VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Tue Oct 27, 2015 9:57 pm

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 669f8y

    Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu, vợ vua Khải Định và cũng là mẹ vua Bảo Đại.
    Bà tên thật Hoàng Thị Cúc.

    Từ một cung nữ nghèo, xuất thân thường dân trở thành Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, nhưng sau khi nhà Nguyễn suy vong, cuộc đời của Từ Cung Thái hậu cũng trải qua không ít sóng gió. Bà sống cô đơn và nghèo khó những năm tháng cuối đời, không có con cháu bên cạnh.

    Đến lúc bà mất, con trai duy nhất của bà là Vua Bảo Đại và các cháu nội cũng không có mặt. Người còn lại duy nhất bên bà lúc đó là bà Lê Thị Dinh – người cung nữ trung thành nhất của Từ Cung Thái hậu. Nhưng theo như lời bà Lê Thị Dinh, thì đến tận lúc cuối đời, dù cuộc sống khó khăn, chật vật đến mấy, kể cả việc phải bán dần từng món đồ trang sức, thì Từ Cung Thái hậu vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn.

    Tấm lòng tận trung với nhà Nguyễn của Đức Từ Cung

    Cuộc đời Từ Cung Thái hậu có một điều đặc biệt nhất đó là bà chưa từng rời khỏi Huế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hay khi Tết Mậu Thân 1968, có những thời điểm bom đạn rung chuyển khắp cố đô Huế, không ít người hoảng sợ, phải sơ tán đến nơi an toàn, thì Từ Cung Thái hậu trước sau vẫn chỉ ở Huế. Bà nói: “Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được”.

    Nhớ lại những ngày theo phục vụ Đức Từ những năm sau khi nhà Nguyễn suy sụp, bà Lê Thị Dinh nói: “Khi ra khỏi cung Diên Thọ về sống ở cung An Định, hay là khi bị Ngô Đình Diệm đuổi khỏi cung An Định, Từ Cung Thái hậu vẫn luôn mang theo bên mình tất cả những bảo vật của triều Nguyễn và cả những bộ y phục mà vua đã từng mặc trước đây.

    Bộ y phục mà bà đã mặc thời bà còn ở trong cung Diên Thọ khi nhà Nguyễn chưa mất, bà cũng mang theo.
    Bà giữ lại tất cả làm kỷ vật cho đến tận lúc chết.
    Ngày xưa khi bà còn sống, tuần nào bà cũng sai tôi giặt hết mấy rương quần áo đó, phơi khô, rồi lại gấp gọn gàng để cất vào rương. Thỉnh thoảng bà đem những bộ quần áo đó ra ngắm và thở dài. Có lẽ lúc đó bà nhớ Vua Bảo Đại và đau lòng khi thấy triều Nguyễn không còn nữa....

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 214clzb

    Đức Từ Cung và vua Bảo Đại lúc còn nhỏ

    Tôi theo phục vụ bao nhiêu năm bên Đức Từ, tôi thấu hiểu một điều: bà là người phụ nữ bất hạnh, vì cả đời bà không có phước phận được gần con cháu. Khi Vua Bảo Đại còn nhỏ thì bà Tiên Cung Hoàng hậu nuôi.
    Đến lúc bà Tiên Cung mất, thì Vua Bảo Đại cũng đi học ở Pháp.

    Sau này khi Bảo Đại trở về, lấy vợ, sinh được các hoàng tử, công chúa, Từ Cung Thái hậu có một thời gian vui vẻ bên con cháu, nhưng từ sau năm 1945, bà hầu như sống một mình, cô đơn, lạnh lẽo. Khi Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, bà Thứ phi Mộng Điệp cùng các hoàng nam, hoàng nữ đều sang Pháp sống, thì Từ Cung Thái hậu hoàn toàn không còn cơ hội gặp lại con cháu mình nữa.
    Bà sống như thế cho đến tận cuối đời, trong nỗi đau dằn vặt xa con, xa cháu...


    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Tue Oct 27, 2015 10:22 pm

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 2luyhqt

    Đức Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu,

    Tuy nỗi đau đó bà không bao giờ thể hiện ra ngoài, nhưng những người xung quanh đều thấu hiểu điều đó.
    Năm 1962, khi nhận được tin Hoàng hậu Nam Phương qua đời, Đức Từ đã khóc rất nhiều vì thương Hoàng hậu Nam Phương, dù lúc ở cạnh nhau, Đức Từ và Nam Phương Hoàng hậu không hề hợp nhau.

    Ngài khóc lóc vật vã suốt mấy ngày trời vì thương Hoàng hậu vắn số.
    Tôi nhớ có lần Ngài đã hỏi tôi qua làn nước mắt: “Hoàng hậu Nam Phương mất rồi, vậy ai nuôi các hoàng tử, công chúa?
    Các cháu của ta sẽ sống ra sao”.

    Lúc đó tôi chỉ biết an ủi bà là các hoàng tử, công chúa của Hoàng hậu Nam Phương đều đã lớn, nên họ sẽ tự lo được cho bản thân.
    Hơn nữa tài sản mà Hoàng hậu Nam Phương để lại cũng rất lớn, đủ để cho các hoàng tử, công chúa ăn sung mặc sướng nếu khéo vun vén.

    Khi nghe tôi nói vậy, Đức Từ mới thấy yên tâm hơn.
    Nhưng nhiều ngày sau đó Ngài vẫn khóc, dáng vẻ suy sụp hẳn.
    Sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời, đích thân Ngài lên chùa và nhờ các sư thầy làm lễ cầu siêu cho Hoàng hậu.
    Cũng kể từ đó, Ngài ăn chay, niệm Phật nhiều hơn.
    Ngài thường đi chùa và trò chuyện với trụ trì các chùa.
    Những lúc ở nhà, Ngài hầu như chỉ ở trong căn phòng thờ và tụng kinh, niệm Phật cả ngày trong đó, hiếm khi đi ra ngoài”.

    Ngày xưa ở trong cung Diên Thọ, mỗi năm Đức Từ lo bao nhiêu ngày giỗ của các vua triều Nguyễn, thì đến sau này, Đức Từ vẫn lo chu tất bấy nhiêu cái giỗ.
    Tuy không thể làm long trọng, cầu kỳ như xưa, nhưng Đức Từ vẫn luôn tìm mọi cách để giữ gìn sự tôn nghiêm trong những lễ giỗ đó. Đến lễ giỗ của bất cứ vị vua nào, Đức Từ cũng yêu cầu chúng tôi sắm sanh lễ vật để lên lăng, rồi chuẩn bị nhang khói.
    Đích thân bà sẽ lo việc tụng kinh, niệm Phật và khấn vái hương hồn các bậc tiền nhân.

    Vua Bảo Đại sống ở bên Pháp có bao giờ nghĩ đến việc thờ cúng tổ tiên hay không thì tôi không biết, riêng Đức Từ thì bao nhiêu năm tôi sống bên cạnh bà, tôi chưa từng thấy bà bỏ một lễ giỗ nào, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt hoàn toàn.

    Tài sản mà Đức Từ mang ra khỏi cung Diên Thọ đáng lẽ ra sẽ đủ để mình bà ăn tiêu thoải mái cả đời nếu chỉ chi tiêu vào những việc thông thường, nhưng phần lớn tài sản đó, bà dùng để phục vụ cho việc thờ cúng, còn phần chi tiêu cho riêng bà, trong đó bao gồm cả việc nuôi những người hầu cận như chúng tôi thì chẳng đáng là bao.

    Khi mới ra khỏi cung, Từ Cung Thái hậu mang theo 5 người hầu (trong đó có 1 tài xế lái xe, 1 thư ký văn phòng và 3 cung nữ) và trực tiếp phát lương cho họ mỗi tháng.
    Sau này Từ Cung Thái hậu cắt giảm dần những người phục vụ mình để tiết kiệm chi phí.

    Trong 3 cung nữ theo hầu Đức Từ sau khi triều Nguyễn suy tàn, thì bà Lê Thị Dinh là cung nữ thân cận nhất theo hầu hạ Từ Cung Thái hậu và cũng là người cuối cùng ở lại bên Từ Cung Thái hậu.
    Từ Cung Thái hậu sống cho đến năm 1980, hưởng thọ 90 tuổi.
    Để có thể duy trì cuộc sống, bà đã phải bán dần từng món đồ trang sức mà mình có.
    Lúc còn sống trong cung, Từ Cung Thái hậu đã ăn uống rất đơn giản, bà ăn chay 10 ngày mỗi tháng và hiếm khi dùng sơn hào hải vị.

    Sau khi nhà Nguyễn mất, càng về già, Từ Cung Thái hậu càng ăn uống đơn giản hơn bao giờ hết.
    Y phục bà mặc và những thứ đồ dùng của bà cũng hết sức giản dị.
    Tuy giản tiện hóa mọi thứ, nhưng có một việc mà Từ Cung Thái hậu vẫn rất cầu kỳ, đó là việc thờ cúng các bậc tiền nhân....



    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 12:01 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 24bw3t3

    Tiểu Sử... Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Bà Thái hậu xuất thân trong họ Hoàng Văn (hay Huỳnh Văn hay Hoàng Trọng) có nhiều người đỗ đạt và làm quan to gốc ở  làng Mỹ Lợi, Tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế như các ông Hoàng Văn Tuyển (1824-1879), đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851), từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu, năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909). Thân sinh của bà là ông Huỳnh Văn Tích, đậu Tú Tài, làm Tri huyện Hoà Đa (Bình Định), thân mẫu của bà là bà La Thị Sơn.

    Tuy gốc gác, xuất thân trong một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và làm quan như thế, nhưng hoàn cảnh riêng của bà thì hết sức hẩm hiu.



    Chuyện trong gia đình họ Hoàng Mỹ Lợi kể rằng, ông Tú tài Hoàng Văn Tích tuy đã làm Tri huyện nhưng gia đình rất khó khăn.
    Ông có với bà La Thị Huân người con trai đầu lòng Hoàng Trọng Khanh, khi sinh thêm người con gái tiếp theo là Hoàng Thị Như [1] ông phải nhờ người chị vợ là La Thị Sơn đến giúp em lo liệu việc nhà.

    Không ngờ ông thấy “mía ngon nên bứng cả bụi”, bà chị vợ La thị Sơn có mang với ông và sinh ra bà Hoàng Thị Cúc (ngày 28 tháng 1 năm 1890).
    Sinh con xong, bà La Thị Sơn cảm thấy ân hận nên giao con lại cho ông Huyện và bà đi lấy chồng chính thức.
    Bà Hoàng Thị Cúc được dì La Thị Huân và cũng là mẹ đích, thương yêu nuôi dưỡng tận tình.

    Không may ông bà Huyện chết sớm, việc nuôi dưỡng chăm sóc bầy con trao vào tay người con trai cả Hoàng Trọng Khanh.
    Ông cả Khanh ham chơi, cờ bạc nên đem các bà em gái “bán” cho các nơi quyền quý giàu có để lấy tiền.
    Bà Hoàng Thị Cúc đoan hậu được “tiến” vào làm Thị nữ hầu hai bà Thánh Cung và Tiên Cung - vợ góa của vua Đồng Khánh.

    Theo chuyện kể, trong gia đình họ Hoàng, năm 1913 ông Phụng Hoá Công - con trai cả của hai bà Thánh Cung và Tiên Cung (ông Hoàng cả), tư thông với thị nữ Hoàng Thị Cúc và sinh ra công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy...

    Năm 1916, Phụng Hoá Công Bửu Đảo được tôn lên làm vua lấy niên hiệu Khải Định, năm 1917, bà được phong Tam Giai Huệ Tần, rồi Nhị Giai Huệ Phi (1918).
    Vua Khải Định có hàng chục bà vợ, nhưng Huệ Phi Hoàng Thị Cúc được vua Khải Định sủng ái nhất.
    Cuối năm 1925 vua Khải Định băng hà, con trai bà là Vĩnh Thụy đang học bên Pháp được gọi về nối ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại rồi mới trở lại Pháp học tiếp.
    Năm 1932, vua Bảo Đại học xong về nước trị vì, tôn phong bà là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (ngày 25 tháng 3 năm 1933)...



    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 12:32 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 24ybekh

    Tiểu Sử... Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Thời thơ ấu bà không được học, sau khi được tiến vào Tiềm để rồi được chức vị cao dưới thời Khải Định bà đã có ý thức phấn đấu học tập.
    Bà đọc và viết được chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
    Tất cả những nghi lễ cúng kỵ phức tạp trong Nội cũng như ở các lăng miếu bà đều thành thạo.

    Trong suốt thời gian con bà tại vị hay lưu vong ở nước ngoài, mọi việc tế lễ của triều Nguyễn đều do bà chủ trì. Dưới thời Ngô Đình Diệm và các chính quyền Sài Gòn sau Ngô Đình Diệm, bà bị làm khó khăn mọi mặt nhưng vẫn quyết tâm giữ cho được các lễ cúng kỵ trong nội.
    Bà đã hết sức cố gắng mới giữ được đội Ba Vũ khỏi tan rã. Nhờ thế mà ngày nay Huế còn có được đoàn ca múa Truyền thống hết sức quý giá.

    Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (ngày 19 tháng 12 năm 1946), đền miếu và lăng mộ các vua Nguyễn hư hại nhiều.
    Chính bà đã đứng ra xây dựng lại Thái Miếu và Hưng Miếu, và sửa chữa nhiều di tích khác.
    Đối với Phật giáo, bà có nhiều đóng góp mang tính lịch sử.

    Sau ngày Bảo Đại “hồi loan” năm 1932, bà đã tác động với Bảo Đại cho Phật giáo ra đời Hội An Nam Phật học và chính Bảo Đại nhận làm Hội trưởng danh dự của hội.
    Nhờ thế của Bảo Đại, lãnh đạo Hội An Nam Phật Học loại trừ được những người làm tay sai cho Pháp.
    Người lãnh đạo hội An Nam Phật Học được bà tín nhiệm nhất là Bác sĩ Lê Đình Thám.
    Đến năm 1934, cũng do tác động của bà, vua Bảo Đại đã “sắc tứ’ cho các chùa Tây Thiên, Tường Vân và Trúc Lâm.

    Đặc biệt qua năm 1935, vua Bảo Đại đã nghe lời mẹ (và ông Nguyễn Khoa Tân) đến dự lễ Phật đản tại chùa Diệu Đế và cúng dường 150 đồng bạc Đông Dương cho việc tổ chức lễ Phật Đản.

    Hôm ấy, Tam Tôn Cung cúng dường 100 đồng và bà Từ Cung cúng 50 đồng.
    Những Phật sự như thế chưa bao giờ diễn ra đối với Hoàng gia Nguyễn.
    Nó đã có một tác động rất mạnh cho việc chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ.

    Năm 1936, bà giao cho người anh cả là Hoàng Trọng Khanh cùng với dân làng dựng chùa Phật tại làng Mỹ Lợi quê hương của bà.
    Bà cũng đã đóng góp nhiều tiền của để tu sửa chùa Bảo Quốc và chùa Tường Vân...


    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 1:34 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 2qlfokg

    Tiểu Sử... Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Năm 1951, bà giao cho cô dâu Bùi Mộng Điệp cùng với chú của bà là ông Hoàng Trọng Quang xây dựng chùa Khải Đoan ở Buôn Mê Thuột - ngôi chùa sắc tứ đầu tiên ở Tây Nguyên và cũng là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn....

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 25tx7jc

    Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu và bà Mộng Điệp đến xem việc
    làm xây dựng chùa Khải Đoan tại Ban Mê Thuột. (ảnh tư liệu của bà Mộng Điệp)



    Với một giai đoạn "Tiểu Sử" ngắn gọn như trên nhưng thật ra trên giòng lịch sử biết bao thăng trầm đã diễn ra cho một vị Hoàng Thái Hậu, bà Từ Cung, nhất là đoạn cuối đời của bà...

    Sau đây người cháu ruột gọi bà bằng Cô là Hoàng Thế Định viết lại Những Ngày Cuối Đời Của Bà:



    Từ thời niên thiếu cho đến khi được tôn vinh Hoàng Thái Hậu đều xẩy ra trong thời kỳ Pháp thuộc, cho đến năm 1945, lịch sử Việt Nam lại biến động theo cơn lốc của thế chiến thứ hai: vào ngày 09 tháng 3, Nhật xâm chiếm Việt Nam, Pháp thua chạy, vài tháng sau ngày 14 tháng 8, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Pháp chưa kịp trở lại thì mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh khởi xướng, cướp chính quyền trong tay người Nhật.
    Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị với câu nói bất hủ: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.
    Thế rồi trong chức vụ bị gán là “Cố Vấn” cho ông Hồ, ông Bảo Đại sợ ông Hồ sẽ thủ tiêu mình như đã thanh toán nhiều lãnh tụ cách mạng, trí thức yêu nước đã từng hợp tác với ông Hồ trong Mặt Trận Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (gọi tắc là Việt Minh), nên ông kiếm cớ sang Trung Quốc để vận động cho ông Hồ rồi ở luôn bên đó.
    Bà Từ Cung cùng với vợ con của vua Bảo Đại rời Đại Nội ra sống tại cung An Định.
    Năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam, Việt Minh và Pháp giao chiến.
    Nam Phương Hoàng Hậu cùng các con nhờ quân đội Pháp đưa sang Pháp, bà Từ Cung tản cư về làng Mỹ Lợi và ở trong nhà người em trai là Ba của tôi (Hoàng Thế Định).



    Đầu năm 1947 Pháp thắng thế, Việt Minh vào bưng, hô hào cuộc trường kỳ kháng chiến.
    Bà Từ Cung trở lại Huế, nhưng cung An Định đã bị sập nát phần lớn không thể ở, bà được chính phủ mời vào Đại Nội, dù rằng bấy giờ ông Bảo Đại không còn ở ngôi vị vua.
    Bà trở lại ngôi nhà hai tầng xây theo kiến trúc Pháp, tọa lạc cạnh Cung Diên Thọ, ngôi nhà nầy được vua Bảo Đại ra lệnh xây vì bà Nam Phương Hoàng Hậu muốn được tiện nghi tân tiến hơn là ở trong cung Diên Thọ như bà Từ Cung vẫn ở trước đây.
    Năm 1949 Pháp mời ông Bảo Đại về nước trong một chức vụ mới: Quốc Trưởng nước Việt Nam.

    Quốc Trưởng Bảo Đại về nước với nhiều ngỗn ngang của đất nước, ông phải vận động các thế lực, đoàn thể chính trị quốc gia, hầu mong đưa Việt Nam đến vững mạnh, chính giai đoạn nầy, Quốc Trưởng Bảo Đại đã làm được hai việc ích quốc lợi dân đó là Việt-Nam-Hoá nền giáo dục, nghĩa là hoàn toàn dùng tiếng Việt trong thống giáo dục và Việt-Nam-Hóa quân đội, hợp nhất 3 ngành quân thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam Phần thành Quân Đội Việt Nam, đồng thời mở trường đào tạo sĩ quan đầu tiên là Trường Sĩ Quan Quốc Gia Việt Nam, còn gọi là trường sĩ quan Đập Đá tại Huế. Quân đội cũng tuyển phụ nữ săn sóc thương binh, phát thanh tuyên truyền…



    Hằng ngày, bà Từ Cung lo làm phận sự của một người con dâu của Nhà Nguyễn, chủ tế các ngày kỵ các vua, trùng tu lăng miếu nhà chồng. Bà thường chủ tọa những cuộc họp của Tôn Nhơn Phủ, tiếp các quan trong nội các của con bà cũng như những chính khách, thân hào nhân sĩ trong nước.
    Do kinh nghiệm về cuộc sống trong cung với những diễn biến lịch sử cũng như những thỏa hiệp, dàn xếp chính trị… bà xử thế rất tế nhị, mềm mõng với tất cả mọi người, bà không để mất lòng bất cứ ai kể cả gia nhân thuộc quyền, bà ăn nói từ tốn đúng mực với phong cách oai nghiêm nên được người tiếp chuyện kính nể.
    Ngoài những lúc ngoại giao tiếp đón như trên mà bà phải đóng vai như một chính trị gia, thật sự bà là con người rất tình cảm, bà rất muốn gặp mặt bà con bên gia đình bà cũng như bên chồng, những ngày tế lễ, bà đích thân chỉ bày gia nhân về những món ăn những mức bánh cần có để tiếp đãi...

    Theo truyền thống mỗi giòng họ thường lập ra một gia phả để ghi chép thân thế sự nghiệp của mỗi thành viên, từ vị khai lập giòng tộc cho đến con cháu về sau,
    Vào những ngày Tết, tôi (Hoàng Thế Định) đã theo chân gia đình đến chúc Tết bà, đồng thời cũng để thưởng thức những món mức bánh mà bà sai gia nhân mang ra cho chúng tôi, đặc biệt nhất là món mức khế mà chúng tôi phải gọi là mức “khến” vì cử chữ Khế là “tên móc nôi” của bà.
    Bà rất thích chuyện vản với Lương Linh Công Chúa, con của vua Thành Thái mà mọi người thường gọi là Mệ Sen, Mệ Sen thường được bà giữ lại chơi cả tuần lễ trong Thành Nội.
    Đối với gia tộc bên bà, bà cũng làm tròn đạo làm con, làm chị, làm em; vì thương quý bà, vua Khải Định đã phong tước Công cho thân phụ bà là Nghi Quốc Công đồng thời mua 5 thửa đất của 5 bà chúa hợp lại và xây một nhà thờ lớn để thờ cha mẹ vợ, phủ thờ đó là Nghi Quốc Công Từ còn gọi là Phủ Ngự Viên, những ngày kỵ giỗ bên nhà cha mẹ, bà đều đến dự.
    Khi rỗi việc bà cho xe đi rước anh em trai và các bà em gái cũng như các vị bên Tôn Nhơn Phủ vào hầu Mạc-Chược, một môn giải trí tao nhã...





    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 1:51 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 301ev06

    Những Ngày Cuối Đời Của..Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Dù có nhiều người hầu cận cũng như bà con lui tới, bà vẫn cảm thấy buồn tẻ vì con bà, ông Bảo Đại ít khi ở lâu trong Đại Nội, và bầy cháu nội của bà, từ trước luôn quấn quít bên bà, nay đã theo mẹ ở thẳng bên Pháp.
    Bà muốn có người thân bên cạnh, vì vậy mà vào năm 1949, bà đã cho xe về nhà thờ cha mẹ ở Ngự Viên, nói với thân phụ chúng tôi:
    -Cậu có nhiều con, cho một đứa về sống với tui (tôi)!
    Bà chọn tôi về sống với bà, thế là hôm đó tôi đã leo lên chiếc xe hơi hiệu Buick (sản xuất năm 1939, do chính phủ Hoa-Kỳ tặng vua Việt Nam) theo bà Từ Cung vào Đại Nội, tôi chỉ sống với bà một thời gian ngắn vì hết hè tôi phải trở về với cha mẹ để đi học ở trường gần nhà.

    Cũng thời gian nầy, bà quy-y với Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết với pháp-danh Trừng Thành, bà say sưa nghiên cứu Phật Pháp và đi chùa thường xuyên, một vị ni sư trước là thứ phi của vua Khải Định, bà phi Tiếp, thường đến thăm bà Từ Cung và đàm đạo về Phật Pháp, hai bà trở thành đôi bạn đạo tương kính, một thứ phi khác của vua Khải Định, bà phi Tân rất thường ở lại chuyện vãn với bà Từ Cung.

    Lịch sử đất nước lại thêm một khúc quanh đau thương: quân đội Pháp thua trận Điện Biên Phủ trước lực lượng Việt Minh, đành chấp nhận Hiệp Định Genève với kết quả lấy vĩ tuyến 17 làm phân ranh cho hai nước Việt Nam, cộng sản ở phía bắc và Quốc Gia ở phía nam. Pháp từ từ rút chân khỏi Việt Nam và Mỹ vào thay, người Mỹ muốn đưa ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về chấp chánh, tại Pháp, ông Diệm đã thề với Nam Phương trước ảnh Chúa Jesus là sẽ tận trung với ông Bảo Đại.
    Bà Nam Phương tin ông Diệm vì hai người là đồng đạo Thiên Chúa Giáo, nên bà Nam Phương đã một mực “nói vào” cho ông Diệm với ông Bảo Đại, ông Diệm cũng thề với ông Bảo Đại và xin ông Bảo Đại yên tâm khi giao ông chức thủ tướng.

    Về nước, sau khi chính quyền trong tay vững chắc, ông Diệm trở mặt với ông Bảo Đại, bày ra trưng cầu dân ý truất phế ông Bảo Đại với câu dặn dò với tính cách áp đặt lên dân chúng với câu “xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì” và ngồi lên ghế tổng thống.

    Ông Bảo Đại ở luôn bên Pháp, Bà Từ Cung không còn lý do gì ở lại trong Đại Nội, dọn ra ở một ngôi nhà hai tầng trên đường Phan Đình Phùng, bờ phía bắc của sông đào An Cựu, ngôi nhà nầy có kiến trúc của Pháp, trông đồ sộ so với những nhà dân chúng xung quanh.

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Xt6hu

    Ngôi nhà của Hoàng Thái hậu Từ Cung
    Cả khu vườn có tường cao trên 2 mét bao bọc, mặt trước có 2 trụ vôi cao hai bên cổng vào.
    Từ ngoài vào, phía bên phải sát với tường thành có một nhà trệt nhỏ ba căn dành cho gia đình ông Thừa Tể, người vừa là tài xế cho bà Từ Cung vừa giúp việc quét dọn lau chùi vật dụng trong nhà, ông Tể còn cho đứa con gái khoảng 10 tuổi luôn kề cận bà Từ Cung để bà sai bảo lặc vặc.
    Khoảng 8, 9 năm sau, gia đình ông Tể xin di chuyển, vợ chồng ông Thừa Thiết thay thế nhiệm vụ ông Tể.
    Một nhà trệt nhiều căn nằm ngay sau ngôi nhà chính gồm một căn dành cho bếp, một căn cho hai người nấu bếp ở, căn tiếp theo là nhà để xe, bên trong có chiếc Buick mà từ khi về đây ở bà Từ Cung không xử dụng đến.

    Về ngôi nhà hai tầng mà bà Từ Cung ở, đi từ ngoài vào cổng chính, giữa sân rãi sõi có một bể cạn lớn, trên có hòn non bộ trồng mấy cây bồ đề, cây cừa, về sau trên non bộ bỗng dưng mọc lên một cây dương liễu, lớn rất nhanh, che phủ cả bể cạn, không ai có ý nhổ đi vì xem như lùm cây che chắn bên ngoài nhìn vào.

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 5jtobb

    Sân vườn nhà của Hoàng Thái hậu Từ Cung
    Sau bể cạn chừng 5 mét là 4 bực cấp vào ngôi nhà hai tầng, nhà quét vôi màu vàng, thoạt trông nhà giống như 3 căn, nhưng bực cấp chỉ kéo dài cho căn bên phải và giữa mà thôi.
    Qua một thềm rộng chừng 2 mét, đến hai khung cửa rộng và cao, cửa sơn màu lục đậm, bên trong trưng bày rất mỹ quan, hầu hết đồ trang trí trong phòng nầy đều là đồ xưa và quý, giữa căn bên phải để một cái bàn dài sơn son thếp vàng với 6 cái ghế bọc vải đặc biệt màu vàng có chạy kim tuyến, chỉ có một cái ghế có hai tay dựa xây lưng vào bức tường trên cao treo bức ảnh vua Khải Định, khoảng 4 tất tây bên dưới ảnh kê một tủ kệ chạm trổ tỉ mỹ, cũng sơn son thếp vàng, trong tủ để những vật quý giá xinh xắn, bên phải tủ nầy là một tủ nhỏ và thấp khãm xà cừ với các hoa văn tỉ mỹ trên để chính giữa là hình bà Từ Cung lúc còn trẻ, bên phải hình bà là hình vua Bảo Đại, bên trái dể hình Hoàng Tử Bảo Long, bên phải cạnh tủ nhỏ nầy có một cửa đi vào một phòng rộng dành cho khách.

    Bên trái kệ lớn để một tủ nhỏ, thấp, khãm xà cừ giống tủ bên phải, tủ nầy có 3 tầng, tầng giữa cao để ảnh vua Bảo Đại mặc quốc phục, tất cả các ảnh trên đề lồng kính và để trong khung ảnh chạm trổ công phu. Phía tường bên phải kê một kệ cao và rộng có nhiều ngăn, cũng sơn son thếp vàng, bên trong trưng bày những báu vật và nhiều hình vua Bảo Đại chụp với các nhà ngoại giao Pháp, Mỹ cũng như với các quan trong triều...



    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 2:13 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 2mx0nj4

    Những Ngày Cuối Đời Của..Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Và bức ảnh lớn của bà Từ Cung lúc còn trẻ, mặc áo triều phục màu vàng thì còn treo
    nhưng bộ trường kỹ khảm xà cừ, bị mấy con mối, mấy con mọt đục khoét hết rùi..
    Thế vào bộ bàn với năm cái ghế nầy chịu hông - hổng chịu cũng phải ráng chịu đi nha.....

    Căn bên phải thông qua căn giữa bằng một vòm cửa rộng và cao, giữa căn nầy để một bộ trường kỹ khảm xà cừ, nhìn lên tường phía trong treo một bức ảnh lớn của bà Từ Cung lúc còn trẻ, mặc áo triều phục màu vàng thêu hình con Phụng ngồi trên ghế sơn son thếp vàng chạm trỗ công kỹ giống như ghế nhà vua nhưng nhỏ hơn, sát tường để hai bàn nhỏ giống như phòng bên trái, trên cũng trưng nhiều bức ảnh bà Từ Cung chụp với vua Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương và các cháu nội, một số hình khác chụp hình bà với các quan trong triều vào các lễ lược ở Đại Nội.

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 160x2dd

    Nhìn tạm bộ trường kỹ này đi, cũng trong nhà của bà
    Hoàng Thái hậu Từ Cung, hiện tại nhà văn hóa của nước xã hội
    chủ nghĩa Việt Nam bán vé cho du khách vào tham quan đó...


    Căn giữa thông với căn còn lại bằng hai khung cửa lớn không có cửa, căn nầy có phần lồi phía sau nên dài hơn hai căn trước với một đoạn của cầu thang lên tầng hai và một phòng nhỏ kế bên, chỗ cho bà quản gia tên Lê Thị Dinh ở và chờ bà Từ Cung gọi là vào ngay. Trong phần lồi nầy để một bàn dài với 8 chiếc ghế, trên để một khay trà lớn với nhiều tách dành cho khách, bàn còn dành để dọn cơm khi có cúng kỵ hoặc các lễ lược khác.
    Trong một góc để một bàn Mạc-Chược có vải phủ kín, khi bà Từ Cung muốn tiêu khiển, gia nhân sẽ để bàn Mạc-Chược cạnh bàn dài, dưới quạt trần.

    Sát với cửa sổ thứ nhất trông ra đường kê một sập gỗ lớn, trên có những chồng gối xếp vuông bọc vải ngủ sắc để bà Từ Cung ngồi tựa tay khi đọc sách. Cách sập gỗ lớn chừng hai mét để một bàn vuông sơn son thếp vàng, trên có một khay trà dành riêng cho bà Từ Cung, cạnh bàn vuông là một sập gỗ khác nhỏ hơn để cạnh cửa sổ thứ hai, trên sập trãi một nệm vải, một chồng gối xếp, đó là nơi bà Từ Cung ngủ...




    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 2:51 am

    Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung,
    Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 2dt8d2

    Đức Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu thường ngồi trên chiếc ghế độc nhất
    để cạnh bàn vuông khi tiếp khách, khách lạ đến thường khi họ không ngồi
    mà chỉ đứng dọc bức tường giữa hai lối đi, khách thường kính cẩn khoanh
    tay hoặc chắp hai tay phía trước khi tiếp chuyện với bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu...

    Mặc dầu lúc đó bà chỉ là cựu Hoàng Thái Hậu, nhưng nhiều người trong chính quyền, những nhà chính trị… thường đến thăm bà và họ tỏ vẻ rất cung kính, trong số đó có các tướng lãnh như ông Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lữ Lan, Tôn Thất Xứng, về sau có các tướng Ngô Quang Trưởng, các tỉnh trưởng Phan Văn Khoa, Lê Văn Thân (sau nầu là thiếu tướng), Tôn Thất Khiên, Nguyễn Hữu Duệ...

    Các vị có chức sắc đó thường tỏ ý muốn giúp đở bà nhưng bà đều khéo léo từ chối, chỉ một lần bà Từ Cung nhận sự giúp đở của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là vào đầu năm 1975 khi ông đề nghị bà nên làm một hầm trú ẩn tránh bom đạn cho bản thân bà và gia nhân, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã cho Công Binh đến làm một hầm lộ thiên khá kiên cố dưới tàn cây táo cạnh căn phòng bên trái ngôi nhà.

    Tầng thứ nhì của ngôi nhà bà Từ Cung cũng chia làm 3 căn giống như bên dưới, căn bên phải và căn giữa để bàn thờ các vị vua Triều Nguyễn từ thời Gia Long đến Khải Định, căn bên trái để bàn thờ Phật, hằng ngày bà thắp hương khắp các bàn thờ các vua và dành nhiều thì giờ nhất để cúng Phật và tụng kinh, bà chỉ ngưng công việc hằng ngày nầy khi bà nằm liệt giường trước khi lìa đời.
    Các vị chức sắc trong Phật giáo thường đến thăm và đàm đạo với bà cũng như cung cấp sách Phật vì lúc nầy sức bà đã yếu, không còn đi chùa như trước, vị ni sư như đã nói trên thường đến với bà Từ Cung nhiều hơn, có khi ở lại vài ngày, hai bà đàm đạo và giúp nhau tinh tấn việc tu. Lúc mới về ở đây bà phát nguyện ăn thập trai (ăn chay 10 ngày mỗi tháng), vài năm sau bà đã phát nguyện ăn chay trường trai, đó là điều mà em trai bà (thân phụ của người viết bài nầy) rất lo ngại cho sức khỏe của bà, vì bà thường đau yếu; ông trở thành thầy thuốc (thuốc bắc) riêng của bà từ ngày bà về đây...
    Tết Mậu Thân 1968, việt cộng tấn công Huế, bà Từ Cung may mắn ở khu vực an toàn, sau khi biết một số rất đông dân chúng Huế và phụ cận đã bị việt cộng giết cũng như bắt đi thủ tiêu nơi phương xa, bà đau buồn khôn xiết và ngày đêm cầu nguyện cho hương hồn các nạn nhân xấu số.

    Năm 1972, phía bên cộng sản bắc việt tấn công miền nam diễn ra cảnh Đại Lộ Kinh Hoàng trên đường từ Quảng Trị vào Huế, dân chúng từ Quảng Trị, Đông Hà hợp với nhiều người dân ở Huế và tỉnh Thừa Thiên chạy vào Đà Nẵng và các tỉnh miền nam vì họ đã quá kinh nghiệm đau thương về Tết Mậu Thân khi việt cộng thảm sát hàng ngàn lương dân vô tội.
    Vài người đã khuyên bà Từ Cung nên vào Đà Nẵng hoặc Sài Gòn để tránh bom đạn hoặc những bất trắc có thể xẩy ra, bà nói cảm ơn và một mực khước từ. Bà nói:

    - Bây giờ tôi tham sống sợ chết, bỏ dân ở đây mà đi, tôi đâu còn xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ, đồng bào cả nước còn xem tôi ra gì nữa?


    Trong thời Ngô Đình Diệm và các vị tổng thống quân nhân, bà Từ Cung đều được chính phủ trợ cấp một ngân khoản, dù không nhiều, nhưng cũng tạm đủ để trả những chi phí về gia nhân phục vụ, còn những khoản chi tiêu khác thì bà phải bán dần những vàng bạc, nữ trang để trang trãi. Có lúc bà đã phải gởi tiền sang Pháp giúp ông Bảo Đại....


    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 3:05 am

    Những Ngày Cuối Đời Của Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 2920g49

    Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu và bà Mộng Điệp đến thăm một
    xóm Thượng ở gần hồ Lak Ban Mê Thuột. (ảnh tư liệu của bà Mộng Điệp)..

    Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, một khúc quanh nghiệt ngã cho đất nước Việt Nam: quân cộng sản bắc việt tràn xuống xâm chiếm miền nam, trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì nhận lệnh trên di tản dù chưa đụng độ với địch.
    Quảng Trị đã lọt vào tay cộng sản bắc việt. Sân bay Phú Bài bị việt cộng pháo kích nhiều ngày hư nát, không còn xử dụng được nữa, dân chúng Huế vận dụng mọi phương tiện có được để tản cư vào Đà Nẵng, đèo Hải Vân chật nức đủ các loại xe.
    Đường sá ở Huế vắng teo, chỉ có những chiếc quân xa di chuyển lẻ tẻ, chợ Đông Ba không một bóng người, rác rến và thậm chí cả đồ dùng và ghế, bàn của những người vội vã chạy nạn rơi gãy nát vung vãi trên đường Trần Hưng Đạo, đường chính của phố Huế...


    Ngày 25 tháng 3 năm 1975- Tiểu Đoàn 1 Quân Y chúng tôi trên đường di tản đã được lệnh rời Dạ Lê và tạm dừng chân tại Bệnh Viện Trung Ương Huế, từ đó chúng tôi có thể nghe những tiếng đạn pháo kích liên hồi của việt cộng bắn vào những vùng phụ cận thành phố Huế.
    Trong khi chờ đợi lệnh trên, người viết bài nầy đã lái xe Jeep về hướng An Cựu, đậu bên vệ đường, giao xe cho anh tài xế và vào nhà thăm bà Từ Cung.
    Nghe tiếng giày lính bước lạo xạo trên sõi trong sân, bà quản gia của bà Từ Cung chạy ra vừa kéo tay tôi vừa nói:

    -Cậu vào đây đi, bà đang ở trong hầm trú kìa.

    Tôi gỡ chiếc nón sắt xuống cầm tay, cúi đầu bước vào khung cửa thấp của hầm trú, dù với ánh sáng từ bóng điện nhỏ từ bình ac-quy, tôi nhận ra ngay cô ruột tôi đang ngồi trên một chồng gối kê trên chiếu, tôi chào bà:

    -Thưa Đức Cô, cháu là thằng Định đây!

    Bà mừng rỡ kéo tay tôi ngồi xuống cạnh bà, rồi bà thân mật vuốt đầu tôi như trước đây bà vẫn làm mỗi lần tôi đến thăm bà.
    Tôi nói:

    -Thưa Đức Cô, cháu có đem theo đến đây một số gạo, thịt hộp cũng như hộp trái cây, hy vọng Đức Cô và cả nhà có thể xử dụng được thời gian trong tình trạng lộn xộn như bây giờ.

    Bà Từ Cung lại xoa đầu tôi, bà nói:

    -Giai đoạn dầu sôi lữa bỏng như ri (thế này) mà cháu còn nghỉ tới cô thì thật là quý lắm.

    Bà ngừng một chốc rồi kéo tay tôi:

    -Con ơi! Hay là con ở lại đây với cô, họ không làm gì con mô (đâu)!

    Vô cùng cảm động về sự lo lắng của bà về sự an nguy của tôi, tôi ôm lấy vai bà, một hành động mà từ trước tôi không bao giờ dám làm, thân hình bà gầy hơn trước rất nhiều vì ở tuổi tác 85, và nhất là vì luôn buồn nhớ đến đứa con độc nhất cùng bầy cháu nội đã bao lâu rồi xa cách. Tôi nói:

    -Thưa Đức Cô, trong tình thế nầy con cũng muốn được ở bên cô, để săn sóc cô, nhưng con đang còn trong quân đội.

    Tôi quay sang các gia nhân của bà:

    -Xin các bà phụ một tay với anh tài xế của tôi mang tất cả đồ vật trên xe vào nhà càng nhanh càng tốt, tôi còn phải đi gấp.

    Trong khi gia nhân khuân vác đồ vật vào nhà, tôi vân vê bàn tay gầy guộc của bà, lòng xúc động:

    -Thưa Đức Cô, bây giờ con phải đi cho kịp với đơn vị.

    -Nhớ giữ gìn nghe con, cô luôn cầu nguyện cho con được bình an.

    Rồi bà níu vai tôi cố gắng đứng dậy, đi song song với tôi tới cửa hầm trú, tôi cầm hai tay bà lần nữa rồi đi nhanh ra xe.



    Sáng ngày 26 tháng 3, Huế hoàn toàn giải phóng.

    Rồi những ngày tiếp theo Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… lần lược cũng đã giải phóng., không còn cách nào vào Sài-Gòn, tuyệt vọng, gia đình tôi rời Đà Nẵng trở lại Huế..




    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 3:25 am

    Những Ngày Cuối Đời Của Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 107rqk6

    Đức Từ Cung là vợ vua Khải Định và cũng là người duy nhất
    trong số 12 người vợ có con trai là hoàng đế Bảo Đại say này..

    Ngày hôm sau, tôi đạp xe đến thăm bà Từ Cung, không giống mọi khi, hôm đó bà tiếp khách tại gian giữa, khách lại là những người rất lạ, họ từ Hà-Nội vào phỏng vấn vị Hoàng Thái Hậu cuối cùng của Nhà Nguyễn, bà Từ Cung ngồi chính giữa ghế trường kỷ, ba người phỏng vấn để dụng cụ thâu âm trên bàn gồm một microphone gắn từ cassette.
    Họ hỏi bà về sinh hoạt hằng ngày của bà, bà trả lời là mọi ngày bà chỉ đọc sách Phật và tụng kinh, khi hỏi về Cựu Hoàng Bảo Đại, bà thản nhiên trả lời rằng đã từ lâu bà mất liên lạc với con trai độc nhất của bà.
    Cuối cùng họ mới hỏi về sức khỏe của bà mà đáng ra họ phải lịch sự hỏi bà ngay từ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bà cười rồi nói:

    -Các ông coi (xem) 85 tuổi rồi làm sao mà mạnh cho được, có điều nhờ Phật phò hộ tôi vẫn khỏe.


    Khi họ đang bước xuống bậc thềm, bà quay lại nhìn thấy tôi, mặt bà sáng hẳn lên, tôi đến cầm tay bà, bà hỏi:

    -Con về đó à?

    Họ có bắt con không?

    -Thưa Đức Cô, họ không bắt con, nhưng rồi đây con sẽ phải đi trình diện với họ và con sẽ bị buộc đi cải tạo.

    -Con là bác sĩ cứu người, làm gì mà phải đi cải tạo?

    Bà bảo tôi ngồi gần bà rồi kể chuyện những ngày cộng sản tràn vào Huế, bà nói:

    - Nghe súng đạn liên hồi, cô lo cho con quá, cô ngày đêm cầu Phật độ trì cho con, lúc họ mới tràn vào Huế, cô có viết một thư đến Ủy Ban gì đó của họ để yêu cầu họ tìm con và thằng Độ giúp cô.

    Trung Tá Hoàng Trọng Độ là em họ của tôi, người đã từng là quận trưởng quận Phú Lộc.
    Tôi xúc động về sự quan tâm và thương mến của bà đối với mình, chỉ biết xoa mãi bàn tay nhăm nheo gầy guộc của bà trong tay mình. Không ngờ rằng hôm đó là lần cuối cùng được bên bà Từ Cung, vì mấy ngày sau tôi phải đi trình diện với uỷ ban quân quản địa phương và bị đưa đi tù suốt 10 năm trường.

    Từ sau khi cộng sản chiếm miền nam, bà Từ Cung không còn được nhận một khoản tiền hằng tháng như các chính quyền trước đó vẫn làm, dù số gia nhân đã giãm hơn trước nhiều, chi phí có ít đi, nhưng vẫn không đủ trang trãi, bà phải bán nhiều hơn số vàng bạc, của cải còn lại, các vật trang trí quý giá trong các tủ như đã kể trên ngày qua ngày… từ từ biến mất.

    Đến năm 1979, bà Từ Cung tổ chức lễ thượng thọ cửu tuần (90 tuổi) cho mình, các vị chức sắc Phật Giáo, nhiều người trong Phủ Tôn Nhơn và các gia đình anh chị em bà đều đến mừng bà, ban tổ chức phải cho che vải làm rạp trước nhà mới đủ chỗ...

    Một tuần sau buổi lễ thượng thọ của bà Từ Cung, chính quyền Huế đã phái 3 người đến nhà bà, lấy cớ là để chăm sóc sức khỏe cho bà, nhưng kỳ thật họ đến kiểm kê tài sản của bà, vì họ thấy một lễ thượng thọ tổ chức rầm rộ và tốn kém như vậy hẵn là bà Từ Cung còn nhiều vàng bạc và của cải quý giá lắm.
    Trong số 3 người cán viên cộng sản, chỉ có một người là y tá, họ ở hẵn trong nhà bà Từ Cung, đến bữu cơm họ thay phiên nhau đi ăn, tối chia nhau ngủ những nơi mà họ nghĩ là cất dấu của cải vàng bạc....




    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 3:29 am

    Những Ngày Cuối Đời Của Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 1z222k2

    Đức Từ Cung ra sân bay đón cựu Hoàng Bảo Đại ..

    Những người cách mạng họ ngang nhiên đi lại, nằm ngồi bất cứ nơi nào họ muốn dụng ý chọc cho bà tức giận, họ còn căn vặn bà đủ điều về sự liên lạc giữa bà và vua Bảo Đại, họ cũng chất vấn tất cả gia nhân của bà về mọi thứ để cô lập và tạo sự bất an cho bà, bà biết họ muốn bà chết sớm đi để cướp tài sản của bà, họ ép bà uống thuốc mà họ gọi là thuốc bổ, nhưng bà cho đó là thuốc độc để giết bà, có lần quá bực bội và lo sợ bà đã phải thốt lên:

    -Xin các ông đừng giết tui, tui có còn chi nữa mô (đâu)!


    Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu đã chịu đựng cảnh bị cô lập, dọ thám, chất vấn đầy dọa dẫm suốt hơn năm trường, ăn không yên, ngủ không được, thể lực bà sa sút dần dần, thân phụ tôi đến thăm bà thường xuyên hơn để an ủi bà và cũng để chăm lo sức khỏe cho bà.
    Thế rồi bà Từ Cung nhuốm bệnh sau nhiều ngày khốn khổ, bà biết rằng bà sẽ không còn sống lâu được nữa, một hôm bà cho mời các vị đứng đầu Phủ Tôn Nhơn, bà Lương Linh Công Chúa, và thân phụ tôi đến gặp bà, bà nói:

    -Tôi cảm kích tấm lòng của mọi người đến đây với tui.

    Bà ngừng lại một lúc rồi tiếp:

             -Không ai lột da sống đời, ai rồi cũng có ngày ra đi…

             Bà xúc động thật sự, tiếng nói của bà tắc nghẹn ở cổ họng, sau khi uống vài ngụm nước, bà nói lớn hơn để lấy can đảm:

             -Bởi vậy nên hôm nay tui mời mọi người đến đây để giúp tui làm công việc mà bây giờ tui còn đủ sức làm được, đó là viết chúc thư.

             Ông Tôn Thất Hàn, chủ tịch Phủ Tôn Nhơn, lên tiếng:

             -Tâu Đức Bà, chúng tôi luôn bên cạnh Đức Bà, xin Đức Bà chỉ dạy!

             Bà Từ Cung nói:

             -Bây giờ có đủ cả mọi người, bên Tôn Nhơn, mệ Sen và bên Phủ Nghi Quốc Công, tui có thảo một chúc thư đưa các vị xem và bổ túc, đồng thời nhờ các vị làm nhân chứng…



    3 người của nhà nước cách mạng phái đến ngồi ở trường kỹ căn giữa đang chú ý lắng nghe diễn biến buổi họp quan trọng.
    Bà Từ Cung lấy dưới gối một vở tập lật trang đầu ra trưng cho mọi người xem rồi đưa cho ông Tôn Thất Hàn bảo ông đọc cho mọi người nghe, khi ông Hàn đọc xong, mọi người im lặng, bà Từ Cung rút từ lớp giữa gối xếp một gói giấy nhỏ, từ từ mở ra, đó là các tấm vàng lá, bà lặng lẽ đưa cho ông Hàn, và thân phụ tôi mỗi người 2 lượng vàng, mọi người chưa hiểu ý thì bà xuống giọng nói nhỏ vừa đủ cho những người ngồi gần nghe, bà nói:

    -Để lo hậu sự cho tui!
    (Hậu sự nghĩa là mọi việc trong tang lễ sau khi bà qua đời)



    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 4:09 am



     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 14kwepu

    Những Ngày Cuối Đời Của Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung..

    Mọi người im lặng nhìn bà Đức Từ Cung mà thán phục, không ngờ ở tuổi 90, bà vẫn còn sáng suốt và đã tính trước mọi chuyện, nhất là tránh được tai mắt của 3 người lạ trong nhà đang làm công việc theo dõi mọi hành động của bà mà bà thường nhí nhỏm gọi họ là “đồ mật thám”.

    Mọi người thấy nội dung tờ chúc thư không có điều gì để bàn bạc sửa đổi, bà cho gọi bà Lê Thị Dinh ở bếp lên, viết lại chúc thư và mọi người ký tên, chúc thư đã được chép thành nhiều bản, bà Từ Cung một bản, Tôn Nhơn Phủ, mệ Sen, thân phụ tôi mỗi người giữ một bản với đầy đủ chữ ký.

    Năm 1985, sau khi ra khỏi nhà tù, người viết bài nầy được thân phụ cho xem bản chúc thư của bà Từ Cung, nội dung như sau:


    Huế, ngày…tháng 8 năm 1980

    CHÚC THƯ

    Tôi là Hoàng Thị Cúc, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, trước khi về với Phật và Liệt Thánh (*), trong tình trạng minh mẫn, tôi viết chúc thư nầy với những điều khẩn thiết cuối cùng của tôi như sau:

    -Sau khi tôi qua đời, xin được tiến hành tang lễ theo nghi thức Phật Giáo.
    -Thân xác tôi xin được chôn cất trong lăng của tôi đã lập sẳn tại Làng Xuân Dương Xã Thủy Xuân Thành Phố Huế.
    -Xin cho Tôn Nhơn Phủ và bà con của tôi được thờ phụng tôi tại tầng thứ nhất trong căn nhà tôi đang ở tại đường Phan Đình Phùng.
    -Xin giữ nguyên tầng hai nhà tôi đang ở với các bàn thờ các vua nhà Nguyễn...

    Những mong các điều nêu trên được thực hiện, tôi thật mãn nguyện vô cùng.
    Di chúc nầy được chép thành 5 bản, những nhân chứng ký tên dưới đây giữ một bản, thư ký Lê Thị Dinh giữ một bản cho tôi.
    Đoan Huy Hoàng Thái Hậu
    Hoàng Thị Cúc (ký)

    Chủ Tịch Tôn Nhơn Phủ Nghi lễ của Tôn Nhơn Phủ
    Tôn Thất Hàn (ký) Ưng Giáp (ký)

    Lương Linh Công Chúa Em trai Hoàng Thái Hậu
    (ký) Hoàng Trọng Đồng (ký)

    Thứ ký Lê Thị Dinh (ký)
    (*)Liệt Thánh: chỉ các vị vua Nhà Nguyễn....


    Một thời gian ngắn sau khi viết chúc thư, Đức Từ Cung không còn muốn ăn uống, ngày đêm chỉ tụng kinh niệm Phật, sức khỏe bà suy sụp nhanh chóng.
    Các vị trong Tôn Nhơn Phủ lo việc nhắn tin cho hai người cháu nội của bà là Bão Ân và Phương Minh đang sống ở Sài-Gòn, Bão Ân và Phương Minh là con của vua Bảo Đại với bà phi Phi Ánh, Bão Ân có khuôn mặt giống vua Khải Định và Phương Minh thì giống vua Bảo Đại như hệt.
    Hai cháu nội được gần gũi bà một thời gian ngắn khi bà nằm liệt giường, hơn tuần lễ sau, vào ngày 3 tháng 10 năm Canh Thân tức 10 tháng 11 năm 1980 bà Từ Cung lìa đời.
    Ba người của nhà nước ở trong nhà bà Từ Cung mà bà thường
    gọi là “ba tên mật thám” đã lấy bản di chúc trong tay bà Lê Thị Dinh và trình lên cấp trên, họ đã để yên cho tang gia thực hiện những điều mong ước của bà Từ Cung đã ghi trong chúc thư....



    hoalucbinh
    hoalucbinh


    Tổng số bài gửi : 2852
    Join date : 15/06/2012

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by hoalucbinh Wed Oct 28, 2015 5:01 am

    Những Ngày Cuối Đời Của Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung..

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Vg4j95

    Hoàng tộc nhà Nguyễn với Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu,
    Vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu
    (Nguồn ảnh – Internet)

    Bà Lê Thị Dinh người hầu cận Đức Từ Cung hơn 60 năm đã kể: “Ngày ấy căn nhà số 79 Phan Đình Phùng, nơi Từ Cung Thái hậu sống đã có điện thắp sáng, không phải sử dụng đèn dầu.
    Trong nhà có một phủ thờ rất nghiêm trang.
    Tôi được Đức Từ giao nhiêm vụ trông coi, dọn dẹp phủ thờ ấy.
    Tôi nhớ hồi đó Đức Từ luôn yêu cầu có nến sáng trên phủ thờ.
    Nghĩ là làm thế cốt chỉ để có ánh sáng, tôi đi mua 2 cái đèn điện về để thắp trên phủ thờ, nhưng Đức Từ thấy thế thì kiên quyết đòi bỏ đi và thay bằng nến.
    Ngài bảo dùng để chiếu sáng bình thường thì dùng đèn điện được, nhưng riêng đèn thắp trên phủ thờ thì nhất định phải là nến”.



    Những ngày cuối cùng cô đơn trong cuộc đời Hoàng Thái hậu cuối cùng

    Hầu cận Đức Từ, có một số nguyên tắc mà Ngài nhất định yêu cầu tôi tuân theo.
    Một trong những nguyên tắc đó là mặc áo dài cả đêm lẫn ngày. Ngài không đồng ý cho chúng tôi xuất hiện với một bộ y phục xộc xệch trước mặt Ngài.

    Vì thế dù là khi hầu hạ bữa ăn của Ngài, hay khi quét sân, hay lúc nằm ngủ, tôi vẫn mặc áo dài, bất chấp mùa hè xứ Huế nóng thế nào đi chăng nữa. Ban đêm, nhiều khi Đức Từ cần tôi việc gì đó và gọi tôi, tôi luôn xuất hiện trước mặt Ngài rất chỉn chu, nghiêm túc.

    Bản thân Đức Từ cũng vậy, sau này Ngài chỉ mặc áo dài may bằng lụa tơ tằm chứ không mặc hoàng phục nữa.
    Ngài luôn xuất hiện trong bộ áo dài mỗi sáng thức dậy và chỉ cởi nó ra để thay bộ đồ mát trước khi đi ngủ.
    Cái đó đã thành thói quen của Ngài cho đến tận khi ngài mất.
    Là người phục vụ Ngài hơn 60 năm, nên đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen mặc áo dài mỗi khi đi ra ngoài hay khi tiếp khách.
    Những lúc đó tôi luôn nhớ đến sự nghiêm khắc, chỉn chu của Đức Từ trong việc mặc y phục hàng ngày”.

    Những ngày cuối đời, điều Từ Cung Thái hậu đau lòng nhất chính là sự thay đổi của Vua Bảo Đại.
    Lúc này Bảo Đại đã sống với cô hầu phòng người Pháp (?) và hoàn toàn bị người đàn bà này kìm kẹp.
    Bao nhiêu năm xa cách, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn chưa một lần tìm cách gửi thư về để hỏi thăm mẹ mình ở Huế.
    Đó là những điều khiến Từ Cung Thái hậu buồn và đau lòng nhất trong những năm tháng cuối đời.

    Năm 1980, sức khỏe của Từ Cung Thái hậu ngày càng yếu đi, tuy nhiên bà vẫn minh mẫn, tỉnh táo cho đến lúc mất.
    Những ngày tháng cuối đời, Từ Cung Thái hậu chỉ ao ước duy nhất một điều là được một lần gặp lại Vua Bảo Đại – người con trai duy nhất của bà, gặp lại Mộng Điệp – người con dâu mà bà yêu quý, và gặp lại các hoàng tử, công chúa con Vua Bảo Đại – những đứa cháu nội của bà...

    Và điều đang nói là Vua Bảo Đại mất sau Từ Cung Thái hậu 7 năm, nhưng trong suốt 7 năm đó ông cũng chưa một lần hỏi thăm về sự ra đi của mẹ mình...

    Số tiền Từ Cung Thái hậu để lại chỉ đủ để những người hầu cận lo ma chay cho đám tang của bà.
    Thứ phi Mộng Điệp ở Pháp nghe tin cũng phải đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xin gửi tiền về tổ chức tang lễ cho bà.
    Cuộc đời của Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn kết thúc trong nỗi buồn khôn tả...

     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà 295s3fm

    Bà Lê Thị Dinh người cung nữ trung thành nhất của Từ Cung Thái hậu

    Bà Lê Thị Dinh nói: “Theo tôi, điều khiến hương hồn Đức Từ an ủi nhất đó chính là Ngài luôn có được sự yêu mến, kính trọng của nhân dân, kể cả khi nhà Nguyễn đã suy vong.
    Lúc còn sống, dù là Hoàng Thái hậu hay trở về với cuộc sống đời thường, Ngài cũng nổi tiếng là người nhân hậu, thương yêu dân chúng, luôn giúp đỡ những người khó khăn..

    Đám tang của Đức Từ, hai cháu nội cũng như bà con thân thuộc của bà Từ Cung đều đến đông đủ và tổ chức chu đáo mọi việc theo nghi thức tang lễ cung đình.

    Các vị chức sắc trong Phật Giáo đã tiến hành thủ tục nhập liệm theo nghi thức Phật Giáo dưới sự chứng minh của sư bà Diệu Không với sự hộ niệm cùng các vị trụ trì cùng tăng, ni các chùa ở Huế cũng như các tỉnh miền nam ra Huế, các vị còn luân phiên tụng niệm cho bà suốt thời gian tang lễ cho đến ngày đưa đám nhằm ngày 10 tháng 10 năm Canh Thân tức ngày 17 tháng 11 năm 1980.
    Hôm đó trời mưa như trút nước, lễ đưa linh cữu của bà Từ Cung vẫn tiến hành như đã định, hai bên đường từ ngôi nhà bên đường Phan Đình Phùng cho đến lăng mộ của bà đều đông nghẹt người dân Huế và các nơi khác đến dù trời mưa không dứt.
    Đặc biệt xe tang của bà Từ Cung được kết xung quanh với hình con phụng với những hoa văn rất đẹp, tất cả đều được làm bằng trái cây do tất cả tiểu thương chợ Đông Ba đóng góp dựng nên.
    Mỗi khi quan tài bà Từ Cung ngang đến đâu, dân chúng đều chắp tay vái bà với lòng tôn kính và đầy thương tiếc một vị mẫu nghi thiên hạ.

    Sau khi Bà mất, người dân gọi Bà là Đức Từ để tưởng nhớ sự nhân từ, đôn hậu của Bà..

    Vì công đức lớn lao của Bà đối với nhà Nguyễn, với Phật giáo ở miền Trung, với làng quê Mỹ Lợi của bà nên bà đã được tôn vinh là Từ Cung hay Đức Từ...





    Hoàng Thế Định


    Sponsored content


     Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà Empty Re: Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung Và Những Ngày Cuối Đời Của Bà

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Wed May 01, 2024 8:11 pm