học đối với tư tưởng liên ngành, cũng kịch liệt chẳng khác nào đại học Sorbonne (Soócbon) thế kỷ thứ XVII tẩy chay sự phát triển khoa học.
    Nguyên tắc tổ chức chuyên nghiệp của tri thức khoa học cùng với sự co cụm khép kín của triết học đã tước đoạt những khả năng và quyền hạn của tư tưởng. Đa số triết gia không chịu cất công tìm hiểu những tri thức mới, những thứ làm thay đổi những quan niệm về thế giới, về thực tại, về con người v.v..
    Lần đầu tiên trong truyền thống bắt nguồn từ người Hy lạp, họ đã quay lưng lại với vũ trụ, với vận mạng con người trong thế giới, với những vấn nạn của thực tại. Thế giới đang hấp hối thế mà họ ngồi bàn cãi về giới tính của OEdipe (Ơ Đíp), tranh luận về "sinh mệnh thế giới" (Lebenswelt) bên ngoài thế giới (Welt) và ngoài sinh mệnh (Leben), chỉ lo cải cách chính tả thay vì cải tạo tư tưởng.
    Đối với những người không ở trong giới khoa học thì những nhà khoa học phủ nhận tư cách, quyền hạn và năng lực suy nghĩ của họ về những khám phá và lý thuyết khoa học. Thế thì thử hỏi những những người như Einstein (Anh-xtanh), Heisenberg (Hei-dân-béc), Bohr (Bo), Monod (Mô-nô), Jacob (Gia-cốp), Prigorine (Pri-go-rin), Reeves (Ri-vơ), d'Espagnat (Đét-xpa-nhat), Hawkings (Hô-kinx) đã viết hoặc đang viết cho ai? Nếu họ viết sách cho những người không phải là các nhà khoa học chính vì họ cho rằng mọi người đều có thể hiểu được tư tưởng của họ: đương nhiên năng lực kỹ thuật và toán học nhất thời vẫn còn khó hiểu đối với những "phó thường dân", nhưng những tư tưởng vẫn có thể được truyền bá và thảo luận trong ngôn ngữ thông thường của mọi người. Đằng sau những phương trình của vật lý lượng tử, vẫn có ý niệm rằng thế giới vật lý vi mô không tuân theo những lôgíc, kết cấu và quy luật giống những thứ của thế giới trung mô của chúng ta mặc dù thế giới chúng ta được tạo thành bởi chính những cơ sở tổ chức của thế giới vi mô này. Phía sau phương trình định luật thứ hai về nhiệt động học của Boltzman (Bôn-zman) vẫn có những ý niệm về sự thoái hoá năng lượng, sự giải thể các hệ thống, chỗ đứng và vai trò của sự hỗn loạn trong thế giới vật lý, những thứ này đều liên quan đến tất cả chúng ta, đến từng cá nhân một.
    Tính hợp lý giả tạo.
    Trong thời đại này, những hoạt động giám định, các uỷ ban chuyên môn và các bộ môn hành chính thường kết hợp với nhau đưa ra những quyết định gây hậu quả tai hại đến độ tạo thành những bi kịch. Sự kiện truyền máu bị nhiễm vi-rút (HIV-Sida ở Pháp-ND) là một trong những trường hợp như vậy.
    Đương nhiên, bất cứ một thứ thông tin bất ngờ và lạ lùng nào đều đụng chạm và nhiễu loạn những thành kiến, tập quán suy nghĩ ; ngoài ra, nó còn có thể bị tê liệt lâu dài bởi những lề thói quan liêu bàn giấy, bị xé nhỏ hoặc phủ nhận vì sự băm vằm tất cả mọi vấn đề bởi tổ chức siêu chuyên nghiệp của các ngành nghề. Tổ chức này lại được ủng hộ bởi sự vô trách nhiệm của các uỷ ban và không còn biết đến ý thức trách nhiệm là gì.
    Đã từ lâu, những báo động và nhắc nhở càng ngày càng dồn dập, nhưng hoàn toàn vô hiệu quả và chỉ làm chuyển động được những trì trệ và mù quáng một cách quá muộn màng, rồi chỉ khi xẩy ra thảm hoạ người ta mới bắt đầu tổ chức chống đỡ.
    Ngay cả khi những biện pháp tức thời rất hữu ích, nếu chúng tuân theo quan niệm khu biệt và tuyến tính, vẫn có thể sinh ra những tác dụng độc hại làm tiêu tan tác dụng tốt lành của chúng, thậm chí cuối cùng còn trở thành xấu nhiều hơn tốt.
    Vì thế, cuộc cách mạng xanh, được xem như để nuôi thế giới thứ ba, đã làm tăng đáng kể những tài nguyên thực phẩm và rõ ràng cho phép tránh được đói kém. Tuy nhiên, ta cần phải nhìn lại cái ý tưởng khởi thuỷ của nó, có vẻ hợp lý nhưng đã được phóng đại một cách quá trừu tượng: đó là sự chọn lựa và nhân lên trên những diện tích rộng lớn một loại gien đơn thực vật - loại cao sản nhất. Người ta đã nhận thấy khi thiếu sự đa gien thực vật thì gien đơn kia không chống trả được sâu bệnh sẽ làm tiêu tan toàn bộ thu hoạch trong cùng một vụ mùa. Thế là người ta lại phải tái lập một vài loại gien khác nào đó, không phải để đưa sản lượng lên độ cao nhất, nhưng để cho mùa màng được thích nghi ở độ cao nhất.
    Ngoài ra sử dụng quá độ các loại phân làm cho đất thành cằn cỗi, tưới tiêu không đoái hoài đến đặc điểm đất cũng gây ra xói mòn và làm đất mất mầu mỡ. Các loại thuốc trừ sâu, nếu tích luỹ, sẽ tiêu diệt sự điều tiết giữa các giống, trừ khử cùng một lúc cả những loài có ích và những loài sâu hại, nhiều khi còn nhân lên không cách nào cản được một giống có hại được miễn dịch đối với những loại thuốc trên. Chất độc chứa trong thuốc trừ sâu còn thâm nhập vào trong thức ăn, làm tổn hại sức khoẻ người tiêu thụ.
    Cuối cùng, sự khai hoang, đốn cây trên hàng nghìn héc ta cũng góp phần vào việc phá vỡ cân bằng thuỷ hệ, làm tăng tiến trình sa mạc hoá đất đai. Phương pháp độc canh đại quy mô sẽ đào thải phương pháp đa canh nhỏ vốn thích hợp hơn cho sự sinh tồn của con người, làm đói kém càng trở nên trầm trọng, đẩy nông dân trôi dạt vào đô thị và nhân lên thêm những khu nhà ổ chuột trong các thành phố lớn.
    Khắp nơi trên quả đất, như Francois Garczynski (Phrăngxoa Gácdinxki) đã nói: "Cái nông nghiệp đó tạo nên những sa mạc theo cả nghĩa đôi của chữ này: đất đai bị xói mòn và nông dân kéo vào thành thị". Nếu không được hạn chế thì sự phá rừng và đốn cây (ngoài vùng rừng) một cách bừa bãi sẽ biến ví dụ như những nguồn nước nhiệt đới của sông Nil thành lũng khô đến ba phần tư trong năm.
    Bị trói trong lôgíc của sản xuất như điên cuồng, những nhà tư bản, chính trị gia, người phụ trách kỹ thuật của phong trào phá rừng Amadôn với mục đích canh tác, chăn nuôi, làm công nghiệp còn muốn quên đi cái sự thực này: Một nửa lưu lượng sông Amadôn là do sự tái tạo bởi thuỷ phân từ mây mù của rừng cây trong vùng. Cũng thế, phần lớn các nhà nông học vẫn còn chưa hiểu được vai trò ích lợi của cái cây đứng một mình: nó điều chỉnh những luồng nước, không khí, các hoá chất trong đất, có khả năng lọc nước, không khí và giữ cho đất được phì nhiêu (Garczynski).
    Tính hợp lý giả tạo, nghĩa là sự hợp lý hoá trừu tượng và đơn chiều đang thắng thế trên mặt đất. Những sự tập trung ruộng đất vội vã, những luống cầy quá sâu và cắt dọc, sự phá rừng, đốn cây không được kiểm soát, sự trải bê-tông đường và việc đô thị hoá chỉ nhắm vào lợi nhuận của diện tích mặt đất; tính chức năng giả tạo trong quy hoạch không hề biết đến những nhu cầu phi số hoá vốn không thể nhận dạng được bằng những bản điều tra (bảng hỏi - ND). Tất cả những điều này đã làm mọc ra những khu ngoại ô đầy nhà tập thể rẻ tiền, những thành phố vừa xây dựng đã vội trở thành những biệt khu buồn thảm, bẩn thỉu, suy đồi, bỏ mặc, phi nhân và đầy tội phạm.
    Kết quả là những tai họa nhân loại đã xẩy ra mà những nạn nhân cùng hậu quả không thể nào lường đưọc. Ngoài ra, những tai họa thiên nhiên càng ngày càng trở nên trầm trọng, như tình huống gần đây ở Vaison-la-Romaine (Pháp-lũ lụt lớn-ND).
    Khắp nơi và trong hàng chục năm, những chuyên gia, tin chắc rằng họ đang phấn đấu cho tính hợp lý và tiến bộ, đã chỉ xem những tập tục và lo âu của quần chúng là những mê tín dị đoan. Họ đưa ra những giải pháp mạo xưng là hợp lý và như thế vô tình, đã làm nghèo đi khi vẫn tưởng mình làm cho phong phú thêm, đã tàn phá trong khi tưởng mình đang xây dựng. Những kiệt tác đồ sộ nhất của tính hợp lý kỹ thuật quan liêu này đã được thực hiện tại Liên-xô. Ví dụ tại đây những sông lớn đã bị bẻ dòng chẩy để đem tưới những ruộng trồng bông không cây cối, làm cho muối từ đất đi lên, thổ nhưỡng bị kiềm hoá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, đến biển A-ral cũng bị khô. Trình độ sinh thái bị ác hoá này ở Liên-xô so với phương Tây thì nghiêm trọng hơn nhiều, bởi vì ở đó giới quan liêu kỹ thuật không phải chịu áp lực của phản ứng từ những con người, từ các công dân mà dưới mắt họ chỉ là những kẻ dốt nát và đần độn. Nhưng than ôi, sau khi đế quốc sụp đổ, giới lãnh đạo của cái "quốc gia mới" này lại kêu gọi những chuyên gia của các nước tư bản tây phương đến để giúp họ. Những kẻ này lại chủ tâm không biết rằng một nền kinh tế cạnh tranh theo kiểu thị trường cần phải có những thể chế, luật lệ, quy tắc. Đi hàng hai giữa những cải cách kinh tế từng bước nhỏ, không có khả năng biến đổi các cấu trúc, sự khai phóng toàn diện ngay lập tức có thể đưa đến tình cảnh hỗn loạn xã hội.
    Những người lãnh đạo mới này đã không thiết lập nổi một chiến lược phức tạp cần thiết như Maurice Allais (Môrítx Ale) - mặc dù là một kinh tế gia trường phái tự do - đã đề nghị: nhằm việc lập kế hoạch để phi kế hoạch hoá những gì đã được kế hoạch hoá và lập chương trình để phi chương trình hoá những gì đã được chương trình hoá.
    Trí tuệ bị xé lẻ, giam hãm, máy móc, rời rạc, đơn giản hoá có thể làm tính phức tạp của thế giới vỡ vụn, làm các vấn đề bị chia năm xẻ bẩy, tách rời những gì vốn dính liền nhau, biến thành đơn chiều những gì vốn đa chiều. Đó là một loại trí tuệ cận thị, viễn thị, loạn sắc, chột mắt, thường thường rồi kết cục nó cũng trở thành mù. Nó phá huỷ trong trứng nước tất cả những khả năng lĩnh hội và suy nghĩ, loại trừ tất cả những cơ hội để phán đoán chính xác hay để có một cái nhìn về lâu về dài. Vì thế, khi các vấn đề càng trở thành đa chiều thì con người lại càng thiếu khả năng suy nghĩ một cách đa chiều, khủng hoảng càng phát triển thì sự suy nghĩ về khủng hoảng lại càng bị bỏ lại đằng sau, vấn đề càng trở nên toàn cầu thì càng không ai ngó ngàng đến nó. Không có khả năng tưởng tượng được bối cảnh và tính phức tạp toàn cầu, trí tuệ đui mù chỉ làm cho con người trở thành vô ý thức và vô trách nhiệm. Cái loại trí tuệ này chỉ đưa chúng ta vào cửa tử.
    Một trong những khía cạnh của vấn đề toàn cầu là các giải pháp trí tuệ, khoa học, triết học mà người ta thường đem ra dùng lại tự tạo ngay trong chúng những vấn đề trọng đại và khẩn cấp nhất cần được giải quyết như Aurelio Paccei (Ôrêlio Pắcxây) và Daisaku Ikado đã nói: "Phương pháp tiếp cận theo chủ nghĩa rút gọn (réductionnisme) muốn dựa vào một loạt nhân tố duy nhất để giải quyết toàn bộ các vấn đề được đặt ra bởi cuộc khủng hoảng đa dạng mà chúng ta đang lâm vào hiện nay thì không những không phải là một giải pháp mà chính nó là vấn đề vậy".
    Cái tư tưởng què quặt tự xưng mình tinh thông và cái lý trí đui mù tự cho mình hợp lý vẫn còn tiếp tục chiếm lĩnh địa vị thống trị.
    Phục hồi tính hợp lý để chống sự hợp lý hoá
    Cái tư tưởng què quặt và cái trí tuệ đui mù tự cho và tự tin là mình hợp lý. Thật ra, kiểu mẫu mang tính hợp lý mà chúng tuân theo chỉ là thuyết máy móc, thuyết tất định và chúng loại ra ngoài tất cả những mâu thuẫn mà chúng xem là phi lý. Cái mô hình này không phải là hợp lý mà chỉ dùng để hợp lý hoá.
    Tính hợp lý thực sự là một cái gì đó rất cởi mở và sẵn sàng đối thoại với cái hiện thực đối kháng với nó. Nó không ngừng đi đi lại lại giữa lôgíc và thực nghiệm, nó là kết quả của sự tranh luận dựa trên tư tưởng chứ không phải là đặc tính của một hệ thống tư tưởng. Cái lý trí mà không biết gì đến những chủ thể, tính chủ quan, tính dễ cảm, cuộc sống chỉ là phi lý.
    Cần phải dành một chỗ đứng thích hợp cho thần thoại, tình cảm, tình yêu, sự ăn năn, lại cần phải suy nghĩ về chúng một cách hợp lý. Tính hợp lý thực sự có những giới hạn của lôgíc, của thuyết tất định, thuyết máy móc, nó biết rằng tinh thần con người không thể cái gì cũng thông hiểu, rằng thực tại thì đầy huyền bí. Nó vẫn đàm phán với tính bất hợp lý, cái tối tăm, cái không thể hợp lý hoá được. Nó phải đấu tranh với sự hợp lý hoá tuy có cùng một nguồn gốc với nó, nhưng lại chỉ chất chứa một vài mảnh thực tế trong cái hệ thống chặt chẽ tưởng chừng chứa đựng tất cả. Nó không phải chỉ biết chỉ trích mà còn phải biết tự phê. Người ta nhận biết tính hợp lý thực sự ở khả năng tự biết mình là chưa đủ của nó.
    Tính hợp lý không phải là một đặc tính / quyền sở hữu (theo cả hai nghĩa của từ này (3): 1/. Phẩm chất chỉ một vài đầu óc - khoa học, kỹ thuật - có được mà những người khác không có. 2/. Của cải mà những nhà kỹ thuật khoa học là chủ sở hữu)
    Để ý thức được những điều này, chúng ta phải rời bỏ ảo tưởng riêng biệt của Tây phương là tin rằng mình làm chủ tính hợp lý và có thói quen phán xét tất cả các nền văn hoá khác trên tiêu chuẩn thành tựu kỹ thuật của mình. Trong tất cả các xã hội, ngay cả cổ sơ, cùng một lúc với những thần thoại, phép phù thuỷ, tôn giáo vẫn có một tính hợp lý trong sự chế tạo các công cụ, trong kỹ xảo săn bắt, sự hiểu biết cây cỏ, súc vật, đất đai. Trong các xã hội hiện đại cũng vẫn thấy hiện diện các thần thoại, ma thuật, tôn giáo, kể cả một thần thoại theo thuyết mệnh trời ngụy trang dưới từ ngữ lý tính và một tôn giáo về sự tiến bộ. Tính hợp lý đầy đủ chính nó không có quan hệ gì với cái lý tính theo thuyết mệnh trời và niềm mê tín dùng để hợp lý hoá sự tiến bộ được bảo đảm. Nó bắt chúng ta suy nghĩ về bản sắc địa cầu của con người trong tất cả tính phức tạp của nó.
    Tư duy về bối cảnh và về cái phức tạp
    Nếu không có một tư duy có thể kết hợp được những khái niệm rời rạc và những tri thức biệt lập thì không thể nào hiểu được bản sắc con người địa cầu và cái chính trị nhân loại. Những tri thức mới đã giúp chúng ta khám phá ra Quả đất-Quê hương - Quả đất-hệ thống, quả đất thần linh (Terre Gaia), bầu sinh quyển, chỗ đứng của quả đất trong vũ trụ - sẽ không còn ý nghĩa gì nếu chúng bị tách rời khỏi nhau.
    Một lần nữa chúng ta cần nhấn mạnh: Quả đất không chỉ là một hành tinh vật lý cộng với một bầu sinh quyển, cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có tính vật lý / sinh vật / nhân loại, nơi đó sự sống là một sự xuất hiện của lịch sử quả đất và con người là một sự xuất hiện của lịch sử sự sống trên mặt đất. Sự liên hệ của con người với tự nhiên không có thể hiểu được bằng quan niệm thu gọn hoặc riêng rẽ.
    Con người, cùng một lúc là một hiện tượng tự nhiên và siêu nhiên, nó cần bắt nguồn từ cái tự nhiên vật lý và sống động, nhưng từ đó lại phải vượt lên trên và khác biệt với tự nhiên bằng văn hoá, tư tưởng, ý thức.
    Tư tưởng mà xé lẻ và băm ra thành từng mảnh tất cả những gì vốn là một khối thì tự bản chất nó không thể nhìn thấy được cái phức tạp nhân loại và môi trường toàn cầu. Nhưng không phải chỉ cần phất lên lá cờ của tổng thể là đủ mà cần liên kết những thành phần của tổng thể đó trong một sự sắp xếp có tổ chức phức tạp, phải đặt chính cái tổng thể này vào môi trường của nó. Sự cải tạo tư duy cần thiết là làm sao sinh ra được một tư duy chú trọng đến bối cảnh và tính phức tạp.
    Tư duy về bối cảnh
    Chúng ta phải từ góc độ toàn cầu mà suy nghĩ về chính trị, kinh tế, dân số, sinh thái, về sự bảo tồn các kho báu sinh vật, sinh thái và văn hoá địa phương - ví dụ ở vùng Amadôn thì cùng một lúc phải bảo tồn những văn hoá Anh-điêng và rừng -, những tính đa dạng của động và thực vật, của văn hoá - kết quả kinh nghiệm hàng nghìn năm không thể tách rời khỏi cái tính đa dạng sinh thái v.v...
    Nhưng nếu chỉ đơn thuần ghi tên các sự vật và sự kiện lên trên cái "khung" hoặc cái "chân trời" toàn cầu thì vẫn chưa đủ. Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm cái liên hệ khắng khít, tác dụng ngược lẫn nhau giữa tất cả hiện tượng với bối cảnh của chúng và giữa tất cả bối cảnh với bối cảnh toàn cầu nói chung.
    Tư duy về tính phức tạp
    Cần có một tư duy đồng thời kết hợp những gì rời rạc và biệt lập, tôn trọng cái đa dạng trong khi thừa nhận tính nhất thể, tìm cách phân biệt những phụ thuộc lẫn nhau.
    - Cần có một tư duy hoàn toàn triệt để (thâm nhập đến tận gốc rễ của các vấn đề).
    - Cần có một tư duy đa chiều.
    - Cần có một tư duy có tính tổ chức và tính hệ thống và vì nó bắt đầu phát triển trong những khoa sinh thái học và địa cầu học, cho nên nó phải được suy nghĩ trong mối liên hệ giữa toàn bộ với các thành phần như sau:
    Toàn bộ -----> Bộ phận
    l<-----------------l
    - Cần một tư duy sinh thái hoá, mà thay vì cô lập hoá một mục tiêu nghiên cứu, nó sẽ xem xét mục tiêu này trong / bởi cái liên hệ tự tổ chức sinh thái với môi trường văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, tự nhiên của nó
    - Cần một tư duy biết đến khoa sinh thái học hành động và phép biện chứng hành động (4) lại có thể thiết kế một chiến lược cho phép cải tổ, thậm chí bãi bỏ một hành động đã tiến hành.
    - Cần một tư duy nhận biết sự chưa hoàn thiện của mình và chịu đàm phán với cái còn mơ hồ, nhất là trong hành động, bởi vì chỉ có thể có hành động trong khi chưa có gì được xác định.
    - Cần phải biết đương đầu với những vấn đề chứa đựng nhiều điều không chắc chắn và không đoán trước được, phụ thuộc và phản tác dụng lẫn nhau trên bình diện toàn cầu tương đối nhanh (Francesco di Castries) với những gián đoạn, phi tuyến tính, mất cân bằng, những hình thái "hỗn loạn", rẽ hướng.
    Cần phải nắm bắt không chỉ tính phức tạp của những phản tương tác, mà còn phải nắm bắt cả đặc điểm của bức ảnh toàn tức khiến cho không chỉ các bộ phận (cá nhân, dân tộc) được thể hiện ở cái toàn bộ (toàn cầu) mà cả cái toàn bộ cũng được thể hiện ở bên trong từng bộ phận. Đây là điều mà chúng ta đã đề cập ở Chương I.
    Cái cá biệt sẽ trở thành trừu tượng khi nó bị tách ra khỏi bối cảnh, cô lập khỏi cái toàn bộ mà nó là thành phần. Cái tổng thể sẽ trở thành trừu tượng khi nó chỉ là một toàn bộ bị tách rời khỏi những thành phần của nó. Tư tưởng có tính phức tạp toàn cầu không ngừng đưa chúng ta đi từ những thành phần đến toàn bộ và từ toàn bộ đến các thành phần. Câu nói này của Pascal có thể đem ra áp dụng đúng từng chữ: "Sự việc gì cũng đều có nguyên nhân và kết quả, đều bị động và chủ động, đều gián tiếp và trực tiếp và tất cả đều kết hợp lại bằng một quan hệ tự nhiên không thể cảm thấy được, cái quan hệ này trói buộc những cái xa rời và khác biệt lại với nhau. Tôi cho rằng không thể nào hiểu được những bộ phận mà không cần biết đến cái toàn bộ cũng như không thể nào biết cái toàn bộ mà không đặc biệt biết đến những bộ phận"(5).
    Công thức phức tạp của chính trị nhân loại không chỉ tự hạn chế ở cái "tư duy toàn bộ, hành động cục bộ" mà nó có thể được diễn tả bởi sự đi đôi: "Nghĩ toàn bộ / làm cục bộ, nghĩ cục bộ / làm toàn bộ". Cái tư duy toàn cầu sẽ thôi không để cho cái phổ biến và cái cụ thể, cái chung và cái riêng đối kháng với nhau nữa : Cái phổ quát sẽ trở thành cá biệt - đó là thế giới vũ trụ- và trở thành cái cụ thể - đó là thế giới địa cầu.
    Sự thất bại của chủ nghĩa phổ quát trừu tượng dưới mắt nhiều người được xem như sự mất đi của cái phổ quát, sự thất bại của một chủ nghĩa hợp lý ngụy tạo dưới mắt những người theo thuyết hợp lý hoá được xem như một sự bột phát của chủ nghĩa phi lý.
    Chắc chắn có khủng hoảng về một chủ nghĩa phổ quát tiến bộ trừu tượng (universalisme progressiste abstrait), nhưng, ngay trong tiến trình mà tất cả đều mang kích thước thế giới và tất cả đều nằm trong cái vũ trụ riêng là vũ trụ chúng ta, rốt cuộc tính phổ quát cụ thể sẽ hiện thân.
    Khôi phục tư duy
    Trong thế giới chuyên ngành đã không còn chỗ đứng chính thức cho tư duy nữa(6). Có những triết gia, những nhà khoa học đang tư duy, có những người không phải là triết gia hoặc nhà khoa học cũng đang tư duy; nhưng tư duy lại có vẻ như là một hoạt động vụng trộm, không chính thức của khoa học và triết học, trong khi đó khoa học và triết học thật ra phải gánh vác công việc suy nghĩ về con người, về cuộc đời, về thế giới, về hiện thực và cái tư duy này đáng lẽ phải ảnh hưởng ngược lại trên ý thức và định hướng sinh hoạt con người.
    Đương nhiên, để cải tạo tư duy cần có một sự cải cách giáo dục (ở các cấp tiểu, trung, đại học). Để có thể cải cách giáo đục lại cần thực hiện được sự cải tạo tư duy. Chắc chắn rằng việc dân chủ hoá quyền suy nghĩ trước tiên đòi hỏi một cuộc cách mạng những phạm thức cho phép một tư tưởng phức tạp có thể tổ chức lại kiến thức và liên kết những tri thức đã bị đóng khung trong các môn học hôm nay.
    Một lần nữa chúng ta nhận thấy tính khắng khít của các vấn đề, tính tuần hoàn và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Điều này làm cho sự cải tạo tư duy càng trở nên khó khăn và cùng một lúc lại càng trở nên cần thiết, bởi vì chỉ có một tư duy phức tạp mới có thể nhận thức và xử lý được tính tuần hoàn tùy thuộc lẫn nhau này.
    Sự cải tạo tư duy là một vấn đề nhân loại và lịch sử then chốt. Nó bao hàm một cuộc cách mạng còn ghê gớm hơn cả cuộc cách mạng của Cô-péc-níc.
    Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà những trách nhiệm của tư duy lại đè nặng đến như vậy.
    Mà cái tâm điểm của bi kịch cũng nằm trong tư tưởng.
    Chú thích:
    (1) Cl. Bastien: "Sự so le giữa lôgíc và tri thức", (Le décalage entre logique et connaissance), Courrier du CNRS, 79, Khoa học nhận thức (Sciences Cognitives), 10-1992.
    (2) "Ngôn ngữ thực liệu", (La pragmatique linguistique), Courier du CNRS, 79, Khoa học nhận thức. Sách đã dẫn P21
    (3) Hai nghĩa chữ une propriété: a)-Bản/phẩm chất, b)-cái gì mà người ta có, sở hữu; quyền sở hữu, tư hữu.
    (4) Xem "Những luận chứng cho một phương pháp", Colloque de Cerisy, Ed. du Seuil, 1990.
    (5) Tư tưởng(luận), Sách đã dẫn, P91.
    (6) Về đặc điểm phức hợp của tư tưởng. Xem E. Morin "Phương pháp luận" Tập 3, "Tri thức của tri thức". Sđd, tr. 182-190
    Phúc Âm Của Sự Trầm Luân: Đánh mất sự cứu rỗi, cuộc phiêu lưu vô định
    Nếu có những phi hành gia vũ trụ, thì con đường bay của họ giữa chùm sao Thất nữ có lẽ sẽ không biết đến dải Ngân hà hẻo lánh và sẽ vượt qua rất xa cái mặt trời ngoại vi nhỏ bé mang trong quỹ đạo của nó cái hành tinh quả đất tý hon này của chúng ta.
    Như Rôbinsân trên hòn đảo của mình, chúng ta đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu về phía các ngôi sao, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy gì và có lẽ rồi vĩnh viễn cũng chẳng thấy gì. Chúng ta đã hoàn toàn bị bỏ rơi trong vũ trụ.
    Vũ trụ mênh mông này chính nó cũng đang đi vào cõi trầm luân. Nó đã sinh ra, thì rồi sẽ chết. Nó đang tự phân hoá với một vận tốc điên cuồng, trong khi những tinh cầu va chạm vào nhau, nổ tung, tan vỡ. Mặt trời của chúng ta đang kế tục hai hoặc ba vừng nhật khác đều đã chết trước đó, và chính nó rồi cũng sẽ tự thiêu cho đến lụi tàn. Tất cả những sinh vật được ném vào đời mặc dù chúng không hề đòi hỏi việc đó, rồi chúng cũng sẽ bị vứt vào sự chết mặc dù đâu muốn thế. Chúng sống giữa cái hư vô ở sau lưng và hư vô trước mặt, vây quanh chúng cũng toàn là hư vô.
    Không chỉ có những cá nhân mới bị tiêu vong nhưng sớm muộn rồi loài người, rồi những dấu tích cuối cùng của sự sống và sau đó là trái đất cũng phải tiêu vong. Bản thân vũ trụ cũng đang đi về cõi chết, bất kể theo kiểu tan rã toàn diện hay bằng kiểu nổ ngầm để trở về khởi thuỷ... Từ cái chết của thế giới này có lẽ sẽ sinh ra một thế giới khác, nhưng cái thế giới của chúng ta rồi sẽ phải chết, không có cách gì cứu vãn được. Vũ trụ của chúng ta tất yếu phải mai một. Chúng ta rồi cũng vậy thôi !
    Thế giới thuộc về chúng ta này rất mềm yếu từ gốc rễ, hầu như là một thực thể không đặc. Nó ra đời từ một sự kiện ngoài ý muốn, có lẽ từ một sự biến chất của vô tận nếu không phải là nó đã sinh ra từ hư vô. Dù sao đi nữa, cái vật chất mà chúng ta biết được trong vật chất của vũ trụ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, mà vật chất hữu cơ lại chỉ là cái bộ phận cực nhỏ trong cái bộ phận vốn đã cực nhỏ này. Đó là những kết cấu giữa những thực thể vật chất, những nguyên tử, phân tử, tinh thể, sinh vật đã ngưng kết và trở thành hiện thực trong tinh thần chúng ta. Chính những cái đột biến thoát ra từ những kết cấu đó, cuộc sống, ý thức, cái đẹp, tình yêu đã trở thành giá trị đối với chúng ta. Nhưng những đột biến này lại rất mong manh và ngắn ngủi như một đoá hoa tươi đang độ nở, như hào quang của một khuôn mặt, như một thoáng tình yêu.
    Sự sống, ý thức, tình yêu, sự thật, sắc đẹp đều chóng tàn. Những sản phẩm tuyệt vời này tất phải đòi hỏi các kết cấu tổ chức, những cơ may hãn hữu và biết bao nguy cơ có thể chết không ngừng chờ đợi nó. Đối với ta, chúng là nền móng mà chính bản thân chúng lại không hề có nền móng. Không có gì có nền móng tuyệt đối được. Chung quy, tất cả đều vô danh và vô hình. Tất cả đều sinh ra trong một hoàn cảnh riêng biệt và tất cả những gì có sinh đều có tử.
    Vì thế, những đột biến cuối cùng, những sản phẩm cuối cùng của sự tiến triển, đấy là ý thức và tình yêu, chúng phải được xem như những tiêu chuẩn hàng đầu, những nguyên tắc tối cao.
    Nhưng chúng không đạt đến được sự hoàn mỹ, cũng không có được sự bất biến. Tình yêu và ý thức rồi sẽ chết. Không có gì thoát được cái chết. Không có tôn giáo cứu rỗi nào hứa hẹn cho riêng ai một sự bất tử. Không có sự cứu rỗi trên trái đất như tôn giáo cộng sản đã từng hứa, nghĩa là một giải pháp xã hội ở đó đời sống của từng người và của tất cả sẽ được giải phóng khỏi khổ nạn, khỏi những thăng trầm và những bi kịch. Cần phải từ bỏ một cách hoàn toàn, triệt để và vĩnh viễn sự cứu rỗi này.
    Đối với những hứa hẹn không giới hạn chúng ta cũng cần phải chối bỏ như vậy. Chủ nghĩa nhân văn tây phương cổ động chúng ta đi chinh phục thiên nhiên không giới hạn. Quy luật tiến bộ bảo đảm với chúng ta rằng việc này có thể theo đuổi đến vô hạn. Không có một giới hạn nào cho sự tăng trưởng kinh tế, cho trí tuệ con người, cho lý trí. Con người đã trở thành một thứ vô giới hạn riêng cho chính mình.
    Ngày hôm nay chúng ta có thể vứt bỏ những thứ vô hạn giả dối ấy đi và ý thức lại về cái tính hữu hạn không thể nào thay đổi được của mình. Như Gadamer (Ga-đa-me) đã nói: "Đừng tiếp tục suy nghĩ về tính hữu hạn như một hạn chế mà ở đó cái ước muốn được trở thành vô hạn của chúng ta đã lụi tàn, (nhưng) nhìn nhận một cách thiết thực tính hữu hạn này như một quy luật cơ bản đích thực của cái thử tại (nghiệp) ".
    Cái vô hạn đích thực này ở bên ngoài lý tính, ngoài cả sự hiểu biết và quyền lực con người. Biết đâu nó đã xuyên qua toàn thân chúng ta một cách vô hình và chúng ta chỉ cảm thấy được nó qua thơ ca và âm nhạc?
    Cùng một lúc với ý thức về cái hữu hạn, chúng ta từ đây còn có thể ý thức được về chính sự vô ý thức của chúng ta, nhận thức được sự vô tri của mình: từ đây chúng ta có thể biết rằng chúng ta đang làm một cuộc phiêu lưu chưa biết về đâu. Với lòng tin vào một khoa học ngụy tạo, chúng ta đã tưởng chúng ta biết được ý nghĩa của lịch sử nhân loại. Nhưng từ buổi bình minh của loài người, của các thời kỳ lịch sử, chúng ta đã đi vào cuộc phiêu lưu vô định này và chưa bao giờ chúng ta dấn thân sâu vào nó như hôm nay. Cái dòng chẩy của lịch sử thời kỳ toàn cầu đã xa rời quỹ đạo tuần hoàn của văn minh truyền thống để rơi vào một tiến trình càng ngày càng bất định.
    Chúng ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ xẩy ra, đó là cái mà những tôn giáo cứu rỗi dù thiên đường hay trần thế tưởng đã có thể xoá nhoà: "Những người Bôn-sê-vích đã không muốn hoặc không thể hiểu rằng con người là một sinh vật mềm yếu và không chắc chắn, nó hoàn thành một sự nghiệp không chắc chắn trong một thế giới không chắc chắn"(1).
    Chúng ta cần hiểu rằng sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới vật lý (và sự hiện hữu của chính cái thế giới vật lý này) đều phải trả bằng giá của sự suy thoái, hao mòn, đổ nát chưa từng có; rằng sự hiện hữu của sự sống phải trả với giá của những đau khổ phi thường; rằng tất cả các niềm vui và hạnh phúc con người đã và sẽ còn phải trả bằng những hư hao, mất mát, điêu tàn và thống khổ.
    Chúng ta đang lưu lạc. Chúng ta không phải đang đi trên một con đường được cắm mốc, chúng ta cũng không còn được dẫn dắt từ xa bởi định luật tiến bộ, chúng ta cũng không có đấng cứu thế mà cũng không có sự cứu rỗi nào, chúng ta đi trong đêm và sương mù. Không phải đi vật vờ trong may rủi, tuy rằng vẫn có phiêu bạt và may rủi, chúng ta cũng có thể có những ý tưởng dẫn đường, những giá trị ưu việt, một chiến lược càng ngày càng biến đổi đến hoàn thiện. Đấy không chỉ là bước tiến về lò sát sinh. Chúng ta được đẩy về phía trước bởi những nguyện vọng của chúng ta, chúng ta lại đầy ý chí và khí phách. Con đường phía trước tràn trề hy vọng. Nhưng là một hy vọng chẳng có được phần thưởng cuối cùng nào; vì vậy niềm hy vọng này đang bơi trên một đại dương mênh mông của thất vọng.
    Sự phiêu bạt này tất yếu thuộc về nhân gian, nghĩa là thuộc về số mệnh quả đất. Nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng một sự tìm tòi về các thế giới bên kia. Đó không phải là những cái "bên kia" ở bên ngoài thế giới, mà là những cái "bên kia" của thời này, đất này, những cái "bên kia" của sự khốn cùng và bất hạnh, những cái "bên kia" xa lạ của riêng chính cuộc phiêu lưu không biết về đâu này.
    Chính qua sự phiêu bạt này mà lịch sử nhân loại được thể hiện. Nó giúp con người phục hồi được giá trị của những phút giây chân chính, đầy thi tứ, xuất thần của cuộc sống, đồng thời nó cũng giúp con người xem nhẹ được phần nào những ý nghĩa về mục đích và phương pháp giải quyết. Bởi vì bất cứ mục tiêu nào, một khi đạt được, vẫn thúc đẩy con người tìm đến một con đường mới và bất cứ một giải pháp nào rồi cũng mở ra một vấn đề mới. Sự phiêu bạt giúp con người sống một cách trọn vẹn thời gian, không những như một sự liên tục nối liền quá khứ / hiện tại / tương lai mà còn hiểu được nó như sự tìm về nguồn (quá khứ), như hành động (hiện tại) và như khả năng (vươn đến tương lai).
    Chúng ta đang ở trong một cuộc phiêu lưu xa lạ. Nỗi lòng bất mãn thôi thúc chúng ta đi sẽ không bao giờ vơi được trong cuộc phiêu lưu này. Chúng ta phải đảm nhận sự bối rối và lo âu, chúng ta phải gánh vác cái "nghiệp" này, cái việc "ở đây mà không hiểu tại sao mình ở đây". Rồi càng ngày sẽ càng có nhiều nguyên nhân gây ra lo sợ và càng ngày càng cần đến sự dấn thân, nhiệt tình, bác ái, những thứ không phải có thể làm tiêu tan, nhưng đẩy lùi nỗi kinh hoàng kia.
    Tình yêu là thuốc giải độc, là sự phản công - chứ không phải là sự trả lời nỗi hoảng sợ. Đó là kinh nghiệm thiết thân cơ bản nhất đối với con người, ở đó sự cảm thông, sự hưng phấn tinh thần của bản thân và đối tượng của mình, nếu không bị biến chất bởi lòng ham muốn chiếm hữu, sẽ được thăng hoa. Chúng ta có thể nào giải thoát được cái khối lượng tình yêu to lớn mà các tôn giáo và sự thờ ơ đã làm khô héo, để đem dâng hiến nó không phải cho thần linh mà cho loài người?
    Tin tức xấu mà tốt
    Nhưng, ngay cả khi sự trầm luân vẫn còn được khắc ghi trong vận mệnh chúng ta.
    Đây là cái tin buồn: chúng ta đang bơ vơ, lạc lõng không có cách gì cứu vãn được. Nếu có một thứ phúc âm, nghĩa là một tin mừng, nó phải bắt đầu từ tin buồn này: chúng ta đang bị lạc, nhưng chúng ta có một mái nhà, một căn nhà, một quê hương: cái hành tinh nhỏ này, nơi sự sống đã tạo nên một khu vườn của nó, nơi những con người đã xây dựng tổ ấm của họ và từ nay nhân loại phải nhận nơi này là ngôi nhà chung của tất cả.
    Đấy không phải là miền Đất hứa, cũng không phải là thiên đường hạ giới. Đó là quê hương của chúng ta, mảnh đất của cái cộng đồng cùng vận mệnh sinh tử của con người địa cầu. Chúng ta phải vun xới khu vườn địa giới này, nghĩa là chúng ta phải văn minh hoá trái đất.
    Phúc âm của những con người lưu lạc và của Quả đất - Quê hương nói với chúng ta rằng: Hãy trở thành anh em, không phải vì như thế chúng ta sẽ được cứu rỗi, nhưng bởi vì chúng ta đang lạc lõng(2). Hãy trở thành anh em để sống một cách chân chính trong cộng đồng cùng vận mệnh sinh tử của chúng ta. Hãy làm anh em bởi vì chúng ta tất cả đều liên đới trong cuộc phiêu lưu vô định này.
    Như Albert Cohen (An-be Co-hen) đã nói: "Trong cuộc phiêu lưu đáng sợ này, con người đã sinh ra trong thế gian và cười vui, chạy nhẩy, rồi bỗng nhiên không động đậy nữa. Cái tai họa đang chờ đợi chúng ta đó lại không hề giúp chúng ta trở thành dịu dàng và thương yêu lẫn nhau, thật là một điều không thể tưởng tượng được"(3).
    Cái tin buồn thì không có gì là mới: Từ khi tinh thần nhân loại xuất hiện, đã có cái ý thức về vấn đề lạc lõng, nhưng ý thức này đã bị xua đuổi bởi lòng tin vào sự sống còn, rồi bởi niềm hy vọng vào sự cứu rỗi. Tuy nhiên mỗi người đều âm thầm mang ý nghĩ về sự lạc lõng, mỗi người mang nó một phần nào trong sâu thẳm của mình. Còn cái tin vui cũng không có gì là mới: Phúc âm của con người lạc lõng làm sống lại thông điệp về tình thương và lòng trắc ẩn đối với sự trầm luân của hoàng tử Thích-ca-mâu-ni và đối với bài thuyết giáo ở trên núi của Giê-su thành Na-za-rét, nhưng cái chính của tin buồn là không có cứu rỗi bằng che chở / phục sinh của bản thân, cũng không có siêu thoát bằng sự huỷ diệt bản ngã.
    Kêu gọi tình nghĩa anh em
    Sự kêu gọi tình nghĩa anh em không hạn hẹp trong nội bộ một chủng tộc, một giai cấp, một nhóm người ưu tú hoặc một quốc gia. Nó đến từ những người ở bất cứ nơi nào miễn là họ cảm nhận được nó, nó đến với tất cả cũng như với từng người. Khắp nơi, ở mọi giai cấp, trong tất cả các quốc gia, đều có những người đầy "thiện chí", cảm thấy được thông điệp của nó cũng lại là thông điệp của mình.
    Có lẽ số người này sẽ đông hơn trong hàng ngũ những kẻ đang lo lắng, những kẻ đầy lòng hiếu kỳ, những người tính tình cởi mở, những kẻ ôn hoà, những người pha nhiều dòng máu, những đứa con lai và những kẻ nằm giữa hai làn đạn.
    Kêu gọi tình nghĩa anh em không chỉ là đột phá cái rào cản của lãnh đạm vô tình, mà còn phải khắc phục cả thái độ thù địch. Vì sự hiện hữu của một kẻ thù cùng một lúc nuôi dưỡng sự man rợ của cả đôi bên. Lòng thù địch sinh ra đôi khi do sự mù quáng của một bên, nhưng nó sẽ trở thành song phương khi đối phương bị thù hằn quay lại chống trả.
    Dĩ nhiên những kẻ theo chủ nghĩa tự cho mình là trung tâm hoặc cho dân tộc mình là trung tâm đã gây ra và còn tiếp tục tạo nên những kẻ thù, chúng là những cấu trúc bất di bất dịch của tính cá biệt và tính chủ quan(4), nhưng cùng một lúc, nếu cái cấu trúc này chứa đựng một nguyên tắc loại trừ trong chữ "tôi" thì nó cũng chứa đựng một nguyên tắc bao hàm trong chữ "chúng tôi" và vấn đề then chốt của sự hoàn thiện nhân loại là nới rộng cái "chúng tôi" ra để bao quát trong liên hệ mẹ - quê hương - quả đất, tất cả những "người khác" và thừa nhận trong cái người khác đó "một cái tôi khác" nghĩa là một người anh em nhân loại.
    Chúng ta cần khắc phục sự bài xích những gì không hợp với chuẩn mực, với những điều cấm kỵ của chúng ta và khắc phục thái độ thù địch đối với người nước ngoài chỉ vì họ gợi nơi chúng ta nỗi sợ hãi về những điều lạ lùng, cổ quái ; việc này cũng đòi hỏi một sự cố gắng của cả đôi bên, nghĩa là cũng từ phía người lạ này nữa, nhưng cái gì cũng phải bắt đầu thì mới có thể khởi công...
    Dù đã có quân thù từng tàn sát, cưỡng hiếp, tra tấn, nhưng chúng ta không thể nào loại chúng ra khỏi giống người được và chúng ta cũng không thể cam đoan rằng chúng ta không bao giờ làm những điều khiến chúng ta phải ân hận. Quan niệm phức tạp về sự đa trùng nhân cách cho ta biết rằng trong một cá nhân vẫn tiềm ẩn nhiều nhân cách và chúng ta không thể đem nhốt cá nhân này trong nhân cách tội phạm của nó. Hegel (Hê-ghen) đã từng nói: Xác định một cá nhân là tội phạm tức là xoá bỏ tất cả những nét đặc trưng không hề phạm tội khác của con người này. Không ai có thể vĩnh viễn bị kết tội.
    Lòng khoan dung, sự ăn năn và tha thứ cho chúng ta thấy khả năng chặt đứt được cái vòng luẩn quẩn của sự trả thù nợ máu, trừng phạt, phục hận - kiểu không phải là ta thì là địch, không phải là địch thì là ta. Chúng ta phải làm ngưng ngay cái guồng máy ghê hồn thường trực không ngừng đem tàn khốc gieo rắc nơi nơi. Ngay cả đối với những vấn đề này chúng ta cũng đừng hy vọng sẽ giải quyết được chúng như có phép lạ, chúng ta phải biết đấu tranh với tội ác, bởi vì chúng ta đã thấy, một trong những mục tiêu có tính toàn cầu sâu sắc là chống trả lại những hành vi bạo tàn trên thế giới(5).
    Cư ngụ trái đất, sống cho ra sống
    Chúng ta là cư dân của quả đất. Chúng ta đã dẫn Hửlderlin (Hơn-đec-lin) rồi tiếp nối lời ông ta mà nói rằng: con người đang sống trên địa cầu một cách vừa trần tục mà cũng vừa thi vị. Một cách trần tục (làm việc, nhắm vào những mục tiêu thực dụng, tìm cách sống còn) và một cách thi vị (ca hát, mơ mộng, tìm lạc thú trong hưởng thụ và yêu đương, chiêm ngưỡng) chúng ta sống ở trên trái đất như thế đấy.
    Cuộc sống con người được thêu dệt bằng văn và thơ. Thi ca không chỉ là một loại hình văn học, nhưng còn là một lối sống hoà mình trong tình yêu, nhiệt tình, cảm thông, hưng phấn, nghi lễ, lễ hội, men say, vũ điệu, ca khúc, tất cả làm thay đổi bộ mặt của cuộc sống đơn điệu đầy những việc thực dụng, vụ lợi, kỹ thuật. Vả lại, mỗi một con người đều có hai cách nói với ngôn ngữ của mình. Cái cách đầu tiên để bày tỏ và diễn đạt, nó dựa trên lôgíc của luật bài trung(6)(tiers exclu), cách nói thứ hai chủ yếu thông qua nghĩa mở rộng (nội hàm -ND), nghĩa là bối cảnh ngữ nghĩa bao quanh mỗi chữ, mỗi câu, nó vận dụng phép loại suy (6) và phép ẩn dụ, tìm cách thể hiện những xúc động và tình cảm, cho phép tâm hồn diễn đạt. Cũng thế trong mỗi chúng ta đều có hai trạng thái thường không dính dáng gì với nhau, trạng thái đầu tiên hoặc trạng thái bình thường gồm những hoạt động hợp lý - dựa trên kinh nghiệm và cái trạng thái đúng nghĩa "thứ nhì" là trạng thái "thi tứ", ở trong trạng thái này chúng ta không chỉ đến được với thi ca, mà với cả âm nhạc, vũ điệu, lễ hội, hoan lạc, ái tình và khi lên đến cực điểm nó sẽ đưa con người đến trạng thái xuất thần. Chính trong trạng thái thi tứ này mà trạng thái thứ nhì hay trạng thái "vô thức" lại trở thành trạng thái hàng đầu.
    Fernando Pesoa (Phéc-nanđô Pêsoa) nói rằng trong mỗi chúng ta có hai con người, con người thứ nhất, con người thật, do mộng tưởng, ước mơ của riêng mình tạo thành, nó sinh ra từ tuổi thơ và tiếp nối trong cuộc đời, con người thứ nhì, con người giả, do vẻ ngoài, do những tuyên bố và hành động của mình tạo nên. Chúng ta có thể nói một cách khác: hai thực thể chung sống trong chúng ta, thực thể trong trạng thái bình thường và thực thể của trạng thái thơ. Cả hai chủ thể này tạo thành con người chúng ta. Chúng là hai cực của nhân cách và bổ túc cho nhau: nếu không có văn xuôi thì sẽ không có văn vần, trạng thái thơ chỉ thể hiện thành thơ khi đem so với trạng thái trần tục.
    Trạng thái trần tục đặt chúng ta vào chỗ đứng của thực dụng, của chức năng, và mục tiêu của nó là thực dụng và chức năng.
    Trạng thái thơ có thể liên quan đến những mục tiêu yêu đương hay bè bạn, nhưng nó cũng là mục tiêu cho chính nó.
    Hai trạng thái này có thể xung đột, đi đôi hoặc quyện lẫn vào nhau. Trong những xã hội cổ sơ, hai trạng thái này ảnh hưởng lẫn nhau một cách mật thiết: công việc hàng ngày, việc giã gạo, xay bột có thể được kèm theo với câu hò điệu hát nhịp nhàng, người ta sửa soạn đi săn hoặc đánh giặc bởi những nghi thức ngụy trang vừa ca vừa múa. Trong nền văn minh truyền thống, con người sống xen kẽ giữa các mùa lễ hội, những thời điểm mà tất cả các điều cấm kỵ được xoá bỏ trong sự phấn khởi, ăn chơi phung phí, say sưa, tiêu thụ và một cuộc sống thường ngày, đầy ràng buộc mà nếu không chịu kham khổ và tính toán chi li thì không xong.
    Văn minh hiện đại tây phương đã tách rời văn xuôi và thơ. Nó làm cho những lễ tiết trở thành hiếm hoi, và trong chừng mực nào đó còn bị loại bỏ để thay bằng nhàn thú, một khái niệm - bao bì mà mỗi người cố nhồi vào đấy những gì mình có thể nhét được. Cuộc sống công việc và áo cơm thì đầy những tính toán tầm thường (lôgíc của lợi nhuận, sở hụi v.v..)(7). Chất thơ đã bị dồn vào trong cuộc sống riêng tư, trong nhàn thú và nghỉ hè. Nó đã phát triển riêng biệt với ái tình, trò chơi, thể thao, phim ảnh và dĩ nhiên với văn chương, thơ ca theo đúng nghĩa của các từ này(8).
    Ngày nay, ở cuối thiên niên kỷ này, cái siêu tầm thường đang trên đà tiến triển với sự lan tràn của lôgíc máy nhân tạo trong mọi lĩnh vực cuộc sống với sự phình trướng của giới quan liêu - kỹ thuật, với sự thắng thế của thời gian đồng thời bị căn đo, quá tải, căng thẳng trên cái thời gian tự nhiên của mỗi con người.
    Từ khi niềm hy vọng nên thơ rằng tình anh em rồi sẽ ngự trị khắp nơi đã sụp đổ hay bị phản bội, một bức màn đơn điệu to lớn đã trùm lên thế giới. Trong khi đó mỗi nơi một tý, trên điêu tàn của sự đổi đời do thơ ca hứa hẹn, những phong trào quay về nguồn gốc sắc tộc và các tôn giáo đang cố làm sống lại những loại thơ ca bằng sự tham dự tập thể.
    Cái phàm tục của giới quan liêu kinh tế và kỹ thuật muốn thu hẹp chính trị thành quản lý đang thắng thế ở Tây phương, tuy có thể chỉ là hiện tượng nhất thời, nhưng đó lại là thực tế trước mắt. Cho dù chính trị không còn đảm nhận giấc mơ đẩy lùi sự tầm thường bằng cách thực hiện hạnh phúc trên trái đất, nó cũng không thể tự giam mình trong cái trần tục được.
    Điều này có nghĩa là chính trị con người không thể chỉ nhắm vào "xã hội công nghiệp tiên tiến", "xã hội hậu công nghiệp" hay "tiến bộ kỹ thuật". Chính sách phát triển, theo nghĩa chúng ta đã hiểu, bao hàm trong nó cái ý tưởng siêu phát triển (xem chương IV) và cần có một ý thức đầy đủ về những nhu cầu mang chất thơ của con người.
    Trong những điều kiện như vậy, sự lan tràn của cái siêu phàm tục phải được đáp lại bằng một cuộc phản công mạnh mẽ của thơ. Chất thơ này rồi sẽ đi liền với sự hồi sinh của tình huynh đệ, với khí thế của cái phúc âm của sự trầm luân. Thật ra chính bản thân của ý thức về Quê hương - Quả đất cũng đã có thể đưa chúng ta vào trạng thái thơ. Mối liên hệ với quả đất là một tình cảm đẹp đẽ, hơn nữa nó có thể là tình yêu và say đắm.
    Có thể nào không rung động khi bất chợt gặp một vầng trăng tròn trịa ló dạng ở chân trời trong màn đêm đang buông xuống? Làm sao không ngất ngây khi ngắm nhìn những cánh én mùa xuân bay lượn? Chúng có phải chỉ đơn thuần là những bộ máy đang bay hay không, chúng líu ríu có phải chỉ để trao đổi với nhau một tin tức nào đó thôi sao? Chẳng lẽ khi sập sè, lao xuống, vút lên, sạt vào nhau mà không bao giờ chạm đó, thật sự chúng không cảm thấy một khoái cảm say sưa điên loạn nào ư ?
    Dĩ nhiên chúng ta không thể lúc nào cũng cứ liên tục ở trong một trạng thái thơ, đó là chuyện ảo tưởng và nếu thế thì trạng thái này cũng trở nên nhạt nhẽo đi, rồi sẽ làm cho con người hoảng hốt khi nó chấm dứt. Và như vậy cũng lại là cách làm sống dậy cái ảo tưởng cứu rỗi một kiểu khác. Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận cuộc sống trong đó thơ ca và văn xuôi (sự trần tục - ND) xen kẽ, bổ túc cho nhau.
    Văn xuôi vẫn là vấn đề thiết thân đối với chúng ta, vì chính những hoạt động thực dụng trần tục này đã giúp chúng ta sống còn. Nhưng đã biết bao lần trong thế giới động vật, những hoạt động để sống còn đó (tìm thức ăn, tìm mồi, chống trả lại những hiểm nguy, những tấn công) lại nuốt mất đi cả cuộc sống, nghĩa là cái thú vị trên đời. Ngày nay trên trái đất, loài người vẫn còn phải dùng gần như một phần lớn nhất thời gian của mình để sinh tồn!
    Chúng ta cần phải đấu tranh để đưa trạng thái vô thức lên hàng đầu, phải tìm lấy một cách sống, không phải chỉ để sống còn, mà còn để sống. Sống một cách thi vị, sống như thế mới là sống.
    Phúc âm của sự trầm luân
    Phúc âm của tình huynh đệ đối với luân lý chẳng khác nào sự phức tạp đối với tư tưởng: Nó kêu gọi hãy bỏ đi sự phân cách, chia rẽ để liên kết lại. Về thực chất nó là một sự "liên kết lại" (re-ligieuse) theo đúng nghĩa của từ này.
    Tôn giáo? Làm sao không bối rối và hoang mang trước cái từ này được. Vì nó bị dính dáng tới quá nhiều nội dung thần thánh, đến độ hầu như bị đồng hoá với nội dung này, ngay cả khi ta chỉ hiểu chữ này với nghĩa tối thiểu của nó là: liên kết (re-lier).
    Tôn giáo, theo nghĩa thông thường, đúng là có thể được định nghĩa bằng những từ đối nghịch với những từ thuộc về phúc âm của sự trầm luân: một đức tin vào thần thánh hay một thượng đế tối cao với sự tôn thờ, nghi thức cúng tế. Ngoài ra tôn giáo cứu rỗi còn hứa hẹn thêm một cuộc đời huy hoàng sau cái chết.
    Thật ra, tôn giáo có thượng đế là một tôn giáo thuộc loại thứ nhất. Âu châu ngày nay đã thấy xuất hiện những tôn giáo không thần thánh. Mà những tôn giáo này lại không hề biết mình là tôn giáo. Chúng ta gọi nó là tôn giáo loại thứ nhì.
    Cũng thế, hình thức Nhà nước - quốc gia đã tự sáng tạo ra cái tôn giáo riêng của nó. Rồi sau đó, giới thế tục, duy lý, khoa học cũng xây dựng cái tôn giáo trên dương thế
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by ThaoMy Mon Dec 02, 2013 5:00 pm

    Quả Đất - Quê Hương

    Tác giả: Nguyễn Hồi Thủ

    QUẢ ĐẤT - QUÊ HƯƠNG





    Như thế là ở cuối cuộc phiêu lưu phi thường bắt đầu vào thế kỷ thứ XV, tiếng kêu của người lính gác trên tầu Côlômb cuối cùng đã mang ý nghĩa toàn cầu của nó: Đất! Đất!
    Đến những năm 1950 - 1960, chúng ta vẫn còn sống trên một quả đất mà chúng ta chưa biết rõ, chúng ta đã sống trên một quả đất trừu tượng, một quả đất như một khách thể. Cuối thế kỷ này chúng ta đã khám phá ra cái quả đất - hệ thống, quả đất-thần linh, bầu sinh quyển, quả đất như một phần của vũ trụ, Quả đất- Quê hương. Mỗi người trong chúng ta đều có hệ phả và thẻ căn cước của con người quả đất. Nó đến từ quả đất, nó là quả đất và nó ở trên quả đất.
    Chúng ta thuộc về quả đất và quả đất thuộc về chúng ta.
    Sự hợp lưu lớn
    Ở cuối thiên niên kỷ này, chúng ta đã gần như có thể cùng một lúc hoàn thành được nhiều loại ý thức bổ sung lẫn nhau:
    - ý thức về tính nhất thống của quả đất (ý thức về quả đất);
    - ý thức về tính nhất thống/đa dạng của sinh quyển (ý thức sinh thái);
    - ý thức về tính nhất thống/đa dạng của con người (ý thức nhân loại học);
    - ý thức về cương vị nhân loại - sinh vật - vật lý của chúng ta;
    - ý thức về "cái nghiệp" của chúng ta, cái việc "có mặt ở đây mà không biết vì sao";
    - ý thức về kỷ nguyên toàn cầu;
    - ý thức về sự "đe doạ ngàn cân treo sợi tóc";
    - ý thức về sự tiêu vong trong tương lai của cuộc đời chúng ta, của tất cả sự sống, của tất cả hành tinh, của tất cả mặt trời;
    - ý thức về vận mệnh của con người địa cầu chúng ta.
    Qua các nhận thức này, từ nay những thông điệp đến từ mọi chân trời khác nhau, - từ lòng tin, từ đạo đức, từ chủ nghĩa nhân văn, từ chủ nghĩa lãng mạn, từ khoa học, từ ý thức về thời đại đồ sắt toàn cầu - sẽ có thể về quy tụ lại.
    Cũng thế, tư tưởng nhân văn của thời kỳ ánh sáng đã thừa nhận cho mọi người một phẩm chất như nhau, tư tưởng này có thể hoà hợp với tình cảm của chủ nghĩa lãng mạn đối với thiên nhiên để tìm lại được sự liên hệ khắng khít của con người với Đất mẹ. Đồng thời trong cái ý thức toàn cầu ràng buộc con người với nhau và ràng buộc con người với thiên nhiên quả đất, chúng ta có thể làm cho hợp lưu vào đó nào là tình thương đồng loại, thương người khác giống vốn là nguồn gốc của những tôn giáo phổ biến có tầm vóc, nào là lòng từ bi đối với tất cả sinh vật của đạo Phật, nào là lòng bác ái phúc âm và lòng bác ái của chủ nghĩa quốc tế, vốn là một thứ kế thừa thế tục và xã hội chủ nghĩa của đạo Thiên chúa.
    Tất cả những thông điệp này với thời gian đều nằm trong những thể chế. Những thể chế này rồi biến chất, thoái hoá đôi khi còn biến thành những thứ phản tác dụng. Chúng cần được làm cho hồi sinh liên tục và biết đâu chúng sẽ có thể tự phục hưng lẫn nhau với cái phúc âm của sự trầm luân. Đấy cũng là biết bao nhiêu mảnh rời của một bức tranh ghép hình, chỉ khi nào nó được hoàn tất thì ta mới thấy được toàn diện bộ mặt luân lý nhân loại.
    Đất!
    Làm chủ được thiên nhiên ư ? Con người vẫn còn chưa khống chế được bản chất của chính mình, cứ để cho sự điên rồ thúc đẩy vào con đường làm chủ thiên nhiên đến độ mất cả tự chủ. Làm bá chủ vũ trụ ư ? Than ôi! Con người chỉ là một con vi trùng ở trong cái vũ trụ bao la và huyền bí này. Làm chủ sự sống ư ? Ngay cả một ngày nào đó mà con người có thể tạo được một con vi khuẩn thì cũng chỉ là với tư cách cóp lại để làm ra một cấu tạo mà nó không bao giờ có khả năng tưởng tượng nổi. Và nó có thể nào làm ra được một con chim én, một con trâu, một con sư tử biển, một bông hoa lan không? Con người có thể tiêu diệt hàng tỷ vi khuẩn nhưng nó không thể ngăn cản được những con vi khuẩn có sức đề kháng vẫn phát triển. Con người có thể huỷ diệt những con vi-rút, nhưng vẫn bó tay trước những con vi-rút mới đang thách thức, đang biến dạng, đang đổi mới... Ngay cả đối với vấn đề thuộc về vi khuẩn và vi-rút, nó phải và sẽ còn phải tiến hành đàm phán với sự sống và với thiên nhiên.
    Con người đã làm thay đổi quả đất, đã thuần hoá các thảm thực vật, đã trở thành chủ những súc vật của mình. Nhưng con người không phải là chúa tể của vũ trụ, ngay cả của quả đất này nữa.
    Kẻ di-gan của vũ trụ, lang thang trong một cuộc phiêu lưu vô định, cái số phận này của nhân loại đã quá rõ ràng ở thế kỷ thứ năm của kỷ nguyên toàn cầu, nó lộ diện sau mấy nghìn năm bị phong toả vào cái vòng luẩn quẩn của những văn minh truyền thống đã tin vào sự vĩnh hằng cùng những thần thoại siêu nhiên: trong giờ phút này con người bị vất ra đó, nghiệp chướng trên quả đất, cái con người trôi dạt, của đường đi chưa được vạch ra, của những ưu tư, lo sợ, nhưng cũng của tình nhiệt, của thơ ca, của xuất thần nhập định.
    Đó là"con người tinh khôn rồ dại, một thứ "cổ quái... tân kỳ... khủng khiếp... hỗn loạn" khó có thể nào tin được, một chủ thể của mâu thuẫn và kỳ diệu! Phán đoán tất cả mọi thứ mà lại là một con giun ngu ngốc, nắm được chân lý, mà lại là cái hố của sự phân vân và sai lầm, là vinh quang mà cũng là thứ đồ bỏ của vũ trụ? Như Pascal đã nói (trong "Tư tưởng luận" (Pensées) tr. 184). Đấy là con người đã được biết đến bởi Heraclite (Ê-ra-clít), Eschyle (Ê-sin-lơ), Sophocle (Sô-phốc-klơ), Shakespeare (Sếch-xpia) và chắc chắn bởi những người khác trong những văn hoá khác.
    Con người này phải nhận thức lại về tính hữu hạn của địa cầu, đồng thời phải từ bỏ tính vô hạn giả dối của khoa học "vạn năng", của tinh thần "vạn năng", của khát vọng về một sự "vạn năng" để tự nhìn thấy mình trước cái vô hạn thật sự, nhiều đến độ không biết gọi là gì và không thể nào tưởng tượng nổi. Những năng lực kỹ thuật, tư tưởng và ý thức của nó từ nay phải được đem dùng, không phải để làm bá chủ mà để điều chỉnh, cải thiện, thấu triệt.
    Chúng ta cần phải học tập để sống cái nghiệp chúng ta trên hành tinh này. Học để có thể sinh tồn, nghĩa là để sống, để chia xẻ, để truyền đạt, để cảm thông, đó là điều mà người ta học trong / bởi những văn hoá khép kín. Từ đây trở đi chúng ta phải học để sinh tồn, sống, chia xẻ, truyền đạt, cảm thông như những con người của hành tinh quả đất này. Chúng ta không phải chỉ thuộc riêng về một văn hoá mà chúng ta thuộc về quả đất.
    Cộng đồng cùng vận mệnh của con người trên quả đất
    Xem quả đất như quê hương? Đúng vậy, đó là sự bén rễ của chúng ta trong vũ trụ.
    Từ nay chúng ta đều biết rằng hành tinh nhỏ bé lạc lõng này còn là một cái gì hơn cả một nơi chung cho tất cả những con người. Nó còn là căn nhà, cái tổ ấm của chúng ta, là quê mẹ và hơn nữa là Quả đất - Quê hương của chúng ta. Chúng ta đã biết rằng chúng ta có thể sẽ trở thành mây khói trong những mặt trời và sẽ vĩnh viễn bị đông lạnh trong không gian. Dĩ nhiên, chúng ta có thể ra đi, du hành và di dân về những hành tinh khác. Nhưng những nơi này, vì quá nóng hay quá lạnh, đều không có sự sống.
    Chính ở đây, trong ngôi nhà của chúng ta, còn có những cây cỏ, súc vật, những người đã khuất, những sinh mệnh chúng ta và con cái chúng ta. Chúng ta cần phải bảo tồn, chúng ta cần phải cứu lấy Quả đất - Quê hương này.
    Cái "cộng đồng cùng vận mệnh quả đất" đã hiện ra lúc này với tất cả chiều sâu, bề rộng và tính thời sự của nó. Tất cả mọi người đang sống trong khu vườn chung của sự sống, ở dưới một mái nhà chung của nhân loại. Tất cả mọi người đều bị cuốn hút vào trong cuộc phiêu lưu chung của thời đại toàn cầu. Tất cả đều bị đe doạ bởi nguy cơ nguyên tử và nguy cơ sinh thái. Tất cả đều rơi vào tình thế hấp hối của của thời kỳ giữa hai thiên niên kỷ.
    Chúng ta cần gây dựng một tình liên đới nhân loại không phải dựa trên sự cứu rỗi hão huyền ở thế gian, nhưng trên ý thức về nỗi điêu linh của chúng ta, trên ý thức về sự phụ thuộc của chúng ta vào mối phức tạp chung của thời đại toàn cầu, trên ý thức về những vấn đề sinh tử chung, về tình trạng hấp hối ở cuối thiên niên kỷ này.
    YÙ thức về cộng đồng cùng chung vận mệnh trên quả đất này phải là một sự kiện then chốt ở cuối thiên niên kỷ: chúng ta mang cùng một nhịp thở với quả đất, cuộc đời chúng ta gắn liền với cuộc đời của nó. Chúng ta phải chăm sóc nó nếu không chúng ta chỉ có con đường chết.
    Phải tiếp nhận cái thân phận của công dân địa cầu, đấy cũng là tiếp nhận cái cộng đồng cùng vận mệnh.
    Cùng làm hoa tiêu của quả đất
    Cùng một lúc, sự phát hiện ra cái cộng đồng cùng vận mệnh giữa con người/ thiên nhiên đã giao cho con người một trách nhiệm về quả đất. Từ khi ấy, con người phải triệt để từ bỏ cái kế hoạch làm bá chủ đã được cổ võ bởi Descartes, Buffon, Marx. Vấn đề bây giờ không phải là thống trị quả đất nữa mà là chữa bệnh cho nó, sinh sống, sửa sang, canh tác trên đó.
    Nhân loại phải tìm cách xây dựng một phương thức để cùng nhau điều chỉnh bầu sinh quyển quả đất. Dĩ nhiên, con người có những quyền lực lớn lao càng ngày càng tăng, nhưng vấn đề ở đây là trở thành không phải kẻ dẫn đường mà là một người lái thứ hai của quả đất. Việc lái đôi này trở nên cần thiết: con người / thiên nhiên, kỹ thuật / sinh thái, trí tuệ có ý thức / trí tuệ vô ý thức... Quả đất phải chỉ huy bằng sự sống, con người phải chỉ huy bằng ý thức.
    Thoát ra khỏi thời kỳ đồ sắt toàn cầu, cứu lấy nhân loại, cùng làm hoa tiêu cho bầu sinh quyển, văn minh hoá quả đất là bốn khái niệm dính liền với nhau thành một chuỗi liên hoàn, mỗi cái đều cần thiết đối với những cái kia. Sự hấp hối của địa cầu lúc đó sẽ hoài thai ra một sự sống mới: chúng ta sẽ từ giống người hiện tại chuyển sang một nhân loại thực sự:
    Chính ở trên và để cho cái nhân loại địa cầu này, như một mục tiêu và một cơ sở mà chính trị có thể thực hiện một hành vi sáng lập. Cuộc chống trả lại sự tiêu vong của giống người và cuộc đấu tranh để cho ra đời một sự sống mới của nhân loại chỉ là một.
    Cuộc đấu tranh thuở ban đầu
    "Thời buổi hiện nay ít nhất cũng rất nghiêm trọng". Cái chắc chắn của thời dĩ vãng đã ra đi. Hiện tại đang rạn nứt và phân rã. Tương lai cũng sụp đổ. Làm sao mà không hoài nghi cho được? Cái mà chúng ta xem là một bình minh huy hoàng vào những năm 1989-1990 rồi cũng chỉ là ánh sáng loá mắt khi một siêu sao mới (supernova) vừa nổ. Đấy phải chăng chỉ là một tai nạn? Tốc độ tăng nhanh làm cho các diễn biến trở thành bộc phá. Thế giới ảo giác bị cuốn phăng đi trong một cuộc tan vỡ chưa từng thấy.
    Cái Quả đất - Quê hương gần gũi thế mà bỗng không thể nào nắm bắt được. Thảm họa thôi lại nối thảm họa!
    Làm cho địa cầu văn minh hơn? Từ giống người hiện nay chuyển sang một nhân loại thực sự? Nhưng cái con người tinh khôn rồ dại đang hy vọng gì? Làm sao che đậy được cái vấn đề bất lực to lớn kinh hồn của con người? Khắp nơi và mọi thời, sự thống trị, bóc lột bao giờ cũng áp đảo sự tương trợ, đoàn kết. Khắp nơi và mọi thời, hận thù và khinh miệt đều thắng thế trên tình bạn và sự cảm thông, khắp nơi những tôn giáo của tình yêu và những hệ tư tưởng bác ái đều gieo rắc hận thù, xa lánh nhiều hơn là tình yêu và tình huynh đệ.
    Trong lịch sử, sự điên cuồng thường vẫn càn quét lý trí và sự vô ý thức vẫn đẩy lùi ý thức. Tại sao một lần nữa sự điên rồ và sự vô ý thức lại không có thể lôi kéo số mệnh chúng ta đi?
    Bởi vì hôm nay những kẻ theo chủ nghĩa truyền thống, trường phái hiện đại và hậu hiện đại đã mù quáng biết chừng nào! Tư tưởng cũng đã bị vỡ vụn thành trăm mảnh! Đối với tính phức tạp toàn cầu con người đã vô tri biết bao! Đối với những vấn đề then chốt cũng đã vô ý thức biết bao! Cái quan hệ giữa người với người cũng đã man rợ biết bao! Ôi biết bao nhiêu là điều không hiểu được!
    Dùng văn hoá để thúc đẩy tiến bộ ư?
    Trước đây đâu có bao lâu, chủ nghĩa Quốc-xã đã chà đạp cái nước có mức văn hoá cao nhất trong thế giới. Lấy Saint- Germain-des-Prés (Xanh Gecmanh đơ Prê) hay là đại học Sorbonne (Xooc-bon) ở Paris làm mẫu mực của nhân loại ư? Chẳng nhẽ điều ấy có thể loại trừ được sự ty tiện, lòng ham muốn, tính ác độc? Chẳng nhẽ điều ấy sẽ đem lại sự sáng suốt và tri thức về cái chỗ đứng của mình trên thế giới chăng?
    Dùng văn minh để thúc đẩy tiến bộ ư? Nhưng văn minh chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài đã bị rạn vỡ và không còn nguyên vẹn. Nó lại đem đến những vấn đề mới khi vấn đề cũ vừa được giải quyết xong. Sự chẩn đoán của Freud về căn bệnh của văn minh ("Những văn minh đều bị loạn thần kinh chức năng dưới chính tác dụng của bản thân chúng") cũng vẫn còn hiệu lực, nhất là đối với nền văn minh của chúng ta, bởi vì nó sinh ra những chứng bệnh mới mà chỉ nó mới có mà thôi.
    Một nền văn minh được văn minh hoá quá độ có thể dẫn đến chỗ khao khát sự man rợ mà John Boorman (Giôn Boócman) đã diễn tả trong phim "Zardoz".
    Thế thì văn minh hoá quả đất là nghĩa gì nếu chính bản thân của văn hoá và văn minh đều gây ra vấn đề?
    Vấn đề này đưa chúng ta trở lại điều cơ bản, có nghĩa là văn hoá và văn minh không đem lại sự cứu rỗi. Nhưng ngay cả trong sự bất mãn mà những thoả mãn của văn minh mang lại, văn minh này lại tái tạo ra sự bất mãn có tính nhân loại học, nghĩa là nhu cầu thúc đẩy tiến hoá nhân loại. Sự bất mãn về chính sự thoả mãn, ra đời giữa văn minh chúng ta và đang ăn mòn nó, chính là điều kiện chuẩn bị cho sự vượt qua nó.
    Nói tóm lại, chúng ta phải dám quay về với nguyên tắc đề kháng. Và cuối cùng trong sự tuyệt vọng chúng ta vẫn còn những nguyên tắc hy vọng như sau:
    Nguyên tắc đầu tiên là một nguyên tắc cốt tử: giống như bất cứ sinh vật nào cũng đều tự có thể tái sinh dưới một ứng lực (tension) về phía tương lai không thể ức chế, tất cả những gì thuộc về con người cũng thế, nó lại tái sinh ra hy vọng trong quá trình đổi mới sự sống; không phải là hy vọng làm cho nó sống, nhưng là sự sống làm ra hy vọng hoặc nói một cách khác: sự sống làm ra hy vọng để làm nó sống.
    Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc của sự khó hình dung: Tất cả những biến chuyển hoặc sáng tạo lớn đều là thứ không có thể nghĩ ra được trước khi nó phát sinh.
    Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc vị tất: Tất cả những gì xẩy ra tốt đẹp trong lịch sử đều đã không có khả năng xuất hiện một cách tiên nghiệm.
    Nguyên tắc thứ tư là nguyên tắc của con chuột chũi: Con vật này đào những đường hầm và làm rỗng từng đất ngầm trước khi mặt đất bị động chạm.
    Nguyên tắc thứ năm là nguyên tắc của sự cứu vớt nhờ ý thức được nỗi hiểm nguy. Theo lời của Hửlderlin: "ở nơi mà nguy cơ tăng thì sự cứu nguy cũng tăng lên".
    Nguyên tắc thứ sáu là một nguyên tắc nhân loại học: Chúng ta biết rằng con người tinh khôn cho đến bây giờ vẫn chỉ dùng có một phần rất nhỏ của khả năng tinh thần / đầu não của nó. Như vậy chúng ta vẫn còn lâu mới dùng hết được những khả năng trên phương diện trí tuệ, tình cảm, văn hoá, văn minh, xã hội, chính trị vốn có của loài người. Điều này có nghĩa là văn hoá của chúng ta hiện nay chỉ tương ứng với thời vẫn còn là tiền sử của đầu óc con người và văn minh đương đại của chúng ta hiện nay vẫn còn đình đốn ở thời đại đồ sắt toàn cầu hôm nay. Điều này như vậy còn có nghĩa và nhất là, trừ phi xẩy ra những tai biến ghê gớm, chúng ta vẫn chưa đạt đến được độ cao của những khả năng đầu não / tinh thần con người, của những khả năng lịch sử các xã hội, của những khả năng nhân loại học trong tiến hoá nhân loại.
    Nhưng sự tan vỡ ảo tưởng này không hề ngăn cản bước tiến về một giai đoạn mới trong tiến trình tiến hoá nhân loại, giai đoạn này đồng thời cũng là một giai đoạn mới trong văn hoá và văn minh con người.
    Sáu nguyên tắc này cũng có giá trị trong trường hợp kết quả trở thành xấu nhất. Chúng không đem đến một cái gì bảo đảm cả. Sự sống có thể gặp phải cái chết một cách ngẫu nhiên. Điều khó tưởng tượng nổi chưa chắc gì sẽ đến. Cái không có khả năng xẩy ra không tất yếu là may mắn. Con chuột chũi có thể làm tan hoang tất cả những gì con người muốn giữ gìn. Khả năng cứu trợ có thể không đạt được trình độ của những hiểm nguy.
    Cuộc phiêu lưu vẫn còn là một ẩn số. Thời đại toàn cầu có thể sẽ đắm chìm trước khi được thăng hoa. Sự hấp hối của loài người có thể rồi chỉ đưa đến chết chóc và điêu tàn. Nhưng cái kết quả xấu nhất đó cũng chưa có gì là chắc chắn, tất cả ván bài vẫn chưa ngả. Không thể biết trước một sự xác thực hoặc một xác suất nào, xét cho cùng vẫn còn có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.
    Nhiệm vụ của chúng ta thì vô cùng lớn lao và đầy bất trắc. Chúng ta không thể nào trốn tránh vào tuyệt vọng cũng như vào hy vọng. Muốn thực hiện gấp nhiệm vụ hoặc ngược lại muốn thoái thác cũng đều không thể được. Chúng ta cần phải vũ trang bằng một sự "kiên nhẫn nóng bỏng". Chúng ta đang ở vào ngày hôm trước của cuộc chiến, không phải cuộc chiến cuối cùng, nhưng là cuộc chiến ban đầu.
    (Dịch xong vào những ngày trời còn rơi tuyết, 22-02-99)

    Sponsored content


    Quả Đất - Quê Hương Empty Re: Quả Đất - Quê Hương

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Thu May 02, 2024 4:29 am