VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Phụ Nữ Việt Nam

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Phụ Nữ Việt Nam Empty Phụ Nữ Việt Nam

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 4:19 pm

    Phụ Nữ Việt Nam

    Tác giả: nhiều tác giả

    An Tư Công Chúa: Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo





    Năm Ất Dậu (1285), quân Mông cổ tấn công sang nước ta như nước vỡ bờ. Đạo quân Mông-cổ do Nạp-Tốc-Lạt-Đinh thống lĩnh từ Vân Nam kéo sang. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở trận tuyến này đã chận địch ở Thu-Vật (tức Yên-Bình, Yên-Bái) và ngày 20 tháng 2 năm Ất Dậu (1285) nhằm Rằm tháng giêng, cánh quân của ông rút về đến Bạch Hạc, toàn quân được lịnh dừng lại bên sông (khoảng gần cầu Việt Trì ngày nay) cắt tóc tuyên thệ với trời đất rằng «dốc lòng trung để báo đền quân thượng».
    Tình thế thật nguy kịch. Để làm giảm áp lực địch, vua Trần Nhân Tông sai Trung hiến hầu Trần-Dương sang trại Mông-cổ nghị hòa. Đồng thời khiến Đào-Kiện đưa quốc muội là công chúa An-Tư (em gái út vua Thánh-Tông) sang doanh trại Thoát Hoan. Quân Nguyên phái Ngại-Thiên-Hộ sang khuyến dụ: «đã muốn xin hòa, tại sao không đích thân tới để cùng bàn luận». Thực ra cho người đi nghị hòa với giặc chỉ là một hình thức trì hoãn chiến để cho quân đội ta có thời giờ chấn chỉnh hàng ngủ nên chuyện sang gặp Thoát Hoan sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra. Có một điều đáng nói là đưa công chúa An-Tư cho kẻ thù là một chuyện vạn bất đắc dĩ phải hy sinh người trong gia tộc để cứu lấy đất nước. Thay vì với cương vị một hoàng đế, đức ngài có thể tìm một người khác trong dân chúng để thế vào thay vì dùng người nhà của mình dâng cho giặc. Phải là người có tấm lòng rộng lớn như biển cả, cũng như phải có một trí tuệ bao trùm trời đất mới có thể thực hiện được điều khó làm này. Đó là phong cách của một vị Thánh nhân «nhẫn được những điều người khác không thể nhẫn và làm được những điều người khác không thể làm». Thử hỏi trong lịch sử cổ kim có vị vua nào làm được việc này? Sau khi công chúa An Tư đi vào trại giặc, các Sử gia người Việt cũng không thấy nhắc tới tung tích của Bà. Riêng về sử tàu thì nói rằng sau này bà có hai con với Thoát Hoan.
    Đối với công chúa An-Tư chúng ta phải trân trọng ghi ơn và tán dương cũng như ghi tên bà vào danh sách những anh hùng kháng Nguyên của cuộc chiến vệ quốc (1285-1288). Vì nếu không có sự hy sinh của bà thì làm sao quân ta có đủ thời giờ rút lui an toàn ra khỏi thành Thăng Long để chỉnh đốn binh mã và tinh thần để chuẩn bị những trận phản công sấm sét đánh đuổi quân xâm lược. Thoát Hoan vì say mê Bà nên đã chậm trể trong việc tấn công vào kinh đô của ta và đây là một cơ hội ngàn vàng cho triều đình nhà Trần trong lúc nguy cấp. Công trạng của bà không thể nào thua kém hơn Bà Trưng, Bà Triệu xưa kia được.
    Tuy nhiên có người đã không nhìn ra ý nghĩa của hành động vì nghĩa quên mình của Đức vua Trần cũng như An-Tư (hay Thiên Tư trong Việt Sử Tiêu Án) công chúa, họ đã phê phán một cách cạn cợt thiếu tình người như Việt Sử Tiêu Án «Vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn nước…thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm…». Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì công bình hơn đã ghi «Sai người đưa công chúa An-Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy». An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc (phản thần của triều Trần) ghi «Lại sai kẻ cận-thị là Đào-Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam Vương xin hòa giải». Tóm lại công chúa An-Tư xứng đáng được ghi vào danh sách anh hùng kháng Nguyên để hàng hậu bối biết đến và tưởng nhớ công ơn của bà đối với dân tộc.
    Con gái út vua Trần Thái Tông. Vào mùa xuân năm Ất Dậu (1285; Trần Nhân Tông, Trùng Hưng nguyên niên), khi giặc Mông Cổ xâm lấn nước ta, thế lực hết sức mạnh mẽ (quân Nam liên tiếp thua luôn mấy trận ở Vạn Kiếp, Phả Lại, rồi kinh đô Thăng Long thất thủ, bại quân ở Nghệ An, ở sông Đại Hoàng…), trước tình thế cấp bách, vua Nhân Tông sai Trung Hiếu Hầu Trần Dương và quan hầu cận là Đào Kiện đưa người cô là An Tư Công Chúa về Thăng Long dâng cho Thái tử Mông Cổ là Thoát Hoan để thư nạn nước.
    An Tư Công Chúa là người đàn bà đã hy sinh cho nước nhà trong cuộc kháng Nguyên ở hậu bán thế kỷ XIII.
    Tài liệu: Nguyễn Huyền Anh. Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, trang 12.
    Lời bàn (do Lost-dude):
    Vì ba lần đánh bại quân xâm lăng bách chiến bách thắng của Mông Cổ, nhà Trần đã lập ra những trang sử hào hùng, không những cho con cháu về sau, mà cho cả thế giới biết đến tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tuy vậy, cái giá phải trả cho nền tự chủ ấy rất cao; vua nhà Trần đã phải vị đại nghĩa mà hy sinh cả người thân tộc. Đọc tiểu sử của An Tư Công Chúa và những vị anh hùng anh thư thời kháng Nguyên, ta mới hiểu tại sao ông bà ta vẫn muốn tôn nhà Trần lên làm vua sau khi Lê Quí Ly phế cháu ngoại của ông ta là Trần Phế Đế và lập ra triều đại nhà Hồ (1400-1407). Cái câu “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” thật thấm thiết. Từ thời lập nước đến nay, phụ nữ đóng một vai trò tương xứng với những bậc mày râu trong công cuộc dựng nược, xây nước và giữ nước; đôi khi dẫu chỉ là sự hy sinh thầm lặng của các ngài.

    Giống Hồng Lạc Hoàng Thiên đã định,
    Mấy nghìn năm suy thịnh đổi thay.
    Trời Nam riêng một cõi này,
    Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì.

    (Trích trong bài “Hai Chữ Nước Nhà” của Á Nam Trần Tuấn Khải).
    An Thường Công Chúa
    Con gái thứ tư vua Minh Mạng; tức chị ruột Tuy Lý Vương.
    Trước tên Tam Xuân, sau được đổi la Lương Đức.
    Rất thông minh và hiếu hạnh. Năm lên chín, sinh mẫu bị bệnh, nhằm lễ Vạn thọ, Công chúa được đến dùng cơm với vua cha. Có món vịt vú dê, vua chia cho ăn, Công chúa ng̣ậm không nuốt. Vua cha lấy làm lạ, truyền hỏi. Công chúa khóc mà thưa rằng: “Mẹ con có bệnh, không được đội ơn; con nghe vị này bổ lắm nên con giữ đem về để dâng mẹ con.” Vua cha nghe nói, khen lắm, liền truyền lấy riêng một khay nhỏ thịt vú dê sai người đưa sang cho mẹ Công chúa.
    Khi vua Minh mạng băng hà (1840), bà lên ở tại lăng chua trọn hiếu ba năm.
    Lấy chồng, thờ mẹ chồng rất hiếu, dạy con rất nghiêm, thật xứng đáng là tấm gương cho hạng thần thoa.
    Bà mất năm Tân mùi (1871).
    Lời bàn:
    “Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu.” Tấm gương của An Thường Công Chúa dạy cho chúng ta phải nhớ rằng dẫu chúng ta có cao sang, học vấn thâm hậu hay phú quí cỡ nào đi nữa, thì đạo làm con lễ hiếu phải ghi. Là con cái, chúng ta phải luôn nghĩ đến công ơn của hai đấng sinh thành, và cố gắng làm sao cho quảng đời còn lại của cái ngài được thoải mái, êm đẹp và vui vầy. Và xin đừng đem cái bằng Engineer, Lawyer hay Doctor về rồi “con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.” Làm ơn đừng tống cha mẹ già chúng ta vào viện dưỡng lão, dẫu chúng ta đến thăm thường xuyên cỡ nào, hay là Anh văn của các ngài lưu loát ra sao; tiền tài danh vọng, mất rồi tìm lại được, mất mẹ mất cha, hỏi thế gian có mấy ai tìm lại được
    Bát Nàn Công Chúa
    Không rõ tên húy.
    Nữ tướng của Trưng Vương.
    Theo thần tích làng Tiên La (thuộc huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, Bắc phần), chồng bà là Lạc Tướng Trương Quán, một bậc danh sĩ uy vọng thời Hán thuộc. Căm phẫn trước chính sách tàn bạo của Thái thú Tàu là Tô Định, hai vợ chồng liền phất cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm.
    Khi Thi Sách, chồng của Trưng Trắc, bị hại ở Châu Diên, thì chồng của Bát Nàn Công Chúa cũng bị giết ở Duyên Hà.
    Theo về Hai Bà, Bát Nàn Công Chúa đã lập được nhiều chiến công oanh liệt.
    Sau khi đánh đuổi được Tô Định chạy về Tàu, bà không chịu nhận quan tước, chỉ xin đem đầu quân thù về làng Tiên La để tế chồng, rồi từ đó xuất gia đầu Phật.
    Vào ngày 16 tháng 3 âm lịch bà mất tại chùa.
    Về sau, dân làng Tiên La thờ Bát Nàn Công Chúa làm thành hoàng.
    Lời bàn:
    Các Bà trong vài tháng mà lấy lại được mấy mươi thành trì khiến cho bọn thực quân Tàu phải kinh hồn. Danh của Bát Nàn Công Chúa không được thế hệ chúng ta biết đến nhiều, thật là uổng. Cũng đã gần hai ngàn năm rồi, danh của Hai Bà Trưng và những bật nữ sĩ như Bát Nàn Công Chúa vẫn bừng sáng bất diệt trong lòng dân tộc. Cụ Nguyễn Trãi trong bài “Bình Ngô Đại Cáo,” bản tuyên ngôn độc lập thời Hậu Lê, có viết rằng, “song hào kiệt thế vị thường phạp (anh hùng hiệp nữ đời nào cũng có)” nhưng ngại cho những bật mày râu, không mấy ai con lưu danh hậu thế như Trung Trắc, Trưng Nhị thời xưa.
    Ghi chú: Thành hoàng là một bậc thần của một làng. Ngày xưa, làng nào cũng có một vị thành hoàng để cúng thờ. Các vị thần ấy đều do triều đình (lễ bộ) ban cữ. Các vua co quyền phong thần cho những vị đã mất mà có công trạng với nước. Thần thì chia ra nhiều loại thần, như là Nhất Đẳng thần, Đệ Nhị thần…
    Những Công Chúa Có Công Trong Việc Mở Mang Bờ Cõi Nước Việt: Bửu Diên Hoàng Oanh
    Công Chúa Huyền Trân - Hoàng Hậu Chiêm Thành
    Năm Quí Tị (1293) vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho vua Trần Anh Tông, rồi về làm Thái Thượng Hoàng.
    Vua Trần Anh Tông là một vị vua có hiếu và thông minh, được nhiều bậc hiền tài ra giúp vua trị nước như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn.
    Lúc bấy giờ vua thì hiền, tôi trung, phép nước nghiêm minh, việc học hành mở mang, thật là một thời thịnh vượng về đời Trần.
    Năm Tân Sửu (1301), Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sang du ngoạn nước Chiêm Thành, có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Vua Chiêm sai Chế Bồ Đài và hơn một trăm người đem vàng bạc, hương quý vật lạ sang nước ta xin cầu hôn.
    Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân xin dâng hai châu Ô, và châu Lý làm sính lễ. Vua Anh Tông bèn quyết định gả em gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân công chúa được phong Hoàng hậu. Sang năm sau (1307), vua Trần Anh Tông nhận châu Ô và châu Lý, đổi tên lại thành Thuận Châu, Hóa Châu rồi sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.
    Huyền Trân công chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, các hậu phải hỏa thiêu chết theo. Được tin ấy, vua Trần Anh Tông bèn sai Nhập Nội Hành Khiển Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa Huyền Trân về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành trở về.
    Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: Đinh Mùi năm thứ 15 (1307) (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa Xuân tháng Giêng. Đổi hai châu Ô Lý làm Châu Thuận và Châu Hóa, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên nhân dân. Trước là vua Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu ấy làm lễ vật cưới, người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Hồng không chịu theo, vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý của Triều đình, chọn người trong bọn chúng bổ cho làm quan, lại cấp cho ruộng đất, tha tô thuế cho 3 năm để vỗ về.
    Có nhiều người không đồng ý việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành nên trong dân gian đã có những câu hát ví von:
    Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
    Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục, lại vần than rơm.
    Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan tương cà.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng bàn:
    Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô thường quấy phá biên giới mới lấy con gái của dân làm công chúa gả cho thiền vu, kết hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê. Song có ý muốn nghỉ binh, yên dân thì còn có thể nói được... Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho vua nước Chiêm Thành là nghĩa gì? Nói rằng nhân khi đi chơi mà trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không làm việc đổi mệnh có được không? Vua giữ ngôi Trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả em cho người xa, không phải giống nòi cho đúng lời hẹn trước...
    Nhưng trong bài vịnh Huyền Trân công chúa của Thái Xuyên thì chúng ta lại thấy tác giả khen:
    Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
    Vốn đà không mất lại thêm lời.
    Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm,
    Một gái Huyền Trân của mấy mươi?
    Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
    Môi son phải giống mãi trên đời?
    Châu đi rồi lại châu về đó,
    Ngơ ngẩn trông nhau mấy đứa Hời!
    Như vậy về đời nhà Trần nhờ gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành mà chúng ta đã mở mang thêm được hai châu: Thuận Hóa và Hóa Châu. Về sau cũng có nàng công chúa bước theo con đường của công chúa Huyền Trân, góp công trong việc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam đó là hoàng hậu Somdach (hoàng hậu Cao Miên), một nàng công chúa xinh đẹp của triều Nguyễn.
    Công chúa Ngọc Vạn - Hoàng Hậu Cao Miên
    Trong lịch sử Việt Nam không thấy nói đến hoàng hậu Somdach nên chúng ta phải tìm kiếm tài liệu liên quan đến lịch sử Cao Miên.
    Thời bấy giờ quân Xiêm thường hay xâm lấn Cao Miên nên vua Chey Chattha II xin cưới một người con gái của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) làm hoàng hậu để được chúa Nguyễn ủng hộ. Bà hoàng hậu rất xinh đẹp và có nhiều đức tính tốt, được vua Cao Miên cưng quý vô cùng. Bà đã góp nhiều ý kiến hữu ích vào công việc trị nước của vua Chey Chettha II. Nhờ ảnh hưởng của hoàng hậu mà vua Cao Miên không phản đối khi bà xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Cao Miên cũng như cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô.
    Hồi đó chúa Nguyễn thường giúp quân Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của quân Xiêm.
    Năm 1623, chúa Nguyễn cử một sứ bộ, đem theo nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Phái đoàn yêu cầu cho dân Việt Nam đến lập nghiệp và xin lập một đồn thuế. Nhờ sự can thiệp của hoàng hậu Somadach, vua Chey Chettha II chấp thuận cho lập đồn thuế tại Prey Kôr để thu thuế những người Việt Nam buôn bán tại Cao Miên.
    Chúa Nguyễn khuyến khích người Việt di cư đến để làm ăn. Vì vậy trong một thời gian ngắn người Việt đến định cư rất đông.
    Từ năm 1628 (là năm vua Chey Chettha II mất) trở đi, người Việt Nam đến lập nghiệp ở các vùng Gia Định, Bà Rịa, Biên Hòa ngày càng thêm đông. Người Miên vì không muốn sống chung với người khác văn hóa và mạnh hơn nên hễ người Việt đến sống gần họ thì họ dần kiếm cách lánh đi nơi khác.
    Đã có nhiều tác giả đề cập đến hoàng hậu Somadach.
    - G. Maspéro viết trong cuốn Empire Khmer:
    Vị vua mới lên ngôi là Chey Thettha II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thettha II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn.
    - Ông Moura viết trong cuốn Royaume du Cambodge:
    Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chessda được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.
    - Theo ông Henri Russier, tác giả cuốn Histoire sommaire du Royaume de Cambodge:
    Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng...
    Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam.
    Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và cua Chey Chetta đã đồng ý...
    - A. Dauphin Meunier viết trong cuốn “Le Cambodge:
    Năm 1623, Chey Chettha, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm... Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey Kôr để tài trợ việc định cư.
    - Trong cuốn Histoire des Pays de Lunion Indochinoise của ông Nguyễn Văn Quế có đoạn:
    Chey Chettha II dời đô từ Lovéa Em đếu Oudong năm 1620 và cưới công chúa Việt Nam được phong làm hoàng hậu và rất được yêu quý nhớ đức hạnh và vẻ đẹp mỹ miều.
    Vì đã giúp đỡ cho vua Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của Xiêm nên chúa Sãi mới xin vua Cao Miên cho phép những người Việt di cư vào Nam được khai khẩn đất đai, trồng trọt, buôn bán và trả thuế ở Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa. Vua Cao Miên chấp thuận đề nghị của nhạc phụ.
    - Ông Phan Khoang, tác giả cuốn Xứ Đàng Trong, nơi phần Chúa Nguyễn gây ảnh hưởng trên đất Chân Lạp có viết:
    Từ thế kỷ XVII đã có nhiều người Việt Nam đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp tức Biên Hòa, Bà Rịa ngày nay, để vỡ đất làm ruộng. Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới một công nữ con chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa và chúa Hy Tông (chúa Sãi) có mưu đồ xa xôi, năm 1620, đã gả cho vua Chân Lạp một công nữ. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này. Bà hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn gần kinh đô.
    Đến năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn ngày nay và được ở đấy một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miền gìn giữa trật tự, còn phải một tướng lãnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra bắc đến biên giới Chiêm Thành tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay, đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai.
    - Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ở Qui Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ đàng Trong đi Cao Miên, ghi lại trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1631:
    Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm.
    Chúng ta thử tìm hiểu Hoàng hậu Somdach là ai?
    Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tức chúa Sãi, sinh năm 1563, mất năm 1635, hưởng thọ 72 tuổi, lên kế nghiệp chúa được 22 năm từ năm 1613 đến năm 1635. Ông là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng và là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc. Chúa Sãi rất khôn khéo, biết xử dụng nhân tài giúp nước như: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến.
    Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 11 người con trai và 4 người con gái.
    Trong mục công chúa của Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có ghi Chúa Sãi có bốn người con gái.
    1. Công chúa Ngọc Liên, lấy Trấn biên doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh. Vĩnh là con trưởng Mạc Cảnh Huống.
    2. Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện.
    3. Công chúa Ngọc Khoa, không có truyện.
    4. Công chúa Ngọc Đĩnh lấy phó tướng Nguyễu Cửu Kiều. Năm Giáp Tỵ (1684 Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh Mất.
    Trong Généalogie des Nguyễn avant Gia Long (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân (Bulletin des Amis de vieux Huế, năm 1920) có đoạn:
    1. Ngọc Liên, con gái trưởng của Sãi vương, vợ của Nguyễn Phước Vĩnh là con trai Mạc Cảnh Huống.
    2. Ngọc Đĩnh, con gái út của Sãi vương, vợ của Nguyễn Cửu Kiều, bà mất năm 1684.
    3. Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.
    4. Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn
    Như vậy, căn cứ vào các tài liệu nói trên ta có thể biết được bà hoàng hậu Somdach là một trong hai người con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên: Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa.
    Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hai công chúa này, một người lấy vua Chiêm Thành và một người lấy vua Cao Miên.
    Công Chúa Ngọc Khoa
    Sau đây là một vài tài liệu nói đến vua Chiêm Thành Po Romé (1627 - 1651) có cưới người vợ Việt Nam:
    - Trong bài ca Chiêm Thành Ni Danak Po Romé có câu: Vua Po Romé có ba vợ: hai người giống da sậm và một người Việt Nam, cả ba người đều ghen nhau, cãi vã ồn ào trong cung điện nhà vua.
    - Trong Cổ Tích Chiêm Thành Po Romé có ghi: Po Romé sinh được một công chúa gả cho ông hoàng Phik Cheek. Ông hoàng này kết tình bang giao với Việt Nam. Do biết tính háu sắc của Po Romé, vua ở Huế bèn chọn công chúa đẹp nhất rồi giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô nàng xinh đẹp đến tai Po Romé. Vua cho vời đến, vừa trông thấy mặt nàng là say mê, rước về làm vợ, tức là nàng Bia Út, hoàng hậu Út.
    Tác giả Hoàng Trọng Miên, trong cuốn “Việt Nam Văn Học Toàn Thư cho rằng người đàn bà lấy vua Chiêm Thành Po Romé là nàng Ngọc Khoa.
    Theo học giả Thái Văn Kiểm trong cuốn Đất Việt Trời Nam thì công chúa Ngọc Khoa đã lấy vua Chiêm Thành Po Romé.
    Do đó ta có thể suy đoán rằng hoàng hậu Somdach là công chúa Ngọc Vạn con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
    Để ca ngợi công ơn của hai công chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Á Nam Trần Tuấn Khải có làm bài thơ sau:
    Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn Ngọc Khoa
    Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
    Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
    Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa
    Một sớm ra đi mở đất đai
    Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên
    Thần xỉ mong sao được vững bền;
    Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,
    Giữ miền Nam Á đặng bình yên.
    Đời vốn quen dùng sức lửa binh,
    Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.
    Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,
    Trăm họ âu ca hưởng thái bình.
    Cũng vì hạnh phúc của muôn nhân
    Vì nước, vì nhà, xá quản thân.
    Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,
    Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.
    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp há nhường trai.
    Vắng trang lịch sử, nào ai biết?
    Người đã hy sinh vị giống nòi.
    Tới nay kể đã mấy tinh sương
    Mượn bút quan hoài để biểu dương:
    Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,
    Công người rạng rỡ chốn quê hương.
    Ngày nay chúng ta sống trên đất nước Việt Nam thân yêu, rộng lớn, miền Nam là nơi làm chơi ăn thiệt, đất rộng, sông dài, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, thiết tưởng cũng nên nhắc đến công chúa Huyền Trân, công chúa Ngọc Khoa và công chúa Ngọc Vạn để tưởng nhớ và tri ân các công chúa đã có công lớn trong việc thắt chặt tình giao hảo với các lân bang cũng như trong công cuộc mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Phụ Nữ Việt Nam Empty Re: Phụ Nữ Việt Nam

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 4:24 pm

    Phụ Nữ Việt Nam

    Tác giả: nhiều tác giả

    Bùi Thị Xuân: Anh Hùng Dân Tộc-(? - Nhâm Tuất 1802)





    Nử  kiệt triều Tây Sơn, vợ danh tướng Trần Quang Diệu, cháu thái sư Bùi Đắc Tuyên, quê làng Xuân Hòa, huyện Bình Khuê, tỉnh Bình Định.
    Bà là vị anh thư đã cùng chồng hết lòng hết sức giúp nghĩa quân Tây Sơn chống nhau với quân Nguyễn ánh hơn 10 năm, chiến đấu cực kỳ dũng cảm.
    Tháng giêng năm Nhâm Tuất 1802 bà chỉ huy 500 quân thuộc hạ góp mặt trong trận đánh Lũy Trấn Ninh , dưới quyền vị Thống lãnh chư quân là Nguyễn Quang Thùy, và vị Tư lệnh cánh quân tiên phong là Nguyễn Văn Kiên.
    Trong trận này bà tấn công địch quyết liệt, khiến quân Nguyễn ánh hết sức khiếp sợ.
    Sang tháng 3, sau mấy phen cùng chồng lo chiêu quân để toan gầy dựng lại nghiệp Tây Sơn đã nghiêng đổ, hai vợ chồng đều bị bắt tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, rồi bị đem hành hình.
    Về cái chế của bà, theo Thiên Nam nhân vật chí và hầu hết các tư liệu khác đều dựa vào đấy mà cho bà bị lăng trì, đốt cháy cả thi hài. Lại có thuyết, theo tư liệu của giáo sĩ De La Bissachère, bà và người con gái bị hành hình bằng cách voi tung xé xác, và bà đã tỏ ra can đảm phi thường trước sự trả thù tàn bạo và vô nhân đạo ấy của Nguyễn ánh.
    Hiện nay, dãy gò Xuân Hòa là nơi bà tập luyện đàn voi chiến, mặc dù đã bị phá vỡ thành ruộng, song vẫn còn di tích.
    Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của bà.
    Người đời sau có vịnh thơ:
    Vận nước đang xoay chuyển
    Quần thoa cũng vẫy vùng
    Liều thân lo cứu chúa
    Công trận quyết thay chồng.
    Khảng khái khi lâm nạn!
    Kiên trinh lúc khốn cùng
    Ngàn thu gương nữ liệt
    Gương sáng hãy soi chung.
    Bà Triệu: Giáo Sư Trần Quốc Vương
    Ngày   nay, ở Thanh Hóa vẫn còn lăng Bà Triệu với hội thờ vào ngày 21-2, tương truyền là ngày mất của người nữ anh hùng.
    Bà Triệu, hay nàng Trinh (Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh) của truyền thuyết dân gian người miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân. Quân Yên, trái núi đó vẫn giữ tên gọi ấy cho đến tận ngày nay, đứng sừng sững bên bờ sông Mã gần ngã ba Bông, thuộc địa phận hợp tác xã Định Công của tỉnh Thanh Hóa.
    Thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công có truyền thuyết "Đá biết nói" như sau: Vùng núi này có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chầy ngày xưa còn lầy lội) rồi dũng cảm nhẩy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa, đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao:
    Có bà Triệu tướng,
    Vâng lệnh trời ta.
    Trị voi một ngà,
    Dựng cờ mở nước.
    Lệnh truyền sau trước,
    Theo gót Bà Vương.
    Nhờ đó cả vùng đã đồn ầm lên rằng núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là "thiên tướng giáng trần" giúp dân, cứu nước. Vì vậy hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ.
    Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn (Phú Điền). Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. ở căn cứ này, ngược sông Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ đồng bằng miền bắc vào Thanh, đó là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả công lẫn thủ.
    ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh của Bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô. Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi Bà Triệu đắp lũy xây thành. ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà họ Lý đi tìm Bà Triệu, rước Bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn khởi nghĩa và tôn Bà làm chủ tướng.
    Cảm phục chí khí hiên ngang cứu nước của người con gái hai chục tuổi đời, dân chúng Cửu Chân theo phục Bà rất đông. Các thành ấp của giặc Ngô đều bị triệt hạ, quan lại giặc từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan ra Giao Chỉ ở ngoài bắc. Thứ sử Giao Châu mất tích!
    Một câu nói, tương truyền là lời Bà Triệu phát ra trên núi nghĩa, nghìn thu còn vang vọng mãi:
    "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!"
    Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu. Đây là một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước; kia một bà cụ hàng nước cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua giải khát. Dọc sông Mã, vùng Cẩm Thạch có truyền thuyết và di tích về một bà nữ tướng cưỡi voi đánh giặc Ngô. Vùng Khang Nghệ có truyền thuyết nói rằng: thời xưa sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân. Trong một trận giao tranh trên sông nước, vì anh đi chân vòng kiềng nên đã vấp phải dây chằng mà tử trận. Giặc Ngô đang ăn mừng thắng lợi thì hai bờ sông chuyển động. Đất trời nổi cơn giận dữ, hắt rừng cây núi đá xuống lấp cạn dòng sông, chôn vùi cả mấy vạn xác thù...
    Lại có câu chuyện đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc (Hà Trung). Một cô gái rất thích quả thị, chờ đợi người yêu đi đánh giặc và khi chết biến thành cây thị. Cây thị này chỉ có một quả, không ai hái được, vì hễ ai thò tay bẻ thì cành thị lại tự dưng vút hẳn lên cao. Cành ấy đời đời ngả về phía đông nam theo hướng người yêu của cô đang ở trong quân dinh Bà Triệu. Một ngày thắng trận, chàng trai được phép Bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng....
    Đứng trước nguy cơ tan rã của chính quyền đô hộ ở Châu Giao, triều Ngô phải cử viên danh tướng Lục Dận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn) làm thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu úy, đem khoảng 8.000 quân sang Giao Châu đàn áp nhân dân khởi nghĩa. Kết hợp dùng binh lực uy hiếp, dùng mưu mô dụ dỗ, dùng của cải mua chuộc, Lục Dận đã khiến được ba nghìn hộ ở Cao Lương (Hợp Phố) dưới quyền thủ lĩnh Hoàng Ngô đầu hàng. Sau đó, Lục Dận thận trọng tiến binh vào Giao Chỉ và Cửu Chân, khi phát quân đàn áp, khi dừng quân dùng của cải, tiền bạc mua chuộc các thủ lĩnh địa phương. Rút cục, hàng trăm thủ lĩnh nghĩa quân và hơn năm vạn dân đã phải chịu thua quân Ngô.
    Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà Triệu đã chiến đấu chống giặc Ngô, trên ba mươi trận thắng lợi. Giặc gọi tên bà là Ngụy Kiều tướng quân (Vị tướng nữ yêu kiều), là Hệ Hải bà vương (Vua bà vùng biển mĩ lệ). Quân Ngô sợ bà, thường có câu:
    Hoành qua đương hổ dị,
    Đối diện Bà Vương nan.
    (Múa ngang ngọn dáo dễ chống hùm,
    Đối mặt Vua Bà thì thực khó).
    Cũng theo truyền thuyết dân gian, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng Bà là nữ tướng "ái khiết úy ô" (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh Bà. Bà hổ thẹn, giao binh cho 3 tướng họ Lý, lên núi Tùng tự vẫn.
    Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là đền thờ chính của Bà Triệu. Hội đền hằng năm ngày trước vào ngày 21 tháng hai âm lịch.
    Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
    Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
    Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
    (thơ ca dân gian)
    Trưng Nữ Vương: Anh Thư Khởi Nghĩa Mở Đường
    Năm  Giáp Ngọ (34) là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, thường sử dụng những thủ đoạn chính trị tàn ác, nên bị người Giao Chỉ rất oán giận.
    Hai Bà Trưng là con gái của một lạc tướng huyện Mê Linh(làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên), một trong 12 huyện của quận Giao Chỉ. Hai Bà thuộc giòng giõi Vua Hùng, mẹ Hai Bà là bà Man Thiện Trần Thị Ðoan. Chồng bà Man Thiện mất sớm, bà ở vậy trồng dâu nuôi tằm, chăm lo nuôi dạy hai con gái và cho con học võ nghệ với ông Ðỗ Năng Tế (khi Hai Bà phất cờ khởi nghĩa, ông thầy dạy võ nầy trở thành vị tướng đắc lực của Hai Bà).
    Dưới thời Ðông Hán, chánh sách đồng hóa vô cùng khốc liệt xuyên vào các đơn vị làng kẻ của người Việt. Chính quyền cho mở các trường dạy chữ Hán để dùng người địa phương làm tay sai. Từng lớp trí thức và một số người Việt đã bắt đầu tiếp thu văn hóa Hán và học đòi lễ nghi, cung cách ứng xử của người Hán. Nhưng cũng có các trí thức yêu nước nhân cơ hội nầy mở các lớp học bên ngoài dạy chữ Hán nhưng bên trong truyền bá lòng yêu nước trong giới trẻ. Bà Man Thiện hết lòng khuyến khích con gái nhân dịp nầy cố gắng giao thiệp rộng, tiếp xúc với các lạc hầu, lạc tướng chung quanh vùng hầu chuẩn bị cho việc khởi nghĩa sau nầy.
    Năm 19 tuổi Bà Trưng Trắc về làm vợ ông Thi Sách, một lạc tướng huyện Chu Diên (phủ Vĩnh Tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Sự kết hôn giữa hai gia đình danh giá của hai huyện Mê Linh và Chu Diên tạo ra uy danh lớn trong quận Giao Chỉ. Ông Thi Sách và Bà Trưng Trắc đã hiệp lực vạch ra sách lược khởi nghĩa chống quân cai trị nhà Hán giành lại độc lập và bảo vệ nòi giống Việt.
    Ông bà đã bí mật hình thành một tổ chức có tên là Núi Tản - Sông Cái. Tổ chức được đa số nhân dân các quận ủng hộ. Ðể tránh sự dòm ngó của Tàu, người trong tổ chức truyền nhau mật lệnh và các dấu hiệu để nhận nhau. Khi ra đường họ nhận nhau bằng cách chào quyết tâm, bốn ngón tay của bàn tay trái nắm lấy lóng thứ nhất ngón cái của bàn tay trái và để ngón cái bàn tay phải lên lóng thứ hai của ngón cái bàn tay trái, ba ngón kia để xen kẽ giữa các ngón tay của bàn tay trái và ngón út bàn tay phải nằm trên ngón út bàn tay trái. Trong nhà họ nhận nhau bằng tấm khăn điều phủ lên giá gương hay trên bài vị
    Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng
    Tổ chức bí mật nầy dần dà mở rộng khắp các quận trên đất Việt. Ðâu đâu người dân cũng đều đợi chờ ngày khởi nghĩa để giải phóng dân tộc ra khỏi lầm than và nô lệ. Nhưng chẳng bao lâu, tổ chức bí mật Núi Tản Sông Cái bị bại lộ, ông Thi Sách bị Tô Ðịnh bắt giết. Tin buồn chấn động khắp các châu quận làm dân chúng càng thêm căm hận.
    Hai Bà cố nén đau thương cùng cực, nắm lấy cơ hội phát động ngay cuộc khởi nghĩa và lập Đàn Thề tại vùng sông Hát (Hát Môn, Phúc Lộc , tỉnh Sơn Tây) chiêu tập binh sĩ ... thấy nếu cứ để các nơi đơn độc chống đỡ với kẻ thù, không có sự liên kết với nhau, thì kẻ thù sẽ lần luột tiêu diệt từng nơi, như bẻ từng chiếc đũa. Thấy rõ nguy cơ đó, Hai Bà Trưng đã truyền hịch cứu nước và cử người đi khắp nơi để tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ chỉ huy thống nhất của Trưng Nữ Vương. Các nơi đã nhiệt liệt hưởng ứng, kéo quân hoặc cử đại biểu về Mê Linh tụ nghĩa.
    Mùa xuân năm Canh Tý (3-40), Trưng Nữ Vương hội quân ở Hát Môn làm lễ tế cờ chính thức phát động nhân dân cả nước khởi nghĩa đuổi giặc Hán, lật đổ ách thống trị của ngoại tộc. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy dưới cờ lệnh của Trưng Nữ Vương.
    Trưng Trắc ra lệnh nổi trống đồng họp binh quyết trả thù cho chồng, rửa nhục cho nước. Nghe tiếng trống ầm ào nổi lên, dân Mê Linh cung nỏ, dao búa, khiên mộc, giáo lao trong tay cuồn cuộn đổ về nhà làng. Trên bành voi cao, nữ chủ tướng Mê Linh mặc giáp phục rực rỡ. Dân Mê Linh trông thấy nữ chủ tướng đẹp đẽ, oai phong lẫm liệt thì hò reo dậy đất, ào ào bám chân voi, theo chủ tướng mà xốc tới. Trước khí thế ngút trời của đoàn quân khởi nghĩa, toà đô úy trị của nhà Hán trên đất Mê Linh phút chốc đã tan tành.
    Sức mạnh đại đoàn kết của dân ta được nhân lên gấp bội, khí thế ngút trời, như triều dâng thác đổ, làm cho kẻ thù không kịp chống đỡ, chỉ trong một thời gian ngắn, 65 thành trì đã lần lượt về tay nghĩa quân, chỉ còn thành Luy Lâu, sào huyệt cuối cùng của Tô Ðịnh ...
    Quân dân ta đạp bằng dinh lũy giặc tiến xuống Luy Lâu. Trong khi đoàn quân trẩy đi phá quận Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về. Thành Luy Lâu cũng không đương nổi cuộc công phá của một biển người ào ào xung sát, dũng mãnh theo hiệu trống đồng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. cuối cùng cũng bị phá vỡ trước sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân ta, Tô Ðịnh kinh hoàng đến nỗi phải bỏ giáp, cắt râu, cắt tóc và quẳng cả ấn tín tìm đường lẩn trốn về nước ... mới thoát chết về chịu tội với vua Hán.
    Tin thắng trận dồn dập bay đi. Nỗi vui mừng quá lớn khiến cho người dân Việt nhiều đêm liền không ngủ. Trải qua hàng chục đời, nay đất nước của vua Hùng mới được khôi phục, nợ nước thù nhà của chủ tướng Mê Linh đã được trả. Trai gái rìu đồng, giáo sắc nắm chắc trong tay, những chiếc lông chim cắm ngất ngưởng trên đầu, bộ áo lông chim xòe rộng theo nhịp trống đồng dồn dập như không bao giờ dứt. Tin thắng trận bay đi. Các quận Nam Hải (đảo Hải nam ngày nay), Cửu Chân (Bắc Việt ngày nay), Nhật Nam (Trung Việt ngày nay) , Hợp
    Phố (Quảng Đông ngày nay) cũng nổi lên theo về với Hai Bà Trưng.
    Ðất nước sạch bóng quân thù, cả nước suy tôn Trưng Trắc lên là Trưng Nữ Vương đóng đô ở Mê Linh. Trưng Nữ Vương ra lệnh miễn thuế khóa cho dân hai năm.
    Năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng quân cùng với quan Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
    Mã Viện là một danh tướng khét tiêng của nhà Đông Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem hơn 20 vạn quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng Bạc, Trưng Nữ Vương và các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng đã đưa quân ra chống giặc từ biên giới, ...
    Đánh mãi không thắng ... Mã Viện xin tăng cường thêm quân rồi tiếp tục kéo binh xâm lược ... quân ta đã anh dũng chiến đấu, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở Lãng Bạc, Ðông Triều, Yên Phong, Hà Bắc, ... trước thế giặc quá đông và hung hãn, hai Bà đã thu quân rút về giữ ở Cấm Khê (Thạch Thất - Quốc Oai) để tử thủ. Hàng vạn người Việt đã ngã xuống trong các trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình.
    Sau một thời gian dài cầm cự ... trước thế giặc quá mạnh và đông, Trưng Nữ Vương phải bỏ Cấm Khê lui quân về đến Hát Giang ( xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ), tỉnh Sơn Tây), ... nơi đây vì quân ít, ... đến thế bức quá, sau khi đã bắn hết cả tên nỏ... hai vị anh thư không muốn rơi vào tay quân địch bèn gieo mình xuống sông Hát (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà) tự tận, chớ không thèm đầu hàng giặc,.. các nữ tướng theo bà bấy lâu đều tự vận theo ... Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43). Theo Nam Sử, Trưng Trắc hưởng dương 29 tuổi.
    Một số những tướng của Hai Bà là nhóm Đô Dương chạy vào giữ huyện Cư Phong thuộc quận Cửu Chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, nhóm Đô Lương cũng đều phải ra hàng.
    Sau ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đất nước lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai kéo dài đến 5 thế kỷ (43-544).
    Ngày nay, ngoài quê hương Mê Linh, tại bãi Đồng Nhân ở vùng ngoại ô thành phố Hà Nội có ngôi đền cất từ năm Nhâm Tuất (1142) thờ Hai Bà Trưng rất lớn ....
    Tại xã Hát Môn (là nơi lập đàn ăn thề, là nơi tế cờ khởi nghĩa và cũng cùng là nơi hai bà tự tận) có Miếu Hát thờ Hai Bà Trưng, theo dân gian, nơi nầy rất linh thiêng ...
    Người ta truyền tụng rằng đền thờ hai bà rất linh thiêng. Đời vua Anh Tông nhà Lý, gặp năm trời đại hạn, ruộng đất không cấy được, nhà vua sai Uy Tĩnh thiền sư đến đền thờ hai bà để cầu mưa. Quả nhiên giữa hôm ấy trời mưa tầm tã, vua thấy linh ứng hiển nhiên bèn ra lệnh cho xây lại đền thờ hai bà thêm nguy nga và phong tặng là Trinh Linh Nhị Phu Nhân. Đến đời nhà Trần lại gia phong là Uy Liệt Chế Thắng Thuần Trinh Bảo Thượng Lưỡng Phu Nhân.
    Để tỏ lòng tôn kính, hàng năm vẫn tổ chức lễ kỷ niệm hai vị anh thư Trưng Trắc và Trưng Nhị vào ngày mùng 6 tháng 2 Âm lịch.
    Hai Bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để tiếng thơm lại muôn đời. Ngày nay có rất nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà để ghi tạc danh tiếng hai người nữ anh hùng của nước Việt Nam ta.
    Đây là hai vị nữ lưu đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã dấy lên ngọn cờ khởi nghĩa, chống trả ách xâm lược của Bắc Phương.
    Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có bốn câu:
    Bà Trưng quê ở Châu Phong
    Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
    Chị em nặng một lời nguyền
    phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...
    Sách “Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” có những vần thơ vịnh Hai Bà Trưng:
    Giúp dân dẹp loạn trả thù mình
    Chị rủ cùng em kết nghĩa binh
    Tô Định bay hồn vang một trận
    Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
    Mới dày bảo vị gia ơn trọng
    Đã đội hoa quan xuống phúc lành
    Còn nước, còn non, còn miếu mạo
    Nữ trung đệ nhất đấng tài danh ..
    Vua Tự Đức đã đề cập về hai vị nữ anh thư:
    Hai Bà Trưng là khách quần thoa, thế mà lóng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán! Dẫu thế lực yếu, thời vận ngửa nghiêng, cũng đủ dấy dức lòng người, rỡ ràng sử sách...
    Sử gia Lê Văn Hưu nói rằng: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!".
    Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lịch sử thật kỳ lạ (và chỉ xảy ra có một lần trong lịch sử của nhân loại -- Phụ nữ nổi lên lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang để giải phóng dân tộc ). Ðó là ngay thế kỷ đầu Công Nguyên (39-40) dân tộc ta đã theo lời kêu gọi của hai người phụ nữ trẻ tuổi (Trưng Trắc, Trưng Nhị) nổi lên nắm quyền lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang để giải phóng dân tộc, giảu phóng đất nước. Có lẽ do khí thiêng sông núi, do truyền thống bất khuất và tinh thần thượng võ của dân tộc ta mới hun đúc và sản sinh ra hai vị nữ anh hùng kiệt xuất và hàng chục nữ tướng tài ba như vậy.
    Hai Bà Trưng đã được sử sách đời đời ghi chép công ơn, còn hơn hai mươi nữ tướng của Hai Bà Trưng tài ba lỗi lạc tuy chưa được ghi trong chính sử, song sự tích kỳ tài của các nữ tướng anh hùng đó đã được tạc trên bia đá, ghi vào thần phả và được nhân dân ta đời đời truyền tụng.
    Sau đây là danh sách các vị nữ anh hùng đó để minh họa cho sự kiện lịch sử đặc biệt oanh liệt dưới thời Hai Bà Trưng.
    1. Thánh Thiên Nữ Tướng Anh Hùng: Khởi nghĩa ở Yên Dũng, Bắc Ðái - Bắc Giang. Ðược Trưng Vương phong làm Thánh Thiên Công Chúa. Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Giang.
    2. Lê Chân - Nữ Tướng Miền Biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân miền Biển. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng thờ.
    3. Bát Nạn Ðại Tướng: Tên là Thục Nương, khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong là Bát Nạn Ðại tướng, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
    4. Nàng Nội - Nữ Tướng Vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc (Phú Thọ) được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa. Hiện TP Việt Trì có đền thờ.
    5. Lê Thị Hoa - Nữ Tướng Anh Hùng: Khởi nghĩa ở La Sơn (Thanh Hóa) được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Nga Sơn -Thanh Hóa có đền thờ.
    6. Hồ Ðề - Phó Nguyên Soái: Khởi nghĩa ở Ðộng Lão Mai (Thái Nguyên) được Trưng Vương phong là Ðề Nương công chúa, lãnh chức Phó Nguyên soái. Ðình Ðông Cao, Yên Lãng (Phú Thọ) thờ Hồ Ðề.
    7. Xuân Nương, Trưởng Quản Quân Cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng Vương phong là Ðông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quẩn quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Chương Nha (Tam Nông), Phú Thọ.
    8. Nàng Quỳnh - Nàng Quế - Tiên Phong Phó Tướng: Khởi nghĩa ở Châu Ðại Man (Tuyên Quang) được Trưng Vương phong làm Tiên phong phó tướng. Hiện ở Tuyên Quang còn có miếu thờ hai vị nữ anh hùng.
    9. Ðàm Ngọc Nga - Tiền Ðại Tả Tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thủy, Thanh Sơn - Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong làm Nguyệt Ðiện Tế Thế công chúa giữ chức Tiền đạo tả tướng quân.
    10. Thiều Hoa - Tiên Phong Hữu Tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh - Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong là Ðông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.
    11. Quách A - Tiên Phong Tả Tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức Tả tướng tiên phong. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).
    12. Vĩnh Hoa - Nội Thị Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Vĩnh Phúc). Ðược trưng Vương phong là Vĩnh Hoa công chúa giữ chúc Nội thị tướng quân. Ðình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Ðức, huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc thờ Vĩnh Hoa.
    13. Lê Ngọc Trinh - Ðại Tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ðược Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa giữ chức Ðại tướng quân. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
    14. Lê Thị Lan - Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Ðường Lâm - Sơn Tây. Ðược Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Hạ Hòa, Phú Thọ có miếu thờ.
    15. Phật Nguyệt - Tả Tướng Thủy Quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong làm Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang thượng Tả tướng thủy quân.
    16. Phương Dung - Nữ Tướng: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Ðược Trưng Vương phong là Phương Dung công chúa giữ chức Nữ tướng quân.
    17. Trần Nang - Trưởng Lĩnh Trung Quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương). Ðược Trưng Vương phong là Hoàng công chúa giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện ở Yên Lãng, Phú Thọ có đền thờ.
    18. Nàng Quốc - Trung Dũng Ðại Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm, Hà Nội. Ðược Trưng Vương phong làTrung Dũng đại tướng quân. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ Nàng Quốc.
    19. Tam Nương - Tả Ðạo Tướng Quân: Ba chị em Ðạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trưng Vương phong Ðạm Nương làm Tả đạo tướng quân, Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng. Ðình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
    20. Quý Lan - Nội Thị Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Lũng Ðộng, Chí Linh (Hải Dương). Ðược Trưng Vương phong là An Bình công chúa giữ chức Nội thị tướng quân. Hiện ở Liu sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ.
    Hôm nay ôn lại trang sử oai hùng của Hai Bà Trưng, chúng ta không khỏi tự hào về một dân tộc hơn bốn ngàn năm đấu tranh để tồn tại mà chúng ta còn tri ân các bà mẹ Việt. Truyền thống Âu Cơ đã bền bỉ chịu đựng, cần cù nhẫn nại nuôi dưỡng các thế hệ anh hùng. Ðể khỏi phụ lòng và công ơn của tiền nhân, chúng ta đừng để vật chất cám dỗ, hãy chuẩn bị tâm tư và nhân cách để đứng lên làm tròn nhiệm vụ lịch sử giao phó. Chúng ta đừng đòi hỏi đất nước làm gì cho chúng ta mà hãy tâm niệm rằng chúng ta đã làm gì cho đất nước. Mỗi người chúng ta chỉ cần một bàn tay nhỏ bé đủ đẩy quả núi ù lì chắn bước tiến của dân tộc sang bên để đem lại hạnh phúc an vui cho mọi người còn hơn nhìn quá khứ trong tiếc nuối.
    Ðể kết luận, xin ghi lại lời tuyên bố dõng dạc của bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu Ẩu) cách đây hơn 1700 năm:
    "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể Ðông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta."  
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Phụ Nữ Việt Nam Empty Re: Phụ Nữ Việt Nam

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 4:29 pm

    Phụ Nữ Việt Nam

    Tác giả: nhiều tác giả

    Đoàn Thị Điểm: Đoàn Thị Điểm (1705_1746)-Dân Gian





    Hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Ban Tang. Nữ sĩ đời Lê.
    Người xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc phần).
    Có nhan sắc xinh đẹp, tư chất lại thông minh, giỏi văn thơ, khắp vùng đều biết tiếng. Cha và anh (Tiến sĩ Đoàn Trác LuânĐ mất sớm; để tránh sự áp bức của kẻ quyền thế, bà đến Sài Trang làm Giáo thọ dạy cho một bà cung tần ở hậu cung dược vua Lê sủng ái. Thôi làm Giáo thọ, bà đưa gia đình sang ở làng Chương Dương (Hà Đông) mở trường dạy học. Mãi ngoài 30 tuổi bà mới kết duyên với Tả thị lang Nguyễn Kiều, người làng Từ Liêm (Hà Đông). Ăn ở với chồng được 6 năm; đến năm Bính dần (1746), vì ông Nguyễn Kiều phải đổi vào trấn nhậm ở Nghệ An, bà đi theo chồng, giữa đường nhuốm bệnh, đến Nghệ An thì mất.
    Văn phẩm của bà Đoàn thị Điểm gồm có: “Tục Truyền Kỳ” (còn gọi là “Truyền Kỳ Tân Phả”) bằng Hán văn và bản dịch khúc “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra Quốc âm (412 câu thơ theo thể song thất lục bát), có một giá trị rất lớn cùng chiếm một địa vị rất cao trên nền văn học sử nước nhà.
    Biệt hiệu Hồng Hà nữ sử, người xã Giai Phạm, huyện Văn giảng, tỉnh Bắc ninh, Bắc Việt, sinh dưới triều Lê (1705) cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn.
    Bà nguyên họ Lê, đến đời thân phụ là Lê Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Mới lên sáu, đã học sách Hán cao tổ. Anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để thử sức học của em:
    Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
    Rắn trắng ngang đường, ông Quý (tên vua Hán cao tổ) tuốt gươm mà chém nó.
    Bà đối ngay:
    Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết
    Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng...
    Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mức uẩn súc. Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói:
    Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
    Soi gương kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét.
    Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
    Bà ứng khẩu đối ngay:
    Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
    Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa hai vầng.
    Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.
    Bấy giờ ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Tràng an tứ hổ:
    -Nguyễn Duy Kỳ, người Thủy nguyên, Kiến an;
    -Trần Danh Tân, người Cổ am, huyện Vĩnh bảo, Hải dương;
    -Nguyễn Bá Lân, người Cổ đô ;
    -Vũ Toại người Thiên lộc
    Bốn người rủ nhaư tới nhà bà Điểm để so tài, Bà ra một câu đối:
    Đình tiền thiêú nữ khuyến tân lang
    Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.
    Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang là chàng rể mới.
    Bốn hổ Tràng an không đối được, tiu nghỉu cúp đuôi về.
    Một hôm, bà gặp Nguyễn Công Hãng ở giữa đường Nguyễn vốn là đanh sĩ, người xã Phù chẩn, huyện Đông ngàn, tỉnh Bắc ninh, đỗ tiến sĩ năm 1700, có sang sứ Tàu năm 1718. Nguyễn yêu cầu bà làm hai câu tả cảnh độc hành (đi một mình). Bà ứng khẩu đọc luôn:
    Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu
    Truy tùy tả hữu cổ quăng thần
    (Đàm đạo chuyện xưa nay thì có bạn gan ruột. Theo đuổi mình, bên trái, bên phải, có bày tôi chân tay).
    Niên hiệu Long đức 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng vãn chương mà áp đảo được đại diện của "thiên triều". Từ đấy, bà lừng danh khắp trong nước.
    Đặng Trần Côn, người làng Nhân mục, huyện Thanh trì, tỉnh Hà đông (Bắc Việt), một hôm cao hứng, đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói:
    _ Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì?
    Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này giúp Đặng mấy năm sau thi đỗ thái học sinh, nổi danh uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu
    Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi khi trước, nên hai câu kết của Đặng
    Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn
    Ta hồ! trượng phu đương như thị
    theo nghĩa là: Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế, bà đã dịch:
    Ngâm nga, mong gởi chữ tình
    Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!
    Hai chữ tài lành bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hả lòng.
    Gần 30, bà về làm thứ thất thượng thư Nguyễn Kiều, tự Hao Hiên, người làng Phú xá, huyện Từ liêm (nay là phủ Hoài đức, Hà đông). Tuy là phận tiểu tinh, nhưng bà cũng được yêu vì kính trọng. Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng hay chữ, được các đại thần đương thời khâm phục, nên sinh lòng tự phụ, không coi ai ra gì. Bà Điểm thấy vậy bèn sai học trò đi chép đầu bài ở các trường cô tiếng mang về. Rồi đó, hai vợ chồng cùng làm mỗi người một bài. Đến lúc đem bình thì bài của ông Kiều thua, nhưng ông vẫn cố cãi bướng không chịu.
    Bà Điểm vẫn kiên tâm chờ cơ hội để ngầm khuyên chồng. Gặp lúc trường Quốc tử giám mở kỳ thi, có các bậc văn nhân nổi danh chấm bài, đầu đề ra là bài phú Quốc Gia Như Kim Âu (Nhà nước vững như âu vàng), bà lại rủ chồng cùng làm mỗi người một bài. Kết quả bài của bà lời khéo ý đẹp, tứ chặt và đủ, hơn hẳn bài của ông Kiều. Bấy giờ ông Kiều mới tỉnh ngộ, biết tài của mình không bằng vợ. Từ đó hai vợ chồng hòa hợp, ngày ngày cùng nhau làm thơ, bàn chuyện cổ kim rất là tương đắc.
    Năm 1746, Nguyễn Kiều được bổ đi trấn nhậm tỉnh Nghệ an, bà theo vào, giữa đường nhuốm bệnh, vừa đi đến Nghệ an thì tạ thế, thọ 41 tuổi
    Giai thoại
    1. Đối chữ sách:
    Cô Điểm, khi lên 6 tuổi, đang học Sử Ký Trung Hoa, anh là Đoàn Doãn Luân lấy một câu trong Sử Ký ra câu đối:
    Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
    Cô Điểm liền lấy một câu cũng trong Sử Ký đối lại:
    Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng Thiên nhi thán viết.
    Nghĩa là:
    Rắn trắng giữa đường, Ông Quý (Lưu Bang) tuốt gươm mà chém. Rồng vàng đội thuyền, Ông Vũ (Hạ Vũ) ngửa mặt lên Trời mà than.
    2. Đối chữ bóng:
    Anh Luân thấy Cô Điểm đang soi gương trang điểm nơi cửa sổ, liền ra câu đối:
    Đối kính họa mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm.
    Cô Điểm liền đối lại:
    Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.
    Nghĩa là:
    Trước gương vẽ mày, một điểm hóa thành hai điểm, cũng có nghĩa là một Cô Điểm hóa thành hai Cô Điểm. Tới ao xem trăng, một vừng tròn chuyển thành hai vừng, cũng có nghĩa là một anh Luân chuyển thành hai anh Luân.
    Sự tài tình ở đây là cảnh rất thực, dùng được tên 2 người đúng với cảnh vẽ mày và ngắm trăng.
    3. Đối chữ
    Có lần Đoàn Doãn Luân từ ngoài đi vào nhà, thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ, liền đọc:
    Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt. (Anh trai đến nhà trên tìm 2 mặt trăng)
    Song nguyệt là 2 mặt trăng, mà theo chữ Hán, 2 chữ Nguyệtghép lại là chữ Bằng: Bè bạn, bằng hữu, nên câu trên còn có nghĩa là: Anh trai đến nhà trên tìm bạn.
    Cô Điểm liền đối lại:
    Muội đáo song tiền tróc bán phong. (Em gái đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió)
    Bán phong là nửa làn gió, mà cũng có nghĩa là phân nửa chữ Phongtức là chữ Sắtnghĩa là con rận. Nên câu đối trên có nghĩa là : Em gái đến trước cửa sổ bắt con rận.
    Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Cô Điểm đùa với anh, đọc rằng:
    Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định. (Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định)
    Đoàn Doãn Luân liền đối lại:
    Lưỡng tình tương phối, Kỷ Dậu song hợp nãi thành. (Hai tình phối hợp, Kỷ Dậu 2 hợp mà thành)
    Với lối chơi chữ, 2 chữ Hợivà Týghép lại thành chữ Hài; chữ Kỷvà chữ Dậughép lại thành chữ Phối.
    4. Vịnh nước Đằng bỡn ông hai vợ:
    Có lần ở Chương Dương, Bà Đoàn đang giảng sách cho học trò, tới đoạn: Đằng là nước nhỏ, lại lọt vào giữa 2 nước lớn là Tề và Sở, nên việc ngoại giao với 2 nước lớn rất khó khăn. Vào lúc ấy, ông hàng xóm có 2 vợ gây lộn om sòm. Bà tức cười, bảo học trò lấy đầu đề nước Đằng làm thơ bỡn ông hai vợ. Học trò có nhiều đứa làm bài, nhưng bài của Đoàn Lệnh Khương (con của anh Luân) là có ý hay hơn cả, được Bà chỉnh văn lại, ghi ra như sau đây:
    Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen,
    Lại thêm Tề, Sở ép hai bên.
    Quay đầu với Sở, e Tề giận,
    Ngảnh lại sang Tề, sợ Sở ghen.
    Đó đúng là hoàn cảnh của ông hàng xóm có 2 bà vợ hay ghen.
    5. Thách đối kén chồng:
    Nhiều người khoa bảng thời bấy giờ nghe tiếng Cô Điểm hương sắc vẹn toàn, văn chương lỗi lạc, nên đều có ý muốn đến thử tài và cầu hôn, nhưng tất cả đều chịu thua tài Cô Điểm và rút lui.
    Chuyện thứ nhứt là Ông Vũ Diệm, bạn của Nhữ Đình Toản, đỗ Hoàng Giáp năm 1739, đến viếng Cô Điểm. Biết được dụng ý của người khách tài hoa nầy, Cô Điểm liền ra tay trước, bằng cách sai con hầu bưng ra một khai trầu mời khách, rồi Cô sẽ ra sau, nhưng trên khai trầu Cô để sẵn một tờ giấy, trên đó Cô viết một câu đối nhờ khách đối giúp:
    Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang.
    Câu nầy có nghĩa đen là: Trước sân gió thoảng phất cây cau. Thiếu nữ là cơn gió nhẹ, tân lang là cây cau; nhưng nghĩa bóng của câu nầy theo cách đồng âm: Trước sân, người con gái mời chàng rể mới. (Thiếu nữ: Con gái. Tân lang: Chàng rể).
    Vũ Diệm thấy câu thách đối khó quá, không thể đối nổi nên đành rút lui, không dám trêu vào giai nhân nữa.
    Chuyện thứ nhì được truyền khẩu nhiều trong dân gian là Cô Điểm nhiều lần thách đối với Trạng Quỳnh, vì Trạng Quỳnh dò dè trêu Cô và lần nào Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua.
    - Một hôm, Cô Điểm đang ngồi bên cửa sổ thì Trạng Quỳnh tới, Cô liền đọc một câu thách đối:
    Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
    Trạng Quỳnh đối không được, chịu thua rút lui.
    - Lần khác, Cô Điểm gặp Trạng Quỳnh đi theo Cô lên phố Mía Sơn tây, Cô đứng lại chờ Quỳnh tới đọc một câu thách đối:
    Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.
    Trạng Quỳnh lại chịu thua nữa, vì câu thách đối ra toàn là mía, đường, mật, kẹo, nên không thể kiếm ra chữ để đối lại.
    - Lần khác nữa, Trạng Quỳnh lại gần chỗ Cô Điểm tắm, Cô biết vậy liền ra một vế thách đối:
    Da trắng vỗ bì bạch.
    Bì là da, bạch là trắng, bì bạch là da trắng, nhưng hai tiếng nầy theo nghĩa nôm là để tượng thanh, tiếng vỗ vào da thịt. Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua keo nữa.
    - Lần cuối, nhân buổi Hội Xuân, Cô Điểm thuận tay bẻ một nhánh xương rồng, chợt thấy Quỳnh đi tới, liền đọc:
    Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long.
    Long, chữ Hán là rồng, mà tiếng nôm nghĩa là không chặt. Lần nầy, Quỳnh đối lại được, chữ nghĩa rất chỉnh mà lại biểu lộ tánh ngang ngạnh của mình:
    Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
    Thử là con chuột, nhưng tiếng nôm nghĩa là làm thử, chưa phải làm thiệt.
    Tương truyền, sau lần đối nầy, Trạng Quỳnh và Cô Điểm chia tay, không còn gặp nhau nữa.
    6. Sứ Tàu bị lỡm:
    Thời xưa, mỗi lần có đoàn sứ bộ của nước Tàu sang nước ta, triều đình thường kén chọn những người tài giỏi, lanh lợi, văn hay chữ tốt, thạo việc ứng đối, để giả làm các công việc: Bán hàng, đưa đò, hoặc làm việc nơi các Công quán, mục đích là để đối đáp với Sứ Tàu làm cho họ kính phục nước Nam ta.
    Sử có chép, đoàn Sứ Mãn Thanh sang nước ta, 2 vị đứng đầu là: Hàng Địch Lộc và Nhiệm Lan Chi. Trong số những người bán hàng trên đường Sứ Tàu đi qua, có Cô Điểm và chú bé Trần Quang Trạch, con trai của Ông Hoàng Giáp Trần Danh Ninh, mới hơn 10 tuổi mà đã giỏi văn thơ ứng đối. Bộ điệu Sứ Tàu hống hách, thấy có cô bán hàng xinh đẹp thì nói đùa một câu:
    Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
    (Phương Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày)
    Cô Điểm đứng đó liền đáp lại rằng:
    Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.
    (Nước Tàu phương Bắc các bậc đại phu đều bởi đường ấy mà ra)
    Hai câu đối trên, nếu giải nghĩa thanh thì đối nhau rất thanh, giải nghĩa tục thì đối nhau rất tục, Ó nghĩa hơn hẳn Sứ Tàu, thật xuất sắc tài tình. Bọn Sứ Tàu tưởng nói bỡn như vậy là bóng gió cao kỳ để hạ nhục Cô bán hàng, nào dè Cô hiểu ý, lanh trí trả lời đích đáng, đem cái nhục trả lại chúng, làm chúng hổ thẹn rút lui, phục tài gái nước Nam, không còn dám bỡn cợt gái nước Nam nữa.
    Trong làng văn thơ chữ nghĩa đối hoạ, không người nào không biết tới câu đối hiểm hóc tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm đã khiến cho Trạng Quỳnh phải cả đời ấm ức khôn nguôi :
    _ "Da trắng vỗ bì bạch"
    Hàng trăm năm sau vẫn có những bậc tài tuấn hậu sinh vò đầu bứt tóc cố tìm cách chứng tỏ mình giỏi hơn Trạng Quỳnh. Tuy nhiên vẫn chưa ai xứng đáng là đối thủ của người nữ sĩ tài ba này.
    Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là con của ông đồ Đoàn Doãn Nghi, quê làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (1). Anh bà là Đoàn Doãn Luân cũng là người giỏi văn thơ. Chuyện kể rằng một bữa bà đang ngồi soi gương trang điểm, anh bà chọc rằng :
    _ "Đối kính hoạ mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm"
    nghĩa là "soi gương, kẻ mày, một chấm biến thành hai chấm", đồng thời Điểm cũng là tên bà, nên có thể hiểu "soi gương, kẻ mày, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm". Thật là tài tình, câu thơ mô tả cảnh hiện tại bà Điểm đang kẻ lông mày vô cùng chính xác.
    Nhìn thấy ông anh đang đi ngoài sân cạnh cầu ao, trăng vàng soi bóng, bà ứng khẩu đáp liền :
    _ "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân"
    nghĩa là "tới ao ngắm trăng, một vầng (trăng) chuyển ra hai vầng", mà cũng có thể hiểu là "tới ao ngắm trăng, một ông Luân chuyển ra hai ông Luân". Đối chan chát cả về ý lẫn từ, cả nghĩa đen lẫn bóng!
    Lúc mới lên 5 tuổi ĐTĐ đã nổi tiếng thần đồng. Một ngày ĐTĐ đang học Kinh Thi do ông Đồ Nghi dạy, ông đồ bèn ra câu đối thử tài con gái :
    _"Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi"
    nghĩa là "rắn trắng cản đường, ông Quý tuốt gươm mà chém" lấy tích trong Kinh Thi Hán Cao Tổ Lưu Quý (hay Lưu Bang) lúc hàn vi say rượu chém rắn giữa đường.
    Cô gái 5 tuổi không do dự, đọc câu đối ngay :
    _"Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết"
    nghĩa là "rồng vàng nâng thuyền, vua Vũ trông trời mà than" cũng lấy tích từ trong Kinh Thi ra. Ông đồ kinh ngạc trước tài năng sớm phát của con gái mình.
    Năm 16 tuổi tiếng tăm ĐTĐ vang dội tới tận kinh đô. Quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn là thầy cũ của ông Đồ Nghi từ kinh thành tới quê ông thăm viếng cũng nhân để coi mặt và thử tài cô gái. Ở làng Giai Phạm, quan Thượng Thư được ông đồ đón tiếp trọng thể và cho con gái ra chào. Thấy cô gái đẹp, dung mạo đoan trang, ngôn từ dịu dàng, quan Thượng Thư rất hài lòng, bèn bảo đến trước mặt, đi bảy bước đọc 1 câu thơ độc hành. Điểm thong thả đi, chưa tới bước thứ bảy đã đọc ngay đôi câu thơ đối :
    _"Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu
    Trung tuỳ tả hữu cổ quan thần"
    nghĩa là "nói chuyện xưa nay chỉ có bạn tâm phúc, kẻ theo hầu trung thành hai bên (phải, trái) chỉ có bầy tôi lâu năm".
    Quan Thượng Thư nhổm người lên sửng sốt nói với ông đồ :
    _ Khá khen cho con gái ông, đẹp người đẹp nết lại thông tuệ hơn người! Lời nữ nhi mà mang vẻ trang trọng uy nghi, có khí phách bậc đại nhân. Ở Thăng Long tiếng đồn đã vang dội trong hàng nho sinh học giả, nay ta mới thấy quả là không sai, lời thiên hạ truyền đi thật là xác đáng!
    Quan Thượng Thư nhận ĐTĐ làm con nuôi, đưa về Thăng Long. Tiếng tăm người con gái nuôi của quan Thượng Thư càng lan rộng khắp kinh thành. Các công tử, văn nhân bị cuốn hút bởi sắc đẹp và tài năng của nàng, suốt ngày tìm tới dinh quan cầu thân. Trong số có Thái học sinh Đặng Trần Côn cũng mon men đưa thơ chọc ghẹo. Cô gái xem thơ cười nói rằng:
    _ Trẻ thơ mới học, thơ từ chả bõ ngứa tai!
    Côn thẹn tức trở về nhà cố công học, sau thành danh sĩ, viết ra tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" được Điểm khen ngợi, tự tay dịch ra thơ Nôm.
    Những người yếu văn dần dần bị loại hết. Chỉ còn 4 người hay chữ nổi tiếng ở kinh thành, tục gọi là "Tràng An Tứ Hổ", ở lại thi tài (2). Cô Điểm sai người hầu mang ra 1 vế đối bảo rằng nếu có người đối được thì cô sẽ ra tiếp khách. Câu đối như sau :
    _"Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang"
    nghĩa là : "gió nhẹ trước sân làm lay động hàng cau", nhưng cũng có nghĩa là : "trước sân cô gái trẻ mời chàng rể mới".
    Câu đối hiểm ở chỗ thiếu nữ vừa có nghĩa là gió nhẹ, vừa có nghĩa là cô gái trẻ, tân lang vừa có nghĩa là cây cau, vừa có nghĩa là chàng rể mới.
    Tứ Hổ nghĩ mãi không ra, trời mát mà mồ hôi xuất đầm đìa, lén rủ nhau chuồn về hết. Danh tiếng nữ sĩ càng nức Thăng Long!
    Câu đối đó cho tới ngày nay chưa có người nào đối được!
    AH
    (1) theo Nam Hải Dị Nhân thì bà là người tỉnh Hải Dương
    (2) Tràng An Tứ Hổ theo Phan Kế Bính là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư và Võ Toại
    Câu đối dành cho Trạng Quỳnh
    Nguyễn Quỳnh là một nhân vật văn học vang danh Bắc Hà, mà nổi tiếng nhứt là lối chơi ngỗ ngược xỏ cả vua chúa và thánh thần. Quỳnh đỗ Cống Sinh (tương đương Cử nhân) nên được gọi là Cống Quỳnh. Chức danh Trạng là do dân gian xưng tụng mà có.
    Truyện dân gian hay tô vẽ thêm cho nhân vật Trạng Quỳnh thành huyền thoại với mối tình thơ văn đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm, mà kẻ bị đo ván luôn luôn là Trạng Quỳnh, do đó mà uy tín bà Điểm càng tăng cao. Truyện kể rằng ông đồ Nghi mở trường dạy học rất đông học trò bởi vì ông vừa dạy giỏi vừa có tư cách sáng ngời, mặt khác ông còn có con gái đẹp mà tài văn thơ lẫy lừng nức tiếng từ nhỏ. Để gây ấn tượng mạnh đối với thầy đồ và con gái, mỗi buổi bình văn của thầy đồ, Quỳnh khăn áo tề chỉnh tới dựa gốc bàng trước cổng chăm chú nghe. Thấy lạ, thầy đồ cho học trò gọi Quỳnh vào nhà hỏi họ tên và mục đích muốn làm gì. Quỳnh xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Ông đồ Nghi bảo :
    _ Anh là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập học.
    Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :
    _ "Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên".
    Trong tiếng Hán, chữ quỷ ghép với chữ đấu sẽ thành chữ khôi. Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền :
    _ "Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn".
    Tiếng Hán chữ mộc chắp với chữ bàng thành chữ bảng. Thầy đồ khen ngợi Quỳnh nhận vào học. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm thấy Điểm vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn, hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm đề nghị đọc 1 vế đối nếu đối được sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc :
    _ "Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song"
    Chữ "song" tiếng Hán là 2, đồng âm với chữ "song" nghĩa là cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau.
    Quỳnh tịt mít nghĩ mãi không ra.
    Một buổi trời khuya Quỳnh trèo tường sau nhà thầy đồ định rình phòng cô Điểm, bị chó lao ra sủa. Quỳnh sợ quá leo lên cây cậy tránh. Điểm ra tựa cửa nhìn thấy Quỳnh trên cây, bụm miệng cười. Quỳnh bám mỏi tay, năn nỉ Điểm xua chó đi cho mình tuột xuống, Điểm lại đòi ra câu đối, đối được sẽ tha. Vế đối ra như sau :
    _"Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, má đỏ hồng hồng".
    Cây cậy gần gống cây hồng, trái cậy cũng màu đỏ, chữ "hồng" tiếng Hán là màu đỏ.
    Quỳnh đối không được, bị ngồi trên cây tới gần sáng, Điểm mới ra xua chó cho xuống về nhà.
    Hôm khác Quỳnh đang ba hoa với bạn học về việc trêu chọc cô hàng mật trên phố Mía thì Điểm tới, Điểm đọc luôn vế đối :
    _"Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG".
    Một vế đối có đủ mía, mật, kẹo, đường toàn là của ngọt cả ! Quỳnh và cả đám nho sinh ngây mặt không đối được.
    Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, mới mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp :
    _ Chả thích nem, chỉ thích giò thôi !
    Điểm biết Quỳnh trêu mình bèn bảo :
    _ Đối được thì sẽ cho giò.
    Rồi đọc :
    _ "Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ, DÒ đến hàng NEM CHẢ muốn ăn !
    "Dò" đồng âm với "giò", "chả" là chẳng, lại có nghĩa là thức ăn từ thịt. Vế đối có cả "thịt, mỡ, giò, nem, chả" thì Trạng cũng đành phải thua !
    Huyền Trân Công Chúa
    Huyền Trân Công chúa, con gái Trần Nhân tông, em gái Anh tông, không rõ năm sinh, năm mất.
    Từ năm 1293, Nhân tông thoái vị, truyền ngôi cho con là Anh tông, rồi ra tu ở núi Yên Tử. Đến năm Tân sửu 1301, nhân có phái bộ Chiêm Thành sang giao hảo, Thượng hoàng Nhân tông được mời du ngoạn nước Chiêm. Trần Nhân tông chấp thuận, theo chân phái đoàn, đến sống trong cung điện vua Chiêm của Chế Mân (Jaya Sinbavarman III) ngót 9 tháng. Rồi khi chia tay trở về nước nhà, cảm lòng Chế Mân có hậu đãi, Thượng hoàng Nhân tông hứa gã công chúa Huyền Trân cho (mặc dầu Chế Mân đã có vợ chính thất, người xứ Java, mĩ hiệu là hoàng hậu Tapasi). Từ ấy, Chế Mân vẫn thường sai sứ sang tỏ việc cầu hôn, nhưng triều đình Việt còn do dự, không trả lời dứt khoát.
    Đến năm Bính ngọ 1306, vua Trần Anh tông gả bà cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý.
    Huyền Trân về Chiêm, được phong hoàng hậu, mĩ hiệu là Paramecvari. Chỉ non một năm, Đ. vị 1307, tháng 5, Chế Mân mất.
    Tục nước Chiêm, vua mất thì hoàng hậu phải vào hỏa đàn để tuẫn tang. Trần Anh tông biết thế, la ngại cho tính mạng Huyền Trân, liền sai Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc xạ là Trần Khắc Chung và An Phủ sứ là Đặng Văn sang Chiêm, giả tiếng đi điếu tang, để tìm cách cứu Huyền Trân đưa về nước.
    Trần Khắc Chung làm tròn sứ mạng, cứu được Huyền Trân, nhưng trên đường về lại cùng Huyền Trân tư thông. Do đó, Hưng Nhượng vương
    Trần Quốc Tảng hễ trông thấy Khắc Chung là chửi mắng:" Họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người này chăng"!.
    Cô Giang: Dân Gian
    Tức Nguyễn thị Giang; em ruột cô Bắc. Nữ chiến sĩ cách mạng; vị hôn thê của Nguyễn thái Học. Cô Giang là người có công tuyên truyền đắc lực cho VNQDĐảng hồi phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
    Khi Nguyễn Thái Học bị bắt đưa lên đoạn đầu đài tại Yên Bái, cô Giang đau đớn đến tuyệt vọng, dùng súng lục tự kết liễu đời mình, để lại hai bức thư tuyệt mệnh với lời lẽ hết sức thống thiết. Qua bức thư sau, cả một tấm lòng tha thiết đối với tiền đồ Đất nước của bậc nữ kiệt đã được bộc lộ rõ ràng, và là những di ngôn quý báu cho đám thế hệ phải bảo toàn lấy đời sống tự do của Dân tộc:
    “Anh đã là người yêu nước!
    Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng.
    Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẽ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.”
    Kèm theo bài thơ:
    Thân không giúp ích cho đời!
    Thù không trả được cho người tình chung.
    Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
    Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
    Con đường tiến bộ mông mênh,
    Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao?
    Bây giờ hết kiếp thơ đào,
    Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây.
    Dẫu rầng chút phận thơ ngay,
    Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên.
    Chết đi dạ những buồn phiền,
    Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình.
    Quốc kỳ phất phới trên thành,
    Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
    Cực lòng nhỡ* bước sa cơ,
    Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
    Thế ru? Đời thế ru mà?
    Đời mà ai biết? Người mà ai hay?
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Phụ Nữ Việt Nam Empty Re: Phụ Nữ Việt Nam

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 4:32 pm

    Phụ Nữ Việt Nam

    Tác giả: nhiều tác giả

    Bình Khương Phu Nhân: Dân Gian-♦-Liệt nữ đời Hồ. Không rõ họ tên.






    Theo truyền thuyết, bà là vợ một viên Cống sinh ở quanh vùng Tây Đô. Khi Hồ Quí Ly ra lệnh xây thành Tây Đô (tức thành nhà Hồ), chồng bà cũng bị bắt đi theo số dân phu để khiêng đá đắp thành. Vì yếu ốm đấp không đủ số 3 thước đá cao như đã định, người chồng bị tên đốc phu đánh chết rồi chôn vào chỗ tường xây thiếu. Hay tin, bà vội chạy đi tìm chồng; dưới chân thành, quá phẫn uất, bà đập đầu vào tấm đá để tự vẫn.
    Về sau, cư dân trong vùng cảm thương người tiết phụ, khiêng tấm đá ra ngoài thành để lập miếu thờ. Các triều vua đều phong bà là nữ thần, gia hiệu Bình khương Phu nhân.
    Danh sĩ Nhữ Bá Sĩ dưới đời vua Tự Đức triều Nguyễn có làm 2 bài thơ vịnh bằng chữ Hán như sau:
    I.
    Khẳng khái quyên khu xúc thạch cương,
    Tòng phu thê chỉ Đốn sơn dương
    Tử nhi vị tử tâm kiên thạch,
    Sinh bất tử sinh tiệt ngạo sương.
    II.
    Xích chủy quân vương tri dả vô?
    Đầu lư xúc thạch thệ tòng phu.
    Túng nhiên địa lão thiên hoang hậu,
    Thạch tích niên niên chỉ hậ Hồ!
    (Bài dịch của Lam Giang)
    I.
    Quăng nằm xương mai chọi đá tường,
    Non ngàn xin chứng tấm lòng thương.
    Tiết trinh một thác bền hơn đá,
    Nghĩa tiệt muôn đời sáng tựa gương.
    II.
    Mỏ đỏ vua Hồ có biết không?
    Xương tan thiếp nguyện chết theo chồng.
    Dầu cho trời đất thanh tro bụi,
    Sắc giận nghìn thu vẫn ửng hồng.
    Lời bàn:
    Hồ Quý Ly ngày xưa, tuy là một nhà cải cách tài ba, nhưng cũng không tránh được tai tiếng chiếm ngôi và làm lòng người óan hận. Đáng ghét thay cái tên đốc phu kia, người cùng chung máu mủ mà nở tàn ác đến thế; cư xử với người cùng giống nòi mà còn như thế, thì việc quân Tàu bắt ông bà ta đem chiên để lấy mở, bắt xây thành đấp lũy, lên rừng tìm ngà, xuống biển mò châu, thuế má gắt gao cũng là lẽ thường tình. Tấm lòng tinh khiết của Bình Khương Phu Nhân, một viên đá vọng phu sáng ngời.
    Nam Phương Hoàng Hậu: Bà Hoàng Hậu Cuối Cùng Của Triều Nguyễn -Tôn Thất An Cựu
    Giai phẩm Việt Báo Tết năm Mão (1998), trong loạt bài đặc biệt về "100 năm áo dài Việt Nam" có phần bài viết sơ lược về Nam Phương Hoàng Hậu va hinh ảnh bà mang áo dài Việt Nam. Nhiều bạn đọc, từ hai năm qua, vẫn ngỏ ý mong sẽ có một bài viết đầy đủ hơn về vị Hoàng Hậu cuối cùng, không chỉ của Triều Nguyễn, mà là của lịch sử nước Việt.
    Việt Báo Tết Tân Tỵ trân trọng giới thiệu bài viết đặc biệt của nhà bỉnh bút Tôn Thất An Cựu.
    Trong gần sáu mươi năm qua, kể từ khi Triều Nguyễn chấm dứt vào năm 1945 đến nay, có rất nhiều người viết về cựu Hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Nhưng rất ít người nhắc đến bà Hoàng hậu cuối cùng, tức Nam Phương hoàng hậu. Có chăng thì cũng chỉ nhắc đến một vài chi tiết viết chung trong tài liệu nói về vua Bảo Đại. Hoặc nói cho đúng thì chưa có ai viết một tài liệu riêng về Hoàng hậu Nam Phương. Do đó nên cũng rất ít người biết đến một bà Hoàng hậu mà trong thời gian giữ ngôi vị mẫu nghi thiên hạ đã có nhiều đóng góp cho Hoàng tộc Nguyễn Phước và cho xã hội lúc bấy giờ.
    Để tưởng nhớ đến một người đàn bà tài sắc, đức hạnh và mẫu mực, đã từng là đệ nhất phu nhân của nước Việt Nam suốt mười một năm, tôi xin ghi lại đôi điều về Nam Phương hoàng hậu mà tôi đã tham khảo theo tài liệu của người bí thư của bà, ông Nguyễn Tiến Lãng, con rể của cố học giả Phạm Quỳnh và một số tài liệu khác thu thập trong cuốn hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại và của hai sử gia Pháp là Jean Renaud và Daniel Grandclément như dưới đây:
    Nam Phương Hoàng Hậu, khuê danh Nguyễn Hữu Thị Lan hay là Marie Thérèse, sinh năm 1914 tại Gò Công Nam phần, con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức huyện Sỹ, một trong những người giàu có nhất miền Nam, có thể sánh ngang hàng với gia đình Bạch công tử ở Bặc Liêu. Ông huyện Sỹ là người đã bỏ tiền ra xây cất ngôi thánh đường nguy nga ở cuối đường Võ Tánh Sài Gòn thường được gọi là nhà thờ huyện Sỹ mà đến nay vẫn còn tồn tại.
    Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan, 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp tòng học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng thuộc loại nhà giàu ở Paris do các nữ tu điều hành. Sau khi thi đậu Tú tài vào năm 1932, cô gái miền Nam theo chuyến tàu của hãng Messagerie Maritime trở về nước. Tình cờ trên chiếc tàu nầy có ông vua Việt Nam hồi loan sau khi hoàn tất việc học, đó là vua Bảo Đại mà hồi đó giới sinh viên ở Pháp thường gọi một cách thân mật là Prince Vĩnh Thụy.
    Tuy cùng trên một chiếc tàu bồng bềnh giửa đại dương một thời gian khá lâu nhưng Nguyễn Hữu Thị Lan chưa có cơ hội làm quen với vị Vua trẻ tuổi. Mãi cho đến gần một năm sau, nhân dịp vua Bảo Đại nghỉ mát tại Đà Lạt và do sự sắp đặt của Toàn quyền Đông Dương, viên Đốc Lý (tức Thị Trưởng sau nầy) thành phố Đà Lạt tổ chức một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace (sau gọi làkhách sạn Langbian) để tìm cách cho hai người gặp nhau. Tối hôm đó, trong chiếc áo lụa màu thiên thanh, Nguyễn Hữu Thị Lan đã xuất hiện trước Hoàng đế Bảo Đại để rồi chiếm gọn trái tim của một người có địa vị cao nhất nước.
    Tưởng cũng nên nói thêm là trước đây có nhiều nguồn tin nói rằng vua Bảo Đại đã gặp Marie Thérèse trên chuyến tàu thủy từ Pháp về Việt Nam, nhưng căn cứ vào hồi ký của vua Bảo Đại và tiết lộ của Hoàng hậu Nam Phương được chúng tôi trích dẫn dưới đây thì hai người đã gặp nhau trong một hoàn cảnh khác.
    Nhờ tòng học ở một trường thuộc nhà Dòng, được các nữ tu chỉ dạy các lễ nghi Tây phương đối với Vua Chúa nên tối hôm đó, lúc vừa diện kiến vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan đã quỳ một gối và cúi đầu sát mặt đất để tỏ lòng tôn kính nhà Vua. Lẽ tất nhiên, một vị vua trẻ tuổi và hào hoa như vua Bảo Đại thì làm sao ông có thể không xiêu lòng trước sắc đẹp mỹ miều của Nguyễn Hữu Thị Lan. Và chuyện sẽ đến đã đến: đám cưới của vị thiếu quân hào hoa với một nữ lưu tràn trề hương sắc miền Nam đã diễn ra tại Huế ngày 20-3-1934. Ngay ngày hôm đó Nguyễn Hửu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ Vua thuộc triều Nguyễn. Vì mười hai đời vua Nguyễn trước kia, các bà vợ Vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
    Nhắc đến cuộc nhân duyên với Hoàng hậu Nam Phương, cựu hoàng Bảo Đại đã ghi lại trong cuốn CON RỒNG VIỆT NAM :
    "Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".
    Về phần Hoàng hậu Nam Phương, bà đã nhắc lại "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" như sau:
    "Hôm đó ông Darle, Đốc Lý thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An tôi (Lê Phát An là anh ruột bà Nguyễn Hữu Hào) và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được". Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:
    -Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse)
    Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Đế, qùy một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trổi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.
    Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài".
    Sau lễ cưới, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Điện nầy xây cất từ thời vua Khải Định nhưng được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều vua Bảo Đại.
    Tại điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương đã lần lượt hạ sanh 5 người con gồm có:
    -Thái tử Bảo Long, sinh ngày 4-1-1936
    -Công chúa Phương Mai, sinh ngày 1-8-1937
    -Công chúa Phương Liên, sinh ngày 3-11-1938
    -Công chúa Phương Dung, sinh ngày 5-2-1942
    -Hoàng tử Bảo Thắng, sinh ngày 9-12-1943
    Thường ngày, ngoài việc chăm sóc dạy dỗ con cái, thỉnh thoảng hoàng hậu Nam Phương phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Hoàng thái hậu Từ Cung, tức mẹ vua Bảo Đại. Tóm lại, bà rất chu toàn bổn phận làm dâu.
    Ngoài việc quản trị nội cung như đã nói trên đây, hoàng hậu Nam Phương còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Như đi thăm trường nữ Trung học Đồng Khánh ở đường Jules Ferry (tức Lê Lợi sau nầy), bà thường tiếp xúc với các Giáo sư, nhắc nhở họ cố gắng làm tròn thiên chức của một nhà mô phạm; đi thăm Nữ Công Học Hội ở đường Khải Định (tức đường Nguyển Huệ ngày nay). Theo lời nử sĩ Đạm Phương sau nầy kể lại thì có lần Hoàng hậu Nam Phương bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo Dục đem môn nữ công gia chánh vào học đường. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà dòng Cứu Thế.
    Ngày nay, không ai còn lạ lùng khi trông thấy quý vị đệ nhất phu nhân xuất hiện nơi công cọng để giúp chồng trong việc ngoại giao, nhưng cách đây sáu mươi năm, Hoàng hậu Nam Phương giúp vua Bảo Đại trong việc tiếp kiến các nhà ngoại giao là một điều quý hiếm. Vào thời đó, nhiều người ở kinh đô Huế đều biết trong những lần vua Bảo Đại tiếp đón các quốc khách như Thống Chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong Lào quốc hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Mên v.v%85đều có sự hiện diện của hoàng hậu Nam Phương. Lần vua Bảo Đại tự mình lái xe hơi đi thăm Nam Vang cũng có mặt Hoàng hậu tháp tùng.
    Chi tiết đáng kể nhất là việc Hoàng hậu Nam Phương đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa ở Việt Nam với Hoàng tộc nhà Nguyễn. Vì như chúng ta đã biết, đạo Thiên Chúa với các vị vua triều Nguyễn vốn có những căng thẳng lịch sử thì Nam Phương hoàng hậu, như một làn gió mát, đã thoa dịu sự căng thẳng lịch sử tưởng chừng như không bao giờ thay đổi.
    Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại một hành động chứng tỏ lòng thiết tha với quê hương đất nước của Hoàng hậu Nam Phương mà chúng tôi mới tìm thấy trong tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949:
    Số là sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. (Xin lưu ý bạn đọc lúc cuộc chiến khởi đầu tại Nam phần là thuần túy giửa thực dân Pháp một bên và một bên là người Việt Nam chống lại sự đô hộ của người Pháp, không giống thực chất cuộc chiến Quốc Cộng sau nầy). Lúc đó vua Bảo Đại đã từ chức, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gởi một Thông điệp (Message) cho bạn bè ở năm châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
    "Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mãnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
    Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi".
    Ký tên:
    Bà Vĩnh Thụy
    (tức Hoàng hậu Nam Phương.)
    Trong một dịp tiếp xúc riêng tư, một người Việt Nam trong ngành ngoại giao trước năm 1975 hiện ở Pháp nói với chúng tôi rằng bức thông điệp trên đây đã được bàΡm Phương gởi đến Tổng Thống Truman của Hiệp Chủng Quốc vào đầu năm 1946 để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, đối với một tin tức có tính cách lịch sử nhưng vì không được tận mắt nhìn thấy trên giấy trắng mực đen nên tôi xin ghi lại஦#417i đây với tất cả sự dè dặt thường lệ.
    Bà Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn đã trút hơi thở cuối cùng tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp theo như lời thuật lại sau đây:
    Ngày 14 tháng 9 năm 1963, vào khoảng 5 giờ chiều, cựu hoàng hậu Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời Bác sỹ đến thăm mạch. Sau khi chẩn khám, Bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi. Nhưng không dè, Bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở. Ngươi hầu bà bèn nhờ một người Pháp hàng xóm đi mời một Bác sĩ khác, nhưng người Bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì cựu Hoàng hậu Nam Phương đã êm ái lìa đời ngay trong đêm đó khi vừa tròn 49 tuổi. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung, vì các con bà đều ở tận Paris để làm việc và đi học.
    Đám tang của bà Hoàng hậu Viêt Nam lưu vong được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của bà. Hôm đưa đám, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có ông quan đầu Tỉnh Brive la Gaillarde và ông Xã Trưởng Chabrignac.
    Trong suốt thời gian tang lễ cựu Hoàng Bảo Đại cũng không có mặt mà sau nầy, kẻ viết bài nầy trong thời gian ở Pháp được nghe kể lại thì khi hay tin mẹ chết, công chúa Phương Liên tức tốc đánh điện tín báo tin cho cựu Hoàng nhưng gặp lúc cựu Hoàng vắng nhà vì bận đi chơi xa với bà Mộng Điệp, vì vậy mà cựu Hoàng Bảo Đại không hay biết gì nên đã vắng mặt trong ngày đám tang của một người mà có thời đã cùng ông đầu ấp tay gối. Sự kiện đó đã gây sự hiểu lầm khiến về sau các Hoàng tử và Công chúa đã ôm lòng oán hận người cha mà họ nghĩ là một người chồng không trọn nghĩa thủy chung!
    Trong lần trở lại Pháp vào tháng 4 năm 1999, do đề nghị của một người bạn thường giao thiệp với Hoàng tử Bảo Long, từ Paris tôi theo người bạn đi về làng Chabrignac, cách tỉnh Brive la Gaillarde ba mươi cây số để viếng mộ Hoàng Hậu Nam Phương.
    Gió chiều nghĩa trang lồng lộng thổi, trước mắt tôi là một ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp như dưới đây:
    Bia chữ Hán: ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ, có nghĩa là:
    "Mộ phần của bà Hoàng hậu nước Đại Nam là Nam Phương".
    Bia chữ Pháp: ICI REPOSE L`IMPÉRATRICE D`ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN, có nghĩa là : "Đây là nơi an nghỉ của bà Hoàng hậu Việt Nam tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan".
    Tôi lặng nhìn ngôi mộ với những cành hoa đã úa vàng lăn lóc đó đây, lòng bồi hồi nhớ lại hơn năm mươi năm trước, từ nhà tôi đi dọc theo bờ sông An Cựu, mỗi khi đi ngang cung An Định tôi ngẩng nhìn lên bao-lơn, nhiều lần tôi bắt gặp Hoàng hậu Nam phương đang tựa lưng vào tường, mắt đăm đăm nhìn đám lục bình trôi lờ lững giữa giòng sông. Tự nhiên lòng tôi se lại, thương tiếc bà Hoàng hậu của kinh đô Huế thuở nào và buồn cho chính thân tôi, một thời thơ ấu nay đã đi qua! Thuở ấy, có một đôi lần tôi đứng xếp hàng trong hàng ngủ học sinh Tiểu học để đón chào Hoàng hậu. Chúng tôi, với nét mặt rạng rở tay cầm cờ vàng phất lia lịa mỗi khi Hoàng hậu xuất hiện và hướng mắt về phía đám nhóc con Tiểu học. Than ôi! Ngày ấy nay còn đâu?
    Tôi kính dâng lên hương linh Hoàng hậu Nam Phương những hàng chữ thô thiển nầy và xin Hoàng hậu chứng giám cho lòng kính trọng vô vàn của người viết khi ghi lại những chi tiết về cuộc đời trong sáng của bà.
    Tháng 9 năm 2000. Kỷ niệm 37 năm ngày mất của Hoàng hậu Nam Phương
    Tôn Thất An Cựu
    Tài liệu tham khảo:
    - La Famille d`Annam của Nguyễn Tiến Lãng
    - Le Dragon d`Annam của Bảo Đại
    - Souverains et Notabilités củaJean Renaud
    - Les Derniers Jours De L`Empire d`Annam của Daniel Grandclément
    Ấu Triệu: Dân Gian
    Nữ đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội đã vì nước tuẫn thân.
    Tên thật là Nguyễn Thị Đang (có nơi chép là Lê Thị Đàn). Sinh trưởng trong một gia đình bình dân ở xã Thế Lại Thượng, thuộc tỉnh Thừa Thiên (Trung phần). Gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội từ khi Hội mới thành lập. Đắc lực góp phần thoạt động cho phong trào thanh niên Dong du và tham gia phong trào kháng thuế tại các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, và Quảng Ngãi vào năm 1908.
    Đầu năm 1910, bị Pháp giam giữ và tra tấn hết sức tàn nhẫn, bà nhất thiết không khai một lời nào, sau dùng dây lưng thắt cổ chết trong ngục.
    Nhà chí sĩ Phan Bội Châu, sau này, để tỏ lòng thương tiếc bậc liệt nữ, đã đặt câu đối hùng hồn bi tráng như sau:
    “Tấm thân trót gả giang san Việt; tấc dạ soi chung nhật nguyệt Trời.
    “Tơ nhân sợi nghĩa dây lưng trắng; dạ sắt lòng son nét màu hồng.”
    Lời bàn:
    Bọn thực dân Pháp một bề giảng đạo thánh Chúa Trời, một bề giết ông bà ta không chớp mắt. Ấy mới thấy dưới bóng mặt trời này, không một dân tộc nào mà ngu dại hy sinh cho dân tộc khác (như chính quyền Bush đang tuyên truyền). “Sự tiến hóa của một dân tộc là do cái chí nguyện, lòng nhẫn nạy, kiên trì và tranh đấu của mỗi người dân,” sử gia Trần Trọng Kim đã nhũ. Trong thời kháng Pháp, biết bao nhiêu nữ sĩ trong Việt Nam Quang Phục Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng đã mang chung một số mạng với anh thư Ấu Triệu. Mỗi tất đất của nước Việt ta đã thấm nhoà với những giọt máu thiêng của cái ngài. Nhờ các ngài mà chúng ta mới có một đất Việt để sinh ra; những giọt nước ngọt ngào, những dòng sửa tươi mát và sinh khí mà ta đã hưởng thụ, từng giọt một, chúng ta nợ các đấng sinh thành ra ta và những đấng anh linh nước Việt cả.
    Nguyễn Thị Kim
    Hoàng phi, vợ vua Lê Chiêu Thống. Bậc tiết phụ thời Lê mạt.
    Người làng Tùy hà, huyện Lang tài, trấn Kinh bắc (Bắc phần).
    Khi vua Lê sang Tàu lánh nạn, bà theo không kịp, phải ẩn núp ở đất Kinh Bắc.
    Mãi hơn 13 năm sau, hay tin chồng, mẹ chồng và con đều mệnh vong ở Trung hoa và bọn di thần sắp đem linh cửu về nước, bà lên tận quan ải để đón rước. Từ đó cho đến khi về Thăng Long, bà nhịn ăn, cả ngày gục lên linh cửu cố quân gào khóc rất thảm thiết.
    Ngày 12 thang chạp năm nhâm tuấ, 1802, làm lễ tế vua Lê xong, bà bảo người xung quanh rằng: “Ta nhẫn nhục ở nơi quê nhà kể ngót mười mấy năm trời, một lòng mong đợi tin Thái hậu cùng vua ta và con ta. Nay Thái hậu và vua ta đã mất, con ta cũng chết, linh giá đã đưa về nước; thế là lòng hy vọng của ta cũng mất. Giờ đây ta nên chết theo, để xuống hầu hạ ở chốn sơn lăng.” Sau đó, bà uống thuốc độc tự tử.
    Thi thể Hoàng phi được đem về an táng tại Bàn Thạch, cạnh lăng vua Lê chiêu Thống.
    Về sau, theo lời tâu xin của Bắc thành Tổng trấn là Nguyễn Văn Thành, vua Gia Long cho lập đền thờ Nguyễn Hoàng phi tại làng Tùy Hà, lại ban cấp ruộng tế cùng tha thuế cho cả làng đó và có lập bia khắc mấy chữ: “Khâm tứ An trinh Thuận nghĩa Nguyện thị Kim chi mộ.”
    “Việt Sử Tổng Vịnh” của vua Tự đức có bài thơ khen:
    Ky đích thông mang thống mạc truy,
    Thoa điền kinh bố, cữu mê ly.
    Triêu triêu tuyệt lạp triều qui tẫn,
    Nhất trãn phên sương cạnh dư tùy.
    Bản dịch của Bửu Cầm:
    Theo giá không may lạc lại sau,
    Dãi gai áo vải đã mày lâu.
    Chẳng ăn nhiền bữa chầu linh cữu,
    Một chén nhân ngôn để xuống hầu.
    Nhà thơ Dương bá Trạc, trong thi phẩm “Trai Lành Gái Tốt” đã ca tụng đức độ Hoàng phi Nguyễn thị Kim qua bài thơ vịnh sau đây:
    Giong ruổi quan hà lạc Chúa công,
    Ngọn mây non Bắc tịt mù trông.
    Bồng mao tạm lúc nương thân liễu,
    Kinh khuyết mai sau thấy mặt rồng.
    Thác nghĩa đã ghi cùng sắt đá,
    Sống thừa còn hẹn với non sông.
    Thôi thôi nước cũ đây là hết,
    Năm lạy linh tiền chứng thiếp trung.

    Sponsored content


    Phụ Nữ Việt Nam Empty Re: Phụ Nữ Việt Nam

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Fri May 17, 2024 6:48 am